Nguyên nhân lạm phát tại Việt Nam


2007.10.29

Gia Minh, phóng viên RFA

Trong thời gian mấy tháng qua, cùng với thiên tai, xu hướng lạm phát góp phần gây thêm khó khăn cho đời sống người dân. Theo dự báo thì trong thời gian còn lại của năm nay mức độ lạm phát cũng sẽ ở mức đáng quan ngại. Vậy tình hình ra sao? Và cách thức giải quyết của cơ quan chức năng thế nào? Gia Minh trình bày vấn đề trong phần sau.

WTOBusiness200.jpg
AFP PHOTO

Ngân hàng Phát triển Châu Á, ADB, mới hồi tháng trước đưa ra Báo cáo Triển vọng Kinh tế Châu Á năm 2007. Phần liên quan Việt Nam của Báo cáo nêu lên quan ngại của định chế tài chính này về mức độ lạm phát của Việt Nam trong năm nay.

Theo ABD thì lạm phát của Việt Nam trong mấy năm qua có xu hướng tăng cao. So với các nước khác trong khu vực thì tỷ lệ lạm phát vừa nêu của Việt Nam đều cao hơn. Nguyên nhân lạm phát tại Việt Nam được đánh giá thế nào?

Ông Vũ Quang Việt, chuyên gia thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, người quan tâm đến tình hình Việt Nam, đưa ra một số lý do của tình trạng lạm phát ở Việt Nam hiện nay:

“Nhìn trong vòng bốn năm nay thì rất đáng quan ngại. Theo nghiên cứu của tôi và các số liệu do Việt Nam đưa ra thì mức độ lạm phát tại Việt Nam trong bốn năm qua lạm phát tăng 35%. Khuynh hướng trong thời gian đó là tăng mạnh hơn những lần trước.

Lý do đầu tiên là in tiền thêm. Lý do thứ hai là nhà nước muốn đạt tăng trưởng cao. Từ đó nhà nứơc bằng mọi cách đẩy tích lũy tăng thật mạnh. Theo thống kê học thì tích lũy đó sẽ tăng GDP; còn vấn đề tạo ra sản phẩm thì đòi hỏi thời gian dài hơn. Tiền đẩy ra mạnh tạo ra lạm phát mạnh hơn. Thêm nữa là vốn đầu từ ở nước ngoài vào thị trường chứng khoán; tiền đó vào VN thành tiền Việt tạo ra cung ứng nhiều hơn.

Để đạt kế họach, thì đưa đến việc ăn tiền nhiều. Muốn nhanh thì đẩy tiền ra cho phép làm, vừa thiết kế vừa thi công; không kiểm soát được nên có ăn tiền.”

Sự yếu kém của hệ thống phân phối

Nhìn trong vòng bốn năm nay thì rất đáng quan ngại. Theo nghiên cứu của tôi và các số liệu do Việt Nam đưa ra thì mức độ lạm phát tại Việt Nam trong bốn năm qua lạm phát tăng 35%. Khuynh hướng trong thời gian đó là tăng mạnh hơn những lần trước.

Những đánh giá của ông Vũ Quang Việt không khác mấy so với kết luận của ADB. Theo đó thì sự tăng giá của nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm là yếu tố chính khiến lạm phát gia tăng. ADB chỉ ra rằng tại Việt Nam mức tăng lương thực thực phẩm luôn cao hơn so mức tăng tổng thể của chỉ số giá cả CPI.

Một trong những cảnh báo của ADB về lạm phát tại Việt Nam là còn vì sự yếu kém của hệ thống phân phối tại Việt Nam. Dược phẩm là một ví dụ của sự kém cỏi trong phân phối đó.

Một chuyên gia kinh tế Việt Nam hiện đang giảng dạy tại Nhật là tiến sĩ Phan Minh Ngọc, trong bài viết đăng trên Thời báo Kinh tế Việt Nam thì chỉ ra rằng dường như vấn đề lạm phát vẫn chưa được cơ quan chức năng Việt Nam hiểu đúng. Điều đó theo tiến sĩ Phan Minh Ngọc được thể hiện qua việc Quốc hội đặt ra chỉ tiêu là lạm phát phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Đây là điều mà ông Phan Minh Ngọc cho là không có nền kinh tế nào trên thế giới làm vậy cả.

Với nhãn quan của một nhà kinh tế, thì ông Phan Minh Ngọc còn cho rằng những biện pháp mà cơ quan chức năng tại Việt Nam đang thực hiện với mục tiêu kìm lạm phát lại là mâu thuẫn nhau.

Bản thân ông Vũ Quang Việt trong một bài viết phổ biến trên mạng và báo chí trong nứơc còn nêu rõ là dù kinh nghiệm chống lạm phát ở Việt Nam cũng có một số thành tích nhất định thế nhưng quan điểm cũ trong vấn đề này vẫn còn tồn tại.

Đó là luận điểm tăng cung để chống lạm phát. Ông nêu ra biện pháp mà Việt Nam đưa ra là vừa giảm giá, vừa giảm thuế. Theo ông thì giảm giá xăng tức tăng chi bù lỗ, giảm thuế sẽ dẫn đến giảm thu ngân sách, vậy thì Nhà nước lấy tiền đâu ra để bù cho các khoản thiếu hụt?

Đối với những cách làm hiện nay của cơ quan chức năng Việt Nam, ông Vũ Quang Việt có nhận xét về hậu quả về lâu về dài:

“Tiếp tục thế này thì sẽ đạt đựợc tốc độ tăng trưởng cao, nhà đầu tư vào nhưng càng ngày họ sẽ càng thấy có vấn đề. Tiền Việt Nam tăng giá sẽ khó xuất khẩu, hàng hoá khó cạnh tranh, rồi vấn đề trả nợ. Lúc đó sẽ có vấn đề rút ra khỏi Việt Nam, và nếu thị trường chứng khoán lúc đó lớn thì sẽ tạo ra khủng hoảng.”

Trong khi các chuyên gia luận bàn về lạm phát, nguyên nhân và biện pháp chống căn bệnh này, thì từng ngày từng giờ giới lao động làm công ăn lương đang phải chịu tác động trực tiếp của tình hình đó.

Một người làm công ăn lương tại Việt Nam cho biết về hoàn cảnh cuộc sống của bản thân và nguời quen: “Em làm tại ở Bình Dương, Công ty có 4 ngàn người, mà lương chỉ có 750 ngàn, chừng này sống không đủ vì hằng ngày vật giá leo thang, khổ lắm.”

Chính ADB đã đưa ra khuyến cáo là lạm phát sẽ làm giảm sức mua của người nghèo, dẫn đến tăng bất bình đẳng về thu nhập của người dân trong xã hội.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.