Huỳnh Tiểu Hương, người mẹ của hơn 200 em mồ côi không may mắn
2006.07.10
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Vào khoảng năm 2002 ở Bình Dương, một cơ sở mang tên Trung Tâm Nhân Đạo Quê Hương được chính thức ra đời, nuôi dưỡng các em tật nguyền, hoặc các trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi trên đường phố.
Người thành lập trung tâm ấy chính là cô Huỳnh Tiểu Hương, một phụ nữ không cha không mẹ, đã từng sống lang thang trên vỉa hè 22 năm trời, nay trở thành một doanh nhân thành đạt và là mẹ của hơn hai trăm em mồ côi, bất hạnh. Trong chương trình hôm nay, Phương Anh xin dành để nói về người phụ nữ đặc biệt này.
Số phận nghiệt ngã
Người phụ nữ tên Huỳnh Tiểu Hương, nói đúng ra, cũng không phải là tên thật vì chị đã bị bỏ rơi ngay từ khi lọt lòng. Được một bà già nghèo đem về nuôi cho đến năm lên 6 tuổi thì bà đem cho một cặp vợ chồng không con để mong chị lớn lên sẽ có một cuộc đời tốt. Thế nhưng, cũng từ đó, số phận nghiệt ngã đã đẩy cô ra ngoài cuộc đời. Liên tiếp bị người cha nuôi lạm dụng tình dục, nếu cưỡng lại thì bị đánh đập…
Cuối cùng, người hàng xóm giúp bỏ trốn, và từ đó cô bé Tiểu Hương sống lang thang đầu đường xó chợ, từ bến xe này đến bến xe khác, không nơi nào là không có dấu chân của cô. Chưa bao giờ cô có được một bữa cơm no, một bộ quần áo lành lặn. Để kiếm sống, đứa trẻ mồ côi Tiểu Hương đã từng nếm những trận đòn nhừ tử của không biết bao nhiêu người…Chúng ta hãy nghe cô thuật lại:
“Em ở ngoài bến tàu, bến xe, em đi lượm đồ ăn và ngủ ở các nhà cầu, nhà xí ở bến ga để người ta đừng đánh mình và đừng hãm hiếp mình. Em sống trôi dạt như thế, lúc thì ở đường tàu, lúc thì ở bến xe, từ Bắc cho tới Nam.
Em bị bán vô “động”không biết bao nhiêu lần, nhưng có những người tốt bụng, họ dẫn em đi trốn, họ giả bộ bao em qua đêm rồi dẫn em đi luôn, nhưng mỗi lần bị bắt lại thì “má mì” lại đốt mình, họ lấy lửa đốt dưới háng mình để cho mình đừng bận quần được, để mình đừng trốn, em bị nhiều cái này (khóc)…Nói chung thân thể em chỗ nào cũng bị, tay chân, đùi, háng…(khóc) dấu dao, lửa…nên em sợ lắm.
Năm 1988, em ở ngoài Vĩnh Phú, Phú Thọ, em đi chăn trâu, mót đậu cho người ta, nhưng em nhỏ nên làm không được và bị người ta đánh, lại trở về sống trên đường tàu…rồi sau đó trôi giạt đến miền Trung, đi bán bánh mì cho người ta, nhưng lần nào bán không được thì cũng bị đánh, nếu muốn bán được thì bị mấy ông tài xế “lạm dụng” nhiều thì mấy ổng mới ăn bánh mì dùm cho mình….
Sau một thời gian, em chịu không nổi, đi vào Huế, em đi theo người ta làm trầm hương, lên rừng, rồi đãi vàng…Thời gian đó, ban ngày thì đi làm, ban đêm thì bị mấy người thợ hãm hiếp, lạm dụng…
Cái nia đãi vàng thì to, em thì nhỏ, tàu chạy ngang, bị ụp hết xuống nước, hôm nào hên thì họ cho em ăn cơm, bữa nào xui thì lên bờ bị người ta đánh….rồi những cơn sốt rét, nên em không chịu nổi và trốn đi tiếp từ A Sầu, A Lưới, em đi bộ về tới Đông Hà, cả tháng trời mới tới đường tàu.”
Hai mươi năm lang bạt
Sau thời gian trôi dạt tận Lào Cai, cô về Đồng Nai đi cạo mủ cao su và mót đậu, nhưng rồi cũng bị đánh đập và hãm hiếp, cô lại về bến xe miền Đông ở Sàigòn sống và đi lau xe cho người ta. Cô nói:
“Em đi lau xe chủ yếu là kiếm chỗ ngủ, trong thời gian đầu, ông bà đó không cho, nhưng em cứ lì ra…cho em một cái tên và nhận làm con nuôi, nhưng người con trai lớn của họ lại đánh đập và hãm hiếp em nhiều quá, có lần phải trốn trong tủ.. cuối cùng em trốn ra bến Bạch Đằng bán thuốc lá và bán cà phê ở ngoài đường cho người ta. “
Hai mươi hai năm sống trên đường phố, chịu đựng bao nhiêu là tủi nhục đắng cay, bị đánh đập, hãm hiếp, thậm chí còn bị bán vào ổ mãi dâm như cô kể:
“Em bị bán vô “động”không biết bao nhiêu lần, nhưng có những người tốt bụng, họ dẫn em đi trốn, họ giả bộ bao em qua đêm rồi dẫn em đi luôn, nhưng mỗi lần bị bắt lại thì “má mì” lại đốt mình, họ lấy lửa đốt dưới háng mình để cho mình đừng bận quần được, để mình đừng trốn, em bị nhiều cái này (khóc)…Nói chung thân thể em chỗ nào cũng bị, tay chân, đùi, háng…(khóc) dấu dao, lửa…nên em sợ lắm.”
Tấm lòng nhân hậu
Trong thời gian cô đi bán quán cà phê cho chủ, cô âm thầm giúp cho các bạn bụi đời của mình. Thế rồi cô gặp một người đàn ông Đài Loan, biết rõ tấm lòng lương thiện và hoàn cảnh của cô nên đem lòng thương và nhận cô làm con nuôi, rồi thuê nhà cho cô ở. Nghiệt ngã thay, người đàn ông này cũng lại có những hành động lạm dụng tình dục với cô. Cho rằng chỉ có cái chết mới trả ơn cho người đã cho cô một mái nhà, dẫu chỉ là tạm bợ, nên cô có ý định quyên sinh. Cô thuật lại:
“Đau khổ quá, em đi mua chai thuốc rầy, về định tự tử, ổng thấy như thế mới xin lỗi em và cho em 20 cây vàng để mua một cái nhà, em không lấy, sau đó, ông ta nói rằng nếu vậy, thì coi như ổng đưa cho em giữ…
Khi đó, em nghĩ rằng, nếu vậy, coi như là em không xin và nhận của ông ta. Sau đó, em đi mua một cái nhà ở đường Nguyễn Văn Cừ, em mới mua buổi chiều thì sáng hôm sau, có người đòi mua 45 cây…Thế là em đi tìm nhà khác, em mua cái khác 16 cây, bán lại được 19 cây …và cứ tiếp tục như thế.”
Thế là từ đó, Tiểu Hương tiếp tục có vốn kinh doanh bất động sản, không những vậy, cô còn mua xe hơi, xe Honda cho thuê…Với vốn tiếng Hoa, tiếng Anh “bồi” cô đã học được trong những ngày cơ cực, cô nhanh chóng tiếp cận với khách hàng, giao dịch với giới doanh thương. Cô bé bụi đời ngày xưa đã trở thành tỷ phú Huỳnh Tiểu Hương y như trong chuyện cổ tích. Ngay từ khi có tiền, cô lập tức nhớ đến các bạn bụi đời, các trẻ em lang thang trên đường phố. Cô nói:
“Sau đó, em đi tìm các bạn bụi đời mà em biết mặt, em gom về hết, cho các bạn đi học, con trai thì đi làm đồng xe, con gái thì học chữ, học may, học uốn tóc…Bắt đầu từ đó em tham gia các công tác xã hội.
Em cho thuê xe du lịch, em mở quán karaoke để tạo việc làm cho các bạn, em mua xe Honda cho thuê… làm tùm lum hết, cứ xoay sao có việc làm cho các em, có lợi nhuận để đi giúp cho các em mồ côi, khuyết tật, rồi đưa các em không có nhà cửa về để giúp…”
Suốt 10 năm trời ròng rã, một mình, vừa làm, vừa nhận các trẻ em mồ côi làm con, làm em, Tiểu Hương dồn hết tiền của và công sức để xây dựng Trung Tâm Nhân Đạo Quê Hương hầu nuôi dưỡng các em tàn tật, mồ côi, những người cơ nhỡ bất hạnh. Những tưởng cuộc đời sẽ tiếp tục đãi ngộ cô để cô có thể thực hiện mong ước của mình, nhưng một ngày cách đây hai năm, cô ngã bệnh nặng vì căn bệnh ung thư quái ác. Cô kể lại:
“Hai năm trước, em tưởng chết em rồi, tài sản đất đai của em, em cho từ thiện hết, em đi xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa, cũng hơn 100 cái ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, hàng chục ngàn xe lăn…rồi em cho vốn, chia vốn ra cho các em từng sống với em để các em tự nuôi nhau, vì em tưởng là em chết rồi nên tất cả những gì em tạo ra được em muốn các con và các em của em tiếp tục làm nhân đạo. Nhưng cuối cùng em cho hết rồi thì “xui” quá, lại không chết …”
Căn bệnh ung thư quái ác
Sau đó, em đi tìm các bạn bụi đời mà em biết mặt, em gom về hết, cho các bạn đi học, con trai thì đi làm đồng xe, con gái thì học chữ, học may, học uốn tóc…Bắt đầu từ đó em tham gia các công tác xã hội. Em cho thuê xe du lịch, em mở quán karaoke để tạo việc làm cho các bạn, em mua xe Honda cho thuê… làm tùm lum hết, cứ xoay sao có việc làm cho các em, có lợi nhuận để đi giúp cho các em mồ côi, khuyết tật, rồi đưa các em không có nhà cửa về để giúp…
Theo lời cô tâm sự, vì đã từng trải qua 22 năm bụi đời trên đường phố, cô rất thương xót cho những người cùng cảnh ngộ, mặc dù có những người gọi cô là Hương “khùng” khi biết cô dồn hết tiền của cho người bất hạnh. Cô chỉ mong sao phần nào giúp cho những người bị bỏ rơi ấy có một cuộc sống tốt hơn.
Cô nói: “Em muốn bảo vệ quyền lợi cho những đứa trẻ, đặc biệt trong đó quyền của phụ nữ mà bị lạm dụng, em muốn giúp đỡ cho những người bị cô thế trong khả năng của mình…”
Thưa quí vị, với bản thân bệnh hoạn như hiện giờ, tài sản thì không còn, lại còn phải một mình chăm lo cho hơn hai trăm em mồ côi và khuyết tật, cô cho biết hiện giờ Trung Tâm đang gặp rất nhiều khó khăn. Cô cho hay:
“Giờ phút này sức khoẻ của em quá yếu, tài sản của em hết rồi, nên em rất mong muốn khắp nơi thương em, giúp cho các con của em được có cơm ăn, có sữa, có tã, có tiền đi bác sĩ. Vì hiện tại, chúng em khó khăn về nguồn này rất nhiều.”
Phương Anh cũng liên lạc được với em Lê Văn Tính, 18 tuổi, bị khuyết tật ở chân, đã sống ở trung tâm từ năm 2003, cho biết:
“Mẹ Tiểu Hương là một người rất tuyệt vời, dành hết tình cảm, những gì mẹ có, hạnh phúc của mẹ cho các em khuyết tật và các con của mẹ. Em rất khâm phục mẹ, em chỉ mong cố gắng đóng góp phần nào nhỏ bé cho mẹ thôi. Trung tâm hiện nay đang gặp nhiều khó khăn như thực phẩm, ăn uống, thuốc men, chi phí học hành, chữa bệnh cho các em.”
Giờ phút này sức khoẻ của em quá yếu, tài sản của em hết rồi, nên em rất mong muốn khắp nơi thương em, giúp cho các con của em được có cơm ăn, có sữa, có tã, có tiền đi bác sĩ. Vì hiện tại, chúng em khó khăn về nguồn này rất nhiều.
Còn em Đoàn Văn Duy, năm nay 18, gặp “mẹ Hương” lúc 14 tuổi, thì nói: “Hiện nay, em đang học hớt tóc. Em nhận thấy rằng mẹ Tiểu Hương là một người rất nhân ái, tình thương dành hết cho chúng em, mẹ giúp đỡ cho chúng em có việc làm thật tốt, vì ngoài Nam Định, gia đình em cũng rất khó khăn. “
Riêng với anh Huỳnh Quốc Minh, một cậu bé sống bụi đời trên đường phố năm xưa, được Huỳnh Tiểu Hương nhận làm em nuôi và đặt tên cho thì tâm sự:
“Em nhớ là em khoảng 11, 12 tuổi, em đi bán bánh mì, hoàn cảnh của em cũng giống như chị ấy, không có nhà cửa, chị em bán với nhau…có khi thì bán gần nhau, có khi thì xa, chị ấy rất thương em..rồi khi chị ấy vô trong thành phố này thì chị ấy đem em vô, nuôi em và cho em đi học nghề sửa xe, lái xe, tùm lum hết.
Khi em đi làm được rồi thì em không còn ở với chị của em nữa, nhưng mà chị em vẫn liên lạc với nhau. Nếu không có chị, thì em không biết đời em sẽ ra sao nữa, tấm lòng của chị, không bao giờ em quên, nhờ chị mà cuộc sống của tụi em bây giờ mới đỡ.
Ngày đầu tiên em gặp chị không thể nào quên được, lúc đó buổi tối, em bán bánh chưa hết, em lấy hàng của người ta thì em phải trả tiền cho họ, em không biết làm sao, em ngồi buồn lắm thì chi Hương đến, và lúc đó, chị sớt phần của em ra để đi bán dùm. Từ đó, em cảm mến và rất quí mến chị, nên không bao giờ em quên, trong lòng em lúc nào cũng ghi nhớ đến chị.”
Thưa quí vị và các bạn, vừa rồi là câu chuyện của chị Huỳnh Tiểu Hương, một phụ nữ nỗ lực vươn lên từ đói khổ, từ bụi đời trở thành nhà tỷ phú, rồi lại đem chia hết của cải cho mình cho người nghèo, đến khi bệnh hoạn đau ốm vẫn canh cánh bên lòng nỗi lo cho hơn 200 trẻ em mồ côi tật nguyền và những người bất hạnh khác. Trang Phụ Nữ xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Những tiệm Nail Shop ở Hà Nội
- Buồn vui gia đình nhân mùa bóng đá 2006
- Bà Aung San Suu Kyi - lãnh tụ của Liên Minh Cho Dân Chủ ở Miến Điện
- Chị Phạm Thị Huệ và nhóm Hoa Phượng Đỏ ở Hải Phòng
- Bà Nguyễn Ngọc Xuân và dự án “Ngày Mới” ở Mũi Né – Phan Thiết
- Nữ nghệ sĩ Kim Cương
- Cha mẹ có nên nói chuyện với con cái về vấn đề tình dục?
- Những phụ nữ Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam
- Lưu xá La Vang cho nữ sinh nghèo ở Việt Nam
- Quấy rối tình dục: Nạn nhân phải tự bảo vệ mình
- Chị Trịnh Thị Mùi, một phụ nữ Việt thành công trong ngành kinh doanh ở Đức (phần 2)
- Chị Trịnh Thị Mùi, một phụ nữ Việt thành công trong ngành kinh doanh ở Đức (phần 1)
- Cô sinh viên Nguyễn Thị Phương Dung, gương mặt trẻ tiêu biểu 2005 của Việt Nam
- Chị Trần Thị Hằng, chuyện cổ tích giữa đời thường
- Hành trình nhân đạo của Sáng hội Catalyst về tỉnh Đồng Tháp
- Hoạt động của Hội hỗ trợ người tàn tật VNAH tại Việt Nam
- Quan niệm dạy con ngày nay
- Cuộc thi nhiếp ảnh Tôn Vinh Vẻ Đẹp Người Phụ Nữ Việt Nam
- Vai trò và trách nhiệm của người mẹ đi làm
- Tình trạng buôn bán phụ nữ Việt sang Cambodia lên tới mức báo động
- Chloe Đào, giấc mơ đã thành sự thật
- Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 9-3-2006)
- Hội nghị về phụ nữ do NGO tổ chức tại New York
- THÔNG BÁO
- Bạo lực gia đình, nguyên nhân của nhiều vụ ly hôn tại Việt Nam