Nhà thơ Hoàng Hưng, tù tội chỉ bởi một tập thơ


2007.07.22

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Chương trình Văn Học Nghệ Thuật tuần này Mặc Lâm mời quý vị theo dõi một khuôn mặt trong làng văn chương miền Bắc từng bị oan khiên trong vòng lao lý chỉ vì mang theo trong người tập thơ của nhà thơ Hoàng Cầm và bị xử hơn 3 năm tù giam. Đó là nhà thơ Hoàng Hưng, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Hoàng Hưng sinh năm 1942 tại thị xã Hưng Yên. Tốt nghiệp Khoa văn, Đại học Sư phạm Hà Nội 1965. Phóng viên, biên tập viên báo Người Giáo viên Nhân dân (Bộ Giáo dục) 1973-1982. Bị bắt giam và tập trung cải tạo từ 17.8.1982 – 29.10.1985 vì tội "lưu truyền văn hoá phẩm phản động".

Từ năm 1987 tiếp tục làm ở nhiều báo khác nhau, cuối cùng là báo Lao động 1990-2003, sau đó về hưu.

Tác phẩm: Đất nắng (in chung với Trang Nghị, Văn học, Hà Nội 1970), Ngựa biển (Trẻ, TPHCM 1988), Người đi tìm mặt (Văn hoá Thông tin, Hà Nội 1994), Hành trình (Hội Nhà văn, Hà Nội 2005) và nhiều bài viết, bài nói chuyện, tiểu luận, nghiên cứu, trên báo, tạp chí, đài phát thanh trong và ngoài nước. Một số bài thơ đã được dịch và in tại Pháp, Mỹ, Canada, Đức, Hungary, Hà Lan.

Ngoài những tác phẩm vừa nói, Hoàng Hưng còn là một dịch giả có nhiều tác phẩm được in nhất hiện nay.

Sau khi ra tù, ông miệt mài làm việc và cho ra mắt hàng trăm tác phẩm sáng tác cũng như dịch thuật. Ông còn được mời nói chuyện thơ ở nhiều nước như Pháp, Đức và đặc biệt là tại nhiều trường đại học tại Hoa Kỳ từ năm 2003 đến nay.

Ở tù vì vì thơ Hoàng Cầm

Trong thập niên tám mươi, không biết bao nhiêu vụ bắt giữ người trái pháp luật mà không cần bằng chứng cụ thể đã xảy ra. Một trong những nạn nhân của các vụ bắt bớ này là Hoàng Hưng và thật khó tin khi ông bị buộc tội chỉ vì cầm tập thơ của một người bạn vong niên là thi sĩ Hoàng Cầm trong một dịp vào miền Nam năm 1982.

Công an cho rằng ông cố tình phát tán văn hóa phẩm phản động và kết quả là ông phải ngồi tù hơn ba năm sau đó. Hoàng Hưng cho chúng ta biết nguyên nhân của việc này sau đây:

“Cái lý do trực tiếp của nó là khi tôi cầm trong tay tôi bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc của nhà thơ Hoàng Cầm vào năm 1982 khi tôi từ Thành Phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội nhà thơ Hoàng Câm có tặng tôi bản thảo chép tay Về Kinh Bắc.

Tôi không nghĩ là nó có vấn đề gì nhưng không ngờ họ lại bắt tôi và họ bảo tôi lưu truyền văn hóa phẩm phản động cái điều đó tôi hết sức ngỡ ngàng chính vì điều đó khi vào nhà tù thì tôi cãi rất là hăng tôi bảo đây không có gì là phản động hết trong nhiều tháng trời họ hỏi tôi tôi không nhận gì cả chắc là họ bực bội và họ lục soát nhà tôi trong Sài Gòn họ lục soát rất kỹ và họ tìm thấy một số trang nhật ký tôi viết bằng thơ, hay bằng văn vần đúng hơn, tôi viết từ năm 1970 trong đó có những giòng tôi tỏ ra hoài nghi về tương lai đất nước nhất là sau chiến tranh thì chuyện đó khiến họ càng thêm khó chịu nên họ quyết định tập trung cải tạo tôi với lý do có tư tưởng phản động.”

Sau hơn ba năm những bước chân dò dẫm để trở lại đời thường thật không dễ như người ta thường nghĩ. Cảnh đời thật ập vào trí giác nhà thơ như một tiếng thở dài, như một lời than thở. Sự năng động của đời sống thực cuốn hút nhà thơ vào dòng chảy của mình như lục bình, như phù sa, như rác mà nhà tù vừa nhả ra.

Nhà thơ không tự chủ được mình và ông cảm thấy không còn một lựa chọn nào khác. Nhà tù sẽ theo Hoàng Hưng trong suốt nhiều năm sau đó và chính những kinh nghiệm tù đày đã khiến thơ ông có chất liệu của máu, mồ hôi luôn cả những thống thiết không lời trên từng câu chữ sau này:

“Đêm đợi tàu ở ga Thanh Hoá để về đoàn tụ với đại gia đình ở Hà Nội, giữa đám trẻ bụi đời mà tôi tự nhiên sáp vào theo một lựa chọn bản năng cho sự an toàn của mình, sự lựa chọn không thể giải thích bằng lý trí, có lẽ là đêm đầu tiên tôi không ác mộng.

Có thể nói hơn một nghìn đêm sống trong các chỗ giam cầm khác nhau, từ trại tạm giam Hoả Lò, đến Trung tâm Thẩm vấn Quốc gia ở ngoại thành Hà Nội, sau cùng là trại cải tạo Thanh Cẩm ở miền núi Thanh Hoá, hầu như không đêm nào tôi không gặp ít hay nhiều ác mộng, những ác mộng ngắn hoặc dài, là những mảnh vụn hay cả một câu chuyện.

Phần lớn những ác mộng ấy, nếu không là lạc vào những cảnh giới hãi hùng thì cũng bao gồm cảnh mình bị rượt đuổi, bị bắt, hay bị giam cầm, hoặc vượt ngục mà không thoát... Có điều tôi có thể khẳng định là tôi chưa bao giờ mơ thấy mình bị đánh đập hay bị tra tấn!”

Những sáng tác trong tù

Ở tù đôi khi không phải là chuyện không may, ít ra là trong bối cảnh cuộc đời của nhà thơ Hoàng Hưng. Bài thơ "Người Về" của ông được chọn để trao giải 100 bài thơ hay nhất thế kỷ của Việt Nam. Những lời lẽ trong bài thơ này thật ra rất dung dị và không một chút làm dáng hay cường điệu để tả một người vừa ở tù ra.

Tuy nhiên bàng bạc trong cả bài thơ là cái không khí mà khi đọc kỹ ta dễ dàng thấy cái ám ảnh của những cơn ác mộng trong tù vẫn đeo bám không tha con người vừa được tự do kia, khiến cho cái mà anh ta tưởng hoàn toàn được tự do sẽ không bao giờ có thật trong đời sống của anh nữa. Sự thật được dàn trãi trong bài thơ Người Về của Hoàng Hưng nằm ở câu cuối.

Giật mình một cái vỗ vai...

Khi bị vỗ vai thì thông thường tất cả chúng ta đều giật mình, nhưng cái giật mình của người mới ra khỏi nhà giam chắc chắn có khác. Đằng sau cái vỗ vai ấy người tù cảm thấy kinh hoàng như sắp sửa bị dẫn đi. Đi đâu? lấy cung, đổi phòng, đổi nhà giam....và có đi đâu chăng nữa thì hình ảnh kinh hoàng vẫn cứ bám sát vẫn cứ ám ảnh trong cả giấc mơ.

Người Về

Người về từ cõi ấy Vợ khóc một đêm con lạ một ngày

Người về từ cõi ấy Bước vào cửa người quen tái mặt

Người về từ cõi ấy Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy

Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui Hai năm còn mộng toát mồ hôi Ba năm còn nhớ một con thạch thùng Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối

Một hôm có kẻ nhìn trân trối Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi

Giật mình, một cái vỗ vai

1 trong 100 bài thơ hay nhất

Hoàng Hưng vừa đọc cho chúng ta nghe tác phẩm Người Về của ông. Đây cũng chính là tác phẩm được chọn trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ của Việt Nam.

Trở về đời thường không bao lâu thì ông tiếp tục sáng tác lại trong đó ông chú tâm rất nhiều đến công việc dịch thuật. Có lẽ từ chỗ quen với ngoại ngữ nhà thơ Hoàng Hưng có dịp tha thẩn rong chơi với những tác phẩm nước ngoài nổi tiếng và nhiều công trình dịch thuật của ông ra đời trong thời gian này.

Và rồi dịp may đến, ông đã được ra nước ngoài tham dự nhiều hội nghị văn hóa cũng như hoạt động văn học quốc tế, nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là những lần ông sang Mỹ đọc thơ của mình trong các trường đại học nổi tiếng như Đại học Berkeley thuộc tiểu bang California, Đại học Columbia College Chicago, Đại học Washington, Seatle hay Đại học Quốc gia San Francisco. Khi được hỏi những phản hồi từ phía người nghe thơ của ông ra sao, ông cho biết:

”Trong lúc tôi đi đọc thơ ở các trường đại học Mỹ thì tôi thấy họ có một sự đồng cảm và đây là điều mà tôi không hình dung trước nhưng trong và sau khi đọc tôi thấy tôi thấy rõ ràng có sự đồng cảm trong ánh mắt, trong các lời phát biểu hay cảm ơn, chuyện trò đôi câu với tôi.

Dù rằng qua bản dịch chỉ thể hiện phần nào thế nhưng tôi nghĩ rõ ràng họ có một sự rất đồng cảm, kể cả giọng đọc của tôi khi đọc thơ bằng tiếng Việt cho dù họ không hiểu nghĩa nhưng cái âm nhạc trong giọng của mình cũng chuyển cảm được và do đó cái sự đồng cảm tôi thấy rất là chân thành.”

Còn người thưởng ngoạn thơ ông trong nước thì sao? họ có mặc cảm đối với việc ông từng bị giam về tội phát tán văn hóa phẩm phản động hay không? Họ là ai và thuộc giới nào?

“Gần đây tôi mới có dịp xuất hiện trước công chúng cho nên tôi cũng không biết được phản ứng của công chúng thế nào thế nhưng qua mấy buổi đọc thơ ở viện Goether, khoa văn đại học sư phạm hay ở Văn Hóa Đông Tây thì tôi thấy tôi cũng đựoc sự đồng cảm và yêu mến của người nghe. Sau các buổi đọc thơ đó thì họ phát biểu rất nhiều những nhận xét của họ về thơ của tôi.”

Bài thơ được đánh giá cao của Hoàng Hưng trong tác phẩm Ác Mộng là bài "Một Ngày", tuy nhiên bài thơ này lại không được chọn đưa vào danh sách 100 bài thơ hay nhất thế kỷ. Nhà thơ Hoàng Hưng cho biết:

”Bài Một Ngày không được công bố nó nằm trong bài thơ Ác Mộng của tôi. Bài Người Về ngay từ khi mới ra đời cũng có dư luận mạnh mẽ hưởng ứng. Tất nhiên sau đó nhà xuất bản cũng như tôi gặp rất nhiều rắc rối nhưng sau này thì nó cũng chìm đi. Riêng các tuyển chọn thơ Việt Nam thì hầu như những lần tuyển chọn đều tuyển cái bài đó. Bài thơ Người Về theo tôi rất chân thực, cho nên từ sự chân thực nó gây ra sự đồng cảm của người đọc/”

Trong chương trình kỳ tới, Mặc Lâm mời quý thính giả tiếp tục theo dõi những bài thơ trong tập "Ác Mộng" của Hoàng Hưng, trong đó có bài vừa được nhắc tới là bài "Một Ngày". Đây là bài thơ có kết cấu lạ lùng hiếm hoi trong nền thơ đương đại Việt Nam đã được tiếng vang trong các trường đại học khi Hoàng Hưng có dịp đọc trước những cử tọa Hoa Kỳ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.