Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Buổi triển lãm về tệ nạn con người bị buôn vào đường mãi dâm sẽ diễn ra tại thành phố San Jose mạn Bắc California vào hôm thứ Sáu vừa rồi, lần đầu tiên có sự tiếp tay của các tổ chức ngoài chính phủ Hoa Kỳ bên cạnh một số tổ chức NGO Mỹ gốc Việt. Thanh Trúc có bài chi tiết về cuộc triển lãm như sau.

Sẽ không có gì muộn màng và đau đớn cho Kim, cô bé Việt Nam xinh xắn mà cha mẹ định bán cho một động mãi dâm ở Campuchia với giá 200 đô, được một tổ chức ngoài chính phủ cứu thoát kịp thời. Kịp là bởi hơn ai hết, những tổ chức chống buôn người ở Xứ Chùa Tháp biết rõ thảm cảnh kinh hoàng mà em gái nhỏ này gánh chịu một khi sa vào một quán gái.
Đó là lời mở đầu thông cáo báo chí nói về cuộc triển lãm Buôn Người khai diễn hôm thứ Sáu vừa rồi ở thành phố San Jose, miền Bắc California.
Tham dự buổi triển lãm buôn người bằng hình ảnh và tài liệu gồm nhiều tổ chức đang hoạt động chống việc phụ nữ trẻ em bị bán vào đường mãi dâm cũng như giúp đỡ cho nạn nhân của tệ trạng này. Đó là Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý Cho Công Nhân Và Cô Dâu Việt Tại Đài Loan, Dự Án Thiếu Nhi Đông Nam Á, Sáng Hội East Meets West, Sáng Hội Catalyst, Quĩ Tín Dụng Cho Tiểu Thương.
Tai họa khủng khiếp
Lên tiếng với đài Á Châu Tự Do, từ San Jose, luật sư Đỗ Phương Thanh, một thành viên trong ban tổ chức, giải thích là trăm nghe không bằng mắt thấy, hình ảnh tác động mạnh gấp ngàn vạn lời nói.
Chúng tôi hy vọng cuộc triển lãm giúp mọi người ý thức nhiều hơn và rõ hơn về một tai hoạ khủng khiếp đang đổi thay cuộc đời của những phụ nữ và trẻ em bị lôi kéo vào cái tròng đó.
Cô cho biết đây là lần đầu tiên những bằng chứng xác thực- phần lớn tập trung vào tệ nạn phụ nữ trẻ em Việt Nam bị mang ra buôn bán như những món hàng ở Đài Loan, Kampuchia, Thái Lan- được trưng bày tại GreenRice Gallery qua ống kính của các nhiếp ảnh gia ngoại quốc chuyên nghiệp như Mickey Choothesa, Mikel Flamm, Neal Newfiel, hay từ những vị đang hoạt động trong lãnh vực phòng chống buôn người là linh mục Nguyễn Văn Hùng đến từ Đài Loan, cô Ngô Kim Cúc ở Hoa Kỳ, và ông James Keim, tác giả cuốn The Violence Of Men, nói về pháp liệu tâm lý để giúp trẻ bị lạm dụng tình dục, bị hành hạ ngược đãi .
Vẫn theo lời luật sư Đỗ Phương Thanh, ứơc muốn của những người tổ chức là lôi kéo sự quan tâm của cộng đồng giòng chính, tức người Mỹ, đối với tệ nạn trẻ Việt bị buôn bán và bị cưỡng bách hành nghề mãi dâm ở Đông Nam Á, điều mà người Mỹ gọi là hình thức nô lệ tình dục trong thời đại mới.
Giám đốc Dự Án Thiếu Nhi Đông Nam Á với tác phẩm The Violence Of Men sẽ được trình bày trong cuộc triển lãm, từng công tác trong lãnh vực bảo vệ thiếu nhi ở California, Washington DC và một số nứơc Đông Nam Á, giải thích lý do ông nhận lời tham dự:
“Chúng tôi hy vọng cuộc triển lãm giúp mọi người ý thức nhiều hơn và rõ hơn về một tai hoạ khủng khiếp đang đổi thay cuộc đời của những phụ nữ và trẻ em bị lôi kéo vào cái tròng đó.
Đối với tôi tệ nạn buôn người là mối nguy hại đáng sợ vào khi kinh tế thế giới đi vào toàn cầu hoá, bởi từ đó buôn người trở thành một nguồn kinh doanh bất hợp pháp mang tính toàn cầu. “
Những hình ảnh đau lòng
Đóng góp trên 10 bức ảnh cho cuộc triển lãm, ông Neal Newfiel, giảng sư ngành xã hội tại đại học West Virginia, từng đi Việt Nam và Campuchia để thu thập tài liệu và hình ảnh về tệ nạn buôn bán trẻ em, nói về những bức ảnh của ông:

“Bức tranh những cô gái đứng sau một tấm kính trong suốt như đứng trong một chậu nuôi cá mà tôi chụp được là khi đến một quán karaoke ở Seam Reap, Campuchia. Tôi kín đáo bấm vào máy hình những cô gái trẻ mỗi cô đeo một con số trên ngực. Khách mua hoa tha hồ lựa chọn, trả cho chủ quán 30 đô la là có thể dẫn một cô đi suốt đêm.
Lại nữa, tôi còn được nghe nói là cứ một ông khách thì có năm cô gái trẻ sẳn sàng phục vụ, con gái Việt Nam thì được chuộng hơn vì tráng trẻo xinh đẹp hơn.
Còn cái ảnh này là ở Phnom Penh vào ban đêm. Tôi đã chụp hình những đứa trẻ bán báo, bán vé số hay kẹo bánh trên đường phố. Những đứa trẻ này lang thang ngoài đường tới một hai giờ sáng, biến mình thành đối tượng đã hoặc sẽ bị lạm dụng bởi các du khách ngoại quốc bệnh hoạn.
Và một bức ảnh khác là những em gái nhỏ tôi chụp được tại một bến phà nằm giữa biên giới Kampuchia và Việt Nam. Các trẻ gái ở đây được đưa qua Kampuchia bằng cách này, bị bán vào các quán gái bên đó.”
Bức tranh những cô gái đứng sau một tấm kính trong suốt như đứng trong một chậu nuôi cá mà tôi chụp được là khi đến một quán karaoke ở Seam Reap, Campuchia. Tôi kín đáo bấm vào máy hình những cô gái trẻ mỗi cô đeo một con số trên ngực. Khách mua hoa tha hồ lựa chọn, trả cho chủ quán 30 đô la là có thể dẫn một cô đi suốt đêm.
Vẫn theo lời ông Neal Newfiel, thì mong rằng những hình ảnh trong cuộc triển lãm Buôn Người sẽ thay cho muôn ngàn lời tố cáo, để mọi người thấy tệ nạn buôn bán con người có tổ chức và có đường dây hẳn hòi. Chúng ta phải biết lấy để cứu vớt trẻ thơ vô tội.
Theo ban tổ chức cuộc triển lãm Buôn Người cho biết, những hình ảnh được trưng bày ở California sẽ được đưa qua một số tiểu bang khác .
Địa điểm tới của cuộc triễn lãm Buôn Người là Washington DC, sẽ được bảo trợ bởi Galerie Brigitte, một cơ sở kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ trong vùng mà chủ nhân là người Mỹ gốc Việt.
Quí vị có thể xem một số hình ảnh trong cuộc triển lãm Buôn Người trên website của Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do.