Quốc hội Hoa Kỳ điều trần về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam
2007.11.07
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Một buổi điều trần với đề tài “Những mối quan tâm về tình trạng Nhân quyền ở Việt Nam” đã diễn ra tại Hạ viện Mỹ chiều thứ Ba vừa qua với sự tham dự của một số Dân biểu cùng các tổ chức, đảng phái người Mỹ gốc Việt thường lên tiếng về nhân quyền và tôn giáo trong nước. Có mặt tại chỗ, Thanh Trúc tường trình diễn tiến cuộc điều trần.
Tình hình nhân quyền tại Việt Nam
Đây là buổi điều trần trước Uỷ ban Quan hệ Nước ngoài của Hạ viện về các vấn đề tồn tại và đáng lưu ý liên quan đến những hành động gọi là chà đạp quyền con người và cấm đoán quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do phát biểu ý kiến vẫn còn xảy ra ở Việt Nam.
Dân biểu Zoe Lofgren, người khởi xướng và cũng là một trong những thuyết trình viên của buổi điều trần, cho biết :
“Mục đích của buổi điều trần này là rọi thêm một tia sáng vào tình trạng nhân quyền đang bị vi phạm ở Việt Nam, đồng thời chỉ cho mọi người thấy nhà cầm quyền Việt Nam đã chà đạp quyền con người như thế nào, trong đó có việc bắt bớ người bất đồng chính kiến, đàn áp và đe dọa những người có tư tưởng đối lập như trường hợp các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân…, mạnh tay giải tán và đàn áp người dân đi khiếu kiện như vụ ngày 18 tháng Bảy vừa qua ở thành phố Hồ Chí Minh.”
Bà dân biểu Zoe Lofgren nói tiếp rằng đây là những điều không chỉ đại diện dân cử Mỹ quan tâm mà còn nhiều người dân Hoa Kỳ chú ý đến, trong lúc hành pháp của Tổng thống Bush thì lại tỏ ra không mấy chú trọng đến những vấn đề nổi cộm tại một quốc gia mà Washington muốn tăng cường giao thương nhiều hơn là thúc đẩy chính phủ nước đó cải thiện nhân quyền.
Ông Hoàng Tứ Duy, thành viên đảng Việt Tân, cũng là một thuyết trình viên buổi điều trần hôm nay, cho biết có năm điểm ông muốn nhấn mạnh trước các dân biểu trong Uỷ ban Quan hệ Nước ngoài của Hạ viện. Đó là :
Bạn nghĩ gì về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam? Xin email về Vietweb@rfa.org hoặc tham gia diễn đàn RFA
“ Tiếp tục nỗ lực thông qua dự luật nhân quyền cho Việt Nam. Đề nghị các Dân biểu bảo trợ tiếng nói lương tâm ở Việt Nam, làm sao có sự liền lạc trong chính sách giữa Toà Bạch Ốc và quốc hội trước sự vi phạm nhân quyền của Việt Nam, hổ trợ một hệ thống truyền thông độc lập cho Việt Nam vì báo chí trong nước bị nhiều giới hạn trong lúc chỉ có nguồn thông tin chính từ bên ngoài là Đài Á Châu Tự Do.”
Một số thuyết trình viên khác như Dân biểu Loretta Sanchez và Dân biểu Chris Smith đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC tức những quốc gia cần quan tâm.
Dự luật Nhân quyền cho Việt Nam
Dưới mắt Dân biểu Ed Royce, một trong những đại diện dân cử Mỹ thường hết lòng cổ vũ dự thảo luật nhân quyền cho Việt Nam do đồng viện của ông là dân biểu Chris Smith khởi xướng, thì Hạ viện đã nhiều lần thông qua dự thảo luật về nhân quyền cho Việt Nam, đáng tiếc là một vài nghị sĩ đã chận tiến trình thông qua ở thượng viện, nhưng hy vọng lần này thì mọi sự sẽ khác hơn.
Ông Ed Royce nói tiếp rằng “Hoa Kỳ cần phản đối những hành động vi phạm nhân quyền ở Việt Nam bằng những tiếng nói mạnh mẽ nhất.” Theo Dân biểu Ed Royce: “Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là người giữ vai trò trọng yếu trong việc thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam, nhưng thẳng thắn mà nói thì các vị đại sứ ấy đã không xuất sắc lắm về mặt này. Thí dụ cần khuyến cáo chính quyền Việt Nam ngưng phá sóng đài Á Châu Tự Do, bởi hành động này thách thức lại những nổ lực giúp Việt Nam biết tôn trọng những quyền căn bản của người dân tront nước của họ hơn.”
Giải thích lý do vì sao ông đã và tiếp tục hổ trợ cho đài Á Châu Tự Do, dân biểu Ed Royce nói rằng vì đây là nguồn thông tin duy nhất từ bên ngoài vào Việt Nam với những tin tức không bị kiểm duyệt. Những chương trình phát thanh của đài Á Châu Tự Do giúp người dân Việt Nam ở trong nước hiểu biết hơn về sự phát triển của đất nước họ từ chính những công dân như họ đưa về . Những tin tức trung thực của đài Á Châu Tự Do phần nào ngăn chận được những hành động đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam.
Những khuyến cáo với Bộ Ngoại Giao
Một thuyết trình viên khác trong buổi điều trần, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành Boat People SOS, cho biết đề tài ông tập trung để trình bày là thực trạng thiếu tự do tôn giao ở Việt nam, điều ông thường nêu lên mỗi khi có dịp làm việc với Đại sứ chuyên trách tự do tôn giáo John Hanford trong Bộ Ngoại Giao Mỹ.
Lên tiếng tại buổi điều trần trước Uỷ Ban Quan hệ Nước Ngoài, hai vị Dân biểu Loretta Sanchez và Chris Smith cho rằng tình trạng nhân quyền tại Việt Nam ngày càng xấu hơn sau khi Việt Nam được chấp nhận vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO.
Cũng như dân biểu Zoe Lofgren, dân biểu Chris Smith và dân biểu Loretta Sanchez đều cho rằng nên đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần đặc biệt lưu tâm CPC.
Hiện diện tại buổi điều trần chiều thứ Ba còn có ông Scott Marciel, trợ tá thứ trưởng chuyên trách Đông Nam Á Sự Vụ thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Sau phần điều trần của mình, ông Scott Marciel đã bị các dân cữ Mỹ chất vấn với những câu hỏi như tại sao rút tên Việt Nam khỏi danh sách CPC vào khi những hành động vi phạm quyền tự do tín ngưỡng vẫn khiến mọi người chú ý, tại sao Bộ Ngoại Giao tỏ ra quá nhân nhượng với một chính quyền chuyên đàn áp và bịt miệng những người dân chỉ mong muốn có tự do tôn giáo và nhân quyền cho đất nước của họ, tại sao Bộ Ngoại Giao không có hành động khả dĩ nào để gọi là khuyến cáo hoặc trừng phạt Hà Nội về những vi phạm có bằng chứng như vậy.
Thanh Trúc tường trình từ Washington D.C.
Các tin, bài liên quan
- Khối 8406 và Uỷ ban Canada về Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam Điều Trần Trứơc Chính Phủ Canada
- Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua dự luật về Tự do thông tin mạng toàn cầu 2007
- Cựu chiến binh Lê Thanh Tùng bị công an câu lưu, thẩm vấn
- Human Rights Watch đề nghị giải pháp cho nền pháp lý Việt Nam
- Các Dân biểu Mỹ đặt vấn đề nhân quyền tại Việt Nam với Đại sứ Michalak
- Tường trình cuộc gặp giữa Đại sứ Michael Michalak với Cộng đồng người Việt ở Little Saigon
- Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam gặp gỡ Cộng đồng người Việt Quận Cam
- Phản ứng của người Việt hải ngoại về việc Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật Nhân Quyền cho Việt Nam
- Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 20-9-2007)