Đường đi, diễn biến và ảnh hưởng của bão số 7
2006.10.31
Thanh Quang, phóng viên đài RFA
Bão Cimaron, tức bão số 7, đã tiến vào biển Đông, đang hướng tới Việt Nam, có nguy cơ đe dọa vùng duyên hải miền Trung Việt Nam và có thể ảnh hưởng tới miền Nam lẫn miền Bắc. Thanh Quang tìm hiểu về diễn biến cơn bão, và được Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết như sau:
Thạc sĩ Xuân Lan: Cơn bão số 7 hiện nay còn cách quần đảo Hòang Sa hơn 600 km về phía Đông. Gió mạnh nhất gần tâm bão hiện lên tới cấp 13, 14. Dự báo là vào khỏang 4 giờ sáng ngày 2 tây tháng 11 thì tâm bão sẽ đi sát quần đảo Hòang Sa. Dự kiến đến ngày 3 tây tháng 11, bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh Miền Trung với cường độ tương đương bão số 6.
Thanh Quang: Thưa nếu đổ bộ vào Miền Trung, ảnh hưởng của bão số 7 có thể như thế nào?
Thạc sĩ Xuân Lan: Cơn bão số 6 vừa rồi đã đi qua Miền Trung, khiến vùng này chưa kịp phục hồi thì chỉ trong vòng một tháng thôi, bão số 7 lại xuất hiện. Nếu vào ngay các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các tỉnh từ Thưà Thiên-Huế cho đến Quảng Ngãi thì thiệt hại thiên tai lại càng nghiêm trọng hơn, vì đất đá đã bị sạt lở, và hệ thống sông cũng đã bị lũ lụt rồi. Nên bão số 7 này mà vào thì thiệt hại rất khó lường.
Nhưng cũng may là từ khi bão này hình thành ở phía Đông Philippines, khí tượng thủy văn Việt Nam đã phát hiện ra và cảnh báo sớm, nên thời gian chuẩn bị tương đối tốt, với lại đã có kinh nghiệm từ cơn bão số 6 rồi.
Điều đáng ngại hiện giờ là bão số 7 kết hợp với không khí lạnh phía Bắc. Đây là dạng thời tiết gây lũ lớn cho các tỉnh Miền Trung. Như vậy sau khi bão số 7 đi qua rồi, Miền Trung phải đối phó với lũ lụt trên hệ thống sông ở đó.
Thanh Quang: Được biết bão số 7 cũng ảnh hưởng tới cả các vùng ven biển miền Bắc và nhất là miền Nam, xin Thạc sĩ giải thích về vấn đề này.
Thạc sĩ Xuân Lan: Miền Bắc thì nằm rìa phía Bắc của bão, do vậy nên bị gió mạnh, còn mưa thì không đáng kể. Riêng đối với các tỉnh Miền Nam, thì vì cơn bão này đặc biệt có phần đuôi, tức rìa tây-nam của bão, và trên nó có một trục rãnh áp thấp nối liền từ Nam Bộ cho tới tâm bão, do vậy mà từ hôm nay, thời tiết ở các tỉnh Miền Nam và trên vùng biển phía Nam – từ Quy Nhơn trở xuống – đều có thời tiết xấu, gió mạnh lên, sóng to.
Vì cơn bão này cũng là cuối mùa rồi, nên vấn đề mưa cũng không đáng lo ngại lắm; điều đáng ngại là trên các vùng biển vừa nói thời tiết xấu, có giông, mưa to, trong cơn giông có lúc gió giật mạnh, và đặc biệt là tàu thuyền hoạt động trên vùng này; nếu còn đòan tàu nào trên biển mà không liên lạc được với đất liền thì rất nguy hiểm.
Thanh Quang: TS vừa nhắc tới bão cuối mùa, như vậy có phải là sau bão số 7 này thì từ giờ tới cuối năm sẽ không còn bão đến với vùng ven biển của VN nữa?
Thạc sĩ Xuân Lan: Không phải như vậy. Tháng 11 và thậm chí sang tháng 12 năm nay, vẫn còn khả năng có bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trong khu vực biển Đông mà ảnh hưởng tới thời tiết của Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh từ Miền Trung cho tới Miền Nam.
Thanh Quang: Cảm ơn Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan.
Các tin, bài liên quan
- Miền Trung liên tiếp hứng chịu thiên tai, bão lụt
- 9 người thiệt mạng vĩ bão Cameron ở Philippines
- Bão số 7 với sức gió cấp 15 đang di chuyển vào Biển Đông
- Miền Trung Việt Nam có thể bị bão vào giữa tuần tới
- Sau cơn bão số 6, nhiều hộ dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ chính quyền địa phương
- Tính mạng hàng ngàn gia đình ở Quảng Nam bị đe dọa vì nước lũ
- Hậu quả nặng nề sau cơn bão Xangsane
- Tình hình phố cổ Hội An sau khi cơn bão Xangsane đi qua
- Việt Nam tiếp tục các nỗ lực cứu giúp nạn nhân bão số 6