Hezbollah chiến thắng thật không?


2006.08.31

Việt Long, phóng viên đài RFA

Nghị quyết ngưng bắn của Liên Hiệp Quốc cho nam Lebanon có nhiều triển vọng được thực thi tốt đẹp, với sự hài lòng của cả Lebanon lẫn Israel. Lực lượng Hezbollah đã mang hình ảnh có vẻ như chiến thắng, theo như một số không ít phương tiện truyền thông của phương Tây. Nhưng giữa những diễn biến mới này, cái chiến thắng đó có là thực tế hay không? Việt Long tường trình.

KofiAnnanIsrael200.jpg
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan (trái) và Thủ tướng Israel Ehud Olmert hôm 30-8-2006 tại Jerusalem. AFP PHOTO

Hôm thứ Tư tại Jerusalem, ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc họp báo chung với Thủ tướng Israel, tỏ ra lạc quan hơn về tình hình Israel-Lebanon, so với những điều tuyên bố hôm thứ ba ở thủ đô Beirut của Lebanon. Ông Kofi Annan nói với báo chí rằng nghị quyết của Liên Hiệp Quốc sẽ đặt nền móng hoà bình và giải quyết vĩnh viễn mọi vấn đề an ninh giữa Israel với Lebanon.

Cũng trong cuộc họp báo chung sau khi nghe ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói về quan điểm lập trường của phía Lebanon, Thủ tướng Israel Ehud Olmert tỏ ra lạc quan không kém.

Ông nói rằng tình hình có triển vọng thay đổi nhanh chóng để Israel và Lebanon tiến tới những thoả hiệp đem lại lợi ích cho cả hai nước.

Thắng, thua không còn là vấn đề

Hôm thứ Ba ở Lebanon, Ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tuyên bố đại ý là ngưng bắn thì cũng có, nhưng không phải là đã giải quyết được mọi vấn đề giữa Israel với lực lượng Hezbollah bên phía lãnh thổ Lebanon.

Sang ngày thứ tư tại Jerusalem, ông nói Liên Hiệp Quốc hiểu rằng lực lượng Hezbollah phải được giải giới và không tái vũ trang; mọi đường vận chuyển có thể đem vũ khí cho Hezbollah phải được kiểm soát chặt chẽ. Ông Kofi Annan không quên nhắc nhở Israel phải chấm dứt phong tỏa Lebanon.

Ngoại trưởng Tzipi Livni của Israel cũng ngỏ ý hy vọng thoả ước ngưng bắn sẽ đem lại hoà bình toàn vẹn với Lebanon. Bà Livni trả lời báo chí, nói thêm rằng nay đã ngưng chiến, chuỵên ai thắng ai thua không còn là vấn đề nữa. Câu trả lời này chứng tỏ đến nay dư luận quốc tế vẫn còn thắc mắc về việc đó.

Không ít cơ quan truyền thông phương Tây cho là Israel đã thất bại trong mục đích tiêu diệt lực lượng Hezbollah hay huỷ được hầu hết kho vũ khí có những hoả tiễn từng được phóng vào lãnh thổ Israel.

Phe Hezbollah tổ chức bắn pháo bông và diễn hành ăn mừng chiến thắng, trong khi Thủ tướng Israel nhìn nhận trứơc Quốc hội là chiến dịch quân sự mới đây không đạt được kết quả hoàn toàn.

Ngụơc lại, cũng có những quan điểm khác biệt, được nhà quan sát Amir Taheri, chuyên viên về Trung Đông, nêu lên trên mặt báo Wall Street Journal.

Ông Taheri tiết lộ rằng Hezbollah đã lưỡng lự trước hai việc, ăn mừng chiến thắng hay biểu dương những người gọi là thánh tử đạo, đã hy sinh trong chiến cuộc vừa qua. Lễ tang tưng bừng cho các thánh tử đạo của họ là dịp lên án Israel thêm nữa, và cũng phù hợp với truyền thống của Hồi giáo Shiite như đã từng làm trong lịch sử.

Nhưng Hezbollah chọn biện pháp chính trị, là ăn mừng chiến thắng, chỉ vì cần phải chứng tỏ là những đổ vỡ, thương vong vì chiến cuộc do họ châm ngòi là xứng đáng với thành quả chiến thắng đó, nói theo ý của giới lãnh đạo lực lượng này.

Người hồi giáo Shiite ở Lebanon

Tại Lebanon, giới học giả và chính trị không nghĩ là Hezbollah hay Lebanon đã thắng lợi. Học giả Mona Fayed ở Beirut đặt câu hỏi trên mặt báo: ai là người hồi giáo Shiite ở Lebanon ngày nay?

Và bà trả lời một cách châm biếm: đó là người nhận chỉ thị từ Iran, khủng bố đồng đạo để họ phải im tiếng, và đưa xứ sở vào những thảm cảnh mà không hỏi qua ý kiến của một ai.

Một học giả khác, ông Zubair Aboud, gọi Hezbollah là một trong những thứ tệ hại xấu xa nhất đã xảy ra trong thế giới người Á Rập từ lâu nay. Ông lên án lãnh tụ Nasrallah của Hezbollah đã hy sinh phúc lợi của người Lebanon để phục vụ cho tham vọng khu vực của Iran.

Trước khi gây nên cuộc chiến với Israel, Nasrallah từng bị chỉ trích từ trong nội bộ của Hezbollah. Một số nhân vật chính trị của lực lượng này, không muốn nêu tên, gọi ông ta là kẻ thi hành chủ nghĩa Stalin trong xã hội người Hồi giáo.

Nasrallah chỉ chăm lo để dựa vào khối quân sự và an ninh của Hezbollah, tự ý quyết định mọi việc, Hội đồng lãnh đạo ngồi chơi xơi nước hoàn toàn trong 5 năm nay, không hề được triệu tập. Nasrallah tự quyền quyết định sau khi tham khảo Tehran và Damascus, và đã được một mình diện kiến giáo chủ tối cao của Iran là Ali Khamenei.

Ông Nasrallah cho rằng thêm nhiều người tham gia quyết định là tạo cơ hội cho kẻ thù Zionist xâm nhập phong trào. Khi được Iran bật đèn xanh để gây sự với Israel, Nasrallah lập tức hành động một mình, cả hai Bộ truởng của Hezbollah trong nội các Lebanon và 12 người của họ trong Quốc hội cũng không hề được thông báo.

Thẩm quyền tôn giáo

Về mặt tôn giáo, Nasrallah còn bị phê phán vì đã tôn vinh giáo chủ Ali Khamenei của Iran là “Nguồn Gương Sáng”, là thẩm quyền tôn giáo cao quý nhất của Hồi giáo Shiite. Nasrallah biểu thị sự tôn vinh này bằng cử chỉ hôn tay giáo chủ Khamenei mỗi lần diện kiến.

Nhiều người Hồi giáo Shiite chán ghét điều này, vì họ cho là giáo chủ Khamenei ở Iran chỉ là một nhà chính trị, không đủ kích thước về tôn giáo để được tôn vinh như vậy. Chính người Iran cũng không gọi ông này là Nguồn Gương Sáng. Hầu hết người Hồi giáo Shiite ở Lebanon đều coi đại giáo chủ Ali Sistani ở Iraq, hay đại giáo chủ Muhamad Hussein Fadhallah ở Lebanon, mới là Giáo chủ tối cao, tức nguồn gương sáng của họ.

Nhiều người Lebanon cũng chỉ trích chính sách thách đố của Nasrallah chống lại chính sách hoà bình của Thủ tướng Siniora.

Thủ tướng Siniora chủ trương biến Lebanon thành một ốc đảo hoà bình giữa sa mạc Trung Đông đầy bão tố. Ông Siniora muốn Lebanon trở nên một địa điểm du lịch, giải trí để phát triển kinh tế, dựa vào vị trí vùng trái độn giữa các thế lực quân sự hùng mạnh như Iran, Syria, Israel.

Ngược lại, Nasrallah lại muốn Lebanon trở thành một pháo đài của người Hồi giáo, phải chịu bom đạn của Israel và những chính sách ngoại giao, kinh tế không thân thiện của Israel lẫn Hoa Kỳ.

Mở ra mối quan hệ mới

Nay thì chính sách gây hấn giữa Lebanon với Israel cũng thất bại. Tại Jerusalem hôm thứ tư Thủ tướng Israel tuyên bố rằng ông tin là nghị quyết 1701 đem lại cơ hội mở ra một mối quan hệ mới giữa Israel và xứ láng giềng ở phía bắc.

Rất nhiều gia đình lớn và phe cánh chính trị Hồi giáo ở Lebanon không hề liên hệ hay đã rời khỏi liên minh với Hezbollah sau khi nhận ra lực lượng này chỉ là công cụ quá lệ thuộc vào Iran. Danh sách này được liệt kê trên báo chí, gồm toàn những thành phần, những gia đình có thế lực và được kính trọng ở Lebanon.

Trong cuộc tuyển cử năm ngoái, cánh Hezbollah chỉ chiếm được 12 ghế trong số 27 ghế dành cho Hồi giáo Shiite, của tổng số 128 ghế dân biểu Quốc hội.

Các nước Á Rập khác cũng không coi trọng vị trí của Hezbollah như Iran và Syria thường ca ngợi. Họ coi lực lượng này là công cụ của Iran thay vì cái gọi là “nguồn tỉnh thức” của người Hồi giáo, như một số báo chí phuơng Tây xưng tụng theo quan niệm của Iran.

Nhận vũ khí, tiền bạc, và sự ủng hộ của Iran và Syria cùng khối người Hồi giáo ghét Mỹ, Hezbollah bị không ít những tác giả Hồi giáo, cả Sunni lẫn Shiite, gọi là con ngựa thành Troa của Iran.

Tác giả Taheri kết luận, Hezbollah khó có thể nói là họ chiến thắng thực sự khi đã mất đi 500 quân sĩ và hầu hết số hoả tiễn tầm trung. Ông dẫn lời lcủa nhà báo Ali Ibrahim của Ai cập, viết rằng lực lượng Hezbollah có vẻ như đã thắng trên mặt trận tuyên truyền, là vì nhiều người ở phương Tây muốn như vậy để làm mất mặt Hoa Kỳ. Tuy nhiên, người Á Rập đủ khôn ngoan để hiểu cái chiến thắng trên truyền hình hoàn toàn khác với chiến thằng thực sự.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.