Vận động viên tàn tật xây dựng mái ấm cho những người khuyết tật

0:00 / 0:00

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Vào ngày 3 tháng 12 năm 2006 vừa qua, nhân ngày Người Tàn Tật Quốc Tế, ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, một công ty may mặc mang tên Tâm Thiện ra đời. Gọi là công ty cho oai, chứ thực ra, đó chỉ là một cơ sở dậy nghề và may của những người khuyết tật rất nghèo nàn.

DangThiNgocAnh200.jpg
Chị Đặng thị Ngọc Ánh. Photo courtesy TuoTre Online

Người có ý định truyền nghề may để tạo công ăn việc làm cho những anh chị em bị khuyết tật chính là nữ vận động viên khuyết tật của quốc gia, Đặng Thị Ngọc Ánh, từng đoạt các giải thể thao cầu lông, bơi lội ở trong nước và châu Á. Trang Phụ Nữ kỳ này xin dành để giới thiệu tới quí vị chị Đặng thị Ngọc Ánh và cơ sở may Tâm Thiện.

Theo lời chị Ánh cho biết, từ nhỏ, chẳng may qua một cơn sốt, hai chân chị yếu hẳn đi và không đi được nữa, gia đình lại nghèo và đông anh chị em. Không muốn sau này trở thành gánh nặng cho gia đình nên năm 16 tuổi, chị quyết định học cho bằng được nghề may và thế là chị rời nhà ra đi. Chị hồi tưởng lại: "Thời đó, gia đình em rất nghèo, gặp rất nhiều khó khăn, anh chị em đông, em rất mặc cảm, bản thân em suy nghĩ rằng mình phải vượt qua số phận của mình để khỏi gánh nặng cho gia đình. Đến năm 16 tuổi, em bỏ nhà ra đi mặc dù gia đình không đồng ý, nhưng em quyết tâm ra đi với đôi chân khập khễnh, lê la trên hè phố với một chiếc đầu máy may.

Khi vào đến đất Sàigòn, em nghĩ là em không thể buôn bán để cạnh tranh trong xã hội được, em chỉ tìm một nghề thôi. Đó là nghề may vì em đi đứng khó. Từ đó, em về Sàigòn học may và xin làm việc Osin ở đất Sàigòn. Bước đầu, họ không nhận làm Osin, nhưng vì lê la trên đường, nhiều người có tấm lòng, đem gửi em đến người quen, để giúp rửa chén bát, lau nhà…”

Cơ sở dậy nghề người tàn tật Ngọc Ánh

Trong thời gian ở Sàigòn, được nghe nói rằng bơi lội sẽ có ích cho đôi chân của mình và năm 1998, sau khi dành dụm được một số tiền nho nhỏ, chị trở về Đà Nẵng mở một tiệm may và quyết tâm luyện tập bản thân, chị kể lại: "Em ra biển tập luyện, cố gắng đi bằng chân bằng cách kẹp chân của mình vào cặp nạng, dù có té ngã, em cũng bò dậy, và cố gắng bò ra biển để tập và ngày hôm nay em đã đi được. Bây giờ em vẫn đi khập khễnh nhưng đã bỏ cặp nạng rồi.

Khi em về Đà Nẵng, em có một khoản tiền do chính mồ hôi nước mắt của mình làm ra và mở một tiệm may Ngọc Ánh và gặp những người tàn tật trên đường phố, em đem về dậy nghề cho họ. Từ đó thành cơ sở dậy nghề người tàn tật Ngọc Ánh.

Thời đó, gia đình em rất nghèo, gặp rất nhiều khó khăn, anh chị em đông, em rất mặc cảm, bản thân em suy nghĩ rằng mình phải vượt qua số phận của mình để khỏi gánh nặng cho gia đình. Đến năm 16 tuổi, em bỏ nhà ra đi mặc dù gia đình không đồng ý, nhưng em quyết tâm ra đi với đôi chân khập khễnh, lê la trên hè phố với một chiếc đầu máy may.

Lúc đầu chỉ là một cơ sở may đơn giản gồm những người khuyết tật, những anh chị em đồng cảnh ngộ với mình, hồi đó tôi chỉ là một người cùng cảnh ngộ với chị em. Cơ sở lúc đó mang tên cơ sở dậy nghề Ngọc Ánh…”

Năm 2002, khi nhà nước có phong trào thể thao cho người khuyết tật, và đồng thời tuyển lựa vận động viên quốc gia, chị tham gia giải thể thao dành cho người khuyết tật lần đầu tiên được tổ chức tại Huế và đoạt huy chương vàng môn cầu lông và huy chương bạc môn bơi lội.

Sau đó, chị lại tham gia tiếp giải dành cho khu vực Đông Nam Á Para Games lần thứ 3 và liên tiếp đoạt hai huy chương bạc. Tổng số tiền nhận được từ các giải thưởng được 40 triệu. Thay vì dành dụm số tiền thưởng cho riêng mình, chị quyết định tiếp tục mở rộng cơ sở may và nhận thêm rất nhiều người khuyết tật khác để dậy nghề cho họ. Chị kể tiếp:

“Đến khi được giải, Ánh dành dụm được số tiền và thay vì buôn bán cho mình, Ánh muốn nâng cao cơ sở dậy nghề cho người khuyết tật để đón biết bao người khuyết tật không có nơi ăn chốn ở, muốn có công ăn việc làm. Hiện nay, có rất nhiều anh chị em đi bán vé số, đánh giầy, bán báo…Ánh động viên họ nên có một cái nghề để dễ nuôi bản thân hơn và đỡ gánh nặng cho gia đình, xã hội.”

Tiếng lành đồn xa, không những chỉ những người ở địa phương mà thôi, những người khuyết tật ở Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh và vùng lân cận kéo đến xin chị giúp. Đứng trước hoàn cảnh nghèo và khó khăn của những người đồng cảnh ngộ với mình, nhất là khi thấy họ đều là những thanh thiếu niên đang trong tuổi lao động, chị không thể nào chối từ.

Những năm đầu vất vả

Những tưởng dậy nghề là chính, nhưng bây giờ lại còn phải lo nuôi cơm? Đào đâu ra kinh phí? Thế là chị lại một thân một mình vất vả lo toan, chị cho hay:

“Bước đầu rất nhiều khó khăn, vì chỉ nghĩ đơn giản thôi, ai dè đem các em vào nuôi, rồi lại phải cho các em ăn ở, Ánh tưởng là đến học nghề thôi, nhưng không ngờ chuyện ăn uống là Ánh phải gánh vác luôn.

Nên trong những năm đầu rất vất vả, Ánh phải bươn chải, đi làm thêm việc khác thay vì dậy may, phải ra những sản phẩm để đi bán kiếm kinh phí về nuôi các em, hay tìm những điểm khác để làm thêm, hàng tháng kiếm thêm gạo về nuôi các em…để làm sao đừng làm cho các em mất niềm tin khi đã về với mình.”

Đến khi được giải, Ánh dành dụm được số tiền và thay vì buôn bán cho mình, Ánh muốn nâng cao cơ sở dậy nghề cho người khuyết tật để đón biết bao người khuyết tật không có nơi ăn chốn ở, muốn có công ăn việc làm.

Khi hỏi thăm chị có được ai giúp đỡ thêm về tài chính hay không, chị cho biết rằng vì đây là cơ sở của tư nhân, lại ở vùng xa, nên cũng chẳng có ai quan tâm. Chị nói:

“Địa phương cũng không ai giúp đỡ mình hết, chỉ ký giấy tờ vậy thôi. Bây giờ bảo hiểm của các cháu cũng không có nữa vì các chaú ở khắp nơi, không nơi nương tựa, những đưá trẻ mồ côi, chính bản thân em cũng không biết nhà cửa tụi nó ở đâu, nguồn gốc ở đâu nữa, nên tới địa phương để xin cấp bảo hiểm cũng rất khó, người ta đòi hỏi phải có nguồn gốc, ở đâu mà có!

Em đem tụi nó về từ trên vỉa hè, từ vùng sâu, vùng xa, tất cả đều bị khuyết tật hết chứ không phải là người bình thường mà, người ta cứ đòi phải có nguồn gốc mới cấp bảo hiểm, không nơi nương tựa thì làm gì có nguồn gốc?”

Công ty Tâm Thiện

Được biết, hiện nay trong cơ sở của chị có đến 72 anh chị em khuyết tật, nhỏ nhất 15 tuổi và lớn nhất là 43 tuổi, trong đó có đến 21 em dưới 18. Cuộc sống hàng ngày rất chật vật. Chỗ làm việc, ăn, ở, nghỉ ngơi đều trên diện tích 60 mét vuông, bốn vách tường được dựng bằng những tấm cót, ván ép, mái tôn cũ, rách…

Ngoài chỗ để 30 máy may gia đình, phần còn lại là nơi sinh hoạt hàng ngày của các anh chị em khuyết tật. Đã vậy, hàng tháng chị Ánh còn phải chạy gạo muốn hụt hơi, và rất khó ký hợp đồng, chị kể lại:

“Em chạy đi năn nỉ, em ký hợp đồng rất khó, phải nhờ người ta đứng pháp nhân, làm thủ tục, nên người ta “ăn” hết trơn, em chỉ còn một chút, rất khó khăn. Vưà rồi, em lấy ngày 3-12 là ngày thành lập công ty, nghe tên công ty thì nó to lắm, nhưng thực ra để em có pháp nhân.

Nếu nói về công ty Tâm Thiện thì nó ra đời là do các chị em khuyết tật tự dựng lên, chứ chưa được sự giúp đỡ của ai hết, tự trong nhà anh chị em đứng lên, mục đích để có pháp nhân để ký hợp đồng, để về nuôi các em trong nhà mà thôi…

Nếu nói về công ty Tâm Thiện thì nó ra đời là do các chị em khuyết tật tự dựng lên, chứ chưa được sự giúp đỡ của ai hết, tự trong nhà anh chị em đứng lên, mục đích để có pháp nhân để ký hợp đồng, để về nuôi các em trong nhà mà thôi…

Người ta chỉ động viên về tinh thần để thành lập công ty, chứ chưa có ai giúp đỡ một tí gì về vật chất cả. Nếu ai đến Tâm Thiện sẽ thấy mái tôn leo teo, màn trời chiếu rách như thế nào…Muà nắng thì lấy đồ che, muà mưa thì lấy thau hứng nước…”

Mái ấm gia đình thứ hai

Ðối với những anh chị em khuyết tật đang được chị Ánh cưu mang, thì cơ sở này là một mái ấm gia đình thứ hai của họ. Em Linh, năm nay 24 tuổi, quê ở Quảng Ngải, bị khuyết tật một tay, một chân, cho biết:

“Lúc trước, em có học may trong quê, em cũng đi làm nhiều nơi, nhưng cảm thấy không phù hợp nên về quê…Có một bữa, em vô tình mua tờ báo đọc, thấy chỗ này có dậy nghề cho người khuyết tật và nhận người khuyết tật làm, em mới đi xin cô Ánh làm. Nói chung, em sống ở đây rất thoải mái, có những người bạn khuyết tật như em hiểu và dễ sống hơn là làm cho người bình thường.”

Với Linh, giờ đây có việc làm ổn định và cuộc sống vẫn còn nghèo nàn nhưng tinh thần em rất thoái mái. Lâu lâu nhớ nhà quá thì lại xin chị Ánh về thăm gia đình một vài bữa. Còn chị Thu, 27 tuổi, bị teo cơ chân trái, đến cơ sở làm việc được hơn một năm cho biết cảm tưởng:

"Nói chung, em cũng đi làm nhiều nơi, nhưng những chỗ khác mình cảm thấy đơn thân độc mã, họ nhìn mình với ánh mắt khó chịu, nhiều lúc họ không chia xẻ với mình. Tới đây làm thì ai cũng giống mình, thông cảm được, thân thiết hơn, giống như chị em trong nhà mình." Riêng em Thu Hồng, năm nay 15 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, bị liệt hai chân, ba đã chết, má già và hay bệnh hoạn, anh chị em đều nghèo, không nuôi nổi, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Một hôm, xem tivi ở hàng xóm, thấy có thông báo nhận dậy nghề cho người khuyết tật ở cơ sở này, em liền liên lạc với chị Ánh và được chị thu nhận ngay. Giờ đây, Thu Hồng cho biết:

“Ở đây, toàn là những người cùng hoàn cảnh với mình nên cũng ít bị mặc cảm hơn. Làm việc ở đây được tiếp xúc với xã hội, có mấy anh chị em cũng giống mình.

Nói chung Cô Ánh thì có tấm lòng, nhưng nhà cửa thì lụp xụp lắm, mưa dột, đi ngủ lạnh lắm, vì nhà cửa dựng bằng tôn, ép vô, tôn cũng cũ, rách, chắp nối, trải chiếu dưới sàn nhà ăn cơm và ngủ ở đó luôn, nói chung không được rộng rãi, nhưng được cô Ánh thương nên tụi con được nhờ.”

Những ước mơ

Khi hỏi em có mong ước điều gì nhất, em trả lời ngay: "Em mong tất cả các anh chị em khuyết tật ở đây có một mái nhà cho nó đàng hoàng để sống và làm việc… Bão vừa rồi bay hết, mỗi người cho một ít tôn, miếng lành miếng rách, rồi lợp lên, bây giờ thì che nắng được nhưng che mưa không được…"

Riêng với nữ vận động viên khuyết tật, Đặng thị Ngọc Ánh, thì hiện nay, điều quan trọng nhất với chị là: "Mơ ước lớn nhất của em là làm sao cho các em có việc làm, làm ra sản phẩm có người thu mua."

Quí vị vừa nghe những thông tin về chị Đặng thị Ngọc Ánh, người nữ vận động viên khuyết tật của quốc gia, một phụ nữ quyết không chịu đầu hàng số phận, và giờ đây đang tiếp tục dìu dắt những người đồng cảnh ngộ với mình.

Mong rằng ước mơ của chị cũng như những anh chị em khuyết tật khác trong ngôi nhà tình thương ấy sớm thành hiện thực. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị cùng các bạn trong chương trình kỳ sau.