Việt Hùng, thông tín viên đài RFA
"Đã đến lúc văn nghệ sĩ tại Việt Nam cần phải có thái độ", thưa quí thính giả đó là lời tuyên bố của nhà thơ Bùi Minh Quốc trong cuộc nói chuyện với Việt Hùng của Đài Á Châu Tự Do chúng tôi liên quan đến lá thư mới đây của ông Bùi Minh Quốc gửi Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam yêu cầu Hội nhà văn phải có tiếng nói chính thức về vấn đề hiện gây tranh chấp trong vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc. Mời anh Việt Hùng trong cuộc trao đổi.

Việt Hùng: Thưa ông Bùi Minh Quốc, lên tiếng bày tỏ ý kiến là chuyện không mấy khó hiểu, nhưng lên tiếng kêu gọi sự ủng hộ bày tỏ quan điểm trong một vấn đề khá nhạy cảm đối với các nhà lãnh đạo tại Việt Nam liên quan đến vấn đề biên giới lãnh hải với Trung Quốc, ông có cho rằng ông đang kêu gọi dư luận, chí ít thì cũng là những người bạn văn nghệ sĩ của ông, ông nghĩ sao về điều này?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc: Vâng, tôi thấy đây là một nhu cầu tự thân của mình, lòng mình và trách nhiệm của mình, của người yêu nước bình thường và của một người cầm bút trước một vấn đề lớn của đất nước, lãnh thổ lãnh hải bị xâm phạm, đó là nỗi đau bao nhiêu năm nay của đất nước và của cả bản thân tôi nữa thế thành khi Quốc hội Trung Quốc quyết định thành lập huyện Tam Sa để quản lý vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc của Việt Nam, điều đó với tôi rất đau lòng.
Ngay sau khi Trung Quốc có quyết định như thế tôi thấy trên các báo ở Việt Nam tôi thấy những đồng nghiệp của tôi những người cầm bút như tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà báo Bùi Thanh, các nhà văn Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Viện, Lynh Bacardi, Thận Nhiên, Trần Tiến Dũng, nhạc sĩ Tuấn Khanh, họa sĩ Trịnh Cung, các anh các chị đó đã bày tỏ thái độ.
Không những chỉ văn nghệ sĩ mà nhân dân ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhất là các bạn trẻ, ngay cả những bậc cao tuổi cũng có mặt trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Hồ Chí Minh để bày tỏ thái độ, bày tỏ sự bất bình của mình và khẳng định Hoàng Sa và Trường sa là của Việt Nam, khẳng định cho những người cầm quyền Trung Quốc biết như vậy.
Việt Hùng: Nhưng thưa nhà thơ Bùi Minh Quốc lá thư ông gửi đề ngày 10-12 vừa qua tới Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam là nhằm mục đích gì?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc: Trước hết là tôi thông tin đến Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam và những đồng nghiệp của tôi hiện đang sinh hoạt trong Hội nhà văn về những điều tôi vừa nói. Kế đó tôi muốn bày tỏ mong muốn của tôi tới Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam cần có ngày tuyên bố chính thức nói lên quan điểm chung của Hội nhà văn, giới nhà văn về vấn đề này.
Điều mong muốn thư hai là tất cả những đồng nghiệp của tôi trong Hội nhà văn sớm có tiếng nói độc lập của mỗi người. Điều thứ ba tôi yê cầu Hội nhà văn Việt Nam liên hệ ngay với nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Thắng để xuất bản ngay cuốn Hoàng Sa, Trường Sa với công pháp quốc tế của anh Nguyễn Quốc Thắng anh ấy đã soạn thảo từ lâu rồi.

Cuốn này theo ông Lê Minh Nghĩa, Trưởng ban Biên giới trước kia ông ấy đã đọc thì ông ấy cho rằng đấy là một cuốn sách rất có giá trị về mọi mặt nhất là về sử liệu rất có giá trị để chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo ấy.
Việt Hùng: Ông có cho rằng Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam sẽ trả lời thư của ông?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc: Cái gọi là tính tích cực chủ động của Ban chấp hành Hội nhà văn là rất yếu. Thường là cứ chờ nghe ngóng lệnh của cấp trên, thành ra đối với vấn đề này thì tôi chưa hiểu được cái tập quán xấu đó có đỡ đi được không vì trước một vấn đề hết sức nóng bỏng, bức xúc trước một vấn đề có thể nói đất nước đang bị xâm lược, lãnh thổ đang bị xâm lấn, thế bây giờ sẽ phải như thế nào đây? tất cả những người Việt Nam yêu nước phải có trách nhiệm và tiếng nói của mình.
Việt Hùng: Văn nghệ sĩ thường nhạy cảm trước thời cuộc, phải chăng trong trường hợp này ông cảm được điều gì?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc: Bằng chứng rất rõ như nhà văn đồng nghiệp của tôi là anh Nguyễn Khắc Phục, chị Lynh Bacardi, anh Nguyễn Viện, rồi anh Trịnh Cung, Trịnh Cung, Trần Tiến Dũng... đã có tiếng nói rất sớm. Đặc biệt là nhà báo Bùi Thanh đã có bài viết rất sắc sảo đăng trên tờ Tuổi Trẻ ngay trong ngày 4 hay 5-12 vừa qua, rồi anh Nguyễn Nhã..., điều đó chứng tỏ sự nhạy cảm của giới văn nghệ sĩ trí thức rất nhạy cảm.
Lâu nay người ta vẫn coi văn nghệ sĩ trí thức là những người nói lên tiếng nói của lương tri dân tộc, của tình cảm dân tộc thì kỳ này tôi thấy các anh các chị đó đã nêu một tấm gương rất là quí cho nên tôi phải viết ngay thư cho Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam để bày tỏ sự hoan nghênh của tôi đối với các anh các chị đó.
Việt Hùng: Liên quan đến cuộc biểu tình của thanh niên sinh viên vào hôm mùng 9-12 vừa qua, thưa ông Bùi Minh Quốc, nhìn qua kinh nghiệm tại một số quốc gia Đông Âu cũ, những cuộc xuống đường của giới sinh viên thường luôn được sự hậu thuẫn của giới văn nghệ sĩ nhất là trong những trường hợp liên quan đến vận mệnh quốc gia. Trong trường hợp này ông cảm như thế nào, liệu văn nghệ sĩ tại Việt Nam có nhập cuộc hay không?
Bạn nghĩ gì về vụ tranh chấp này? Xin gửi email về Vietweb@rfa.org, hoặc vào Diễn đàn RFA
Nhà thơ Bùi Minh Quốc: Ở Việt Nam thì tình hình cũng khác tức là những nhân tố tích cực trong giới trí thức văn nghệ sĩ cũng chưa có nhiều lắm, tức là qua tiếp xúc với nhau qua giới bạn bè đồng nghiệp của tôi thì tôi thấy phần lớn các anh các chị đó tâm huyết với dân với nước đều có những ưu tư. Thế nhưng từ những tâm huyết ấy, những âm trạng ấy, những suy nghĩ ấy để đi đến hành động thì đối với không ít người khoảng cách vẫn còn hơi xa...
Theo tôi mỗi người phải vượt lên tự chính mình và quá trình tự vượt này tôi nghĩ cũng không được nhanh đâu, nhưng tôi nghĩ rằng trước sau gì thì đông đảo anh chị em văn nghệ sĩ không thể nào cứ "co" mãi trong cái thế giới riêng của mình được.
Thói quen ngồi "xó", quán nước ở vỉa hè thì nói rất ghê, rất bạo miệng, thế nhưng khi cần có một thái độ chính thức công khai thì nó cứ lùng nhùng làm sao ấy. Chứ lâu nay tình trạng là như thế, tôi hi vọng lần này trước hành động ngang ngược như thế này của Trung Quốc thì tôi tin chắc là anh chị em không thể cứ ngồi "xó" nói với nhau như thế mãi được nữa.
Việt Hùng: Tâm trạng của một nhà thơ trước thời cuộc ông sẽ nói gì trước khi chấm dứt của trao đổi liên quan đến vấn đề biên giới lãnh hải Việt Nam - Trung Quốc?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc: Vâng, để kết thúc buổi trò chuyện hôm nay thì tôi xin đọc bài thơ tôi viết cách đây 6 năm vào tháng 11 năm 2001 khi tôi thực hiện chuyến đi thăm 10 tỉnh Việt Bắc, thăm mấy tỉnh biên giới phía Bắc. Nhân dịp đó tôi có là một chùm 4 bài thơ, tôi xin đọc để mời quí vị nghe bài thơ chỉ có 4 câu đó là bài Tiếng Máu Biên Cương
Tổ quốc còn đau món nợ Tân Trào Con nghe buốt dọc biên cương tiếng máu Tiếng người xưa truyền muôn đời con cháu Một tấc giang sơn không được để hao mòn.
Việt Hùng: Và chúng tôi cũng xin đóng lại phần nói chuyện với nhà thơ Bùi Minh Quốc từ Đà Lạt, một lần nữa xin cám ơn nhà thơ Bùi Minh Quốc.