Nông dân bức xúc vì phải gánh chịu hàng trăm khoản thuế phí khác nhau

0:00 / 0:00

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Nông dân, thành phần chiếm trên 70% dân số Việt Nam, phải gánh chịu hàng trăm khoản thuế-phí khác nhau trong khi đời sống của họ còn nhiều khó khăn, với mức thu nhập quá thấp.

FarmerRice150.jpg
Nông dân Việt Nam đang phải gánh chịu hàng chục loại thuế, lệ phí. AFP PHOTO

Để giảm bớt gánh nặng cho nhà nông, mới đây, chính phủ công bố đã bãi bỏ tổng cộng 340 loại lệ phí, và hứa hẹn sắp tới, các khoản thu phí về thủy lợi, an ninh quốc phòng, chống lụt bão hay lệ phí xây dựng điện, đường, trường, trạm cũng sẽ được miễn cho nông gia.

Tình hình thực tế ra sao? Tất cả các nhà nông khi được hỏi về các khoản thuế, phí, và lệ phí mà họ phải đóng hàng năm đều cùng chung một tâm trạng: vô cùng bức xúc.

Nông dân chưa được thông tin

Bà Năm, một nông dân quanh năm chân lấm tay bùn ở Tiền Giang, cho biết: "Đóng nhiều lắm. Mỗi một năm đóng tùm lum hết và không biết đâu mà kể. Đóng hoài. Hễ hở ra cái gì nó cũng bắt đóng, đóng đủ thứ hết. Ví dụ là thanh niên thì đóng mỗi người 8 chục ngàn, đóng hoài tới vậy hà, tiền lao động đó. Như tụi tui thì bên đàn bà, mỗi người đàn bà đóng 5 ngàn. Cái đó là đóng tiền bên phụ nữ đó."

Bà Sếu, cư dân vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Long An, tiếp lời: "Trong gia đình tôi thí dụ có mấy đứa con mà đóng tiền lao động, là con trai thì đóng 6 chục ngàn, con gái thì đóng 4 chục ngàn. Năm nào cũng phải đóng hết trơn. Ở khu vực này đều là dân nghèo không à, mần ngày nào ăn ngày nấy. Thì bây giờ tới khoản đóng tiền mà không có cũng phải chạy, không có thì nó mời."

Nhà nước công bố đã bãi bỏ 340 khoản thu đáng kể cho nông gia. Thế nhưng, các hộ nông dân mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, đa số cho hay họ chẳng nghe thấy thông tin này, như trừơng hợp của ông Tín ở Gò Công: "Cái này tôi không có nghe."

hay bà Sếu ở Long An: "Hổng biết ở tỉnh có bỏ không chứ ở huyện, thị trấn này chưa có khoản nào được bỏ hết. Xem trên đài thấy đại biểu quốc hội có đề nghị. Tụi tui xem đài tụi tui biết, còn không biết bà con khác có biết hay không thì tui không biết."

Không có chuyển biến tích cực

Ở địa phương giờ thuế nông nghiệp đã miễn rồi, nhưng vẫn còn thuế vườn tạp với đất, nhà, an ninh quốc phòng, phòng chống lụt bão. Nếu mình có cơ sở kinh doanh gì thì cũng mấy loại thuế à. Thuế môn bài có, thuế hàng tháng có. Theo tôi tính thì cũng khó sống lắm.

Một ít người cho biết không thấy có biến chuyển nào đáng kể theo con số hàng trăm loại phí đựơc miễn giảm như nhà nứơc đưa ra, mà thực tế chỉ có một, hai khoản lệ phí được bỏ mà thôi.

Ông Đước ở An Giang: "Ở địa phương giờ thuế nông nghiệp đã miễn rồi, nhưng vẫn còn thuế vườn tạp với đất, nhà, an ninh quốc phòng, phòng chống lụt bão. Nếu mình có cơ sở kinh doanh gì thì cũng mấy loại thuế à. Thuế môn bài có, thuế hàng tháng có. Theo tôi tính thì cũng khó sống lắm. Thu nhập mình thì không lên mà cái phí, cái đánh thuế mình thì lại lên. Một năm lên 4 lần."

Vô số các loại lệ phí mà ngừơi nông dân bị thu như hiện nay so với thu nhập bình quân của họ như thế nào? Các nạn nhân ca thán: "Thôi, trời ơi, khổ lắm cô ơi. Như gia đình tui nè, 5 thằng con phải đóng hết trơn, đóng hoài. Mấy thằng con tui mần không đủ ăn mà đóng thuế đủ thứ hết. Mỗi tháng đóng một trăm mấy chục ngàn. Con tui mần, đóng thấy bà luôn. Dân nơi này khổ lắm. Kiếm sống khó lắm làm sao mà đóng, mà không đóng thì nó kêu nó mời hoài. Như tui thu nhập đâu có bao nhiêu."

Ông Đước từ An Giang phân trần: "So với người lao động chân tay chúng tôi, các khoản đó hơi cao. Mình cũng ráng xoay sở qua lại chớ giờ cũng không biết làm sao nữa. Bản thân lo hàng ngày cũng ăn không đủ nữa mà. Đóng như vậy thấy cũng hơi thiếu ăn đối với người lao động đó. Nhà nước thu rồi mình cũng không có nghe nói công bố tiền này để chi vào đâu, chỉ biết thu thôi à chứ không nghe nói đưa vào ngân sách chi về đâu về đâu hết trơn. Mình thấy ai cũng vậy thì mình cũng phải vậy thôi."

Chính sách 1 đàng, thực thi 1 nẻo

Sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin của người dân cộng với những tiêu cực tồn đọng lâu nay trong bộ máy hành chính theo kiểu "phép vua thua lệ làng" xưa kia, hay kiểu "trên bảo dưới không nghe" thời nay, là nguyên nhân lý giải vì sao tại Việt Nam các chỉ thị hay luật lệ của nhà nước chỉ thấy trên giấy tờ, chứ không được thực thi vào cuộc sống:

“Mình cũng không được nghe chính sách nhà nước không còn thu các khoản này nữa, nhưng mà cán bộ thuế người ta tới tháng vẫn tới thu như vậy đó. Mình là người nông dân thiệt thòi nhứt thành ra bây giờ nếu có cơ hội nào cũng phải nói cho thoả lòng thoả dạ.”

Điều đáng nói là mặc dù hết sức bức xúc trứơc hàng trăm loại thuế, phí mà họ phải è cổ đóng góp, thế nhưng, hầu hết bà con nông dân chẳng ai dám phản đối và thậm chí cũng không dám nêu lên thắc mắc với chính quyền về mục đích sử dụng cuối cùng của các khoản thu đó sẽ đi về đâu.

Nông gia ở Tiền Giang bộc bạch: "Cũng muốn lắm chứ, nhưng giờ đâu có ai dám nói. Nói người ta không có nghe đâu. Mình có nói gì người ta cũng đâu có nghe, cô ơi. Nó chỉ có cầm được tiền thôi. Cũng như mình bức xúc vì đóng nhiều tiền quá thì mình cũng nói lên. Mà mình nói lên thì nó nói sao mình chống đối, vậy đó."

Mời bạn tham gia Diễn đàn RFA

Những người nông dân ngày đêm 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời' cơm chưa đủ no, áo chưa đủ lành, lại mang nhiều gánh nặng thuế-phí trên vai, nếu có cơ hội bày tỏ nguyện vọng của mình với các cấp thẩm quyền, họ sẽ nói gì?

Chúng tôi xin mượn những tâm tình của một người nông dân từ Long An để thay lời kết: "Người ở địa phương mình, ở vùng sâu vùng xa rất là khổ. Nhưng mà chịu nhiều cái lệ phí đó thì người dân rất là bức xúc. Thủ tường chính phủ đã ra như vậy nhưng ở địa phương đây thì nó chưa thực hành. Người dân hồi nào tới giờ chịu quá nhiều cái đau khổ. Nghe đất nước hoàn toàn giải phóng mà người dân chưa hưởng được quyền gì tự do hết, chưa được quyền cái gì làm chủ hết. Cái gì cũng thuế má, quỹ, quỹ này quỹ kia đủ thứ, người dân chịu đủ mọi mặt.

Vấn đề xã hội phức tạp như vậy, tui chưa biết chính quyền nào để tín nhiệm mà gửi gắm lời những nói công bình hợp lý để giành quyền lợi cho người dân. Người dân mong muốn sự miễn giảm như thế nào mà các cấp của chính phủ đưa về địa phương phải làm sao cho cán bộ nó thông suốt như thế nào, chứ cán bộ rất là ăn hiếp dân. Thành thử bây giờ chính quyền đối với người dân thì người dân mất tin tựởng rất nhiều.

Ở địa phương họ không chiếu theo lệnh cấp trên thì tui xem đài tui cũng cổ động cho bà con biết để tới đây mà chính quyền địa phương đi gom như vậy chắc có thể là tui sẽ đấu tranh để giành quyền lợi cho bà con về vấn đề miễn thuế đó.”