Indonesia đa nguyên


2006.02.28

Nguyễn Xuân Nghĩa

Tuần qua, Thủ tướng Phan Văn Khải của Việt Nam đã chính thức thăm viếng Indonesia và hội kiến cùng Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono. Nhân chuyến thăm viếng, Diễn đàn Kinh tế sẽ giới thiệu những đa đoan của một quốc gia thực sự đa nguyên như Indonesia qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, do Việt Long thực hiện sau đây.

KhaiSusilo200.jpg
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono tiếp đón Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải tại Jakarta, hôm 22-2-2006. AFP PHOTO

Việt Long: Thưa ông, Thủ tướng Việt Nam đã vừa hoàn tất chuyến thăm viếng Indonesia và sau cuộc hội kiến với Tổng thống xứ này, đôi bên đã có bản tuyên bố chung nhấn mạnh đến việc thắt chặt quan hệ giữa hai nước.

Đã từng theo dõi tình hình Indonesia từ vụ khủng hoảng kinh tế thời 1997-1998 tại Đông Á, ông nhận xét ra sao về hiện trạng xứ này sau vụ khủng hoảng ấy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono có 21 điểm tuyên bố chung sau cuộc hội kiến nhằm thắt chặt quan hệ song phương, cụ thể là ủng hộ việc gia nhập Hội viên Luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong hai niên khóa tới. Thiết thực thì hai vị đã chứng kiến lễ ký kết văn kiện hợp tác về du lịch.

Phần mình, tôi thiển nghĩ là tại cuộc tọa đàm, đáng lẽ Thủ tướng Hà Nội nên hỏi riêng nhận định của Tổng thống Indonesia về bất trắc và lợi ích của một xã hội đa nguyên và một hệ thống chính trị đa đảng.

Việt Long: Vì sao ông lại nghĩ đến một đề tài trao đổi như vậy giữa hai người?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nhìn từ Việt Nam thì từ cả chục năm nay, Hà Nội vẫn nêu ra trường hợp Indonesia như điển hình của động loạn khi có đa nguyên đa đảng, nhất là sau khi khủng hoảng kinh tế năm 1998 dẫn tới khủng hoảng chính trị năm 1999, khiến chế độ Suharto cáo chung sau hơn 30 năm gọi là ổn định.

Ngày hôm nay, Indonesia đã đổi khác. Mới hôm qua, công ty Moody’s Investors Service vừa thông báo sẽ nâng điểm giá trị tiền tệ xứ này, một chi tiết có ý nghĩa khả quan trên các thị trường tài chính.

Nếu có trao đổi thì lãnh đạo Hà Nội sẽ biết rõ và hết sợ chuyện đa đảng vì Indonesia là một xứ khó thể nào đa nguyên hơn, và đã trải qua nhiều đa đoan vì sự đa nguyên ấy. Vì các lý do, từ địa dư đến văn hóa và lịch sử, Indonesia có thể là quốc gia đa nguyên nhất địa cầu và việc họ đang tiến tới một thể chế dân chủ hơn với một nền kinh tế thịnh vượng hơn là một bài học đáng cho người Việt suy ngẫm. Dân của họ giàu gấp đôi nước ta và tự do gấp bội!

Việt Long: Nói như vậy thì xin ông hãy trình bày điều ông gọi là đa đoan của đa nguyên, trước klhi dẫn tới một kết luận dường như ông cho là đã khả quan hơn nhiều.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Indonesia mà ta cũng gọi là Nam Dương là quần đảo gồm hơn 18 nghìn đảo, mà chỉ 6.000 đảo là có cư dân. Lãnh thổ xứ này trải từ Tây sang Đông trên khu vực bề ngang còn hơn Âu Châu hay Hoa Kỳ, với nhiều vùng không người và có thể là sào huyệt của hải tặc, khủng bố, Lại ở giữa vùng giao lưu Đông Tây từ Âu sang Á, và Bắc Nam từ biển Thái bình xuống Úc Châu.

Xứ này chỉ thực sự có ý thức quốc gia như ta hiểu ngày nay từ khi là thuộc địa của Hà Lan, khi họ gom dân và gom đảo vào một tập thể gọi là “Công ty Đông Ấn của Hà Lan”. Trong tập thể đa tạp ấy, ta có nhiều sắc dân, tập trung trên một số đảo lớn và sống chung trong cái đai của chế độ thực dân.

Trong thế chiến thứ nhì, xứ này bị Nhật chiếm đóng ba năm và khi Nhật vừa đầu hàng ngày 15 tháng Tám năm 1945 thì ông Sukarno thân Nhật lập tức từ Sàigon về Jakarta tuyên bố độc lập ngày 17 tháng Tám, hai ngày trước khi Việt Nam có vụ chính biến gọi là “Cách mạng Tháng Tám”.

Ngay sau Thế chiến II, Hà Lan cũng đem quân trở lại như Pháp đã làm tại Việt Nam, nhưng cuộc chiến tranh giành độc lập chỉ kéo dài có bốn năm là hoàn tất. Sau đấy, Sukarno lãnh đạo xứ này với ý chí xây dựng điều đã có ở Việt Nam từ lâu, là một tinh thần quốc gia. Bài toán của họ vì vậy phức tạp hơn của ta rất nhiều.

Việt Long: Xin ông nói rõ thêm về yếu tố đa nguyên của xứ này, họ thuộc sắc dân nào, theo tôn giáo nào và sống chung ra làm sao khi ông Sukarno lên cầm quyền và thực sự lập quốc?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Kể về sắc tộc thì họ có dân Javanese chiếm 45% dân số, dân Sudanese 14%, dân Madurese 7,5%, dân Malay ngoài ven biển chừng 7,5% và 26% còn lại là các sắc dân khác. Về tôn giáo thì 87% theo đạo Hồi, 1% theo Phật giáo và 2% theo Ấn giáo dù trước đấy, từ thế kỷ thứ bảy đến thứ 14, xứ này theo Phật giáo rồi Ấn Độ giáo. Còn lại, có 9% theo Thiên chúa giáo, gồm 6% theo đạo Tin Lành, 3% theo Công giáo. Họ là nhiều tập thể biệt lập

Trên một quần đảo bát ngát và với một tập hợp đa văn đa chủng như vậy, ông Sukarno dựng lên một quốc gia thế tục, không có quốc giáo dù đạo Hồi chiếm đa số, và theo chủ trương năm điểm là nhất thần, nhân bản, thống nhất quốc gia, dân chủ và công bằng xã hội. Mầm phân hóa sắc tộc sau đấy khiến ông ta xiết chặt quyền lực sau khẩu hiệu, như “dân chủ tập trung” tại Việt Nam, là “Dân chủ có Định hướng”. Tất nhiên ông ta vẽ ra định hướng ấy, như Việt Nam ngày nay với “định hướng xã hội chủ nghĩa.” Tình trạng độc tài ấy kéo dài được bảy năm, từ 1959 đến 1965 là loạn.

Khi bị dân chống và đòi hỏi dân chủ thực sự, Sukarno kết hợp với đảng Cộng sản Indonesia và rơi vào cảnh nuôi ong tay áo vì đảng này – một đảng Cộng sản lớn nhất thế giới sau Liên Xô và Trung Quốc – tổ chức đảo chính để thực hiện cách mạng vô sản trên cả nước, có thể là với sự yểm trợ ngầm của Trung Quốc.

Một số tướng lãnh trong quân đội bèn phản đảo chính, đảng Cộng sản bị diệt, mấy trăm nghìn người bị giết và Thiếu tướng Suharto cầm quyền, cho an trí Sukarno tại gia đến khi tạ thế năm 1970. Từ đấy, Indonesia có hơn 30 năm gọi là “ổn định” cho tới vụ khủng hoảng làm ông Suharto phải từ nhiệm năm 1998.

Việt Long: Bây giờ, ta mới nói đến 30 năm ổn định ấy của ông Suharto vì một số lãnh đạo Việt nam ngày nay có khi cũng coi đó là một điều tốt, nếu so sánh với những động loạn sau này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, ta có thể nghĩ thế nếu chỉ nhìn vào bề mặt và trong ngắn hạn. Ông Suharto đưa ra đường lối gọi là “Trật tự mới”, giải tỏa kinh tế bên dưới mà xiết chặt chính trị ở trên, với vai trò khống chế của quân đội, như vai trò của đảng Cộng sản ngày nay tại Việt Nam. Ông ta lập ra Quốc hội để tái cử mình trong năm nhiệm kỳ năm năm và kinh tế có tăng trưởng đều với tốc độ 7% một năm, như Việt Nam. Indonesia “hiện đại hóa” và “công nghiệp hóa” như vậy và trở thành một thế lực của khu vực Đông Nam Á. Nhưng, cái trật tự trong ổn định ấy bị soi mòn vì nạn bất công xã hội, độc tài và tham ô chính trị, không khác gì Việt Nam.

Cho nên vừa được quốc tế ngợi khen về phép lạ kinh tế thì Indonesia bị khủng hoảng năm 1997, một năm bị hạn hán nặng. Quần chúng, nhất là sinh viên và dân nghèo xuống đường biểu tình trong khi giới đầu tư rút vốn bỏ chạy. Tháng Năm năm 1998, ông Suharto từ chức sau khi chỉ định Phó Tổng thống Habibie lên thay và chu kỳ động loạn bắt đầu: đà tăng trưởng kinh tế sụt 14%, thất nghiệp lên tới 20% trong khi nhiều sắc tộc đòi tự trị và trung ương không điều động nổi các địa phương trên một lãnh thổ bị phân hóa…

Việt Long: Như vậy, nhìn từ Hà Nội thì việc lật đổ một chế độ độc tài chưa chắc đã tốt?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Dạ, đúng vậy, nhưng mà tốt cho ai? Và nếu có xấu thì xấu trong bao lâu? Ta nên thực tế xét vào vấn đề ấy.

Việt Long: Vâng, xin ông trình bày tiếp về chu kỳ động loạn sau cuộc cách mạng dân chủ tại xứ này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trên đại thể thì Indonesia trải qua năm năm động loạn, nhưng trong mối loạn đã có mầm trị. Thứ nhất, họ giải trừ vai trò chính trị quá lớn, tham ô và thô bạo của quân đội; thứ hai, họ phải xây dựng lại cơ chế chính trị để có nền móng dân chủ hơn; thứ ba và quan trọng nhất, phát huy tinh thần trách nhiệm của giới chính trị và quần chúng bình dân để gìn giữ nền tảng xã hội; thứ tư, giải toả xung đột hay mâu thuẫn về sắc tộc và tôn giáo ở bên trong; và thứ năm trấn an thị trường về một triển vọng tốt đẹp hơn. Nói chung, Indonesia hoàn tất được năm việc lớn lao ấy trong năm năm qua.

Ta cần đặt nan đề ấy trong hoàn cảnh đặc biệt của Indonesia, một xứ có chừng 230 triệu dân mà gần 90% theo đạo Hồi và bị khủng bố Hồi giáo cực đoan tấn công ba lần, lại bị động đất và sóng thần. Năm ngoái, chính quyền Jakarta bãi bỏ trợ giá xăng dầu mà không bị loạn và đầu năm nay còn từ chối đề nghị cho hoãn nợ của Câu lạc bộ Paris của các nước chủ nợ. Lãnh đạo xứ này đang hồi phục nguyên khí quốc gia và chinh phục lại tư thế quốc tế đã mất.

Việt Long: Nếu có thể, xin ông tóm lược cho tiến trình hồi phục hay đổi loạn thành trị của xứ này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Khi thay Suharto, ông Habibie chỉ là người chuyển tiếp, có hậu thuẫn của đảng Golkar của Suharto, nhưng chẳng giải quyết nổi khủng hoảng kinh tế và trấn an được thị trường. Một năm sau, qua bầu cử Quốc hội, ông ta bị loại và Quốc hội đưa một nhân vật mù mờ lên cầm quyền là Abdurrahman Wahid lên làm Tổng thống, dù đảng của bà Megawati Sukarnoputri đạt đa số cao hơn.

Bà này là con gái ông Sukarno và nổi tiếng đấu tranh chống chế độ độc tài Suharto và được đề cử làm Phó Tổng thống. Tháng Bảy năm 2001 bà thay ông Wahid làm Tổng thống với hy vọng ổn định chính trị và giải trừ tham nhũng, nhưng với rất ít kết quả. Trong khi ấy, Indonesia có tiến hành cải tổ chính trị để lập ra một cơ chế phù hợp với đặc tính đa nguyên. Đặc biệt, họ không ám sát hay cầm tù đối lập và các lãnh tụ đạo Hồi cũng không cực đoan đòi biến xứ có đông dân Hồi giáo nhất địa cầu thành tiền đồn của “Thánh Chiến” Jihad.

Cuối năm 2004, xứ này bầu Tổng thống theo thể thức trực tiếp và tướng Yudhoyono, cựu Tổng trưởng An ninh của bà Sukarnopoutri, đắc cử vẻ vang với gần 62% số phiếu, hơn bà ta đến 20%. Kể từ đấy, Indonesia có một cơ chế chính trị ổn định và cân bằng với một lãnh đạo được dân thực sự bầu lên để giải quyết yêu cầu về dân sinh cho người dân Indonesia.

Việt Long: Ông có thể kết thúc bằng một vài thí dụ về nhân vật lãnh đạo này được không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Lên cầm quyền từ cuối năm 2004, sau khi Indonesia bị khủng bố tấn công và lại gặp trận sóng thần Giáng sinh 2004, ông Yudhoyono bình tĩnh vượt qua mọi trở ngại, Dù là tướng lãnh, ông tích cực giải trừ thế lực quân đội và không bị tai tiếng về tham nhũng. Ông thành lập nội các đại đoàn kết với các đảng đối lập, hòa giải với dân Aceh và trấn an thị trường với một chính sách kinh tế lành mạnh và công chi có kỷ luật nhờ giới chuyên gia có thực tài.

Về đối ngoại, ông ta tái lập mối quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, mối bang giao khắng khít với Australia, đang hợp tác với Liên bang Nga để lập một trung tâm không gian tại đảo Biak. Ông ta không bán đảo bán đất gì với Trung Quốc mà cải thiện quan hệ kinh tế và an ninh với xứ này qua việc thăm viếng và trấn an cộng đồng Hoa kiều tại Indonesia, vốn bị thiệt hại nặng sau vụ chính biến Jakarta năm 1965.

Ông đả kích chế độ độc tài Miến Điện nhưng sẽ thăm xứ này để tìm giải pháp ổn thỏa cho ASEAN. Indonesia chẳng thân Mỹ thân Nga hay thân Tầu mà có lập trường khá độc lập về các vấn đề lớn của quốc tế trong khi kinh tế đã hồi phục.

Dù sao, nhờ dân trí hơn là một cá nhân xuất sắc, Indonesia đang chinh phục lại tư thế đã mất trong khu vực và kinh tế bắt trớn tăng trưởng, với mức lệ thuộc ít hơn vào dầu thô. Trong kỳ khác ta sẽ nói về tương đồng và dị biệt giữa Indonesia và Việt Nam vì dân Indonesia vẫn giàu gấp đôi dân Việt Nam và có tự do gấp bội trong một xứ rất đa nguyên phức tạp.

Nhìn chung, dù bất ổn đang xảy ra tại Thái Lan hay Philippines hoặc dù nỗi thăng trầm của Indonesia, dân chủ vẫn là giải pháp có lợi nhất cho mọi người, ít nhất, cho đa số người dân. Đa nguyên và đa đoan như Indonesia mà còn đứng dậy được thì hà cớ chi lãnh đạo Việt Nam cứ phải học bài học lỗi thời của Suharto mà không mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.