Vườn cây thuốc Nam của những người cai nghiện
2005.10.19
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Kính chào quí vị thính giả, như thường lệ vào mỗi sáng thứ ba, Phương Anh xin trở lại với quí vị trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần. Kỳ này, Phương Anh xin dành để nói về Vườn Cây Thuốc Nam của những người đang cai nghiện ma tuý tại trung tâm Phú Văn ở Bình Phước.
Theo các nguồn tin từ trong nước, con số những người vướng vào vòng ma tuý ngày càng cao. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm trên cả nước cũng như ở địa phương rất bức xúc về thực trạng này. Một mặt, chính quyền ra sức trong lãnh vực giáo dục và đưa con nghiện vào các trại tập trung, mặt khác, tìm cách giải quyết việc làm cho những học viên sau khi cai nghiện và giúp họ hoà nhập lại vào cộng đồng. Đây cũng là điều nan giải cho những người có trách nhiệm.
Theo tin của báo Người Lao Động trên mạng internet, thành phố Hồ Chí Minh đang tiến hành xây dựng cụm công nghiệp – khu dân cư Nhị Xuân với tổng diện tích gần 78 hecta, để giải quyết việc làm, nơi ở cho khoảng 10000 học viên.
Bác sĩ Phạm Đình Chưởng
Một trong những nỗ lực đóng góp vào việc tạo môi trường mới, lành mạnh hơn và thuận lợi cho những học viên sau khi cai nghiện, là công trình Vườn Cây Thuốc Nam của bác sĩ Phạm Đình Chưởng, giảng viên khoa Y học Cổ Truyền Đại Học Y Dược, thành phố Hồ Chí Minh.
Là một bác sĩ giảng dậy tại trường Y khoa từ năm 1984 đến nay, có cơ hội đưa những sinh viên đi thực tế ở các trung tâm cai nghiện, ông luôn bức xúc khi nhìn thấy nhiều thanh niên đang trong độ tuổi lao động mà nay yếu ớt, xanh xao… Khi về lại trường ông nảy ra ý định thành lập công trình Vườn Cây Thuốc Nam, mời quí vị nghe bác sĩ Chưởng trình bày về công trình này:
"Công trình vườn cây thuốc Nam làm để giúp học viên có công ăn việc làm sau khi cai nghiện. Mình thấy nhiều học viên sức khoẻ rất là yếu và nhiều người phù hợp với nghề trồng trọt, thì mình nẩy ra ý định nâng đỡ người ta có nghề nghiệp nào đó, mà nếu người ta trồng đại trà được thì người ta sẽ trở thành những nhà cung cấp nguyên liệu, vật liệu cho những công ty dược…"
Công trình vườn cây thuốc Nam làm để giúp học viên có công ăn việc làm sau khi cai nghiện. Mình thấy nhiều học viên sức khoẻ rất là yếu và nhiều người phù hợp với nghề trồng trọt, thì mình nẩy ra ý định nâng đỡ người ta có nghề nghiệp nào đó.
Khi hỏi ông đã bắt đầu nghiên cứu công trình này khi nào, ông cho biết: "Từ khi đi Ngày Xanh với đoàn trường Y Dược, nhìn thấy người cai nghiện có người mạnh, người yếu, người khoẻ, người không khoẻ, mới nảy sinh đóng góp chung với thành phố về việc tìm công ăn việc làm, huấn nghệ cho họ, tạo cho người ta công ăn việc làm.
Đó là vườn thuốc nam. Giả sử như sau này người ta hứng thú, thì người ta cũng trở thành thầy thuốc Nam được…Những cây thuốc trồng vừa rẻ tiền, vừa dễ trồng… Lúc này nó có thể rẻ tiền, nhưng lúc khác nó sẽ tăng thời giá, nhưng nó lại dễ trồng, vừa là thức ăn được, làm thuốc được, vừa bảo quản lâu dài được.
Trước mắt là trồng có ba cây thôi: cây gừng, cây nghệ và ngải cứu. Và trong bài tập huấn thì có nêu công dụng của nó ra, và về nếu phát triển về công nghệ thì 3 cây đó ở thị trường luôn luôn là phải xử dụng, không khi nào ngưng cả. "
Hiệu quả của công trình
Được hỏi công trình này đang tiến hành như thế nào, bác sĩ Chưởng cho hay: "Chúng tôi đã tiến hành hai năm rồi, năm nay bước sang năm thứ ba và để củng cố lại những gì mình đang thiếu sót và hoàn thiện hơn, và năm nay thì trồng đại trà hơn những lần trước. Năm trước thì trồng thí điểm ở 3 trung tâm: Trọng Điểm, Đức Hạnh và Phú Văn. Năm nay, thêm một trung tâm nữa là Đức Nghĩa…
Nhưng có trình trạng như thế này: trước kia, khi khảo sát về đất đai, trung tâm còn có cái gì đó mà mình khó nói, rồi thì người ta cung cấp một cái nguồn đất không tốt, mà nguồn chăm sóc liên tục không có… Nó cũng lên, cũng tốt, nhưng thiếu người chăm sóc rồi cũng thôi…. Thề rồi, mình phải tiến hành làm lại và đất chọn tốt hơn, phù hợp với lại cây trồng hơn… Mới mùa hè vừa rồi đã trồng lại hàng loạt ở 4 trung tâm rồi, và sẽ thu hoạch trong vòng nay mai nữa thôi. "
Bác sĩ Trần Văn Khanh, hiện là bí thư đoàn trường Y Khoa thành phố Hồ Chí Minh, cũng là người sát cánh với bác sĩ Phạm Đình Chưởng cho biết về hiệu quả của công trình này, ông nói:
"Cái công trình này giúp được cho những thanh niên cai nghiện, sau này nó có việc, nó làm cũng nhẹ nhàng, nó phù hợp với môi trường, đất đai trong đó cũng nhiều, từ đó, nó cải thiện cái sức khoẻ và tăng thu nhập."
Trung tâm cai nghiện Phú Văn
Thực ra, thời gian vừa qua, các cán bộ, công nhân viên trường trồng là chính. Mình cũng mời gọi thêm một số bạn học viên mà họ tự nguyện, thực ra làm thì cũng không tính toán công lao động…
Thưa quí vị và các bạn, trung tâm cai nghiện Phú Văn, được thành lập 29 năm qua và có lượng học viên xin ở lại đây khá lâu. Có những người sau khi cai nghiện, tự nguyện lập nghiệp trên mảnh đất này.
Nơi đây, theo lời của ông Tạ Vạng Đức, giám đốc Trung tâm Phú văn, thì các học viên tuổi từ 22 cho đến 25, 30 và hiện có khoảng gần hai ngàn học viên đang cai nghiện, có những người bị nhiễm trùng cơ hội và có nhu cầu xử dụng các loại thuốc Bắc cũng như thuốc Nam, do đó, công trình này vô cùng hữu ích, ông nói:
Hiện nay, vườn thuốc này có khoảng 1000 mét vuông và nó được đầu tư từ năm 2002. Có 3 chủng loại chính. Đó là cây nghệ, cây gừng, ngải cứu. 3 loại cây này chủ yếu phục vụ cho các loại bệnh thông thường như đau bao tử, rối loạn tiêu hóa, một số bệnh cảm phong, mình gọi là trúng gió, đây là tăng thêm sức đề kháng cơ bản mà cũng một phần giống như thực phẩm vậy nhưng nó nhẹ thôi.
Do nhu cầu điều trị cho học viên, hiện nay bên Tây y là chủ lực, còn ở bên Đông y là mình làm thử xem, nếu như cái hướng này mà phát triển được thì cái lợi thế của mình là đất nhiều, người lao động cũng có, thành ra, cái này sẽ góp phần cho việc bảo vê sức khỏe của học viên. Khi tìm hiểu về các tiến hành công trình này như thế nào ở trung tâm Phú Văn, ông cho biết:
"Thực ra, thời gian vừa qua, các cán bộ, công nhân viên trường trồng là chính. Mình cũng mời gọi thêm một số bạn học viên mà họ tự nguyện, thực ra làm thì cũng không tính toán công lao động…
Có một số thanh niên thuộc Hội Liên Hiệp Thanh Niên cũng tham gia, nhưng họ tham gia với tính cách phong trào thôi, như là một sự tham gia bình thường, chứ không có công cán lao động như các hoạt động sản xuất khác, nên cũng rất phấn khởi là có nhiều bạn tích cực tự nguyện tham gia cũng như các cán bộ công nhân viên trong cơ quan …"
Cơ hội làm lại cuộc đời
Với lòng mong muốn giúp cho các học viên có cơ hội làm lại cuộc đời, hội nhập lại với xã hội, đầy sự lạc quan, ông tâm sự:
"Trước mắt thì chúng tôi đáp ứng nhu cầu tại chỗ, qua đó thì cũng đáp ứng và mong rằng củng cố thêm cái niềm tin ở trong học viên là mình bằng mọi cách để chăm lo cho họ. Cái thứ hai nữa là thông qua việc trồng cũng cung cấp cho họ một số những thông tin về cây thuốc nam, chứ còn lượng thuốc cũng như lượng cây thu hoạch để mà đáp ứng nhu cầu thực sự cũng còn hạn chế.
Nhưng cái hướng ở đây là vừa làm vừa tích lũy, mang tính thí điểm, nếu như tới kỳ thu hoạch mới mà yêu cầu thu hoạch của mình tốt thì mình sẽ mở rộng, đầu tư thêm, có thể không phải là một ngàn mét vuông mà năm ngàn, thậm chí là mười ngàn…
Có thể mở thêm chủng loại cây trồng, rồi mình có thể liên hệ với các nhà sản xuất và vận động họ giúp đỡ, có thể chuyển một số công nghệ, một số thao tác chế biến sản phẩm thô và nếu như mà nhu cầu xử dụng không hết, thì mình có thể cung cấp cho thị trường, nhưng có lẽ đó là thời gian dài vì hiện nay có tới 6 trung tâm cai nghiện với con số là mười ngàn người thì nhu cầu xử dụng trong nội bộ thôi cũng rất là lớn."
Ngoài những nỗ lực đóng góp của trung tâm, ông cũng cho biết về phía bản thân học viên và những gia đình của họ, ông kể:
"Họ vui lắm, và sẵn lòng lắm bởi vì họ nhận thức được cái này là phụ vụ cho họ là chính. Cái thứ hai nữa là trong quá trình trồng cây thuốc Nam, họ cũng hiểu được thêm một cái chức năng công dụng của một số cây và họ rất lý thú mà đồng thời họ cũng làm mang tính cách khám phá.
Theo tôi đánh giá thì họ làm rất tích cực và hoàn toàn hào hứng khi tham gia cái này, chứ không bị ép buộc hay miễn cưỡng khi tham gia vào vườn cây thuốc nam này. Hiện nay, có những gia đình đầu tư rất nhiều tiền vào lãnh vực sản xuất, trồng nấm hay là chế biến cà phê, riêng lãnh vực này tôi cũng rất mong muốn điều đó, bây giờ đang là thí điểm. Nếu sắp tới, rút ra được những qui trình, có hiệu quả hơn, mình cũng sẽ mời gọi gia đình đầu tư thêm. "
Thưa quí vị và các bạn, cùng trong mục đích làm thế nào để giảm thiểu tình trạng nghiện ngập ma túy, và nâng đỡ cho những thanh niên đã một thời lầm lỡ có cơ hội tái hội nhập vào cộng đồng, công trình Vườn Cây Thuốc Nam do bác sĩ Phạm Đình Chưởng khởi xướng đang được hưởng ứng nồng nhiệt ở các trung tâm cai nghiện.
Ước mong một ngày nào đó, những người đã từng bị xã hội khi rẻ và quay lưng vì những lầm lỗi của mình, sẽ trở thành chủ nhân của những vườn thuốc Nam, và biết đâu trong số họ, sẽ là những nhà sản xuất dược phẩm trong tương lai, phải không thưa quí vị và các bạn? Phương Anh xin dừng nơi đây, hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Việt Nam nên phát bọc cao su miễn phí cho mọi người
- Hàng giáo phẩm ở Bùi Chu cứu giúp hàng ngàn nạn nhân bão số 7
- Cuốn sách hình "Những Người Bị Lãng Quên"
- Hàng trăm học viên cai nghiện ở Sài Gòn nổi loạn và bỏ trốn
- Đường truyền HIV từ mẹ sang con
- Giáo sư tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Thuyết Phong
- Tấm lòng nhân hậu của phụ nữ Việt giúp đỡ hàng ngàn gia đình nạn nhân bão Katrina
- Hàng Giáo phẩm Việt Nam ở Baton Rouge trợ giúp nạn nhân cơn bão Katrina
- Hiện có tới 8.500 trẻ em Việt Nam dưới 15 tuổi bị nhiễm HIV
- Ngày càng nhiều băng đảng Việt Nam sản xuất và buôn bán ma túy ở Anh quốc
- Ngày càng nhiều đàn ông Việt Nam nhiễm HIV/AIDS từ gái mại dâm
- Martha Lackritz, thiếu nữ Mỹ say mê ca dao Việt Nam
- Sơ Mỹ Hạnh và những người Con Lai
- Việt Nam thử nghiệm dược chất Natrexone chống tái nghiện
- Australia phát hiện 400kg Ephedrine có xuất phát từ Việt Nam
- Sài Gòn sẽ cấp thẻ xác nhận bệnh lý cho người nhiễm HIV/AIDS
- Việt Nam, Lào, Campuchia hợp tác chống ma túy xuyên biên giới
- Sơ Mỹ Hạnh, người giúp đỡ hàng ngàn thuyền nhân Việt trong các trại tị nạn Hồng Kông
- Bệnh Sida và Cách Phòng Bệnh
- Tổ Chức "Save The Children" - "Cứu Trẻ Em" tại Việt Nam