Hợp pháp hóa việc cá cược bóng đá, đề tài gây sôi nổi
2006.08.18
Thanh Quang, phóng viên đài RFA
Tại Việt Nam hiện nay, có lẽ một trong những đề tài gây nhiều chú ý – và được bàn tán sôi nổi ở chốn công đường cũng như trong dân chúng - là có nên hợp pháp hóa việc cá cược bóng đá hay không.

Vào khi Ủy ban TDTTVN ra sức hoàn thành đề án cá cược bóng đá để kịp trình lên chính phủ vào khoảng quý 3 năm nay, thì xem chừng như ngày càng có nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ việc hợp pháp hóa hoạt động đặt cược này.
Nhu cầu
Một cổ động viên bóng đá tại Saigòn cho biết: “Rất nên tại vì nếu không cho nó công khai, thì nó cũng lén cá độ ghê gớm lắm. Cho nó công khai đi thì thu được thuế, tiền hoa hồng, còn quản lý được nó.”
Cách đây vài ngày, trong buổi thảo luận giữa các đại biểu QH chuyên trách về dự án Luật thể dục thể thao, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT, bộ trưởng Nguyễn Danh Thái phải trực diện với câu hỏi thẳng thừng của đại biểu Đoàn Minh Vượng rằng “còn vướng mắc gì mà chưa đưa vào luật vấn đề cá cược ? ”
Không khí chốn công đường trở nên sôi nổi với nhiều ý kiến của các đại biểu khác ủng hộ việc luật hóa cá cược bóng đá, vì, theo lập luận chủ chốt tại phiên họp, nếu không sớm hợp pháp hóa cá cược, tình trạng đặt cược ngầm, bất hợp pháp sẽ tiếp tục vượt ra ngoài vòng kiểm soát, làm vẩn đục nền thể dục thể thao Việt Nam trong khi nhà nước bị thất thu một nguồn lợi đáng kể…
Mặc dù trong buổi thảo luận vừa nói Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái chưa khẳng định sẽ cho phép cá cược thể thao hay không, nhưng trong thời gian gần đây, ông có nhận xét rằng “hiện nay nhu cầu đặt cược bóng đá rất lớn, nếu chúng ta không quản lý tốt thì đặt cược bất hợp pháp sẽ diễn ra.”
Bước đột phá
Bạn nghĩ gì về việc này? Nên hay không nên hợp pháp hoá việc cá cược bóng đá? Xin email về Vietweb@rfa.org
Theo Chủ tịch LĐBĐVN Nguyễn Trọng Hỷ thì “đây là một bước đột phá” vì ông tin là biện pháp hợp pháp hóa cá cược sẽ giúp lành mạnh hóa bóng đá và tăng nguồn tiền đầu tư cho môn thể thao nhiều thu hút này.
Trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là những công ty dịch vụ giải trí, hoan nghênh việc hợp pháp hóa cá cược bóng đá, thì giới luật sư trong thời gian vừa qua cũng có nhiều người đã lên tiếng ủng hộ triển vọng này.
Theo Thạc sĩ Phạm Thanh Bình thuộc Văn phòng Luật sư Hồng Hà thì dù có thừa nhận hay không, cá cược bóng đá vẫn tồn tại và phát triển. Do đó, theo ông, “cần sớm có thiết chế phù hợp với hoạt động này.”
Còn Luật sư Phạm Liêm Chính thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội thì nhận định rằng “xã hội nên nhìn việc cá cược như là nó đang tồn tại để đưa ra biện pháp kiểm soát, hạn chế những tác hại xã hội.”
Gần đây, qua mục Ý kiến của bạn do Tin Nhanh trong nước phổ biến, độc giả Nguyễn Quốc Thắng đề nghị rằng “một khi đã cho phép cá cược qua loại hình đua ngựa, đua chó thì cho phép luôn cá cược bóng đá, chọi gà, chọi trâu. Bởi vì có cấm cũng không cấm được – hãy nhìn vào thực tế.”
Có lẽ nhu cầu ấy đã thôi thúc Ủy ban TDTTVN mời các công ty đặt cược từng hoạt động thành công nước ngoài tới giúp Việt Nam hoàn thiện đề án cá cược bóng đá.
Hồi tháng rồi Ban sọan thảo đề án đã làm việc với đại diện của công ty cá cược nổi tiếng của Anh - hãng Ladbrokes - và ghi nhận kinh nghiệm cùng nhiều gợi ý khả thi trong điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Giảm thiểu tiêu cực
Trước đó, theo lời mời của Ủy ban TDTTVN, một phái đoàn thuộc Công ty cá cược thể thao Singapore Pools, kể cả giám đốc công ty, ông Tan Soo Nan, đã đến làm việc với các viên chức LĐBĐVN.
Theo nhận xét của ông Tan Soo Nan, thì Việt Nam có đủ điều kiện phát triển hoạt động cá cược bóng đá hợp pháp, và sẽ thu được mỗi năm hàng triệu đôla. Vẫn theo viên chức này, nếu thực hiện được đề án đặt cược bóng đá, nạn tiêu cực trong hoạt động thể thao của Việt Nam cũng sẽ giảm thiểu.
Chính chủ tịch Hiệp hội bóng đá Châu Á Mohammed bin Hamman cũng từng kêu gọi các nước trong khu vực hãy hợp pháp hóa hoạt động cá cược bóng đá để có thể kiểm soát tình trạng cá độ phi pháp.
Nhưng đối với tình hình Việt Nam, độc giả Trần Bá Vịnh của Việt Nam Express hồi cuối tháng 3 vừa rồi có cảnh giác về vấn đề cá cược bóng đá. Theo ông, thì “việc đưa đề án này vào thực tiễn rất khó khăn nếu không được quản lý chặt chẽ. Bởi nếu không, vô hình chung tạo điều kiện cho tiêu cực trong bóng đá phát triển hơn…dẫn tới nhiều điều không mong muốn”.
Trong khi đó LS Nguyễn Huy Thiệp tại Hà Nội thì bày tỏ không ủng hộ vấn đề này. Ông nói: “Nếu là quan điểm cá nhân thì tôi không ủng hộ, bởi vì việc ấy không thể hiện sự đam mê, mà thực chất là lợi dụng sự đam mê của mọi người để tổ chức đánh bạc.”
Những bài liên quan
- Tham nhũng tại Việt Nam sẽ đi về đâu? (phần 2)
- Ông Lê Kiến Thành: "Để mà sống, nhiều công chức nhà nước đã phải tham nhũng" (phần 1)
- Vẫn còn 29 tỷ đồng tiền cứu trợ chưa được phân phối cho nạn nhân cơn bão Chanchu
- Võ khí mới chống tiêu cực: máy móc điện tử cá nhân
- Muốn chống tham nhũng phải tấn công vào cơ chế
- Vụ hạ cánh an toàn của quan chức cao cấp
- Một quan chức Campuchia bị bắt giam trong vụ tham nhũng tiền Ngân hàng Thế giới
- Việt Nam thành lập Ủy ban Đặc trách chống tham nhũng.
- Ông Trần Quốc Trượng bị đình chỉ chức Phó tổng thanh tra Nhà nước
- Đội tuyển Ý thắng giải World Cup, lần thứ tư!
- Người dân than phiền về cung cách phục vụ của giới công chức nhà nước
- Những người tình nguyện với Fanprojekt 2006
- Nhân chứng cần phải được bảo vệ một cách hữu hiệu
- Cán bộ địa phương bán đất bừa bải như bán cá, bán rau
- Giới nghệ sĩ Việt Nam và Bóng đá
- Hợp pháp hoá cá độ bóng đá : Báo chí Việt Nam nói gì?
- Việt Nam học hỏi kinh nghiệm giám sát ngân sách của Mỹ và Canada
- Tàn một giấc mơ
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 6-7-2006)
- Khi những huyền thoại phải ra đi
- World Cup 2006: thực lực các đội tuyển lọt vào tứ kết
- World Cup 2006: kết quả 2 trận cuối cùng của vòng 16
- World Cup 2006: kết quả các trận đấu ngày 26-6
- World Cup 2006: Thắng thuyết phục Thụy Ðiển, Ðức giành quyền vào tứ kết
- Giới nghệ sĩ Việt Nam và mùa World Cup 2006