Chương trình bảo hiểm y tế còn rất nhiều vô lý và bất công

Ðỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Theo thông tư của liên bộ Tài chánh-Y tế thì đối với các trường hợp khám chữa bệnh tự chọn dịch vụ, có nghĩa là ngoài giờ, hay vượt tuyến tại các bệnh viện, nếu bệnh nhân được hưởng bảo hiểm và có đầy đủ hóa đơn theo quy định thì sẽ được cơ quan bảo hiểm thanh toán lại. Tuy nhiên qua báo chí thì rất ít người được hưởng quyền lợi này do họ không biết hoặc do bị làm khó dể.

HospitalPatient200.jpg
Bệnh nhân xếp hàng tại một bệnh viện. RFA PHOTO

Ông Nam, một công nhân viên ở Saigon, có bảo hiểm y tế và rất quan tâm đến sự hoạt động của loại hình này, cho đài chúng tôi biết thêm chi tiết về vấn đề bảo hiểm y tế, cũng như việc người dân được chữa trị ra sao tại các y viện. Ngoài ra, một người dân Thủ Đức cũng cho biết, ở Việt Nam ít thấy ai sử dụng bảo hiểm y tế.

Ðỗ Hiếu: Trước hết xin ông cho biết sơ lược về chương trình bảo hiểm y tế hiện giờ?

Ông Nam: Sang năm luật bảo hiểm y tế mới được áp dụng rộng rải tại Việt Nam. Cho đến nay chỉ những công nhân viên, những người làm việc cho cơ quan, xí nghiệp mới được hưởng quỹ bảo hiểm y tế.

Trong tương lai, dịch vụ xã hội này sẽ được mở rộng cho tất cả mọi người dân, tức là những ai có đóng tiền thì đều được hưởng đầy đủ quyền lợi, được chăm sóc sức khỏe theo đúng quy định. Tuy nhiên, hiện nay chương trình bảo hiểm y tế vẫn còn rất nhiều sự vô lý và bất công.

Ðỗ Hiếu: Ông vừa nói về một số hiện tượng tiêu cực, bất công trong dịch vụ bảo hiểm y tế, vậy xin ông giải thích thêm?

Ông Nam: Trước đây thì quỹ bảo hiểm y tế có dư, cho nên các quan chức nhà nước quyết định gởi ngân khoản đó vào tiết kiệm, nhưng gần đây thì quỹ lại thiếu hụt vì phải chi phí quá nhiều cho việc bồi hoàn tiền cho các thân chủ.

Hậu quả là đã có sự hạn chế về thuốc men, để tránh bị lỗ lã các bệnh viện áp dụng biện pháp cấp thuốc nhỏ giọt. Hơn nửa, những quyền lợi bảo hiểm y tế, mà người bệnh được hưởng bị dân chúng xem là thiếu công bằng, áp dụng không đồng đều đối với mọi người.

Ðỗ Hiếu: Theo ông thấy thì khi người bệnh tới xin chữa trị nơi bệnh viện công hay tư, thì có sự phân biệt đối xử nào không?

Ông Nam: Tại bệnh viện công, trên giấy tờ thì đóng ít tiền hơn, nhưng khi cần phải đóng thêm những khoản phụ phí khác, không có trên giấy tờ thì cũng ngang với bệnh viện tư.

Tại bệnh viện tư thì người dân được chăm sóc chu đáo, đặc biệt hơn, ngày nay dân chúng ở thành phố, nhờ có cuộc sống cao hơn, nên họ thích lui tới bệnh viện tư, vì tin chắc rằng họ được phục vụ đúng mức xứng đáng với túi tiền của mình.

Trước đây, dười thời bao cấp, mỗi khi người dân đau yếu và cần vào y viện nhà nước thì họ có cảm tưởng là mình đi vào đó để xin xỏ, chứ không phải được chăm sóc sức khỏe.

Ðỗ Hiếu: Thưa ông, báo chí đưa tin rằng, khám bệnh dịch vụ được bảo hiểm y tế chi trả sau đó, mặc dù vậy có rất ít người biết đến quyền lợi này, ông nghĩ sao về vấn đề đó?

Ông Nam: Thí dụ, một số bệnh viện lấy lý do là họ thiếu thuốc để cấp cho bệnh nhân. Người bệnh phải chạy mua thuốc thang bên ngoài, và đây là những loại thuốc ngoài danh mục cho nên bảo hiểm y tế không thể bồi hoàn.

Kế đó, bà Thanh ở Thủ Đức kể với phóng viên đài chúng tôi rằng, bà ít thấy ai sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, mỗi khi đến khám bác sĩ họ luôn dùng tiền mặt.