Hội nghị Quốc tế bệnh AIDS: Đến lúc trao

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Suốt tuần nay, Hội nghị Quốc tế lần thứ 16 về bệnh AIDS diễn ra sôi nổi tại thành phố Toronto của Canada với trên 20 ngàn đại biểu của năm châu tham dự. Lược thuật những diễn tiến tại hội nghị, Lê Dân tham chiếu với những nỗ lực đối phó với căn bệnh thế kỷ này tại Việt Nam.

BillClintonAids200b.jpg
Nguyên Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton phát biểu tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 16 về bệnh AIDS ở Toronta, Canada, hôm 15-8-2006. AFP PHOTO

Khai diễn từ ngày 13 đến 18 tháng Tám, hội nghị quốc tế lần thứ 16 về bệnh AIDS được tổ chức xoay quanh 3 lãnh vực chính là khoa học, cộng đồng và lãnh đạo.

Nhiệm vụ sẽ là đẩy mạnh nghiên cứu để tìm cách chấm dứt căn bệnh của thế kỷ, phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao khả năng phòng chống và chữa trị, vận động sự tham gia của các cộng đồng bị tác động và xây dựng thế hệ lãnh đạo mới để đối phó hiệu quả hơn.

Với sự tham dự của nhiều nhân vật danh tiếng

Ngoài những giới chức của các tổ chức như Cơ quan Liên Hiệp Quốc Phòng chống HIV/AIDS, các tổ chức độc lập về HIV/AIDS và nhiều tổ chức từ thiện quốc tế, hội nghị còn có sự tham dự đặc biệt của nguyên Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, vợ chồng nhà tỷ phú Bill Gates, tài tử Richard Gere và nhiều nhân vật danh tiếng khác.

Ông Bill Clinton trong bài nói chuyện đã cho biết tiến trình tìm kiếm một giải pháp cho trận đại dịch HIV/AIDS của nhân loại là một công tác cần kiên trì và dài lâu. Ông ngỏ lời biết ơn những nhà khoa học, những chiến sĩ nhân quyền và các nhà từ thiện đã nỗ lực không mệt mỏi.

Ở Việt Nam, phần lớn, tám, chín mươi phần trăm vẫn liên quan tới nạn tiêm chích ma túy, tức họ dùng kim tiêm chung, nên phải phối hợp liên ngành. Cai nghiện ma túy thành công, thì mới bài trừ HIV thành công.

Tại hội nghị, Cơ quan Liên Hiệp Quốc Phòng chống HIV/AIDS cho biết hiện có trên 39 triệu người khắp thế giới mang trong mình virút HIV, và có tới 95% số người đó thuộc các quốc gia đang phát triển. Ngoài ra, từ khi phát hiện hồi 25 năm trước, bệnh AIDS đã giết chết 25 triệu người trên tòan cầu, nhiều hơn bất cứ cuộc chiến tranh nào.

Tuy nhiên, hội nghị quốc tế lần thứ 16 về HIV/AIDS kỳ này đã cho thấy hiện trạng không đến nỗi quá bi quan như những lời cảnh báo vài năm trước đây.

Các bản phúc trình phơi bày nhiều hy vọng như số người mang virút HIV tại Phi Châu được nhận thuốc chữa trị đã tăng gấp 10 lần so với hồi mới 3 năm trước. Lợi ích kinh tế do những bệnh nhân đó mang lại cao hơn là phí tổn của các loại thuốc đặc trị mà họ phải dùng, rồi những bệnh nhân được dùng thuốc có nhiều ý thức hơn về việc virút lây nhiễm.....

Tấm gương Thái Lan

Một nước từng nổi tiếng về tệ trạng HIV/AIDS cả thập niên trước là Thái Lan, kỳ này đã được hội nghị tuyên dương về thành tích kìm hãm đà lây lan, cũng như giảm thiểu con số bệnh nhân AIDS.

Bản phúc trình của Ngân hàng Thế giới khuyến cáo các nước đang phát triển nên theo gương Thái Lan, vì là một nước phương tiện giới hạn nhưng Bangkok vẫn nỗ lực để phân phát thuốc đến hơn 90% người mang virút HIV với giá rẻ. Cụ thể là cho 78 ngàn người.

Thay vì phí tổn cho một bệnh nhân AIDS ở các nước tiên tiến là hàng trăm đôla mỗi tháng, Thái Lan đã tự sản xuất lấy thuốc dùng, chỉ vào khoảng 30 đôla mà thôi. Thêm vào đó, họ còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống, và theo tính toán của Ngân hàng Thế giới thì mỗi đôla chi vào việc ngăn ngừa, Thái Lan tiết kiệm được trên 40 đôla cho việc chữa trị về sau.

Ông Mead Over, kinh tế gia của Ngân hàng Thế giới và là đồng tác giả biên soạn bản phúc trình, khuyến cáo các nước trong vùng nên nên nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm của Thái Lan khi hoạch định chính sách cho nước mình phòng chống HIV/AIDS.

Trường hợp Việt Nam

Quay lại Việt Nam, kế hoạch 5 năm phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống George W. Bush trị giá 15 tỷ đôla hỗ trợ các nước châu Phi và vùng Caribê vốn nổi tiếng về sự hoành hành của căn bệnh thế kỷ này. Thế nhưng trong danh sách đó, phần châu Á lại có Việt Nam mà không phải Thái Lan.

CondomHIV150.jpg
Máy bán bọc cao su tại một club ở Hà Nội. AFP PHOTO

Được chọn để hưởng sự trợ gíup đó, có nghĩa là tình trạng lây lan của virút HIV tại Việt Nam cao hơn hẳn những nước khác trong vùng.

Theo số liệu thống kê chính thức của Nhà nước, vào năm 1995 Việt Nam có 4 ngàn ca nhiễm HIV/AIDS, nhưng chỉ 10 năm sau đã có 104 ngàn trường hợp, tức tăng gấp 25 lần.

Hiện tượng đó, trách nhiệm phần lớn do những cơ quan chuyên trách. Trong một cuộc trao đổi với ban Việt ngữ, quan chức phụ trách vẫn nhất mực đổ lỗi do tệ nạn ma túy và trách nhiệm của công an, nên virút HIV mới lan tràn.

“Ở Việt Nam, phần lớn, tám, chín mươi phần trăm vẫn liên quan tới nạn tiêm chích ma túy, tức họ dùng kim tiêm chung, nên phải phối hợp liên ngành. Cai nghiện ma túy thành công, thì mới bài trừ HIV thành công.”

Bao nhiêu năm qua, quốc tế đã nhiều lần cảnh báo là sự lây lan có nhiều nguyên do khác như quan hệ đồng tính, lao động trôi nổi xa nhà, cha mẹ truyền sang con.....

Bộ Y tế Việt Nam mới đây cho biết tỷ lệ thai phụ nhiễm HIV đã tăng 20 lần trong 10 năm qua. Đó là hậu quả của việc trao phòng chống HIV/AIDS cho quan chức thiếu kiến thức. Bây giờ thì sự nhận thức của xã hội về tệ trạng này đã thay đổi, như nhận định của một thành viên hội Phụ nữ Việt Nam.

“HIV/AIDS từ những người chồng đi làm ăn xa, thường đến những chỗ tập trung nhiều tệ nạn xã hội, quan hệ ngoài gia đình, cũng là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao về HIV/AIDS.”

Đẩy mạnh giáo dục

Việt Nam cần phải làm những gì để ngăn chận làn sóng AIDS sẽ tàn phá thế hệ mai sau về giòng giống, về kinh tế và về nền tảng xã hội ? Câu trả lời duy nhất là phải đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền quảng bá nguy cơ và khả năng lây nhiễm của HIV, theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới.

Thái Lan đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống HIV/AIDS trong 10 năm qua để có kết quả khả quan ngày nay. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới thì mỗi đôla chi vào việc ngăn ngừa, Thái Lan tiết kiệm được trên 40 đôla cho việc chữa trị về sau.

Dù vậy, việc tuyên truyền, giáo dục về nguy cơ bệnh AIDS và các bệnh tình dục khác không dễ dàng ở một xã hội còn nặng truyền thống như Việt Nam. Người hội viên hội Phụ nữ Việt Nam bày tỏ.

“Khi nói đến vấn đề quan hệ tình dục, tính dục ở Việt Nam, ở những thành phố còn có thể dễ nói hơn. Còn ở nông thôn khi mình nói ra, nhiều người còn quay mặt đi, lảng tránh không muốn nghe.”

Khó khăn đó là một trong những đề mục mà Hội nghị Quốc tế kỳ thứ 16 về HIV/AIDS mới kết thúc đã đưa ra giải pháp, đó là nâng cao sự cộng tác của các cộng đồng bị căn bệnh này tác động và xây dựng một thế hệ lãnh đạo mới, năng động và đầy đủ tri thức để đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh.