Những cuộc biểu tình khiếu kiện của người dân dưới cái nhìn của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ


2007.07.12

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Những cuộc biểu tình khiếu kiện đòi lại đất đai của người dân nhiều tỉnh thành miền nam đã bước sang tuần lễ thứ ba nhưng không thấy có biến chuyển nào từ phía chính quyền khả dĩ làm yên tâm những người từ các vùng xa xôi về thành phố đòi hỏi giải quyết những yêu cầu chính đáng của họ.

BinhThuanLandProtest200.jpg
Dân Bình Thuận căng biểu ngữ đi biểu tình tại Hà Nội. Hình của Tiếng Dân Kêu

Dưới cái nhìn của một Luật sư hiện đang hành nghề tại Việt Nam, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ có nhận định gì về sự việc này qua những kinh nghiệm mà ông có được sau nhiều năm giúp người dân khiếu kiện không thành? Mặc Lâm mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây với Luật Sư Hà Vũ.

Mặc Lâm: Thưa luật sư, hơn hai tuần qua hàng trăm đồng bào tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu long và miền trung như Bình Thuận, Ninh Thuận đã tụ tập trước cửa Quốc Hội 2 tại Thành Phố Hồ Chí Minh đòi hỏi nhà nước giải quyết khiếu nại đất đai bị địa phương trưng thu và đền bù không thỏa đáng. Ông có nhận định gì về việc này?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Cái tình trạng chính quyền địa phương thu hồi đất trái pháp luật thậm chí tôi có thể dùng cái từ là cướp đất của những người nghèo khổ nhất của xã hội thì tôi cho rằng những chuyện đấy là không thể chấp nhận được.

Chính sách ngay của Đảng và nhà nước Việt Nam từ trước đến nay vẫn coi nông dân là một lực lượng có thể nói là nồng cốt của xã hội Việt Nam thế mà cái lực lượng nống cốt đó cái tài sản gần như suy nhất của họ là đất đai à bị thu thậm chí tôi dùng cái từ bị cướp.

Mặc Lâm: Thưa luật sư, nếu chúng tôi không lầm thì năm ngoái ông đã từng góp tay vào việc khiếu kiện của người dân khi họ kéo ra Hà Nội. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của ông trong những lần làm việc với chính quyền cấp cao và họ đã có những thái độ nào về việc này?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Chính tôi chứng kiến nhiều cái chuyện đó từ năm ngoái tôi đã trực tiếp gặp phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Ủy Viên Bộ Chính Trị phụ trách nội chính thì tôi đã trực tiếp nói với ông Trọng rằng thưa anh Trọng tôi đã thấy những người nông dân ở miền Nam ở Thành Phố Hồ Chí Minh họ đi biểu tình họ cầm cờ đảng, quốc kỳ, họ cầm chân dung lãnh tụ đi biểu tình tôi thấy chuyện đấy ảnh hưởng vô cùng xấu đến hình ảnh chế độ và sau đó có trường hợp giải quyết nào đó.

Cái điều nghiêm trọng là số lượng được giải quyết có thể nói đếm trên đầu ngón tay so với hàng vạn trường hợp thậm chí ngày càng nhiều hơn trong những trường hợp bị thu hồi đất trái pháp luật

LandProtestMaiXuanThuong200.jpg
Dù bị công an phường Thuỵ Khuê đàn áp, xua đuổi, mưa gió người dân biểu tình vẫn bền lòng chặt dạ, đeo bám vườn hoa Mai Xuân Thưởng. Hình của Tiếng Dân Kêu.

Mặc Lâm: Theo ông thì tình trạng này bắt đầu từ đâu và tại sao chúng vẫn còn tồn tại và không ai đứng ra giải quyết cả?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Hiện nay Việt Nam đang hình thành một lớp quan chức cai trị ở địa phương. Họ không lấy lợi ích của nhân dân là mục tiêu phục vụ nhưng họ lấy lợi ích chính họ và gia đình họ cho nên hiện nay không có gì lớn hơn nguồn tài sản tại Việt Nam là đất đai cho nên họ tìm cách cưỡng đoạt đấy là nhũng hình thức mạnh mẽ để nói lên chuyện thu hồi đất trái pháp luật.

Mặc Lâm: Là một người hoạt động trong ngành tư pháp ông thấy những người dân đi khiếu kiện một cách tập thể như vậy có vi phạm pháp luật hay không trong khi họ không hề có hành vi bạo động nào cả?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Ở dưới tỉnh nhân dân theo đúng luật khiếu nại tố cáo. Họ gửi đơn không những một lần mà nhiều lần. Tôi nghĩ rằng chuyện người ta bức xúc không chỉ vì đất đai cua người ta bị thu hồi mà vì chính quyền địa phương không thèm tính đến chuyện giải quyết khiếu nại cho họ.

Mặc Lâm: Cấp dưới không giải quyết thì cũng dể hiểu vì họ chia sẻ quyền lợi và bổng lộc cho nhau. Tuy nhiên các cấp cao hơn cũng không giải quyết rốt ráo cho người khiếu nại thì nguyên nhân từ đâu? quan liêu, đùn đẩy trách nhiệm hay tình trạng cát cứ của địa phương quá mạnh?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Theo luật khiếu nại tố cáo nếu như cấp địa phương không giải quyết thì đưa lên cấp trên là chuyện rất bình thường đó là theo luật, đó là chưa nói bất kỳ công dân nào nếu thấy bức xúc cũng có quyền tham gia tố cáo. Ở dưới không giải quyết thì ở trên anh phải giải quyết. Tình trạng người ta cho là vượt cấp tôi cho đấy là hình thức ngụy biện

Mặc Lâm: Theo ông, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục thả nổi như hiện nay thì hậu quả trước mắt sẽ ra sao và ai là người trách nhiệm?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Mâu thuẩn này nếu không giải quyết được nó sẽ dẫn đến sự bùng nổ mà không thể nào có thể lường được.

Mạng sống của người nông dân gắn liền với đất đai, mà đất đai ở đây, tôi xin khẳng định rằng ở Việt Nam cũng như nhiều nước nông nghiệp khác đất đai được tích tụ bởi xương máu và mồ hôi không phải chỉ một đời mà nhiều đời, vậy thì mất đất ở đây không chỉ đơn thuần là mất tư liệu sản xuất mà đây nó mất cả một cõi đời của người ta.

Bao nhiêu đời thế hệ, dòng tộc họ sống trên những mảnh đất như thế, nó như một quê hương nhỏ trong một quê hương lớn vậy. Vậy mất đất đây tôi có thể nói trong chừng mực nhất định, đối với những người nhất định, đó là mất quên hương. Mất quê hương ngay tại chính quê hương mình!

Mặc Lâm: Xin cảm ơn luật sư Cù Huy Hà Vũ về thời giờ mà ông dành cho chúng tôi trong buổi nói chuyện hôm nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.