Nhạc sư Nghiêm Phú Phi và các tác phẩm để lại cho nền âm nhạc Việt Nam


2008.03.09

Thy Nga, phóng viên đài RFA

“Thương ai nhớ ai” qua giọng hát Thái Thanh … bài này thâu đã lâu, Nghiêm Phú Phi hòa âm và đàn Piano ..

NghiemPhuPhi200.jpg
Nhạc sư Nghiêm Phú Phi khi làm Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Hình do gia đình cung cấp.

Tuần vừa qua, gia đình nhạc sư Nghiêm Phú Phi đã tổ chức buổi tụng kinh trên chùa, cúng 49 ngày cho ông. Bà Ngọc Sương, vợ ông cũng cho biết là đã giải tán trường dạy đàn. Hơn một trăm nhạc sinh đang ngỡ ngàng bởi sự ra đi đột ngột của thày, lại phải chia tay với lớp học mà họ lui tới lâu nay.

Chương trình kỳ này, chúng ta hãy cùng nhìn lại một cuộc đời dành trọn cho âm nhạc, và nghe những tác phẩm mà nhạc sư Nghiêm Phú Phi để lại

“Divertimento 1” sáng tác vào năm 1960 và từng trình tấu trước khán thính giả ngoại quốc ở Saigon ...

Nghiêm Phú Phi chào đời năm 1930 tại Saigon trong một gia đình gốc Hà Đông vào Nam lập nghiệp. Cha mẹ và các em nói tiếng Bắc nhưng ông lại nói rặt giọng Nam kỳ do giao du với rất nhiều bạn người Nam.

Nhận thấy cậu bé có khiếu âm nhạc, một người trong gia quyến là giáo sư Nguyễn Văn An đã hướng dẫn về nhạc lý và đàn, rồi giới thiệu đến nhạc sư Võ Đức Thu để học piano cổ điển.

Từ năm 15 tuổi, trong khi họ̣c Trung học tại trường Pétrus Ký, Nghiêm Phú Phi đã đi đàn piano vào buổi tối để kiếm tiền túi. Và suốt vài ba năm sau đó thì đi đàn tại các vũ trường ở Saigon, Chợ Lớn, ĐaKao.

Năm 19 tuổi, một thân một mình, chàng trai rời cảng Saigon sang Pháp, thi vào Viện Âm Nhạc Paris. Trong thời gian theo học tại Pháp, ông có soạn nhạc cho cuốn phim Việt Nam tựa đề là “Một trang nhật ký”.

Đến năm 55 thì ông tốt nghiệp ưu hạng về trình diễn Piano và hòa âm, từ viện nổi tiếng ấy. Trở về Saigon, ông tham gia mọi thứ trong lãnh vực chuyên môn của mình, từ dạy piano, đàn trong phòng trà và các club Mỹ, đến đàn và điều khiển ban nhạc trong các đài phát thanh, truyền hình; đệm piano cho chương trình ngâm thơ; soạn nhạc cho các bộ phim, ...

“Divertimento 2” sáng tác vào năm 1965 ...

Các trường ca lừng danh của Việt Nam như “Hòn Vọng phu” của Lê Thương, “Mẹ Việt Nam” và “Con đường cái quan” của Phạm Duy, “Hội trùng dương” của Phạm Đình Chương, … là do Nghiêm Phú Phi hòa âm.

Và ông cũng hòa âm nhiều nhạc bản mà chúng ta hay nghe, như “Nửa hồn thương đau” của Phạm Đình Chương. Mời quý vị thưởng thức nhạc khúc này do ông đàn trong một buổi họp mặt văn nghệ tại Paris năm 1998.

“Nửa hồn thương đau” …

Nhạc sư Nghiêm Phú Phi chẳng từ chối việc gì trong khả năng chuyên biệt của mình. Không chỉ loại nhạc thính phòng, ông nói là với các bài ở thể loại thấp mà nhờ đến ông thì ông hòa âm sao để nâng giá trị bài đó lên. Việc này, chúng ta đã thấy thể hiện, như bài “Nửa đêm ngoài phố” của Trúc Phương chẳng hạn, nhờ tài hòa âm của Nghiêm Phú Phi mà nổi tiếng, và tên tuổi ca sĩ hát bài ấy là Thanh Thúy cũng được đưa lên theo. Đó cũng là trường hợp của Nhật Trường, Hoàng Oanh, … Trầm Tử Thiêng khi mới viết nhạc, đã nhờ ông tiếp tay hòa âm cho bài bản của mình.

Nhận thấy tài năng ấy, nghệ sĩ Hoàng Thi Thơ đã mời nhạc sư Nghiêm Phú Phi cộng tác trong những buổi trình diễn ở trong nước cũng như lưu diễn tại các nước ngoài. Hòa âm và trình bày nhạc dân tộc cũng là điều mà Nghiêm Phú Phi ấp ủ tuy rằng ông tốt nghiệp bên Tây, và không biết sử dụng nhạc cụ cổ truyền Việt Nam.

Năm 1965, Nghiêm Phú Phi được cử làm Phó Giám đốc Viện Quốc gia Âm Nhạc và Kịch nghệ Saigon. Đầu năm 1970, do yêu cầu của đài “Tiếng nói Tự Do” mà ông cộng tác đã lâu, Nghiêm Phú Phi trình làng “Liên khúc số 1” gồm các bài dân ca ba miền, có 8 đoạn là Bắc, Trung, Nam, thôn, thị, chiến, bình, và hoan.

Nhạc khúc “Thôn” với điệu “Cò lả” dân ca miền Bắc …

Năm 1970, nhạc sư Đỗ Thế Phiệt qua đời, và Nghiêm Phú Phi lên thay thế trong chức vụ Giám đốc Viện Quốc gia Âm Nhạc và Kịch nghệ Saigon.

Nhạc sĩ Nguyễn Châu, một người thuộc thế hệ kế tiếp trong công cuộc kết hợp nhạc Đông và Tây, cho biết

Dạ thưa chị Thy Nga, thưa quý thính giả đài RFA, khi giáo sư Nghiêm Phú Phi về làm giám đốc trường Quốc gia Âm Nhạc thì trường gồm có ba ngành: ngành Tây phương, ngành Kịch nghệ, và ngành Quốc nhạc.

Trên phương diện là giám đốc, giáo sư Nghiêm Phú Phi cố gắng để làm sao cho các ngành nhạc phát triển và đồng thời có sự hòa hợp với nhau. Thì giáo sư cũng tìm tòi về các nhạc cụ cổ truyền. Khi đó thì chúng tôi mới là phụ giảng tại trường Quốc gia Âm nhạc thôi, nhưng giáo sư Nghiêm Phú Phi cũng đến từng giáo sư dạy ngành Quốc nhạc để mà tìm hiểu các loại nhạc cụ. Sau đó, giáo sư cũng có viết một số bài giao hưởng trong đó có những nhạc cụ Tây phương và nhạc cụ Việt Nam.

Thy Nga : Xin ông chia sẻ vài kỷ niệm đã có với nhạc sư Nghiêm Phú Phi.

Nhạc sĩ Nguyễn Châu : Bài mà giáo sư Nghiêm Phú Phi viết đồ sộ nhất là khi chúng tôi đi trình diễn, nhất là trình diễn trong Dinh Độc Lập - hình như bài đó là bài “Ngày hội non sông” (tôi không nhớ rõ vì khi đó, tôi còn nhỏ quá). Tôi đánh đờn kìm, rồi qua đờn cò, có sáo, đờn tranh, đờn bầu hợp cùng với dàn nhạc giao hưởng Tây phương gồm có violon, viola, cello, bass, kèn, vân vân, …

Ngoài việc phối hợp hai nhạc cụ thì khi viết cho dàn nhạc giao hưởng Tây phương, hay viết cho tam tấu, tứ tấu, giáo sư cũng viết những chủ đề liên quan đến Việt Nam, thí dụ như viết trên ngũ cung, hay là có các sáng tác mới trong đó có ngũ cung và những ngũ cung phát triển để áp dụng với dàn nhạc Tây phương.

Thy Nga : Năm 1971, nhạc sư Nghiêm Phú Phi soạn “Liên khúc số 2” viết về những giai đoạn trong cuộc đời con người từ thuở nằm nôi tới khi từ trần. Kế đến là soạn một thể loại mà tới lúc đó, chưa người Việt nào làm: đó là nhạc khúc “Apollo 14” với những âm thanh khoa học giả tưởng.

Qua năm 74 thì ông sáng tác “Fantasia 1” cho tứ tấu đàn giây trong đó cũng đem kỹ thuật của Việt Nam ứng dụng trên ngũ cung.

NghiemPhuPhi150.jpg
Nhạc sư Nghiêm Phú Phi sau này ở hải ngoại. Hình do gia đình cung cấp.

“Fantasia 1” …

Biến cố tháng Tư 1975 xảy tới, nhạc sư Nghiêm Phú Phi cùng gia đình bị kẹt lại. Thời gian đầu rất khó khăn, rồi thì ông cũng xoay sở dạy đàn tại nhà thờ Huyện Sĩ và tại tư gia.

Tới năm 1985 thì sang Mỹ định cư, và chỉ vài tháng sau, Nghiêm Phú Phi đã thành lập được trường dạy nhạc trên đường Bolsa, con đường chính của thủ phủ người Việt tỵ nạn ở hải ngoại. Ngay các năm đầu tiên ở nước ngoài, ông đã không ngại tình trạng di chuyển khó khăn của mình mà tham gia chuyến công tác cứu người vượt biển.

Đời sống bị thay đổi lớn lao, tâm tư ông ra sao? chúng ta có thể cảm thấy qua nhạc khúc mà ông đặt tên là “Fantasia 2” tức “Thế giới đảo điên” vào năm 1993.

Nhạc sĩ Nguyễn Châu : “Fantasia 2” bài này, Đoàn Văn nghệ Lạc Hồng chúng tôi đã hợp tác với trường Quốc gia Âm Nhạc để làm chương trình biểu diễn vào năm 1993.

Khi chúng tôi qua đây gặp giáo sư Nghiêm Phú Phi, hai thày trò có bàn là làm cái bài nào mà trong đó có nhạc cụ Tây phương và nhạc cụ Việt Nam thì giáo sư cho biết bài tên gọi là “Thế giới đảo điên”. Tâm tư giáo sư lúc đó cũng hơi phức tạp về nhãn quan cuộc sống ở Mỹ thành ra giáo sư đặt cái tựa đó.

Bài rất hay, phát triển rất lạ trong đó giáo sư viết cho chúng tôi đờn nguyệt, chị Nguyễn thị Mai đờn tranh, và một người học trò đờn bầu, hợp cùng tiếng violon, viola, cello. Hôm vừa rồi, để tưởng niệm giáo sư Nghiêm Phú Phi, chúng tôi trình diễn rất nhiều bài, trong đó có bài này.

“Fantasia 2” …

Sáng sớm ngày 16 tháng Giêng dương lịch 2008, trong khi sửa soạn đi đám tang người bạn thân là tài tử Lê Quỳnh thì ông ngã trong buồng tắm, và tin dữ tới với người thân quen, bạn bè nghệ sĩ, cùng nhạc sinh nhiều thế hệ. Một cuộc đời khép lại trong sự tiếc nuối vô vàn …

Công trình nhạc sư Nghiêm Phú Phi để lại, là sáng tác hoặc hòa âm 5 trường ca, và hơn một ngàn nhạc khúc các loại.

“Nửa hồn thương đau” ….

Trong âm thanh nhạc khúc “Nửa hồn thương đau” do nhạc sư Nghiêm Phú Phi đàn, Thy Nga xin kết thúc chương trình về ông ... chào tạm biệt quý thính giả …

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.