Phương Anh, phóng viên đài RFA
Vào ngày 22 tháng 3 vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh, một cuộc hội thảo về “Tuyên truyền đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, gắn máy” do Mặt Trận Tổ Quốc VN TPHCM phối hợp với Ban An Toàn Giao Thông thành phố tổ chức, nhằm đưa ra vấn đề thực thi qui định đội mũ bảo hiểm 100% ở các con đường tại TPHCM.

Vấn đề này lại gây nhiều tranh cãi vì có nhiều ý kiến trái ngược hẳn nhau. Theo số liệu của sở Cảnh Sát Giao Thông TPHCM công bố thì có đến 70% người dân phản đối việc đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường. Riêng việc chấp hành luật đội mũ bảo hiểm trên các tuyến đường đã có biển báo qui định thì hiện nay ra sao?
Thực sự, người dân có tuân thủ hay không? Ý thức của người dân như thế nào và việc kiểm tra đã phát sinh vấn đề gì? Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này xin gửi đến quí vị những chi tiết liên quan đến việc đội mũ bảo hiểm tại các tuyến đường đã qui định ở TPHCM.
Chấp hành quy định
Theo lời của ông Khuya, một viên sĩ quan phòng cảnh sát giao thông TPHCM, thì việc chấp hành đội mũ bảo hiểm trên các tuyến đường qui định của người dân rất thấp, ông cho hay:
“Vấn đề đội mũ bảo hiểm trên các tuyến đường có biển báo thì ở TPHCM có 18 tuyến đường, thế nhưng, nói chung những người chấp hành những điều này thì rất thấp, chỉ có mỗi tuyến quốc lộ 52, từ cầu Sàigòn đi Đồng Nai, thì tỉ lệ tương đối cao, đạt được 80 đến 85%, còn những chỗ khác thì rất thấp, 50%, có khi có những tuyến đường chỉ đạt 20% mà thôi.”
Cũng theo lời ông cho biết, kể từ khi có chiến dịch bắt phạt những người đi xe không có mũ bảo hiểm thì lại nảy sinh một nghề mới của dân lao động. Đó là nghề cho thuê mũ bảo hiểm cho những ai không có mũ, nhằm mục đích đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông. Ông nói: "Hồi năm ngoái, phòng Cảnh Sát Giao Thông có mở một cao điểm, bố trí nhiều chốt trên các tuyến trên quốc lệ để xử lý những người không đội mũ. Từ việc lập chốt ấy lại nảy sinh cái vụ cho thuê mũ, để đối phó với cảnh sát giao thông khi qua chốt…
Vấn đề đội mũ bảo hiểm trên các tuyến đường có biển báo thì ở TPHCM có 18 tuyến đường, thế nhưng, nói chung những người chấp hành những điều này thì rất thấp, chỉ có mỗi tuyến quốc lộ 52, từ cầu Sàigòn đi Đồng Nai, thì tỉ lệ tương đối cao, đạt được 80 đến 85%, còn những chỗ khác thì rất thấp, 50%, có khi có những tuyến đường chỉ đạt 20% mà thôi.
Hiện nay lực lượng cơ độngtrên đường, phát hiện để xử lý thì không còn tình trạng cho thuê mũ, nhưng tình trạng này nếu lập chốt thì lập tức lại phát sinh ngay, có một số người có dịch vụ thuê mũ gần các trạm chốt của cảnh sát giao thông.”
“Đạo quân” cho thuê mũ bảo hiểm
Để tìm hiểu thêm về việc cho thuê mũ của những người làm nghề này, Phương Anh đã cố gắng liên lạc với chị Tuyết, nhà ở Biên Hòa, hiện đang bám trụ ở trạm Ngã Ba Cát Lái. Được biết, mỗi ngày, hai mẹ con chị từ Biên Hoà đi xe Honda về đến Ngã Ba Cát Lái và đứng sẵn ở đó để đón những người không có mũ bảo hiểm. Chị cho hay rằng, hai mẹ con chị mỗi ngày kiếm được cũng vài chục ngàn, chị nói:
“Cũng không bao nhiêu, vài chục, đủ sống thôi, chỗ nào có công an thì chạy tới, công an đứng đâu thì chaỵ tới đó. Công an cũng biết, nhưng nhiều lúc họ cũng giả lơ, vì mình cũng không làm chuyện gì xấu, mình chỉ cho mướn thôi. Nói chung, nếu có chiến dịch, truy quét những người không đội mũ bảo hiểm, thì bị phạt năm chục…”
Cũng theo lời chị cho hay, trong "đạo quân" cho thuê mũ bảo hiểm, mỗi người phải có chừng mươi cái trở lên, và dĩ nhiên, các mũ bảo hiểm cho thuê chỉ là loại mũ bảo hộ lao động, giá chỉ từ 15 đến hai chục ngàn một cái, chị nói tiếp: "Em có hai chục cái, nhiều người cho mướn lắm, chứ không phải một mình tôi…Tùy theo, mấy ông xe ôm thì có hai, ba cái…Hai mẹ con em thì có hai chục cái.. Cho mướn nón bảo hộ thôi, nón xịn không dám cho mướn, có 15 ngàn một cái thôi.
Công an đứng đằng trước, thì mình đứng đằng sau, ngoắc mấy người không có mũ cho mướn, 5000 qua khỏi công an, nón thì dán tem đằng trước hết để làm dấu, rồi đi qua thì có người lấy về…Trường hợp mất nón hay chạy luôn thì thường lắm, phải chấp nhận thôi, mất hoài, ngày nào cũng mất, nhiều xe mình chạy đâu có lại họ.
Nói chung, một ngày kiếm bẩy chục, 100 ngàn cũng có, năm chục cũng có, hoặc không có đồng nào cũng có, chẳng hạn như bữa nay, không có đồng nào mà còn lỗ tiền xăng, chạy vòng vòng hoài mà “bắt” không được mối nào.”
Một phụ nữ khác, tên Giang, cũng bám trụ ở Ngã Ba Cát Lái này cho hay: "Người ta không có nón, mình đứng cho thuê, qua khỏi công an thì 5000 một cái…công an biết nhưng mà họ đâu biết ai cho thuê đâu.
Họ hay đứng ở Ngã Ba Cát Lái nên em cho thuê thôi, còn chỗ khác thì em không đi theo…Mình đội một cái, đưa cho người ta một cái, rồi mình lên xe, đi theo với người ta...nên không mất được..”
Vừa đón khách, vừa dòm chừng công an
Công an đứng đằng trước, thì mình đứng đằng sau, ngoắc mấy người không có mũ cho mướn, 5000 qua khỏi công an, nón thì dán tem đằng trước hết để làm dấu, rồi đi qua thì có người lấy về…Trường hợp mất nón hay chạy luôn thì thường lắm, phải chấp nhận thôi, mất hoài, ngày nào cũng mất, nhiều xe mình chạy đâu có lại họ.
Riêng bản thân chị, vì chỉ có một mình, nên cho thuê mũ khá vất vả, vừa phải canh chừng đống mũ bảo hiểm của mình, vừa phải đón khách, lại vừa phải dòm chừng công an, chị kể: "Cũng phải đứng canh, thấy công an thì phải chạy, nên đâu có bắt được…Hồi đó thì một ngày kiếm mấy trăm, còm bây giờ thì khoảng một trăm mấy, hai trăm…"
Qua sự tìm hiểu của Phương Anh, một điều mà tất cả những ai làm nghề cho thuê mũ đều mong là công an cứ tung ra chiến dịch bắt những ai không có mũ bảo hiểm đều đều, để họ có cơ hội kiếm ăn càng tốt. Riêng ông Hoàng, một cư dân đang sinh sống ở Hàng Xanh, thì cho rằng chuyện lập chốt để kiểm soát những người không có mũ bảo hiểm của cảnh sát giao thông như một trò hề, vì: "Có cảnh sát đứng thổi thì có đoàn quân cho thuê mũ đứng chặn ở trên cách chừng mấy trăm thước, để săn đón những người không có mũ, cho mướn, đi qua…Cảnh sát chỉ phạt những người trên xe gắn máy không đội mũ.
Thực sự, phải do ý thức của người dân, vừa tuyên truyền, vừa phạt, lúc thì đề nghị phạt tiền nặng để cho người ta sợ. Thí dụ, cái mũ bảo hộ lao động chỉ đáng hai chục ngàn thì bây giờ chỉ phạt năm chục hay 100 để cho họ sợ, rồi thì giam xe mấy ngày cho người không đội mũ bảo hiểm…” Ngoài ra, ông cũng tán đồng việc qui định đội mũ bảo hiểm vì như thế, sẽ an toàn hơn cho người đi xe, nhất là lỡ chẳng may gặp tai nạn trên xa lộ. Ông nói:
“Đề ra như thế là đúng, ngoại thành toàn xa lộ, đã đề bảng như thế thì nên có.. đó là riêng ý kiến của tôi, nên đội mũ bảo hiểm khi cảnh sát giao thông đã cắm bảng ở các tuyến đường.”
Riêng với anh Phúc, một thanh niên ở quận Bình Thạnh, thường xuyên có việc phải qua lại tuyến đường Sàigòn-Đồng Nai, thì lại cho rằng:
“Đi ngoài đường đội mũ bảo hiểm nhiều khi vướng, và nóng lắm, trời Việt Nam mà, khí hậu nóng lắm, đâu có thích đội, bản thân tôi thì không thích tí nào, chỉ khi nào bắt buộc lắm thì mới đội thôi, vì vướng vít, nó che hết cái đầu, bí, không thoải mái…”
Trở lại với chuyện thuê mũ bảo hiểm để đối phó với việc qui định luật đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, gắn máy trên các tuyến đường đã qui định, vị sĩ quan cảnh sát giao thông cho rằng:
“Bây giờ xử lý họ thì phải căn cứ theo pháp luật, nhưng pháp luật đâu có nói gì đến chuyện xử lý những người này đâu, chỉ xử lý nếu người ta buôn bán mũ, lấn chiếm lòng lề đường, thì mới xử lý người ta…
Nếu bắt người ta cho thuê mũ thì xử lý theo điều luật nào? Rất là khó…chuyện này không phải là mới đây, nó nan giải lắm, từ ngày 29-7năm 2004, lúc công an thành phố có kế hoạch 139, đồng loạt ra quân, xử lý những người không đội mũ bảo hiểm, từ đó đến nay đã phát sinh dịch vụ này rồi. Thực tế, bảo ai là người xử phạt việc này, căn cứ pháp luật nào để xử những người cho thuê mũ, để đối phó với cảnh sát giao thông qua trạm, thì không có.”
Vừa rồi là những thông tin liên quan đến việc qui định đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô gắn máy ở TPHCM. Quả thực, theo ý kiến của một số chuyên gia, việc đội mũ bảo hiểm còn gây nhiều trở ngại như do thời tiết nóng, người đội khó xoay sở, quan sát…đó là chưa kể đến chất lượng mũ bảo hiểm.
Có lẽ vì vậy mà cho đến bây giờ, việc đội mũ bảo hiểm vẫn chỉ là để đối phó với luật lệ, với cảnh sát giao thông, còn ý thức được vấn đề an toàn hay không thì còn là chuyện khác, phải không thưa quí vị? Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.