Bang giao Việt – Mỹ và nhân quyền Việt Nam (phần 1)


2007.06.29

Luật sư Trần Thanh Hiệp

Ngày 22-06-2007 Tổng Thống Bush đã tiếp chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Nhà Trắng và trong cuộc hội kiến này vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đã được hai bên nhắc tới. Đúng vào dịp này dư luận Mỹ cũng như dư luận cộng đồng người Việt nước ngoài gia tăng sức ép đòi nhà cầm quyền trong nước chấm dứt đàn áp nhân quyền và tôn trọng các quyền tự do dân chủ của dân chúng.

BushTrietWhiteHouse200b.jpg
Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush tiếp Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết tại phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc, Washington DC hôm 22-6-2007. AFP PHOTO

Liệu như vậy nhân quyền ở Việt Nam có hy vọng được cải thiện hay không? Ban Việt Ngữ Đài ACTD thảo luận về về triển vọng cải thiện nhân quyền này với Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về nhân quyền, trụ sở đặt tại Paris.

Thanh Quang: Tổng thống Bush và chủ tịch nước Ng uyễn Minh triết có bàn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam trong cuộc hội kiến ngày 22-06 vừa qua ở Toà Nhà Trắng. Theo Luật sư thì tương lai nhân quyền ở Việt Nam sẽ ra sao?

Tương lai nhân quyền ở Việt Nam

Luật sư Trần Thanh Hiệp: Nhân quyền ở Việt Nam không phải là chuyện mới lạ gì trong mối bang giao Việt Mỹ. Cả hai phía đã bàn tới vấn đề này từ nhiều năm rồi, lúc căng, lúc dịu. Nhưng cho đến nay, nó vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.

Cho nên bây giờ nó mới chính thức thành vấn đề vì thế trên nguyên tắc, ít ra trong cuộc hội kiến ngày 22-06-2007cả hai bên cũng phải tìm được một giải pháp - hiện chưa được công bố - có khả năng tạo ra cho vấn đề nhân quyền ở Việt Nam một tiến bộ nào đó. Nếu không muốn nhân quyền bị lu mờ trước quyền lợi kinh tế.

Sự thật nếu ông Bush chỉ cần gặp ông Triết để hai bên tinh chuyện kinh tế, tài chánh không thôi, thì hà tất ông Bush phải mời những khuôn mặt tranh đấu dân chủ của người Việt ở hải ngoại vào Phòng bầu dục để nói chuyện nhân quyền làm gi. Đồng thời ông Bush lại còn lên tiếng tại diễn đàn Praha để cổ võ cho nhân quyền, tự do dân chủ.

Chính ông Bush muốn xoá đi sự im lặng của ông nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh APEC họp tại Hà Nội, nên lần này ông đã tự đặt mình vào một tình thế không thể không có tiến bộ về mặt nhân quyền ở Việt Nam, ít ra là trên nguyên tắc. Theo sự nhận xét của tôi, ông Triết ở vào thế phải nhượng bộ theo chiều hướng giảm độ độc tài của chế độ Hà Nội. Còn Hoa Thịnh Đốn nếu có nhượng bộ thì chỉ là để chấp nhận nhiều hay ít mức độ độc tài này mà thôi.

Thanh Quang: Trước sức ép của hành pháp cũng như của lập pháp Mỹ, tại Nhà Trắng ông Triết đã trả lời chình thức rằng cả hai bên sẽ tiếp tục thảo luận để giải quyết. Nhưng ngay sau đó trên báo, ông Triết lại lùi bước và khẳng định rằng Việt Nam xã hội chủ nghĩa không có nhu cầu thay đổi chính sách nhân quyền của mình. Vậy theo Luật sư có hy vọng gì trong những ngày tới thấy chính sách đó được thay đổi không?

Luật sư Trần Thanh Hiệp: Dĩ nhiên để giữ thể diện quốc gia, ông Triết không thể chính thức chịu nhượng bộ trước các đòi hỏi của phía Mỹ. Nhưng chắc ông Triết cũng đã cảm thấy rằng sức ép của phía Mỹ sau chuyến công du của ông vẫn còn nguyên vẹn.

Thật vậy, trong lời chao mừng ông Triết, Tổng thống Bush đã chỉ nhắc lại vào dịp thượng đỉnh APEC ông đã nói rằng Mỹ muốn thấy tình trạng nhân quyền ở Việt Nam được thực sự cải thiện. Nhưng khi tiếp ông Triết tại Hoa Thịnh Đốn, ông Bush không bàn gì tới hiện tại cả. Theo tôi, đó là một cách nhắc khéo rằng Việt Nam xã hội chủ nghĩa chưa thoả mãn yêu sách của Mỹ.

TrietRiceWhiteHouse200.jpg
Ngoại trưởng Condoleezza Rice (trái), Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates (giữa) và Cố vấn An ninh Quốc gia Stephen Hadley (phảo) trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Bush với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hôm 22-6-2007. AFP PHOTO

Mặt khác,các dân biểu Hạ viện Mỹ mà ông ông Triết đã gặp, đều nói cho ông nghe tiếng nói của nhân dân Mỹ đòi hỏi Hà Nội phải tôn trọng nhân quyền dân chủ bằng hành động chứ không phải chỉ bằng lơi nói suông.

Nói cách khác, phía Mỹ vẫn chưa có lý do để đóng hồ sơ nhân quyền ở Việt Nam và đang chờ Hà Nội có những đáp ứng thích đáng. Nếu Hà Nội muốn mở đường cho việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam, thì Hà Nội có thể thi hành ngay một số biện pháp đã được luật của chế độ đương quyền ở Việt Nam trù liệu

Những người phạm pháp?

Thanh Quang: Dù sao thì Nguyễn Vũ Bình và Lê Quốc Quân cũng đã được được trả tự do, như phía Mỹ yêu cầu. Đó không phải là những nhượng bộ về mặt nhân quyền hay sao?

Luật sư Trần Thanh Hiệp: Việc trả tự do cho người bị giam giữ có thể giải thích như là một hành vi tích cực thể hiện sự nhìn nhận nhân quyền. Nhưng không nên khái quát hóa vài trường riêng lẻ thành một chính sách chung. Và cũng đừng bắt Mỹ phải coi cái giá rẻ ấy là một nhượng bộ.

Không có gì bảo đảm rằng nhà cầm quyền Hà Nội vì đã thả Nguyễn Vũ Bình, Lê Quốc Quân nên sẽ tiếp tục thả hết những người ôn hoà tranh đấu cho nhân quyền còn ở trong nhà giam. Muốn đánh giá đúng chính sách về nhân quyền của Hà Nội thì cần phải xem xét tận gốc tức là ở hai khâu tôn trọng và bao đảm nhân quyền.

Nhìn dưới góc cạnh này thì nhà cầm quyền cộng sản ở Hà Nội không công nhận cho người dân được hành sử những nhân quyền sinh ra vốn đã có sẵn. Nên chế độ Hà Nội không thấy có nghĩa vụ phài tôn trọng những nhân quyền phổ biến đã được luật quốc tế công nhận.

Đó là lý do tại sao gọi chính sách của Hà Nội là phi-nhân-quyền Hoa Thịnh Đốn chẳng những không chỉ đòi quyền tự do cho Nguyễn Vũ Bình và Lê Quốc Quân mà còn chiêu cố tới tất cả những người bất đồng chính kiến hiện đã và đang bị Hà Nội đàn áp. Đi xa hơn, còn đòi không có sự đàn áp những người bất đồng chính kiến ôn hoà. Hà Nội đang ở vào thế tiến hay lui đều khó, chỉ có cách phải thay đổi thôi, nếu muốn sự giao hảo với Mỹ không bị sóng gió.

Thanh Quang: Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam không nhìn vấn đề như thế. Dưới mắt nhà cầm quyền này thì Nguyễn Vũ Bình và Lê Quốc Quân đã là những người phạm pháp đối với luật của Việt Nam?

Luật sư Trần Thanh Hiệp: Không ai phủ nhận rằng Nguyễn Vũ Bình và Lê Quốc Quân đã bị bắt giam trên cơ sở pháp luật. Nhưng phải hỏi rằng đó là pháp luật nào? Nếu pháp luật đó là công cụ đàn áp nhân quyền để bảo vệ cho độc tài thì dưới ánh sáng của luật quốc tế về nhân quyền, chính nhà cầm quyền Hà Nội mới là những người ở vào tình trạng phạm pháp.

Vì Hà Nội từ năm 1982 đã tự nguyện gia nhập hai công ước quốc tế về nhân quyền nên Hà Nội có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng các quy phạm của hai văn bản quốc tế này, nghĩa là tôn trọng nhân quyền của ngưới dân.

Không thể lập luận như ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tuỳ tiện tuyên bố với báo chí trong nước cũng như ngòi nước rằng ở Việt Nam “không hề có chuyện bắt bớ, xét xử vì lý do bất đồng chính kiến” và rằng chế độ xã hội chủ nghĩa “không thể chấp nhận” cho những người bất dồng chính kiến “hoạt động có tổ chức, kết nối trong nước, ngoài nước, nhận tiền, lập đảng này đảng khác” được.

Lập luận như vậy là đã gián tiếp nhìn nhận rằng ở Việt Nam luật quốc tế về nhân quyền và tự do dân chủ vô giá trị, chỉ có thứ pháp luật công cụ đàn áp của độc tài mà thôi. Tức là cho đến ngay khi ông Triết có mặt tại Toà Nhà Trắng, Hà Nội vẫn theo đuổi chính sách phi-mhân-quyền. Nếu đúng vậy thì trong phạm vi nhân quyền, cuộc hội kiến giữa ông Bush và ông Triết chi là tuồng kịch sao? Tôi không tin như vậy.

Ngõ cụt nhân quyền

Thanh Quang: Vậy là trước mắt cả hai phía đang ở trong ngõ cụt nhân quyền, liệu có tìm được lối thoát không?

Luật sư Trần Thanh Hiệp: Đó là bài toán nhức đầu của hai bên, sau cuộc hội kiến Việt Mỹ tại Nhà Trắng. Tôi cho rằng chìa khoá để tìm đáp số nằm trong tay ông Triết. Nhân quyền ở Việt Nam trong bản chất là vấn đề của cả hai phe độc tài và dân chủ của nước này là chính.

Phía Mỹ không tự mình giải quyết mà không cần đếm xỉa gì tới nguyện vọng dân chủ của nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt ở ngoài nước. Cho nên chỉ nhà cầm quyền Hà Nội mới tạo được điều kiện để giải toả bế tắc và hiện có một số biện pháp cụ thể phù hợp với pháp luật của chế độ để chấm dứt vi phạm mà cải thiện nhân quyền.

Thanh Quang: Chúng ta sẽ bàn thêm về những biện pháp này. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại Luật sư Hiệp trong buổi phát thanh kế tiếp.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.