Trường Văn, phóng viên đài RFA
Mới đây báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật đã phỏng vấn ông Vũ Mão, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngọai của Quốc hội Việt Nam về một cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Ông Vũ Mão cho rằng đã đến lúc phải thành lập cơ quan bảo hiến và vấn đề này đã được đưa vào dự thảo báo cáo chính trị, sẽ thành nghị quyết của Đại Hội Đảng và là mục tiêu thực hiện trong 5 năm tới.

Tuy nhiên cơ quan bảo vệ Hiến Pháp được tổ chức như thế nào là một vấn đề cần được giải quyết. Xin mời quý thính giả theo dõi ý kiến của giới luật sư về vấn đề này qua phần trình bày sau đây của Trường Văn:
Các văn bản pháp luật vi hiến
Mấy lúc gần đây, không phải người dân mà chính các cấp lãnh đạo cao cấp trong chính phủ Việt Nam nêu lên vấn đề vi phạm Hiến Pháp của các văn bản pháp luật hoặc các hành vi hành chánh.
Đầu tiên ông Uông Chu Lưu, Bộ trưởng tư pháp chỉ rõ việc vi phạm Hiến Pháp của các văn bản do Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội ban hành khi hạn chế việc đăng ký xe máy tại địa bàn hai thành phố này vì không tôn trọng quyền sở hữu cá nhân.
Kế đó cựu Bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc cho rằng việc qui định đăng ký hộ khẩu cũng là một việc vi phạm Hiến Pháp vì hạn chế quyền đi lại của người dân.
Do đó trong khuôn khổ một nhà nước pháp quyền mà chính phủ Việt Nam đang hô hào xây dựng, một cơ quan bảo vệ Hiến pháp là một cơ chế cần thiết tất yếu.
Đảng và Hiếp pháp
Tuy nhiên vẫn còn có ý kiến cho rằng một mô hình “tam quyền phân lập” sẽ giải quyết ổn thỏa việc bảo vệ Hiến pháp do việc 3 cơ chế lập pháp, hành pháp và tư pháp kiềm chế và giám sát lẫn nhau.
Hiện nay Việt Nam không công nhận cơ chế này vì mọi việc do Đảng lãnh đạo hay nói theo ngôn ngữ thời thượng là "Đảng vừa đá bóng, vừa húyt còi".
Thực tiễn đặt ra là trong khi chờ đợi một cơ quan bảo vệ Hiến pháp ra đời thì có nên trông cậy vào Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam, vì trên nguyên tắc có chức năng bảo đảm tính thống nhất của pháp luật Việt Nam cũng như bảo đảm tính hợp pháp, hợp hiến của các văn bản pháp luật cũng như của các quyết định hành chánh.
Trên thực tế cơ quan này chưa đảm nhận vai trò bảo vệ Hiến Pháp vì chức năng này chưa được chỉ rõ. Ngòai ra theo ông Vũ Mão, Ủy Ban Pháp Luật của Quốc hội quá bận rộn trong việc làm luật và thực hiện việc giám sát thi hành luật.
Cơ chế bảo vệ Hiếp pháp
Công luận cho là có ba giải pháp để thành lập cơ quan bảo vệ Hiến Pháp.
Trước hết là Quốc hội thành lập cơ quan bảo vệ Hiến Pháp trực thuộc Quốc hội để giúp Quốc hội trong việc bảo vệ Hiến Pháp.
Thứ hai là thành lập một cơ quan bảo hiến độc lập đối với Quốc hội, giám sát họat động của cả 3 ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Thứ ba là trao cho Tòa án nhân dân tối cao quyền bảo vệ Hiến Pháp.
Phát biểu về vấn đề này, LS Nguyễn Văn Hậu cho biết: Tán đồng giải pháp thứ hai là thành lập một cơ quan bảo hiến độc lập.
Trong khi đó LS Bùi Quang Nghiêm cho rằng: Việc tổ chức thế nào hoặc đặt thuộc ai cũng được nhưng miễn là cơ quan bảo hiến có nhiệm vụ xét tính chất hợp hiến của các quyết định từ chủ tịch nước trở xuống.
Tuy nhiên còn một vấn đề là với tổ chức đứng ngoài, nhưng lại lãnh đạo bộ máy nhà nước như Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư Đảng... mà vi phạm Hiến Pháp thì cơ quan nào có quyền phán xét?