Chi tiết về đề án đại học chất lượng cao tại Việt Nam


2007.01.07

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Trong một bài trước Nhã Trân trình bày về một đề án xây dựng đại học chất lượng cao tại Việt Nam do một nhóm giáo sư, chuyên viên người Việt nước ngoài chủ xướng. Mời quí thính giả nghe phần phỏng vấn một trong những nhà khoa học này để biết thêm chi tiết dự án.

EducationStudent200b.jpg
AFP PHOTO

Sau một cuộc hội thảo diễn ra ở Đà Nẵng vào năm 2005 mà một trong các chủ đề là vấn đề giáo dục trong nước, một số thành viên tham dự có ý định xây dựng một đề án về trường đại học chất lượng cao ở Việt Nam.

Nhóm chủ trương gồm các giáo sư, chuyên viên nghiên cứu người Việt hiện đang sống ở nước ngoài là các Giáo sư Hồ Tú Bảo, Trần Nam Bình, Trần Hữu Dũng, Trần Văn Thọ, Hà Dương Tường và ông Vũ Quang Việt, chuyên viên Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc. Nhằm hiểu rõ mục đích cũng như một số điểm then chốt của dự án, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Vũ Quang Việt.

Nhã Trân: Chào ông Vũ Quang Việt. Xin ông cho biết sơ khởi về bản thân và đề án?

Ông Vũ Quang Việt: Tôi là một chuyên viên nghiên cứu về thống kê kinh tế của Liên Hiệp Quốc, không liên quan đến giáo dục, tuy nhiên giáo dục là một vấn đề hệ trọng. Với kinh nghiệm lớn lên và đi học ở Mỹ tôi được biết rõ vấn đề tổ chức đại học ở Mỹ. Do đó chúng tôi cùng với 5 người bạn, đều là giáo sư, dựng đề án này.

Nhã Trân: Ông có thể cho biết về chi tiết của dự án, như về nội dung…

Ông Vũ Quang Việt: Đề án nhằm xây dựng một trường đại học mà chúng tôi gọi là có chất lượng cao, tức là hy vọng trong tương lai, sau một thời gian từ 5 đến 10 năm, sẽ có tên tuổi trên quốc tế vì những đóng góp của đại học đó về vấn đề khoa học. Và mục đích thứ hai là đại học đó sẽ trở thành một mẫu hình để các trường đại học khác ở Việt Nam có thể theo đó mà cải cách.

Nhã Trân: Như vậy theo nhận xét của quí ông, giáo dục cấp đại học ở Việt Nam lâu nay chưa đạt chất lựơng? Ông Vũ Quang Việt: Dĩ nhiên là đại học nào thì cũng đặt vấn đề chất lượng. Đại học ở Việt Nam cũng vậy, nhưng có một số vấn đề rất quan trọng mà đại học Việt Nam cho đến giờ chưa đạt. Tại sao?

Một trong những điều quan trọng là một đại học phải là một trung tâm nghiên cứu và chấp nhận tư duy, có tự do tư duy về mọi vấn đề, cho phép thảo luận về mọi vấn đề, ít nhất là trong khuôn viên đại học, về cả vấn đề chính trị, tạo thành một trung tâm tư duy của một nước.

Điều đó nhiều trường đại học Việt Nam lâu nay chưa thực hiện được vì mọi điều đều do chính phủ quyết định, từ chương trình đến việc tuyển lựa giáo sư hay tuyển chọn học sinh. Đại học chất lượng cao phải được tự chủ về những vấn đề đó, mới có thể tạo thành một trung tâm tư duy và khoa học được.

Nhã Trân: Như vậy vấn đề tự chủ được nhấn mạnh trong đại học này, và đó là chủ trương của nhóm?

Ông Vũ Quang Việt: Đó là chủ trương của chúng tôi. Điều thứ hai là thường thì đại học ở Việt Nam có tính cách dạy nghề. Sinh viên chỉ được học về ngành chuyên môn, ngành nào chỉ biết về lãnh vực ấy. Còn các đại học trên thế giới, đặc biệt các đại học ở Mỹ, thì có tính cách khai phóng để học sinh, giáo sư có thể tư duy độc lập.

Sinh viên ngoài lãnh vực chuyên môn còn được học về các vấn đề khác để từ đó biết được nhiều địa hạt như nhân văn, lịch sử, triết học vân vân… Loại đại học như vậy tạo cơ hội cho các giáo sư, sinh viên thuộc nhiều ngành khác nhau vẫn có thể làm việc với nhau được.

Nhã Trân: Như thế là mô hình dựa theo kiểu Âu Mỹ, tức khoảng nửa thời gian thì học các lớp chuyên ngành, còn lại là các môn nhiệm ý…

Ông Vũ Quang Việt: Vâng, đó là tính cách khai phóng.

Nhã Trân: Chương trình như vậy bao gồm hai mặt, khoa học và xã hội? Ông Vũ Quang Việt: Nó có thể bao gồm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Chúng tôi cho rằng vấn đề khó nhất trong việc lập đại học chất lượng ở Việt Nam là tìm được người có khả năng. Việt Nam không thiếu người có khả năng, tuy nhiên tập hợp được đủ số người này trong một lúc không phải là dễ.

Một đại học ở Việt Nam nếu có khoảng 1 ngàn hay 1 ngàn rưởi sinh viên thì cần khoảng 150 giáo sư có trình độ cao. Vì vậy đại học không thể mở rộng ngay được mà phải khởi đầu nhỏ bé.

Nhã Trân: Thành phần ban giảng huấn sẽ chỉ có các giáo sư trong nước, hay các giáo sư đang ở nước ngoài cũng có thể tham gia?

Ông Vũ Quang Việt: Sẽ có những tiêu chuẩn để chọn giáo sư. Giáo sư phải có đủ trình độ để hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, đủ trình độ so với những giáo sư ở nước ngoài. Giáo sư trong nước nhiều người có đủ khả năng. Còn về giáo sư ở nước ngoài thì, nhất là những giáo sư người Việt, theo chúng tôi biết trong thời gian này và thời gian sắp tới có một số về hưu.

Họ có thể sẽ về nước tham gia, chấp nhận mức lương tương đối thấp hơn so với lương của các trường đại học nước ngoài. Nếu thuê giáo sư người nước ngoài thì sẽ đắt hơn vì phải cạnh tranh với các trường nước ngoài. Dĩ nhiên, với tài trợ của chính phủ thì trường cũng nên thuê các giáo sư có uy tín ở nước ngoài, mà là người nước ngoài dậy ở đại học.

Nhã Trân: Về vấn đề tài chính, trường sẽ tự chủ, tức chính phủ không liên can…

Ông Vũ Quang Việt: Nói là tự chủ, nhưng không thể xây dựng đại học này nếu không có tài trợ của chính phủ ngay từ lúc đầu. Chính phủ sẽ phải bỏ tiền ra lúc đầu, từ 5 đến 10 năm, kể cả chi phí hàng năm.

Sau đó đại học sẽ tiến tới chỗ gây quĩ, kêu gọi đóng góp của các tổ chức hay cá nhân, tức sẽ trở thành một đại học vô vị lợi, non-profit organization, hoàn toàn tự chủ về mặt tài chính, như các đại học ở Mỹ. Bản thân của đại học này không phải là đại học công, nhưng chính phủ sẽ giúp lúc ban đầu, rồi từ từ nó sẽ trở thành một đại học vô vị lợi, hoàn toàn tự chủ về tài chính.

Nhã Trân: Về điều kiện tuyển sinh, có phải học sinh phải thuộc thành phần 5% có thang điểm cao nhất trong lớp, đồng thời đạt 300 điểm TOEFL?

Ông Vũ Quang Việt: Chúng tôi đặt các tiêu chuẩn đó để đại học này tuyển chọn những học sinh giỏi, chứ không phải ai vào cũng được. Nhũng tiêu chuẩn như vậy là tiêu chuẩn tối thiểu. 300 điểm TOEFL là mức tối thiểu. Nếu sinh viên giỏi, đạt hơn nữa, như 500, 600 điểm TOEFL thì tốt.

Nhã Trân: Số sinh viên của trường sẽ vào khoảng…

Ông Vũ Quang Việt: Khoảng 5 năm đầu con số đó chỉ vào khoảng vài trăm đến một ngàn. Vài năm sau đó có thể lên đến vài ba ngàn.

Nhã Trân: Đó là kể cả 3 cấp cử nhân, cao học và tiến sĩ?

Ông Vũ Quang Việt: Vâng.

Nhã Trân: Xin ông cho biết đề án đã được thông qua hay chưa?

Ông Vũ Quang Việt: Chúng tôi hy vọng đề án sẽ được chính phủ Việt Nam chấp thuận.

Nhã Trân: Cám ơn ông Vũ Quang Việt về cuộc phỏng vấn này.

Chi tiết về đề án đại học chất lượng cao có thể được truy cập tại trang mạng www.viet-studies.org của nhóm xây dựng dự án.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.