Nâng cao phẩm chất lúa gạo, bài toán khó cho Việt Nam

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Việt Nam bức xúc với vấn đề cải thiện phẩm chất lúa gạo, để tăng giá trị xuất khẩu và cải thiện thu nhập của nông dân. Tuy nhiên chương trình 1 triệu tấn lúa chất lượng cao đề ra cho năm nay hầu như đã thất bại. Nam Nguyên trình bày thông tin này.

RiceMarket150.jpg
Những hàng bán gạo dọc đường phố Hà Nội. AFP PHOTO

Trong những năm gần đây Việt Nam giữ vững vị trí xuất khẩu gạo đứng hàng thứ nhì thế giới chỉ sau Thái Lan. Năm ngoái các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt kỷ lục trong lịch sử xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam với tổng lượng 5 triệu 200 ngàn tấn trị giá 1 tỷ 300 triệu đô la.

Nâng cao giá trị xuất khẩu gạo

Tuy vậy các chuyên gia kinh tế trong nước vẫn chưa hài lòng với thành tích này, và cho biết nông nghiệp Việt Nam vẫn thiên về số lượng thay vì chất lượng. Trong khối lượng gạo xuất khẩu năm 2005 có tới 60% là các loại gạo phẩm cấp trung bình và thấp hay nói rõ hơn là những loại 25% tấm hay 15% tấm.

Chúng tôi xin trích nhận định của ông Trương Thanh Phong chủ tịch hiệp hội lương thực Việt Nam về việc nâng cao chất lượng gạo để giữ giá xuất khẩu: "Chúng tôi cố gắng nâng cao phẩm chất gạo lên để xuất khẩu được giá tốt…nhưng vấn đề cũng còn tuỳ thuộc yếu tố cung cầu trên thị trường thế giới."

Chưa nói tới loại gạo đặc sản như Tám Thơm Nàng Hương Hải Hậu giá trị rất cao, thí dụ gạo Jasmine của Thái Lan hơn 500 đô la một tấn. Ngay loại gạo 5% tấm là thứ Việt Nam có thể sản xuất khá nhiều thì giá cả đã chênh cả mấy chục đô la một tấn. Điển hình là giá gạo 5% Việt Nam xuất sang Iraq hiện nay đạt 270 đô la một tấn.

Để nâng cao giá trị xuất khẩu gạo, Bộ NN&PTNT đã đề ra chương trình 1 triệu tấn lúa chất lượng cao sản xuất ra 500 ngàn tấn gạo xuất khẩu giá trị cao. 7 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long được giao chỉ tiêu phát triển 200 ngàn hécta từ dầu tháng 5/2006 và thu hoạch trong vụ Đông Xuân 2006-2007.

Tuy nhiên mới chỉ sau 3 tháng, đồng loạt cả 7 tỉnh đều xin giảm chỉ tiêu vì nhiều khó khăn khi xúc tiến chương trình, đó là vấn đề thiếu lúa giống nguyên chủng, công tác chống dịch bệnh hại lúa không thành công và chưa kể các khó khăn khác như thiếu hệ thống kho bãi kho chứa lúa hiện đại và máy móc sản xuất.

Cần thời gian dài

Những khó khăn vừa nói liên quan tới công nghệ sau thu hoạch, mà để cải thiện vấn đề này thì đòi hỏi một thời gian khá lâu như nhận định của tiến sĩ Đặng Kim Sơn, viện trưởng nghiên cứu chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam:

“Để xử lý dứt điểm vấn đề này đòi hỏi phải có những hệ thống giải pháp thấu đáo hơn, chẳng hạn như việc tổ chức lại sản xuất, rồi về xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá kho tàng bến bãi. Đây không chỉ là chuyện hoạch định một chiến lược mà phải cả về vấn đề tổ chức, về chính sách và cả đầu tư nữa.”

7 tỉnh vựa lúa miền tây được giao chỉ tiêu 1 triệu tấn lúa chất lượng cao gồm Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ. Đến nay theo tin trong nước, cả 7 tỉnh đều xin giảm chỉ tiêu có nơi giảm 2/3 như Tiền Giang từ 30 ngàn hécta xin giảm xuống còn 10 ngàn hecta. Tỉnh Đồng Tháp nhận 50 ngàn hécta nay cũng xin giảm còn 30 ngàn hecta lúa chất lượng cao.

Có một thực tế là bà con nông dân quen bán lúa tại ruộng, có cả một đạo quân thương lái trung gian thực hiện dịch vụ này. Trong khi các doanh nghiệp lại quen mua lúa tại kho bãi của mình.

Các thương gia lúa gạo nói với chúng tôi rằng, nông dân Việt Nam rất nghèo tay làm hàm nhai nên phải bán lúa ngay tại ruộng để nhận tiền ngay trang trải chi phí sinh hoạt, thậm chí khi cần họ bán lúa ướt ngay tại ruộng bị thương lái ép giá mà vẫn phải bán.

Bài toán khó

Đây là bài toán khó đối với chương trình phát triển lúa chất lượng cao vì tiêu chuẩn đề ra đòi hỏi công nghệ sau thu hoạch. Cũng chính vì vậy mà chủ trương của Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp cho nông dân ký gởi lúa gặp phải nhiều trở ngại cả từ hai phía và chưa được hưởng ứng nhiều.

“ Chính phủ Việt Nam có chủ trương là các doanh nghiệp tổ chức các trung tâm mua trữ lúa cho nông dân. Tổng công ty lương thực miền nam chúng tôi cũng đang thực hiện việc này, nhưng vì thiếu vốn đầu tư nên đang làm từ từ.

Tuy nhiên người nông dân quen bán lúa tại ruộng cho hàng sáo, những người hàng sáo phơi phóng rồi mới bán lại cho doanh nghiệp. Thay đổi thói quen của người nông dân cần phải có thời gian.”

Theo Người Lao Động Online, trong hội nghị lúa gạo mới đây ở TP.HCM, sau khi nghe báo cáo các khó khăn thực tế trong việc thực hiện chương trình 1 triệu tấn lúa chất lượng cao, thứ trưởng NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần đã đồng ý hạ chỉ tiêu và để ngỏ cửa cho các tỉnh tự quyết định.

Thứ trưởng Tần nói rằng, cố gắng làm bao nhiêu cũng được thay vì 200 ngàn hecta có thể làm 50 ngàn hécta trong giai đoạn bắt đầu. Tuy nhiên ông Diệp Kỉnh Tần xác định rằng, Việt Nam không thể mãi xuất khẩu gạo giá trị thấp sang Phi Châu mà phải mở rộng sang các thị trường khó tính khác.

Năm nay Việt Nam xác định sẽ xuất khẩu 5 triệu tấn gạo hoặc nhiều hơn nhưng có lẽ tỷ lệ gạo giá trị cao sẽ vẫn còn khiêm tốn, chưa như sự trông đợi của chính phủ.