Trà Mi, phóng viên đài RFA
Quốc nạn tham nhũng là một căn bệnh nan y chưa có thuốc chữa, và là một đề tài gây đang gây nhức nhối, phẫn nộ dư luận. Bất chấp những nỗ lực hô hào chống tham nhũng, các vụ đổ bể về tham ô, biển thủ của công ngày một tăng.
Mức độ các trừơng hợp vi phạm càng lúc càng quy mô, táo tợn, và tinh vi hơn trứơc, đến nỗi chính phủ phải kiến nghị quốc hội thông qua Luật chống tham nhũng vào kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vào cuối năm nay.
Ý kiến của giới trẻ trong nứơc về tình trạng tham nhũng hiện nay ra sao? Làm thế nào để chống tham nhũng? Đó cũng chính là đề tài của "Diễn đàn bạn trẻ" kỳ này.
Trà Mi: Trước tiên, xin mời các bạn tự giới thiệu về mình để chúng ta làm quen với nhau nha.
Hằng: Em là Hằng, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
Duy: Mình tên là Duy, hiện làm việc trong ngành quản lý kinh doanh tại Sài Gòn.
Thanh: Mình là Thanh cũng đang sống tại Sài Gòn.
Trà Mi: Cảm ơn các bạn đã dành thời gian tham gia Diễn đàn bạn trẻ hôm nay. Chủ đề của chúng ta kỳ này là "Làm thế nào để chống tham nhũng?" . Nói về tình trạng tham nhũng trong nứơc hiện nay, các bạn có nhận xét gì?
Duy: Tham nhũng hiện nay tại Việt Nam là 1 quốc nạn. Tổ chức Minh bạch thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 102/146 quốc gia. Chính tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng nói là tham nhũng giờ là từ trên xuống dứơi, từ dưới lên trên, không loại trừ bất kỳ cơ quan nào.
Trước đây có đội cảnh sát phòng chống tham nhũng nhưng mình thấy từ năm 1986 tới giờ, tham nhũng tăng liên tục. Trứơc đó tham nhũng của mình đứng hàng 45, nhưng sau 20 đổi mới thì tham nhũng của mình đã đứng thứ 102 rồi.
Tham nhũng bây giờ ngày càng tăng chứ không thấy giảm. Các cơ quan pháp luật, các văn bản pháp lý, và các tổ chức đều bất lực trứơc sự tăng trưởng liên tục của tham nhũng. Sắp tới, kỳ họp quốc hội sẽ bàn đến văn bản đạo luật chống tham nhũng.
Mình cũng đang có bản đó trong máy tính của mình , nhưng đọc qua thấy chưa có giá trị thực tiễn, không biết tính khả thi sẽ tới đâu đây?
Mình thấy hô hào rất nhiều rồi, nhưng có bóp chết được tham nhũng từ khi làm luật hay không?
Trà Mi: Vâng, đó là ý kiến của Duy, còn Thanh thì sao?
Thanh: Theo mình thì chuyện nhà nứơc hô hào chống tham nhũng, nói vậy chớ có mấy người dân tin , vì đã mất lòng tin từ lâu lắm rồi. Cũng khó lắm, vì chống nhiều lắm rồi, bao nhiêu đại hội , rồi tổng bí thư lên nói rồi cũng thế thôi, có gì thay đổi đâu?
Dân mình có được giáo dục về luật pháp đâu. Tất cả là do ở trên muốn làm gì làm. Dân bây giờ thờ ơ lắm. Họ nghĩ là bây giờ làm sao có đủ cơm gạo ăn là được rồi. Chứ nghĩ đến mấy chuyện chính trị thì cao xa lắm, đụng vô lại còn mang hoạ vào thân.
Thôi giờ mình tồn tại là may lắm rồi, mình còn dính vào cả gia đình mang hoạ lây.
Hằng: Em rất đồng ý với ý kiến của anh Thanh. Phong trào tham nhũng ở mình cứ rào lên xong rồi lại thôi. Sau những lần chống tham nhũng đấy thì tình trạng tham nhũng cứ lại tăng thêm chứ không giảm đi.
Thanh & Duy: Đúng rồi.
Trà Mi: Nghe có vẻ các bạn đều có chung 1 quan điểm là tham nhũng bây giờ không còn ở giai đoạn triệu chứng hay bộc phát nữa, mà nó đã trở thành 1 căn bệnh mãn tính, chưa có thuốc chữa?
Hằng & Duy & Thanh: Đúng vậy.
Trà Mi: Vậy thì bây giờ chúng ta hãy bàn kỹ hơn vô vấn đề: Ai tham nhũng và ai sẽ là người chống tham nhũng?
Hằng: Tất cả mọi cơ quan ngành nghề đều tham nhũng....
Thanh: Không phải nói như thế này mới đúng. Người có quyền lực mới tham nhũng, chứ ông dân đen làm sao tham nhũng đựơc , đúng không? Nhưng mà khổ cái là bây giờ ai là người trên quyền lực.
Nhìn tất cả cơ quan xem ai là người có quyền lực? Dĩ nhiên là đảng cộng sản chứ còn ai nữa. Bất kỳ cơ quan nào cũng có 1 ông bí thư mặc dù không có ăn học gì cả. Cái ông bí thư đó còn có quyền hơn cả, chẳng hạn trong 1 trường học, ông bí thư có quyền hành hơn cả hiệu trửơng. Hiệu trưởng có thể đuổi đi đựơc chứ ông bí thư là không thể cách chức.
Rõ ràng mọi cơ quan đều có bí thư, tức là Đảng bao giờ cũng có 1 bản sao để kiểm soát hết. Thử hỏi bây giờ không có sự cấu kết của ông bí thư thì làm sao mấy người kia tham nhũng được?
Duy: Nếu các bạn đọc bản dự thảo luật chống tham nhũng, các bạn sẽ thấy điều số 2 từ khoản số 1 đến số 4 thì sẽ thấy nào là cơ quan công an, bộ đội, những ngừơi chức vụ chỉ đạo chống tham nhũng là chính phủ, mà nếu tham nhũng xảy ra trong cơ quan cao hơn chính phủ như quốc hội hoặc bên uỷ ban thừơng vụ quốc hội mà tham nhũng thì ai sẽ xử đây?
Mà tham nhũng không loại trừ cả những người trong cơ quan chống tham nhũng. Có quyền thì càng dễ kiếm tiền. Có tiền nhiều thì đi mua chức vụ. Có chức vụ càng cao càng tham nhũng... cứ như vậy không bao giờ dừng.
Còn người dân ý thức còn thấp nên nhiều khi không nhìn nhận hết đựơc. Tham nhũng từ cấp phường đến cấp trung ương... các hành vi như biển thủ của công, bòn rút của cải doanh nghiệp, cố ý làm trái pháp luật... hễ người ta chi tiền thì cứ vựơt rào...
Trà Mi: Trà mi mời ý kiến của Thanh.
Thanh: Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy cứ làm theo phong trào , cứ rộ lên rồi biến mất không thấy đâu hết.
Cái thứ hai là không khả thi bởi vì thứ nhất là cơ chế thực hiện như thế nào, cơ chế kiểm tra, và biện pháp chế tài. Phải đủ 3 cái đó mới được, mà chống tham nhũng của mình không có được thì không thể làm được.
Bây giờ ví đất nứơc mình như 1 doanh nghiệp. Chủ đầu tư là nhân dân. Ngừơi giám đốc được mướn để điều hành quản lý công ty không thể nào có quyền hơn ông chủ đầu tư được. Nhưng đằng này, ông giám đốc điều hành lại đi thông đồng với nhân viên cấp dứơi lập bè đảng ăn cắp tài sản của công ty thì mình có quỳên đuổi cổ ông giám đốc điều hành đó đi.
Ở mình còn có cái khổ là khi ông giám đốc lấy được chức vị đó thì lại đổi điều lệ công ty, nói là chỉ có ông mới là người duy nhất có toàn quyền điều khiển công ty mà thôi thì chuyện này hoàn toàn phi lý. Nếu cứ áp dụng vậy hoài sao chống tham nhũng được vì người viết ra luật chống lại chính là người tham nhũng thì sao?
Duy: Đúng rồi không loại trừ cả cơ quan lập pháp mà.
Thanh: Ai là người có quyền lực? Chỉ có đảng thôi. Chống tham nhũng là chống đảng.
Duy: Chủ đầu tư lại không loại trừ được người đó. Dân có loại trừ được ngừơi lãnh đạo không? Dám nói dân làm chủ mà dân không loại trừ đựơc cơ quan lãnh đạo. Vậy thì làm gì có dân chủ? Vì dân không phát huy đưọc vai trò làm chủ.
Thanh: Cái nguồn gốc của mọi vấn nạn ở đây là do mất dân chủ, chứ đừng có đổ thừa đâu hết. Mình không nói là hễ có dân chủ là không tham nhũng, nhưng đó là điều kiện cần. Bây giờ không có dân chủ không thể chống tham nhũng được.
Nói về biện pháp theo dõi và kiểm tra. Làm sao theo dõi, nhân dân không ai có thể tìm hết mấy vụ đó, chỉ có nhà báo thôi, mà khổ cái là mình không có tự do báo chí.
Hằng & Duy: Đúng...
Thanh: Thấy rõ ràng nhất là vụ nhập mấy chục chiếc xe Mecedez cho vụ Sea Games, chưa kịp biết ai mua thì đã bị dẹp qua 1 bên rồi... rất nhiều vụ như vậy.
Ngay ông Nguyễn Khoa Điềm còn yêu cầu báo chí không được đúng tới những chuyện đó, hễ tham nhũng mà lần lần lên tới cấp trên, bức dây động rừng thì báo chí không được nói, phải im.
Mới đây đại hội nhà báo đưa ra những điều rất phi lý. Thứ nhất là phải tuyệt đối trung thành với Đảng. Cơ chế duy nhất để kiểm tra chống tham nhũng mà ông bắt người kiểm tra thông đồng với ông thì thôi, chống làm gì nữa.
Duy: Cái đợt ông Lê Khả Phiêu trả lời phỏng vấn nói rằng lúc còn đương chức đã có những phong bì 5-10 ngàn đô đưa tới. Vậy thì tham nhũng loại trừ đảng không?
Đảng lãnh đạo, nhà nước quả lý, nhân dân làm chủ. Bây gìơ trong đảng có tham nhũng, nhà nứơc có tham nhũng, chứ nhân dân có tham nhũng không?
Về mặt pháp lý, VNExpress có cuộc điều tra xem mọi người nghĩ sao về luật phòng chống tham nhũng, thì lựa chọn nhiều nhất cho là "chỉ làm cho có hình thức", ban hành cho có để hô hào thôi.
Về mặt chế tài, như vụ Năm Cam, xử cho có vậy thôi. Chưa gì 2 ông dính líu trong đó được thả rồi. Ôm trong tay hàng tỷ đồng mà ngồi tù 1-2 năm thì 80 triệu dân Việt Nam ai cũng muốn được ngồi tù như thế cả. Không xử đến nơi đến chốn, dung túng.
Hằng: Đúng. Lúc xử như thế mọi người có chắc là quan toà không nhận hối lộ để xử 1-2 năm không?
Thanh: Mình biết rồi mà. Đó chỉ là hình thức thôi, chứ bản án được định trứơc, chỉ đạo hết rồi.
Duy: Cái này là 1 người bên Viện kiểm sát nhân dân cho tôi biết là bản án được dựng hết rồi.
Thanh: Thật ra chuyện chạy án này dân ai cũng biết hết đó, chứ không cần người tay trong phải nói.
Duy: Chính quyền Việt Nam bảo nhờ ông Lý Quang Diệu người đi đầu trong phong trào chống tham nhũng bên Singapore làm cố vấn chống tham nhũng tại Việt Nam. Ông Lý không nhận lời mời của Việt Nam vì nói nhiều mà làm quá ít.
Thanh: Bất kỳ 1 chuyên gia chống tham nhũng nào trên thế giới đến Việt Nam cũng phải chào thua vì thực sự ở Việt Nam không có người tôn trọng hiến pháp
Duy: Không có toà án hiến pháp. Vi hiến quá trời...
Thanh: Không có ai muốn tuân theo luật pháp cả, vì trên đã vậy, dưới ai nghe. Có lý nào ông giám đốc điều hành lại có quyền sửa đổi hết luật lệ công ty. Một doanh nghiệp bình thừơng thôi đã đuổi cổ ổng đi từ hồi nào rồi.
Đó là biện pháp chế tài, chứ bây giờ không tin vào chuyện đạo đức nữa. Một người tốt mà đưa bao nhiêu miếng ngon vật lạ thì cũng coi chừng... tất cả phải có biện pháp chế tài thì người ta mới trở nên tử tế hơn.
Duy: Biện pháp chế tài cũng do nhà nứơc ban ra thì giờ làm sao? Đâu phải dân ban ra đâu.
Thanh: Không có chính danh. Nhà nứơc đâu có ai bầu lên đâu mà nói là nhà nứơc của dân? Bây giờ là loạn hết rồi... ai nói bầu lên? Nước mình có bầu cử, nhưng ai ra ứng cử?
Duy: Đảng cử dân bầu...
Thanh: Tự nhiên có người muốn ứng cử tự do thì phải thông qua Mặt trận tổ quốc, thì của mấy ổng luôn, thế thì nói gì nữa.
Duy: Mặt trận tổ quốc mà không đề cử thì đừng có mong.
Thanh: Cả thi hành, chế tài và giám sát không có cái nào được hết mà nói chống tham nhũng là chống làm sao? Mình chẳng bao giờ tin cả.
Duy: Chính cảnh sát chống ma tuý còn buôn lậu ma tuý hàng tấn thì hỏi các bạn? Cái vụ tham ô đất ở Bạc Liêu, khi bị phát hiện, mấy ông xin trả lại đất, thế là xong, chức vụ vẫn còn đó. Nếu đã chống tham nhũng thì tịch thu đất, cắt chức luôn, phải vậy mới đựoc. Đằng này mấy ông trả lại đất thì OK.
Thanh: Sao OK được? Anh vi phạm pháp luật thì phải chịu hình phạt chứ sao có chuyện OK là xong????
Trà Mi: Nguyên nhân nào khiến cho tình trạng tham nhũng ngày càng hoành hành ? Mời qúy vị đón theo dõi phần tiếp theo trong chương trình kỳ sau.
Quý thính giả muốn tham gia vào các đề tài thảo luận của "Diễn đàn bạn trẻ", xin vui lòng để lại lời nhắn qua hộp thư thoại : (202) 530 -7775, kèm theo số phone và những đề tài mà quý vị quan tâm. Chúng tôi sẽ liên lạc để mời quý vị góp tiếng với chương trình. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trứơc dãy số (202) 530-7775; hoặc email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ vietnamese@www.rfa.org
Mong được đón tiếp quý vị trên làn sóng này trong chuyên mục "Diễn đàn bạn trẻ" sáng thứ tư tuần sau. Trà Mi kính chào.