Người Việt ở xóm Dừa Cạo, thủ đô Phnom Penh


2006.10.15

Nguyễn Bình, đặc phái viên đài RFA

Phóng viên Nguyễn Bình của Ban Việt ngữ, Đài RFA từ Campuchia có bài tường trình về cuộc sống của người Việt ở một khu phố mới của thủ đô Phnom Penh chi tiết như sau.

VietnameseCambodian200.jpg
Gia đình người Việt trên sông Tonlesap của Cambodia. PHOTO RFA/Thanh Truc

Phường Bang Salang, quận Mean Chhey trong thập niên 90 vẫn còn là ngoại ô của thủ đô Phnom Penh, nhưng nay đã trở thành một phần của đô thị. Nơi đây đã có con đường tráng nhựa, nhà cao tầng và nhiều quán cà phê của người Việt.

Phường Bang Salang cũng là nơi cư trú của đông đảo người Việt đến từ miền Tây Nam bộ vào khoảng giữa thập niên 90.

Bước vào một quán cà phê ở xóm Dừa Cạo, nơi có đông người Việt nhất của phường Bang Salang, thấy một em bé gái người Việt đang học bài, tay cầm quyển sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Được biết, phần lớn trẻ em Việt Nam ở đây điều có học tiếng Việt ở trường Việt ngữ của Hội người Việt Nam ở Phnom Penh, hoặc bằng hình thức thuê giáo viên dạy kèm ở nhà.

Nhìn bề ngoài, người Việt ở xóm Dừa Cạo có vẽ khấm khá hơn một số nơi thuộc ngoại ô Phnom Penh, nhưng khi hỏi về cuộc sống mới biết họ cũng đang gặp nhiều khó khăn. Phần lớn ở nhà thuê. Những người đàn ông ở đây đa số đi làm thợ hồ, đến tối mới về nhà, nên vào ban ngày ở đây chỉ còn phụ nữ và trẻ em.

Bà Cẩm Nhung, 44 tuổi, quê ở Trà Vinh cho biết vì quá nghèo khổ nên đến Campuchia lập nghiệp và gắn bó với xóm Dừa Cạo. Bà Nhung cũng cho biết thêm là đa số người Việt sống ở đây không có giấy tờ hợp pháp. Đối với họ chỉ tin vào triết lý ở hiền gặp lành.

Mặt dù cuộc sống của người Việt ở đây ngày càng gặp nhiều khó khăn, nhưng có nhiều lý do khiến họ không thể rời đất nước Campuchia. Bà Tạ Thị Tố Quyên, quê ở xã An Hiệp, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng cho biết nếu trở về quê sinh sống gia đình bà sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì không có đất đai.

Do có nhiều quán cà phê của người Việt, nên xóm Dừa Cạo giống như một gốc phố của Việt Nam. Khách đến uống cà phê phần lớn cũng là người Việt, và từ người lớn đến trẻ em ở đây vẫn nói chưa thành thạo tiếng Khmer.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.