Tình trạng ô nhiễm môi sinh công nghiệp tại Việt Nam ngày càng lan rộng

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Trong thời gian gần đây, nhiều nguồn tin bày tỏ quan ngại là tình trạng ô nhiễm môi sinh công nghiệp ngày càng lan rộng ở nhiều nơi trong nước. Thu thập một số thông tin liên hệ, Thanh Quang trình bày tình hình này sau đây.

PollutionMotor200.jpg
Tình trạng ô nhiễm môi sinh công nghiệp ngày càng lan rộng ở nhiều nơi trong nước. AFP PHOTO

Saigòn hiện là nơi có số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nhiều nhất nước. Và chắc chắn đây là lý do khiến giới hữu trách đề ra kế họach di dời các ngành nghề gây ô nhiễm TP.

Tờ Saigòn Giải Phóng số ra ngày thứ Tư mùng 5 tháng 10 có bài đề cập tới tình trạng “gần 28-ngàn doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường như: sản xuất hóa chất và tẩy rửa, sản xuất giấy, dệt nhuộm, thực phẩm, thuộc da, luyện kim, đúc, xi mạ…”.

Nhưng cho tới giờ, vẫn theo tờ báo, chỉ khỏang một phần trăm trong số doanh nghiệp này tại thành phố tham gia phương cách gọi là “Sản xuất sạch hơn”.

Đề cập tới vấn đề ô nhiễm, tiến sĩ Mai Thanh Truyết, một chuyên gia về môi trường, cho biết: "Căn cứ theo các thông tin ở Việt Nam về tình trạng ô nhiễm…chúng tôi rất quan tâm đến nguồn nước mặt ở sông Saigòn được dùng để phân phối nước cho dân chúng…Thêm nữa, hệ thống dệt nhuộm dọc theo kinh Tham Lương đã đổ thẳng vào sông Rạch Tra và sông Saigòn…"

Di dời các ngành nghề gây ô nhiễm

Thứ Năm vừa rồi, tờ Việt Nam Economy đưa tin Ban chỉ đạo di dời các ngành nghề gây ô nhiễm thành phố Saigòn cho biết trong số gần 1,400 cơ sở sản xuất phải di dời, có 40 doanh nghiệp trực thuộc trung ương, nhưng một viên chức cao cấp thuộc Sở Công nghiệp thành phố cho biết, đến nay, chưa có doanh nghiệp cấp Bộ nào chịu di dời cả.

Ban chỉ đạo vừa nói than phiền là các doanh nghiệp trung ương không chấp hành quy định khiến kế họach di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm thành phố không thể hòan tất vào cuối năm nay, và phải gia hạn sang năm tới.

Căn cứ theo các thông tin ở Việt Nam về tình trạng ô nhiễm…chúng tôi rất quan tâm đến nguồn nước mặt ở sông Saigòn được dùng để phân phối nước cho dân chúng…Thêm nữa, hệ thống dệt nhuộm dọc theo kinh Tham Lương đã đổ thẳng vào sông Rạch Tra và sông Saigòn…

Theo một viên chức cao cấp về kinh tế tài chánh ở Saigòn thì vấn đề bắt nguồn từ tình trạng giới hữu trách ở thành phố nói, “cấp Bộ” không nghe, và biện pháp tài chánh áp dụng cho những cơ sở phải di dời không thích hợp.

Hầu hết các doanh nghiệp di dời đều trực thuộc Bộ Công nghiệp, và 10 doanh nghiệp thuộc Bộ Thủy sản. Nhưng cho dẫu có di dời, tình trạng ô nhiễm môi sinh vẫn tiếp diễn nghiêm trọng.

Một nguồn tin của tờ Saigòn Giải Phóng cách nay không lâu cho hay Khu Công nghiệp Tân Phú Trung thuộc huyện Củ Chi – nơi tiếp nhận các cơ sở sản xuất phải chuyển khỏi Saigòn – đã bị ô nhiễm nặng dù các cơ sở này mới chiếm 10 phần trăm diện tích dành cho những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi sinh.

Hệ thống xử lý nước thải

Được biết hiện nước trong các kênh rạch ở khu vực này có màu đen kịt, mùi hôi nồng nặc, không thể sử dụng cho sinh hoạt hay tiêu tưới.

Theo quy định thì các cơ sở sản xuất phải có hệ thống xử lý nước thải. Nhưng nước thải gây ô nhiễm nghiêm trọng cứ tiếp tục đổ vào kênh. Lý do là vì các cơ sở sản xuất xây dựng hệ thống xử lý nước thải chủ yếu nhằm “trấn an” các cán bộ quản lý môi trường, nhưng trên thực tế, họ tìm cách xả nước bẩn ra kênh rạch vào bất cứ lúc nào có thể được.

Tình hình ô nhiễm trở nên đáng ngại hơn, khi có nhiều trại chăn nuôi - từ bò tới heo - ở khu vực ngọai thành không chấp hành quy định vệ sinh môi trường. Lượng chất thải từ các lọai gia súc này đã làm cho môi trường sa sút nghiêm trọng.

Tại miền Bắc, nhất là ở tỉnh Bắc Ninh, đông đảo các làng nghề, cơ sở sản xuất thủ công nghiệp truyền thống cũng làm gây ô nhiễm môi sinh rất nặng.

Nhiều nguồn tin trong nước bày tỏ quan ngại là tình trạng thiếu ý thức về vấn đề ô nhiễm của đa số dân chúng, nhất là ở nông thôn, cũng góp phần gây phương hại tới môi trường sống.