Nhận định và ý kiến của người dân về những điều Việt Nam cần cải thiện

0:00 / 0:00

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Qua việc tổng kết cuối năm 2006 về tình hình Việt Nam, trong một bài trước Nhã Trân ghi nhận ý kiến nhân dân về một số thành quả kinh tế nổi bật mà chính phủ Việt Nam đạt được trong năm và nguyện vọng của quần chúng cho tương lai đất nước. Trước thềm năm mới dương lịch, mời quí thính giả cùng Nhã Trân theo dõi nhận định và ý kiến của người Việt trước những điều yếu kém còn tồn tại ở Việt Nam.

MoneyCorruption200.jpg
AFP PHOTO

Hân hoan với những thành công kinh tế đáng kể có khả năng tạo nhiều tốt đẹp cho đất nước cũng như cuộc sống của dân chúng, một số người Việt được hỏi đã tán đồng và bày tỏ hy vọng cho tương lai tổ quốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành đạt ấy Việt Nam hiện còn những tồn tại nào? Cuộc trao đổi mới nhất với một số người dân trong nước cho thấy có nhiều người nghĩ là đến nay quốc gia vẫn còn nhiều bất cập.

Những người được hỏi nói rằng hiện giờ nếu nhìn tổng quát thì Việt Nam có vẻ hưng thịnh và ổn định, tuy nhiên đó chỉ là bề mặt. Đánh giá Việt Nam một cách vội vã qua vẻ phồn vinh bên ngoài dễ bị sai lầm, vì đất nước nói chung vẫn còn rất nhiều vấn ề. Vả lại, sự cường thịnh của một quốc gia chỉ có thể bền vững nếu mọi lãnh vực được phát triển đồng đều, hài hoà thay vì chỉ chú trọng một vài lãnh vực.

Những vấn đề gây bức xúc cho người Việt hiện giờ là gì? Công luận cho là vô số sai trái vẫn tồn tại trong nhiều phương diện. Trước hết là sự tham nhũng và các sai phạm của cơ quan chính quyền. Một công chức không muốn nêu tên nói:

“Trong thời gian qua Việt Nam có nhiều thay đổi tốt thế nhưng vẫn còn nhiều điều cần cải thiện. Ví dụ như các dự án của nhà nước cần được minh bạch hoá để phòng trường hợp tham nhũng, thay vì chính quyền lấy lý do bí mật quốc gia để những sai trái không tiết lộ ra ngoài”.

Bà N., nhân viên một văn phòng luật nói về tình trạng tiêu cực của giới thẩm quyền và cho rằng: "Tham nhũng của mấy ông ngồi trên nhiều quá. Làm sao mà dẹp được thì dân chúng mới được sung sướng".

Tiêu cực của các quan chức được biết đến nhiều từ hàng chục năm qua, nhưng trong năm nay đã xảy ra một số vụ tham ô quá lớn, điển hình là vụ PMU 18 ở ngành giao thông vận tải, khiến người dân bức xúc. Sự việc này gây hệ lụy là Việt Nam bị lưu ý trong việc sử dụng vốn nước ngoài, đồng thời khiến quốc tế có cái nhìn không tốt đối với cả bộ máy Nhà nước Việt Nam.

Tiếp theo vấn đề tham nhũng là vấn đề quyền tự chủ của giới lao động. Người dân không đồng ý việc công nhân bị cấm đình công cũng như thành lập ban đại diện mà không bị kiểm soát, chỉ đạo bởi chính phủ. Người công chức không muốn nêu tên nói thêm: "Quyền lợi của công nhân cần được bảo vệ. Họ phải có quyền thành lập công đoàn".

Năm 2006 đánh dấu một trong những sự kiện ít hoặc chưa từng xảy ra trong hàng chục năm qua, ví dụ như việc đình công của giới công nhân. Hàng ngàn người lao động đã tham dự các cuộc bãi công, lãn công, để phản đối cách đối xử thiếu công bằng, ngay thẳng, thậm chí có trường hợp quá hung bạo, của giới chủ nhân, đặc biệt là chủ nhân người nước ngoài.

Vấn đề quyền lợi của người lao động bị vi phạm, tuy vậy, vẫn chưa gây bức xúc trong quần chúng bằng sự kiện nhiều quyền của công dân bị xâm phạm. Việc những người trong nước bị khủng bố, đe dọa, trù dập chỉ vì bày tỏ ý kiến về những quyền căn bản được hiến pháp thừa nhận đã gây bất mãn cho dân.

Ngoài ra, chuyện nhà nước kiểm soát báo chí và đàn áp một số tôn giáo khiến nhiều người phản đối, như ngừơi công chức được phỏng vấn: "Phải có tự do báo chí, tự do tôn giáo. Dân phải có quyền hội họp. Hiện giờ một số đoàn thể tôn giáo vẫn còn bị cấm đoán, bắt bớ, báo chí bị kiểm soát".

Nói về tự do báo chí, năm nay Hội Văn bút Quốc tế đã phổ biến kháng thư, bày tỏ mối quan tâm về sự an toàn của một trong những nhà văn, nhà báo Việt Nam bị chính quyền đàn áp. Cao điểm đàn áp nằm trong thời gian hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Việt Nam vào tháng trước.

Các tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền và quyền tự do báo chí cũng lên tiếng cho hay tình trạng nhân quyền ở Việt Nam tệ hại, và chính phủ đã trù dập nhiều người dân một cách thô bạo nếu họ đòi hỏi các quyền con người phải được tôn trọng theo đúng tinh thần hiến pháp. Một nữ dược sĩ làm việc ở Sài Gòn khẳng định:

“Việt Nam cần tiến bộ về mọi mặt, như cả về xã hội và giáo dục, chứ không phải chỉ về kinh tế mà thôi. Chính phủ phải tôn trọng các quyền của dân, bỏ kiểm duyệt Internet, bỏ firewall, và phải để dân được tiếp xúc với thế giới bên ngoài”.

Nói chung, người dân cho rằng tăng trưởng, thành đạt về kinh tế cần phải đi đôi với công bằng xã hội. Chính quyền Việt Nam cần cải thiện những sai trái tồn đọng hiện nay, và nhất là phải sự tôn trọng quyền tự do, dân chủ cho người dân.