Triển vọng về tình hình nhân quyền tại Việt Nam


2006.12.22
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Năm 2006 sắp qua đi, vậy tình trạng nhân quyền Viêt nam hiện nay ra sao, có triển vọng gì không? Dân chủ, tự do tôn giáo có được cải tiến hay không, sau khi Hà Nội được kết nạp vào WTO và sau khi bộ ngoại giao Hoa Kỳ rút tên Việt Nam khỏi danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo? Cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ trong nước và ở hải ngoại hiện nay thuận lợi hay vẫn gặp khó khăn?

MLNQVN200.jpg
Trang web Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam Vietnamhumanrights.net

Mời quý vị nghe thêm chi tiết qua cuộc trao đổi giữa phóng viên Ban Việt Ngữ chúng tôi với tiến sĩ Lê Minh Nguyên, Trưởng Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, trụ sở tại Nam California, Hoa Kỳ. Xin nhường lời cho anh Đỗ Hiếu.

Đỗ Hiếu: Thưa ông, hiện vẫn còn một số nhân vật bất đồng chính kiến, tù nhân lương tâm, nhà đấu tranh cho dân chủ bị ngồi tù, vậy Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam có vận động với công luận quốc tế để can thiệp với Hà Nội sớm trả tự do cho họ ?

Lê Minh Nguyên: Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã, đang và tiếp tục vận động cho những tù nhân lương tâm và đang đặc biệt quan tâm tới 25 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong điều kiện khó khăn và cần phải được can thiệp khẩn cấp cho họ.

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đang ráo riết vận động với quốc hội và bộ ngoại giao Hoa Kỳ cùng các tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch, tổ chức Ân Xá quốc tế, Ủy Ban Bảo vệ Ký giả và Tổ chức phóng viên Không Biên giới.

Ngoài việc can thiệp cho các tù nhân lương tâm trong nước, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam còn tìm cách thăng tiến nhân quyền, vì một khi nhân quyền thăng tiến thì tự do được tôn trọng, chuyện bắt bớ sẽ giảm đi.

Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietweb@rfa.org

Đỗ Hiếu: Ông nhận định ra sao về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam hiện giờ, vào lúc năm 2006 sắp qua đi?

Lê Minh Nguyên: Tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn bị Hà Nội đàn áp, trù dập, điển hình là giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hay giáo hội Hòa Hảo Thuần Túy vẫn bị ngăn cấm. Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ cũng phổ biến báo cáo cho thấy các tôn giáo tại Việt Nam vẫn bị gây khó dễ.

Trước áp lực quốc tế, Việt Nam tỏ ra nhân nhượng, nhưng chỉ có tính cách cục bộ, phiến diện và đó chỉ là lớp sơn bề ngoài.

Đỗ Hiếu: Theo ông thì vì sao ngày càng có đông người trong nước mạnh dạn tham gia vào công cuộc vận động cho dân chủ, nhân quyền, bất chấp những hành động đàn áp, bắt bớ, tù đày, xử phạt của Hà Nội?

Lê Minh Nguyên: Hiện giờ nhân loại đi vào một giai đoạn mới đó là thời đại thông tin ngày càng nhanh chóng, đầy đủ và trung thực. Điều đó giúp nâng cao kiến thức con người rất nhanh chóng. Nhờ kiến thức đó mà người dân như có quyền lực trong tay, sự sợ hãi bạo lực, cường quyền đã bị hạ thấp.

Mặt khác, trong giai đoạn hội nhập toàn cầu, giới quan sát quốc tế ngày càng đến Việt Nam đông hơn, cho nên hành động đàn áp nhân quyền không lọt qua tai, mắt của công luận thế giới . Cũng chính vì vậy mà các nhà đấu tranh cho dân chủ trong nước không còn sợ bạo quyền như trước đây nửa.

Đỗ Hiếu: Vậy vai trò của giới trẻ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ra sao, thưa ông?

Lê Minh Nguyên: Vai trò của giới trẻ Việt Nam rất quan trọng, thành phần này là tương lai của đất nước, của dân tộc và có một vị trí then chốt hiện giờ.

Điều cần phải cảnh giác là nên sáng suốt đừng để rơi vào sự dụ dỗ, đánh lạc hướng của nhà cầm quyền Việt Nam. Hiện nay, Hà Nội tổ chức thường xuyên những cuộc tranh tài thể thao, để đánh lạc sự chú ý và quan tâm của giới trẻ về vấn đề dân chủ.

Giới trẻ Việt Nam là những diễn viên chính để đưa đất nước và dân tộc Việt Nam vương lên, sánh vai với các dân tộc tiến bộ khác trên thế giới. Do đó, thành phần này nên ý thức được sứ mạng lịch sử của mình trong cuộc vận động để Việt Nam theo kịp trào lưu của nhân loại.

Đỗ Hiếu: Đài Á Châu Tự Do cám ơn tiến sĩ Lê Minh Nguyên, Trưởng Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, trụ sở tại Nam California, Hoa Kỳ đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi hôm nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.