Tham nhũng tại các dự án đầu tư công ích tác hại ra sao?

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Trong thời gian qua đã có nhiều vụ tham nhũng ở cấp cao bị phát hiện. Trong đó có nhiều vụ khó tưởng tượng nổi là tiền ở đâu ra mà nhiều thế? Hàng triệu đôla chỉ để cá cược bóng đá cho vui, xuất xứ từ đâu? Lê Dân tìm hiểu và trình bày như sau.

0:00 / 0:00
moneyEconomic200.jpg
Trong thời gian qua đã có nhiều vụ tham nhũng ở cấp cao bị phát hiện. AFP PHOTO

Tính đến ngày 20 tháng Hai, cơ quan điều tra bộ Công an đã chính thức niêm phong 7 chiếc xe hơi trong số 12 chiếc được xác định là của cựu tổng giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng "cho mượn".

Thế nhưng phòng Cảnh sát Giao thông Công an Hà Nội thông báo trong những năm qua, riêng tại địa bàn Hà Nội, PMU 18 dưới sự lãnh đạo của ông Bùi Tiến Dũng đã đăng ký tới 108 chiếc xe. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy đây đều là những chiếc xe mới, trị giá rất cao vì được phép nhập khẩu nguyên chiếc theo chế độ "phục vụ dự án".

Báo chí hài hước cho rằng số xe đó của cơ quan Bùi Tiến Dũng mua còn nhiều hơn tổng số nhân viên PMU 18, trong khi số xe mà ban Quản lý Dự án này sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Những số tiền khổng lồ đó ở đâu ra nếu không từ các dự án mà PMU 18 quản lý? Cơ quan Quản lý Dự án số 18 này trực thuộc bộ Giao thông-Vận tải, cùng một số cơ quan thuộc những bộ khác tổ chức thực hiện nhiều công trình do quỹ ODA tài trợ. Đây là chữ viết tắt theo Anh ngữ của Official Development Aid, tức Quỹ Phát triển Chính thức.

Mới hồi cuối tuần trước, phó giáo sư tiến sĩ Trần Ngọc Thơ, thuộc đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong bài đăng trên Tuổi Trẻ Chủ nhật về "Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2005 của Ngân hàng Thế giới" đã có đoạn đề cập tới việc này mà chúng tôi xin thuật lại nguyên văn "Đặc thù kiểu Việt Nam có thể dẫn đến nguy cơ về một khái niệm rất mới, đó là tham nhũng tài chính.

Trong hơn 10 năm qua, đã có biết bao nghị quyết về chống tham nhũng. Thế nhưng khối u tham nhũng ngày càng vô phương cứu chữa. Gặp phải thảm trạng này, kinh nghiệm chống tham nhũng của các quốc gia vô địch về tham nhũng đáng là bài học để tham khảo.

Tài sản tài chính này có nguy cơ bị tham nhũng và lãng phí rất cao. Nguồn vốn ODA cho ngành giao thông vận tải, vốn được quản lý theo một quy trình rất chặt chẽ, lại có thêm sự giám sát của nhà tài trợ nước ngoài, thế mà vẫn còn bị các con bạc triệu đô tùng xẻo".

Phó giáo sư Trần Ngọc Thơ cho biết là nhà tài trợ vốn ODA lớn nhất là chính phủ Nhật đã chính thức có phản ứng với chính phủ Việt Nam về vụ này.

Về công tác giám sát việc sử dụng nguồn vốn ODA, chúng tôi hỏi thăm ông Ian Fox, chuyên gia của Ngân hàng Phát triển Á châu tại Hà Nội, cho biết:

“Quý vị biết là chúng tôi có một chính sách chống tham nhũng rất bao quát. Chính sách đó chi phối mọi việc khi chúng tôi thực hiện dự án, kể cả việc hậu kiểm khi dự án hoàn thành. Như vậy mà nạn tham nhũng cũng khó tránh khỏi hoàn toàn.”

Về Quỹ Phát triển Chính thức, thứ trưởng Tài chánh Lê thị Băng Tâm từng cho báo chí biết vay ODA là nợ ngân sách, phải hoàn trả dù là có lãi suất thấp, ưu đãi. Bà nói thêm là thực tế cho thấy đã có nhiều dự án được cấp vốn ODA rồi thực hiện không tốt, không có khả năng trả nợ, cuối cùng phải bị âm thầm xóa đi.

Các quốc gia và tổ chức quốc tế tài trợ giúp Việt Nam do tính ngoại giao tế nhị, nên khi tìm thấy có gì không ổn thì họ chỉ khéo léo báo tin cho chính quyền, mà nếu không giải quyết rốt ráo thì họ chỉ lẳng lặng bỏ đi.

Chống tham nhũng

Trở lại bài tham luận của phó giáo sư tiến sĩ Trần Ngọc Thơ, thuộc đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đăng trên Tuổi Trẻ Chủ nhật về "Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2005 của Ngân hàng Thế giới", về chống tham nhũng ông viết:

"Trong hơn 10 năm qua, đã có biết bao nghị quyết về chống tham nhũng. Thế nhưng khối u tham nhũng ngày càng vô phương cứu chữa. Gặp phải thảm trạng này, kinh nghiệm chống tham nhũng của các quốc gia vô địch về tham nhũng đáng là bài học để tham khảo.

Bạn nghĩ gì về tệ tham nhũng tại Việt Nam hiện nay? Xin email về Vietweb@rfa.org

Theo đó, cách tốt nhất là phải quay trở về xem xét căn nguyên mang tính quyết định nhất của căn bệnh: đó là đã có những lỗ hổng, hoặc sai lầm cơ bản nào từ chính sự vận hành của hệ thống chính trị".

Trở lại hàng trăm chiếc xe được ban Quản lý Dự án PMU 18 "cho mượn". Ai cũng thấy đó là một hình thức tham nhũng rất tinh vi. Ông Bùi Tiến Dũng tặng xe đắt tiền, thì đương nhiên sẽ được lại quả bằng ân huệ nào đó, mà cả hai bên đều không để lại dấu vết gì.

Những "mưu thần chước quỷ" đó đã khiến Ngân hàng Thế giới trong bản "Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2005" viết rằng "tham nhũng đã lệch khỏi xu hướng chung so với các nước có cùng trình độ phát triển".

Phó giáo sư tiến sĩ Trần Ngọc Thơ của đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giải nghĩa thế nào là "lệch khỏi xu hướng chung". Ở đây thuật ngữ lệch hướng được sử dụng với ý nghĩa không thể xem thường. Đó là lệch khỏi giá trị, thậm chí lệch khỏi giá trị đạo đức trung bình thường có ở bất kỳ quốc gia nào khác.

Tham nhũng ở nước nào cũng đều là quốc nạn, song Việt Nam bị xếp vào hạng trong 7 quốc gia tham nhũng tệ hại nhất trên thế giới, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới thì Việt Nam đứng hạng 97 trong số 104 quốc gia được khảo sát, thì quả là điều đáng cho tất cả mọi người cần phải xem lại từ trên xuống.