Để có tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam? (phần 3)

Luật sư Trần Thanh Hiệp và Nguyễn An, RFA

Trong buổi phát thanh trước Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về nhân quyền, trụ sở đặt tại Paris, có nói với BTV Ngyễn An rằng muốn có tiến bộ thực sự về nhân quyền ở Việt Nam thì phải thay và phải đổi.

tranthanhhiep150.jpg
Luật sư Trần Thanh Hiệp

Hôm nay BTV Nguyễn An tiếp tục trao đổi với Luật sư Hiệp về những thay đổi này. Xin được nói rằng những ý kiến của Luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Phần 3: Để có tiến bộ thực sự

Nguyễn An: Trong cuộc trao đổi trước, Luật sư có nói rằng để có tiến bộ thực sự về nhân quyền ở Việt Nam thì phải thay và phải đổi. Vậy theo Luật sư, phải thay những gì và phải đổi những gì ?

Luật sư Trần Thanh Hiệp: Như tôi đã nói lần trước, không thể có được những tiến bộ rất được chờ đợi về nhân quyền ở Việt Nam nếu chỉ đổi mới cách đàn áp. Muốn có tiến bộ thì phải có đoạn tuyệt với quá khứ.

Tuy rằng chưa thể có được ngay lúc này bước nhảy vọt dân chủ ở Việt Nam, nhưng ít ra, thì cũng phải thay đi những gì đã ngăn cản trong suốt mấy thập niên qua sự ra đời của những nhân quyền dân quyền đã xuất hiện từ lâu ở trên khắp thế giới. Và như thế, thì phải đổi khác đường lối cai trị để chấm dứt đàn áp mà chuyển sang thực hiện nhân quyền.

Nguyễn An: Điều này đã đươc nói từ lâu nhưng vẫn chưa thấy có. Luật sư có tin rằng đã có những yếu tố mới để lần này những thay đổi dự kiến nói trên sẽ là những thay đổi dự báo không ?

Tôi không có cơ sở chắc chắn để nhận định xem lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam có muốn thay đổi thực sự đường lối đảng trị tuyệt đối đả kéo dài nhiều thập niên qua hay không. Nhưng về mặt thực tế khách quan thì tôi cho rằng đã có những yếu tố để thuyết phục họ phải thay đổi. Ở đây tôi chỉ muốn giới hạn những lời bàn của tôi vào trong phạm vi luật học mà thôi.

Luật sư Trần Thanh Hiệp: Tôi không có cơ sở chắc chắn để nhận định xem lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam có muốn thay đổi thực sự đường lối đảng trị tuyệt đối đả kéo dài nhiều thập niên qua hay không.

Nhưng về mặt thực tế khách quan thì tôi cho rằng đã có những yếu tố để thuyết phục họ phải thay đổi. Ở đây tôi chỉ muốn giới hạn những lời bàn của tôi vào trong phạm vi luật học mà thôi.

Những thay đổi bắt buộc

Nguyễn An: Vâng, chúng ta sẽ chỉ bàn luận vấn đề trong phạm vi lụât học mà thôi. Vậy trong phạm vi này, theo ông tại sao không thể không có những thay đổi bắt buộc phải có được nữa ?

Luật sư Trần Thanh Hiệp: Có ít nhất hai lý do. Lý do thứ nhất, trong hơn một năm trở lai đây, chính nhà cầm quyền Hà Nội đã tự mình đánh phá cái gọi là "pháp quyền" của chế độ. Sự kiện họ cho công an chìm và nổi xâm phạm bừa bãi nhân quyền của dân chúng, của những người bất đồng chính kiến thì vô hình trung họ đã vô hiệu hóa hiệu lực cưỡng hành của pháp luật.

Việc người cầm quyền cố ý không tôn trọng pháp luật như thế đã vô hiệu hoá chẳng những hiệu lực cưỡng hành của luật lệ mà còn vô hiệu hóa cả uy lực của tòa án vì đã không làm được chức năng bảo vệ công lý. Chỉ còn cách phải thay đi thứ pháp chế cũ cho phép công an lộng hành khinh miệt nhân quyền này.

Lý do thứ hai, các tầng lớp dân chúng, từ trí thức đến bình dân, đã có nhũng biểu lộ thái độ không tự nguyện vâng lệnh nhà cầm quyền. Hiện tượng này có ý nghĩa một xu hướng đặt lại tính chính thống của chế độ. Tôi cho rằng trước môt hiện trạng phi luật như thế, những lời thuyết minh của Sách trắng về nhân quyền không thể thuyết phục nổi ai rằng luật lệ hiện hành về nhân quyền ở Việt Nam không cần thay đổi.

Nguyễn An: Nhưng liệu thay đổi tới mức Luật sư nêu lên như thế có là đòi hỏi những điều không hy vọng gì được nhà cầm quyền Hà Nội chấp nhận không ?

Luật sư Trần Thanh Hiệp: Đâu có gì là quá đáng ? Một đằng tôi cho rằng đã đến lúc Hà Nội nên thực sự hội nhập vào luật quốc nội những quy phạm của luật quốc tế về nhân quyền mà từ hơn hai mươi năm rồi chính họ đã cam kết tôn trọng và áp dụng. Điều này Hà Nội vẫn cứ nại đủ điều để lần lữa không thi hành hay chỉ thi hành về hình thức, còn về nội dung thì lại ngang nhiên vi phạm.

Tôi cho rằng trong tình huống mới hiện nay ở Việt Nam trong đó nhà cầm quyền đã công khai không tôn trọng luật pháp của chính mình thì dân chúng có nhiều cơ hội để đòi hỏi và buộc nhà cầm quyền phải đi vào con đường pháp lý.

Đằng khác, để cho mọi người lần này có thể tin ở thực tâm đổi mới nghiêm chỉnh của mình, tôi tưởng Hà Nội nên ký tên CHXHCNVN tham gia Hiệp định thư thứ nhất phụ đính Công ước quốc tế 1966 về các quyền dân sự và chính trị, để cá nhân người dân Việt Nam có khả thế hành sử tố quyền theo thủ tục của luật quốc tế về nhân quyền mà khiếu nại về những hành vi xâm phạm của nhà cầm quyền nước mình. Đó chỉ là một đòi hỏi tối thiểu, nhất là chỉ vì không có được cái tối thiểu này mà nhân quyền đã vắng thiếu ở Việt Nam.

Tự nguyện hay bắt buộc

Nguyễn An: Có nên chờ đợi sự tự nguyện của nhà cầm quyền để có được hai điều thay đổi này không ? Hay là cần phải có những áp lực để thúc đẩy Hà Nội sớm chuyển hướng ? Luật sư có thấy một khả thế tranh đấu nào của dân chúng trong khuôn khổ luật pháp hiện hành để đòi nhà cầm quyền thực hiện những thay đổi ấy không?

Luật sư Trần Thanh Hiệp: Tôi cho rằng trong tình huống mới hiện nay ở Việt Nam trong đó nhà cầm quyền đã công khai không tôn trọng luật pháp của chính mình thì dân chúng có nhiều cơ hội để đòi hỏi và buộc nhà cầm quyền phải đi vào con đường pháp lý.

Môt mặt, dân chúng phải đứng lên làm nhiệm vụ đấu tranh phòng và chống tội phạm hình sự, phòng và chống vi phạm hành chính đã được dự liệu bởi hiến pháp, luật và các văn bản dưới luật.

Và để cho việc làm này hoàn toàn hợp pháp đối với nhà cầm quyền - chứ không phải hợp pháp theo quy phạm luật quốc tế về nhân quyền - dân chúng nên nhờ luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý áp dụng thủ tục để tòa án thụ lý và xét xử những hành vi lạm quyền, thi hành sai chức vụ của công an trên cơ sở bộ luật hình sự dương hành, các Pháp lệnh và Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự.

Mặt khác, dân chúng lại còn phải huy động mọi nguồn nỗ lực văn hóa tự phát, cá thể hay tập thể trong nước cũng như ngoài nước đồng thanh đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội phải thi hành nghiêm chỉnh những nghĩa vụ quốc tế mà Hà Nội đã cam kết tôn trọng kể từ khi tham gia hai công ước quốc tế 1966 về nhân quyền và dân quyền.

Nếu cả hai phía, chính quyền và dân chúng cùng có những chuyển động theo chiều hướng mới này thì nhất định phải có tiến bộ đáng kể về nhân quyền tại Việt Nam.

Nguyễn An: Xin cảm ơn Luật sư.

Quý thính giả vừa nghe phần thứ ba và cũng là phần cuối cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ và luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về nhân quyền về tình hình nhân quyền hiện nay ở Việt Nam. Xin được nhắc lại rằng ý kiến của luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.

Theo dòng câu chuyện:

- Để có tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam? (phần 1)

- Để có tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam? (phần 2)