Làm gì để giải quyết tận gốc những tiêu cực học đường?


2006.07.06

Việt Long, phóng viên đài RFA

Việc thày giáo Đỗ Việt Khoa tố cáo những tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 ở Hà Tây của đã được sự ủng hộ sâu rộng từ công luận và báo giới. Người dân trong nước nghĩ gì về vấn đề này? Nên làm những gì để giải quyết tận gốc những tệ trạng tiêu cực học đường này?

student200.jpg
AFP PHOTO

Lê Phương, một thính giả trong nước từng qua chương trình trung học và đại học, trình bày ý kiến quanh những câu hỏi này, qua câu chuyện với Việt Long sau đây. Việt Long: Học sinh Việt Nam thi THPT đỗ rất nhiều, tỉ lệ đậu có thể coi là cao nhất thế giới. Bạn thấy đó là điều tốt hay không tốt?

Lê Phương: Phải em thì em cũng sẽ cho đỗ hết thôi.

Việt Long: Tại sao thế, và như vậy là bạn sẵn lòng chấp nhận cả những tiêu cực?

Lê Phương: Không. Nhưng xử lý thế nào thì phải cân nhắc. Giữ kỷ cương nhưng cũng phải tạo cho các em học sinh chúng nó những cơ hội thuận lợi nhất để bước vào cuộc sống. Bây giờ thử đặt ngược lại vấn đề là nếu trượt thì chúng nó sẽ ra sao khi không có mảnh bằng cấp 3?

Việt Long: Theo bạn, và với cái nhìn của người trong nước thì sao? Như em hay cháu của bạn chẳng hạn, không có bằng cấp 3 thì sao?

Thì cánh cửa vào đời sẽ hẹp lại rất nhiều. Bởi vì chất lượng giáo dục phổ thông của mình chưa tốt. Ở đây người ta còn nói vui vui là tốt nghiệp cấp 3 bây giờ nó cũng chỉ như vừa xong lớp xóa mù chữ thôi. Các kiến thức xã hội và định hướng cuộc sống hầu như rất sơ sài. Không có gì mấy.

Lê Phương: Thì cánh cửa vào đời sẽ hẹp lại rất nhiều. Bởi vì chất lượng giáo dục phổ thông của mình chưa tốt. Ở đây người ta còn nói vui vui là tốt nghiệp cấp 3 bây giờ nó cũng chỉ như vừa xong lớp xóa mù chữ thôi. Các kiến thức xã hội và định hướng cuộc sống hầu như rất sơ sài. Không có gì mấy.

Nhưng mà không có bằng cấp 3 thì muốn đi học một cái nghề hay đơn giản chỉ là đi làm công nhân cũng khó. Yêu cầu của xã hội ngày một cao mà.

Việt Long: Nói là tốt nghiệp cấp ba mà chỉ tương đương với xong lớp xoá mù chữ thì thật là quá đáng! Nhưng như vậy nghĩa là bạn cho rằng tỉ lệ cao về thi đỗ không những chỉ do bệnh thành tích như bị phê phán, mà còn vì xã hội lo lắng cho tương lai học sinh và thanh niên nữa, phải không?

Lê Phương: Vâng, ngành giáo dục người ta luôn tìm đủ mọi cách để cho học sinh đỗ tốt nghiệp.

Việt Long: Nếu vậy thì làm sao gọi là thực hiện sự công bằng và trung thực trong thi cử?

Lê Phương: Thì tuy có phần giả dối đấy nhưng em nghĩ trong cái bối cảnh xã hội hiện nay thì như thế lại là có phần nhân đạo. Mà nếu không có bằng cấp 3 thì nhiều đứa nó sẽ đi mua bằng giả để dùng thôi.

Việt Long: Nhân đạo như thế thì lại mâu thuẫn với sự công bằng và trung thực. Cho nên có nhiều người không đồng ý với bạn, như là báo chí và công luận Việt Nam đang tỏ ra bức xúc trước tỉ lệ thi đậu quá cao, và những tiêu cực trong thi tốt nghiệp cấp 3 như ở tỉnh Hà Tây là điển hình. Bạn nghĩ sao ?

Lê Phương: Cái chuyện mà thày giáo Đỗ Việt Khoa tố cáo ấy, em nghĩ là vô cùng dũng cảm và rất đáng khâm phục. Cần nhân rộng những tấm gương đó. Nhưng mà sẽ rất khó xử lý. Chuyện bồi dưỡng ở Việt Nam mình giờ thành tập quán, thành văn hóa phong bì rồi. Đến ngay như họp báo hay hội thảo khoa học mà còn phát phong bì nữa là giám thị trông thi.

Vả lại như vậy cũng chưa hẳn là hối lộ đâu. Bởi vì tâm lý chung của nhiều người là thôi, nó đã mất công 12 năm đèn sách tới cái chặng cuối cùng rồi. Dù có đuối một tí cũng cho nó đỗ. Mất cái gì đâu. Họ coi như vậy cũng là thương học trò. Dù không có phong bì bồi dưỡng thì nhiều giám thị họ cũng trông dễ dãi lắm.

Ngoài ra thì trường nọ trông trường kia, thành ra trường này dễ dãi thì các trường khác họ cũng nới rộng cho học trò của mình. Có đi có lại. Học sinh thì được tốt nghiệp, mà nhà trường thì được thành tích thi đua để có cái mà báo cáo. Lợi cả đôi đằng.

Chuyện mà thày giáo Đỗ Việt Khoa tố cáo ấy, em nghĩ là vô cùng dũng cảm và rất đáng khâm phục. Cần nhân rộng những tấm gương đó. Nhưng mà sẽ rất khó xử lý. Chuyện bồi dưỡng ở Việt Nam mình giờ thành tập quán, thành văn hóa phong bì rồi. Đến ngay như họp báo hay hội thảo khoa học mà còn phát phong bì nữa là giám thị trông thi.

Việt Long: Vậy là những chuyện này đã tồn tại từ lâu và đã ngấm ngầm có sự đồng thuận chung hay sao?

Lê Phương: Vâng. Tồn tại từ lâu rồi. Tất nhiên là tới mức độ để cho người bên ngoài bắc cả thang vào ném bài giải thì coi thường kỷ cương phép nước quá rồi.

Nhưng chấn chỉnh thì chẳng lẽ chỉ xử lý riêng Hà Tây thôi sao? Bây giờ nhiều chỗ như thế lắm. Cho nên cần phải đặt câu hỏi là tại sao đâu đâu cũng thế. Không cẩn thận thì cái việc kỷ luật, chấm lại, rồi thì sang năm trông chặt hơn có khi vẫn chỉ là giải quyết phần ngọn thôi.

Việt Long: Thế thì theo bạn cái phần gốc ở đâu?

Lê Phương: Là chương trình nặng quá. Hiện nay nếu trông và chấm thi chặt thì chắc là trượt cấp 3 nhiều lắm. Không phải do học sinh mình kém thông minh, mà vì chương trình nặng quá. Nhiều đứa học không theo kịp nhưng cứ bị đẩy cho lên lớp, thành ra tới lớp 12 thì kiến thức hổng hết.

Nhưng mà cuối cùng lại vẫn đỗ hết. Ai cũng thấy là giả dối nhưng mà vẫn phải chấp nhận bởi vì thi tốt nghiệp nó chỉ là khâu cuối cùng trong một cái chuỗi dây chuyền chế biến thành tích ảo thôi. Cho nên muốn hạn chế tiêu cực thì cần giảm tải và có một số thay đổi trong chương trình học tập.

Việt Long: Giảm tải và thay đổi theo hướng nào?

Lê Phương: Nên giảm bớt bài học của mấy môn toán lý hóa. Vì sau nhiều lần cải cách thì người ta đã lấy cả kiến thức ở bậc đại học xuống nhét vào sách cấp 3 rồi. Như vậy là thừa.

Việt Long: Tại sao lại muốn giảm toán lý hoá, trong khi học sinh Việt Nam thường đoạt giải cao về toán quốc tế mà? Ngoài ra Việt Nam cũng có nhiều học sinh chứng tỏ khả năng rất cao khi du học ở nước ngoài, theo những trường hợp mà chúng tôi được biết.

Chương trình khoa học nặng nề thì vẫn có một số học sinh rất giỏi đoạt giải quốc tế, đáng tự hào thật. Du học sinh sang nước ngoài mà giỏi, cũng thế. Bởi vì đâu cũng thế thôi, dù nền giáo dục có thế nào thì ít nhất cũng vẫn có một số ít xuất sắc.

Lê Phương: Chương trình khoa học nặng nề thì vẫn có một số học sinh rất giỏi đoạt giải quốc tế, đáng tự hào thật. Du học sinh sang nước ngoài mà giỏi, cũng thế. Bởi vì đâu cũng thế thôi, dù nền giáo dục có thế nào thì ít nhất cũng vẫn có một số ít xuất sắc. Được như vậy là nhờ thông minh đặc biệt, biết tự tìm ra cách học tập hiệu quả. Và có thể là nhờ truyền thống học thuật của gia đình, lại có điều kiện về nhiều mặt, và tích cực đầu tư vào việc học của con cái.

Nhưng mà với cái chương trình bất hợp lý như hiện nay thì số đông vẫn không có lợi gì, và lại còn nảy sinh những tệ nạn thi cử nữa. Em cho là các môn khoa học với xã hội không được cân bằng trong chương trình học.

Quá thiên lệch. Học sinh Việt Nam còn thiếu nhiều kiến thức, những hiểu biết xã hội và kỹ năng sống. Đấy là cái gốc của tiêu cực. Ít ra thì cũng cần phải dạy học sinh một số những nét cơ bản nhất về cái hệ thống tổ chức xã hội và ý thức công dân nữa.

Việt Long: Bạn vui lòng cho ví dụ cụ thể.

Lê Phương: Ví dụ như chuyện cải cách hành chính diễn ra mấy năm nay rồi nhưng mấy ai đã biết hệ thống hành chính, hệ thống chính quyền của mình ra sao đâu. Mà những cái đó nó tác động trực tiếp đến cuộc sống thường nhật của người dân.

Và gay nhất là bây giờ việc giới thiệu và định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng của mỗi học sinh cũng gần như bị bỏ quên. Đang kỳ thi đại học nếu anh hỏi thì nhiều đứa nó sẽ phải trả lời là lựa chọn theo cảm tính và tác động từ bạn bè gia đình thôi, chứ chưa chắc đã thực sự hiểu và yêu thích ngành nghề đang thi vào. Rồi thì ra trường đi làm trái ngành nghề là sự lãng phí rất lớn về thời gian, kinh phí đào tạo và nhất là nhân lực của đất nước.

Bên cạnh đó cũng cần phải giáo dục và tạo điều kiện để học sinh phát triển ý thức công dân để học sinh hiểu và tôn trọng pháp luật.

Khi nền giáo dục thực tiễn hơn, hướng nghiệp tốt hơn thì áp lực bằng cấp sẽ không quá nặng nề nữa. Học sinh sẽ học vì phải học cho sự hiểu biết của mình, và không còn tìm đủ mọi cách kể cả gian dối để lấy mảnh bằng cấp 3 làm giấy thông hành vào đời như hiện nay nữa. Khi ấy các thứ tiêu cực học đường, tiêu cực trong thi cử sẽ giảm thôi.

Việt Long: Câu hỏi cuối: công luận có vẻ đánh giá cao về ông Bộ trưởng giáo dục mới là ông Nguyễn Thiện Nhân. Ông Nhân vừa lên đã cho phép thày Đỗ Việt Khoa được tiếp xúc trực tiếp bất cứ lúc nào nếu bị trù dập. Bạn có ý kiến gì không?

Lê Phương: Em nghĩ rất là hay. Ông Nguyễn Thiện Nhân là một tiến sĩ kinh tế. Mà thường người làm kinh tế giỏi thì họ rất thực tiễn, những lề thói cũ khó ràng buộc được họ. Tư duy của họ rất cởi mở, chấp nhận những cái mới, những sự cải cách.

Riêng bác Nguyễn Thiện Nhân, theo như em được biết thì có tiếng là có tư duy mới về giáo dục, và dám cải tổ mà không sợ áp lực. Cho nên em thấy khá lạc quan cho nền giáo dục Việt Nam ta, khi bác Nguyễn Thiện Nhân lên làm Bộ trưởng bộ giáo dục.

Việt Long: Vâng. Xin chào và cảm ơn bạn Lê Phương.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.