Bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng - Trà Mi
Trong loạt chương trình vừa rồi về các bệnh ung thư thường gặp ở người Việt Nam, trong từng chương trình, chúng ta đã nói tương đối chi tiết về từng bệnh. Để giúp quí thính giả dễ nhớ những điều thiết thực nhất, trong chương trình hôm nay, chúng ta sẽ có một đúc kết về các bệnh ung thư thường gặp này.

Trước hết xin bác sĩ nhắc lại năm bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ và năm bệnh ung thư thường gặp nhất ở đàn ông Việt Nam?
Theo một thống kê về ung thư trong cộng đồng người Việt Nam ở California, Hoa Kỳ, từ năm 1995-1999:
Năm bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ Việt Nam, xếp thứ tự từ cao xuống thấp là: ung thư vú, ung thư hậu môn và ruột già, ung thư phổi, ung thư cổ tử cung, và ung thư tuyến giáp trạng.
Năm bệnh ung thư thường gặp nhất ở đàn ông Việt Nam, xếp thứ tự từ cao xuống thấp là: ung thư phổi, ung thư gan, ung thư nhiếp hộ tuyến, ung thư hậu môn và ruột già và ung thư dạ dày.
Xin tóm tắt các nguyên nhân thường gặp nhất gây ra các loại ung thư nói trên?
Các nguy cơ khiến ta dễ bị ung thư vú hơn là:
Tuổi tác: Tuổi càng cao thì càng dễ bị. Do đó, ở người bình thường, trên 40 tuổi là phải cẩn thận hơn - Trong gia đình có người ruột thịt đã bị ung thư vú - Đã bị ung thư vú hoặc các bất thường khác của vú - Có kinh nguyệt sớm trước 13 tuổi, mãn kinh trể sau 51 tuổi, hoặc dùng các thuốc nội tiết estrogen sau khi mãn kinh - Không bao giờ có bầu, hoặc có con đầu lòng sau tuổi 30 - Bị quá cân, mập phì, nhất là sau khi mãn kinh - Uống rượu (nếu uống hơn ba phần rượu -khoảng ba lon bia- một ngày, nguy cơ bị ung thư vú sẽ tăng gấp đôi) - Ít hoạt động thể lực
Nói chung, những người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 13 lần so với những người không hút thuốc. Hút càng nhiều và càng lâu năm thì nguy cơ bị ung thư phổi sẽ càng cao.
Những người không hút nhưng bị hít khói thuốc một cách thụ động cũng bị tăng nguy cơ ung thư phổi.

Các nguy cơ của ung thư hậu môn và ruột già:
- Tuổi cao: Ung thư ruột già thường gặp nhất ở tuổi 50 trở lên - Người có bệnh sử viêm ruột kinh niên - Cha, mẹ, anh, em đã bị ung thư hoặc pôlýp ruột già và hậu môn - Các gia đình với hội chứng pôlýp ruột già hậu môn di truyền - Tiền sử cá nhân đã từng bị ung thư hay pôlýp - Hút thuốc, mập, thiếu thể dục hoặc vận động thể lực
Các nhóm nguy cơ chính của ung thư gan là viêm gan do siêu vi trùng (vi rút), xơ gan, và một số các yếu tố môi trường.
Bệnh ung thư gan tương đối gặp nhiều ở người Việt Nam vì tỉ lệ bị viêm gan siêu vi B và C rất cao ở người Việt Nam, tỉ lệ uống rượu quá mức ở người Việt Nam cũng có vẽ rất cao.
Viêm gan siêu vi có thể do nhiều loại siêu vi khác nhau gây ra, hiện nay, có sáu loại siêu vi trùng gây viêm gan là A, B, C, D, E, và G, một loại thứ bảy được đặt tên là F đang được nhận diện nhưng chưa được khẳng định.
Trong số này, hai loại B và C là đáng kể nhất trong việc gây ra ung thư gan. Viêm gan mạn tính do vi rút viêm gan B và C là hai bệnh viêm gan siêu vi có nguy cơ dẫn đến ung thư gan cao nhất. Hai loại viêm gan B và C này chiếm đến 75 phần trăm của các trường hợp viêm gan siêu vi trên thế giới. Viêm gan được gọi là mạn tính khi nó kéo dài hơn 6 tháng.
Khoảng 10 phần trăm những người bị nhiễm viêm gan siêu vi B sẽ bị chuyển sang giai đoạn mạn tính. Viêm gan B mạn tính có thể dẫn tới xơ gan, và đây cũng là một nguy cơ của ung thư gan. Nghiên cứu cho thấy rằng có thể đến 25 phần trăm những người bị viêm gan siêu vi B có thể sẽ phát triển thành ung thư gan.
Viêm gan C lại có thể chuyển sang mạn tính trong 75 đến 85 phần trăm các trường hợp. Và viêm gan C mạn tính có thể dẫn đến xơ gan trong 25 đến 30 phần trăm các trường hợp. Ở Hoa Kỳ, viêm gan C có liên quan có thể đến 85 phần trăm các trường hợp bị ung thư gan.
Xơ gan, là giai đoạn chót của các bệnh gan. Trong tình trạng này, các tế bào gan đã bị tổn thương hay hoại tử và được thay thế bằng các mô sẹo và sau đó xơ hoá, làm cho gan không còn chu toàn được chức năng của nó.

Các nghiên cứu cho thấy rằng khoảng từ 50 đến 70 phần trăm các trường hợp ung thư gan ở Hoa Kỳ có liên quan đến xơ gan.
Ở Hoa Kỳ, nguyên nhân chính dẫn đến xơ gan là do rượu. Tỉ lệ xơ gan do rượu có vẽ cao hơn rất nhiều ở người Việt Nam. Ngoài ra, các yếu tố bệnh lý khác có thể dẫn đến xơ gan là viêm gan B hay C, hemachomatosis, một bệnh di truyền với sự tích tụ chất sắt ở gan, tụy tạng, các tuyến nột tiết và tim.
Bệnh Wilson, cũng là một bệnh di truyền, trong đó, chất đồng tích tụ ở nhiều cơ quan, đặc biệt là ở mắt, thận, não, và gan.
Bệnh di truyền do thiếu chất alpha-1-antitrypsin, cũng gây ra viêm gan và xơ gan.
Thuốc lá, dù không trực tiếp làm tăng nguy cơ ung thư gan nguyên phát, lại là nguyên nhân nhiều ung thư khác như ung thư phổi, thanh quản, thực quản, tụy tạng, bàng quang, thận, cổ tử cung, đều là các ung thư có thể di căn đến gan, gây ra ung thư gan thứ phát.
Các nguy cơ của ung thư cổ tử cung:
- Bị nhiễm siêu vi trùng human papilloma virus (HPV), sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung một cách đáng kể. - Có quan hệ tình dục sớm và với nhiều người, hoặc - Quan hệ tình dục với người có quan hệ tình dục với nhiều người - Cần nhớ rằng người đã bị nhiễm HPV thường không có triệu chứng gì cả, và do đó người đó thường không biết rằng mình đã bị nhiễm HPV để có thể tránh lây cho bạn tình của mình - Hút thuốc lá cũng góp phần vào việc làm tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ của ung thư nhiếp hộ tuyến là:
- Tuổi 55 trở lên: Theo các khảo sát ở Hoa Kỳ, các cụm ung thư tiền liệt tuyến được tìm thấy trong 30 phần trăm các ông ở tuổi 60, và 50 đến 70 phần trăm ở tuổi 80. Nói chung, ba phần tư các trường hợp ung thư nhiếp hộ tuyến được chẩn đoán ở các ông trên 65 tuổi.
- Cách ăn uống nhiều chất béo, đặc biệt là mỡ động vật, ăn ít rau quả, là các yếu tố được quan sát thấy có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ ung thư nhiếp hộ tuyến. Cũng có một số chứng cớ gợi ý rằng cách ăn uống không đủ chất selenium và sinh tố E cũng có thể góp phần vào việc tăng nguy cơ.

Một số yếu tố nguy cơ làm tăng ung thư dạ dày là:
- Chế độ ăn có nhiều thực phẩm ngâm, ướp muối, hun khói - Hút thuốc - Quá cân - Uống rượu nhiều hơn mức vừa phải (một đến hai lon bia hay chung rượu vang nhỏ mỗi ngày) - Có tiền sử bệnh viêm, loét, hoặc mổ dạ dày - Có người thân bị ung thư dạ dày - Bị nhiễm vi trùng Helicobacter pylori
Nói chung, khoa học vẫn chưa nhận diện được chính xác các nguyên nhân của ung thư tuyến giáp, tuy nhiên một vài nguyên cứu cho thấy là:
- Những người bị tiếp xúc với phóng xạ có nguy cơ bị ung thư tuyến giáp cao hơn so với những người khác - Tần suất bị ung thư tuyến giáp cũng cao hơn ở những nước mà chế độ ăn có nồng độ i ốt (iodine) thấp - Một số người bị một số bệnh như là bệnh di truyền có tên là Cowden, bệnh đa pô lýp trong gia đình (familial polyposis), có nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp cao hơn - Một số dạng ung thư tuyến giáp cũng có tính di truyền - Các nghiên cứu khoa học gần đây cũng cho thấy rằng đột biến của một số gien cũng có thể gây ra một số loại ung thư tuyến giáp - Bệnh ung thư tuyến giáp thường gặp ở phụ nữ hơn là ở nam giới
Nói chung có hai điều quan trọng nhất trong các loại ung thư thường gặp nhất này, một là phòng ngừa, hai là phát hiện sớm để điều trị kịp thời. Xin nhắc lại cách phòng ngừa các bệnh ung thư thường gặp?
Một số điều có thể giúp giảm nguy cơ bị ung thư vú là:
- Không hút thuốc hoặc hít khói thuốc của người khác - Giữ cân nặng trong mức độ vừa phải (cân nặng tính bằng kí lô gram chia cho bình phương của - chiều cao tính bằng mét ra kết quả từ khoảng 18 đến 25) - Tập thể dục đều đặn - Không uống rượu, nếu uống thì tối đa là một lon bia mỗi ngày - Ăn nhiều rau quả, ít mỡ
Để giảm nguy cơ bị ung thư phổi, điều quan trọng nhất là:
- Bỏ hút thuốc - Tránh việc bị hít khói thuốc. Nến trong nhà có người hút thuốc, nên khuyên bỏ hẳn, hoặc tối thiểu là khi hút, cần đi ra khỏi nhà, nhất là khi trong nhà có trẻ em.

Một số phương cách đã cho thấy giúp giảm nguy cơ bị ung thư hậu môn và ruột già là:
- Tập thể dục thường xuyên: 30 phút hay hơn mỗi ngày, và tập đều hàng ngày - Ăn nhiều rau quả hàng ngày - Ăn các thức ăn có nhiều chất sợi, như là cơm gạo lức, bánh mì đen, các loại đậu, mì ống... - Giới hạn việc sử dụng chất béo, thịt đỏ, thịt đã chế biến, sữa có chất béo... - Không hút thuốc - Giảm cân nếu đang bị béo phì (cân nặng lý tưởng khi cân nặng tính bằng kí lô gram chia cho bình phương của chiều cao tính bằng mét, ra con số từ khoảng 18 đến 25
Bệnh ung thư gan có thể được phòng ngừa bằng cách phòng ngừa các yếu tố nguy cơ, trong đó quan trọng nhất là viêm gan siêu vi và xơ gan. Chẩn đoán và điều trị sớm các các bệnh di truyền như đã kể trên, như là hemochromatosis, bệnh Wilson, bệnh thiếu alpha-1-antitrypsin, cũng giúp giảm bớt nguy cơ ung thư gan.
Bệnh viêm gan siêu vi có thể được phòng ngừa bằng cách
- Chích ngừa viêm gan B (chưa có thuốc ngừa viêm gan C) - Tình dục an toàn (như là dùng bao cao su, đã nói tương đối kỹ trong phần nói về Siđa) - Tránh tiếp xúc và lây qua đường máu bằng cách dùng bao tay latex, tránh dùng chung lưỡi dao cạo, bàn chải răng, xỏ tai, châm cứu dùng chung kim...
Xơ gan có thể phòng ngừa bằng cách:
- tránh dùng trên một hoặc hai phần rượu (một phần rượu tương đương với một lon bia hoặc một chung rượu vang) mỗi ngày - Phòng ngừa viêm gan siêu vi, như đã nói trên
Cách ăn uống cũng có thể giúp giảm nguy cơ bị một số ung thư có thể di căn đến gan như là ung thư phổi, vú, ruột già, trực tràng. Nguy cơ bị các ung thư này có thể giảm bớt bằng cách
- giữ cân nặng đúng mức, - dùng nhiều loại rau quả, - dùng các thức ăn có nhiều chất sợi như là các loại hạt chưa xay, rau quả, không dùng nhiều chất béo quá - giảm rượu - giảm bớt việc dùng các thức ướp muối, hun khói, dự trữ bằng chất nitrite...

Như đã nói trên, thuốc lá cũng là một nguy cơ gây ra nhiều ung thư di căn đến gan, và tránh hút thuốc, hít khói thuốc người khác, nhai thuốc, cũng là điều quan trọng trong việc phòng ung thư gan.
Có thể phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung bằng cách tránh các yếu tố nguy cơ kể trên.
Cần nhớ là bao cao su dù có thể giúp phòng Siđa, giang mai và nhiều bệnh hoa liễu khác, nhưng có thể sẽ không giúp phòng được việc lây nhiễm HPV. Vì tiếp xúc với siêu vi trùng ở các vùng da xung quanh bộ phận sinh dục, như vùng da quanh âm hộ, hậu môn, cũng đủ để bị nhiễm HPV.
Dù sao, bao cao su cũng rất cần thiết để ngừa các bệnh hoa liễu khác, nhất là căn bệnh chết người Siđa.
Hiện nay, thuốc chủng ngừa các nhóm HPV thường gây ra ung thư cổ tử cung nhất (như nhóm 16, 18) đã chứng tỏ có thể giảm tỉ lệ ung thư cổ tử cung lên đến hơn 90 phần trăm trong các thử nghiệm ngắn hạn (một, hai năm). Thuốc vẫn còn đang tiếp tục được thử nghiệm để tìm hiểu khả năng phòng bệnh dài hạn hơn. Đây có thể là một bước đột phá mới trong việc phòng bệnh này.
Ta có thể giảm bớt nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến bằng cách tránh các yếu tố nguy cơ như là giảm bớt việc dùng chất béo, nhất là mỡ động vật. Hiện nay, chưa có đủ nghiên cứu hỗ trợ việc dùng thêm sinh tố E hay chất selenium để giảm nguy cơ bị ung thư nhiếp hộ tuyến. Có nghiên cứu ở Ý cho thấy rằng dùng nhiều cà chua đã nấu chín cũng có thể làm giảm bớt nguy cơ bị bệnh này.
Ta có thể giảm nguy cơ ung thư dạ dày bằng cách:
- Dùng thức ăn tươi, đặc biệt là rau quả tươi - Giữ cân nặng vừa phải - Tránh thức ăn ngâm, hun khói, ướp muối, lên men, cũng như các loại thức ăn được chế biến để giữ lâu khác - Tránh thuốc lá - Tránh uống rượu quá mức (trên một đến hai lon bia hay một đến hai chung nhỏ rượu vang mỗi ngày)
Các bệnh ung thư nào có thể được phát hiện sớm, và làm sao để phát hiện sớm các bệnh đó?
Để ngừa ung thư vú, phụ nữ từ 20 trở lên nên:
- Tự khám vú hàng tháng (cần được bác sĩ hay nhân viên y tế hướng dẫn lần đầu) - Đi bác sĩ hay nhân viên chuyên môn khám vú hàng năm - Từ bốn mươi tuổi trở lên, cần chụp hình quang tuyến vú (mammogram) hàng năm. Phương pháp này có thể giúp phát hiện ung thư vú hai tới năm năm sớm hơn trước khi nó có thể được phát hiện khi khám bằng tay
Hội Ung Thư Hoa Kỳ khuyên những người bình thường (có nguy cơ trung bình) bắt đầu truy tầm ung thư ruột già từ lúc 50 tuổi. Những người có nguy cơ cao cần phải truy tầm ung thư hậu môn ruột già sớm hơn.
Các phương thức truy tầm ung thư hậu môn ruột già:
- Thử máu vi thể trong phân hàng năm (không chính xác lắm nhưng ít tốn kém nhất), nếu thấy có máu trong phân, bệnh nhân cần được soi ruột già và hậu môn để xem có gì bất thường hay không; hoặc - Chụp ruột già với thuốc cản quang và bơm hơi mỗi năm năm, hoặc - Soi phần dưới ruột già (sigmoidoscopy) mỗi năm năm, hoặc - Soi toàn bộ ruột già (colonoscopy) mỗi mười năm.
- Trong phương pháp soi ruột, một dây soi cấu tạo bằng sợi quang học có gắn ống kính quay phim dẫn vào một màn hình để bác sĩ quan sát. Đầu dây cũng có các dụng cụ cắt, đốt khối u. Dây được đưa vào ruột già để quan sát và cắt khối u nhỏ để nghiên cứu, nó cũng có thể giúp đốt các khối u nhỏ nếu cần.
Hiện nay, một số nơi đã áp dụng việc chụp hình ba chiều của ruột già, nhưng độ chính xác không đồng đều, tùy thuộc nhiều vào kinh nghiệm của từng trung tâm.
Cho tới nay, soi toàn bộ ruột già được coi là phương pháp tốt nhất trong việc truy tầm ung thư hậu môn ruột già.
Ngoài ra, điều quan trọng hơn, là phát hiện sớm bệnh bằng cách truy tầm bệnh thường xuyên. Cần nhắc lại rằng phát hiện sớm và chữa sớm, 99 phần trăm sẽ có thể được cứu sống, trong khi ở giai đoạn chót, tỉ lệ này chỉ còn là 7 phần trăm.
Để phòng ung thư cổ tử cung, mọi phụ nữ, dù có nguy cơ hay không, đều nên bắt đầu xét nghiệm Pap’s smear từ năm đầu tiên có quan hệ tình dục, hoặc từ 18 tuổi cho dù chưa có quan hệ tình dục. Nếu kết quả 3 năm đầu bình thường liên tiếp, sau đó ta có thể chỉ cần làm xét nghiệm này cách năm hay cách mỗi hai năm.
Chính nhờ Pap’s smear mà từ năm 1966 đến năm 1992, tỉ lệ tử vong của ung thư cổ tử cung ở những nước có qui định kiểm tra bệnh này thường kỳ đã giảm đến 75 phần trăm.
Để giảm tỉ lệ tử vong do ung thư nhiếp hộ tuyến, điều quan trọng và đã thấy có kết quả tương đối tốt rõ rệt là truy tầm ung thư để phát hiện và chữa nó ở giai đoạn sớm. Hội ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo những điều sau đây:
- Các ông từ 50 trở lên nên đi bác sĩ hàng năm để được thử máu đo mức kháng nguyên đặc hiệu của nhiếp hộ tuyến (Prostate Specific Antigen-PSA), và từ 40 trở lên nên được khám nhiếp hộ tuyến hàng năm bằng cách đưa ngón tay vào hậu môn để sờ xem nhiếp hộ tuyến có bị sưng hay không.
- Những ông có người trong gia đình mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến khi còn trẻ, nên được truy tầm ung thư tiền liệt tuyến theo các cách thức kể trên, ở tuổi sớm hơn.
- Khi thấy máu trong nước tiểu hay tinh dịch, hoặc có các triệu chứng như tiểu đau, tiểu nhắt...(đã kể trên), nên đến bác sĩ để được thăm khám càng sớm càng tốt.
Để có cơ may phát hiện sớm ung thư dạ dày, ta nên đi khám bệnh sớm nếu bị bệnh bao tử để có thể được điều trị thích hợp và phát hiện bệnh ở giai đoạn có thể chữa khỏi được.
Ở bệnh ung thư tuyến giáp, phát hiện sớm bệnh tương đối dễ thực hiện hơn, và có ích, vì đa số các loại ung thư tuyến giáp thường phát triển chậm, giúp ta có đủ thời giờ để trị nếu phát hiện sớm. Một số xét nghiệm máu có thể giúp nhận diện những người có nguy cơ cao bị các loại ung thư tuyến giáp có tính di truyền. Những người nào được phát hiện có nguy cao bị ung thư, có thể cần phải cắt bỏ tuyến giáp để phòng ung thư dù là chưa có triệu chứng gì cả.
Đối với những người bình thường, theo Hội Ung Thư Hoa Kỳ, từ 40 tuổi trở lên, họ nên được bác sĩ khám tuyến giáp trong các đợt khám sức khoẻ thường niên, còn nếu ở tuổi từ 20 đến 39, các xét nghiệm này nên được thực hiện mỗi ba năm.
Dù là các triệu chứng của ung thư tuyến giáp không đặc hiệu, có thể do các bệnh khác gây ra, khi có các triệu chứng như bị bướu cổ, đau cổ, ho kéo dài, khàn giọng, tắt tiếng, khó thở, khó nuốt..., ta nên đi bác sĩ để được khám và điều trị thích hợp càng sớm càng tốt.
Một lần nữa, một cách thật ngắn gọn, mọi người nên làm gì để có thể phòng các bệnh ung thư thường gặp này hoặc phát hiện chúng sớm để được chữa trị kịp thời nhằm giảm tỉ lệ tử vong và biến chứng đến mức thấp nhất.
Để phòng:
- Tránh thuốc lá kể cả chủ động hút thuốc hay thụ động hít khói thuốc - Tránh dùng rượu quá mức - Giữ cân nặng đúng mức (kg/mét vuông bằng 18 đến 25) - Dùng thức ăn tươi, tránh dùng nhiều thức ăn đã được ướp, chế biến để giữ lâu - Dùng nhiều rau quả, tránh mỡ - Vận động thể lực và thể dục thường xuyên và đúng mức - Tránh tiếp xúc với tia phóng xạ và các chất hoá học
Để phát hiện sớm:
- Đi khám sức khoẻ thường xuyên - Đi khám bệnh khi mới có triệu chứng, không đợi trở nặng hoặc thành kinh niên - Cả hai phái: soi ruột già từ 50 tuổi
Phái nữ: - Thử Pap's smear từ lúc bắt đầu có sinh hoạt tình dục hoặc từ 18 tuổi - Khám vú hàng năm từ 20 tuổi, chụp Mammogram từ 40 tuổi
Phái nam: - Khám nhiếp hộ tuyến từ 40 tuổi - Kết hợp khám nhiếp hộ tuyến và thử kháng nguyên đặc hiệu của nhiếp hộ tuyến (PSA) từ 50 tuổi
Xin giới thiệu chương trình kỳ tới?
Bắt đầu từ kỳ tới sẽ là loạt bài về các bệnh thường gặp nhất ở Việt Nam, theo thống kê của bộ Y Tế Việt Nam.
Trà Mi chào thính giả và nhắc lại: Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ của quí vị để được thăm khám trực tiếp.