Phụ nữ Việt làm hiệu trưởng trường quốc tế ở Vientiane, Lào

0:00 / 0:00

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Thủ đô Vientiane của nước Lào cách thủ đô Bangkok của Thái Lan non một tiếng đồng hồ đường chim bay. Thế nhưng cuộc sống ở Vientiane gần như trái ngược với cuộc sống ồn ào bận rộn của Bangkok bởi đất nước này nằm sâu trong nội địa, không có cảnh trên bến dưới thuyền hay xe cộ như mắc cửi giống Thái Lan, và lại càng êm ả hiền hoà hơn nếu so với Xứ Chùa Tháp xa không mấy đỗi.

LaoVietnameseNga200.jpg
Cô Nga, Chansanga Valakone, hiệu trưởng trường Kiettisak International School. Photo RFA/ Thanh Trúc.

Đến nước Lào hầu như nơi đâu cũng có người nói tiếng Việt. Người Việt ở Lào phần lớn nói giọng Bắc hoặc giọng Trung ở miền ngoài.

Hôm nay Thanh Trúc mời quí vị đến viếng một nôi trường có tên là Kiettisak International School, tọa lạc trên đường Hữu Nghị Lào Thái, phường Sokpaluang, quận Sisattanak của thủ đô Vientiane. Đang là mùa bãi trường mà xem ra sinh họat của Kiettisak International School cũng rộn ràng lắm. Đây rồi chúng ta cùng chuyện trò với một số em nhỏ này xem nhé.

Lan Hương: Em tên là Lan Hương ạ.

Thanh Trúc: Có phải Lan Hương ở Hà Nội qua không ?

Lan Hương: Dạ vâng.

Thanh Trúc: Bố mẹ em làm gì ở đây?

Lan Hương: Bố em là tổng lãnh sự ở Paksé.

Thanh Trúc: Lan Hương học lớp mấy?

Lan Hương: Năm nay em học lớp Mười. Em được học tiếng Anh ở đây là ngữ pháp, học viết, thể dục, học nhạc, học vẽ. Tất cả những môn mà hỗ trợ để em nâng cao vốn tiếng Anh của mình đấy ạ.

Trần Xuân Bách: Em tên là Trần Xuân Bách, bố em người Lào, mẹ em sang đây làm việc, gia đình em ở bên này?

Thanh Trúc: Mẹ em làm gì?

Trần Xuân Bách: Mẹ em làm ở Văn Phòng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn của Việt Nam sang giúp Lào.

Thanh Trúc: Trường Kiettisak này có tốt không?

Trần Xuân Bách: Tốt, học tiếng Anh cũng dễ hơn.

Đặng Thái Phương: Bố em làm ở đại sứ quán Việt Nam tại Lào.

Thanh Trúc: Em có mấy anh chị em?

Đặng Thái Phương: Em có một chị.

Thanh Trúc: Chị có đến học ở trường Kiettisak này không?

LaoVietnameseStudent200.jpg
Các em học sinh trường Kiettisak International School. Photo RFA/ Thanh Trúc.

Đặng Thái Phương: Không chị em học một trường đại học ở Lào tên là Don Dok.

Thanh Trúc: Phương thích trường Kiettisak này không?

Đặng Thái Phương: Cũng được, học tiếng Anh cũng dễ hiểu, ngoài ra là có thêm bạn để chơi, bạn của nhiều nước, bạn người Nga tên là Mass, bạn Lào tên là Bob, hoặc là một số bạn khác nữa. Người Pháp thì có nhưng mà em không chơi. Có người Ấn Độ gì đó nữa ạ.

Thanh Trúc: Em tên là gì ?

Đặng Thái Phương: Tên Huỳnh Thái Dương, tám tuổi, cháu học lớp Ba, sang năm cháu sang An, cháu theo mẹ cháu, mẹ phải làm việc bên đấy. Mẹ cháu ở đại sứ quán Việt Nam ạ.

Đặng Thái Phương: Em tên Hoàng Hoàng, ba làm thợ hàn.

Thanh Trúc: Vì sao ba cho em đi học trường này ?

Đặng Thái Phương: Trường này có tiếng Ăng Lê, học tiếng Ăng Lê giỏi. Em nói được tiếng Lào và tiếng Thái nữa.

Thanh Trúc: Tutu nói tiếng Việt có giỏi không?

Đặng Thái Phương: Không giỏi, ba mẹ Tutu ở Lào lâu rồi. Tutu nói được tiếng Anh, tiếng Lào, tiếng Thái và tiếng Việt.

Thanh Trúc: Ở trường Kiettisak này cách dạy học có giống mấy trường bên Việt Nam không?

Đặng Thái Phương: Không ạ, người nước ngoài người ta dạy dễ hiểu hơn, cho học sinh tinh thần học hỏi nhiều hơn, không có kiểu bắt ép như ở Việt nam.

Thanh Trúc: Huỳnh Thái Dương thấy anh Bách nói vậy có đúng không?

Đặng Thái Phương: Có, em thích bên này, bên này không bắt học nhiều mà hiểu nhiều hơn ạ.

Thanh Trúc: Thanh Trúc chắc quí thính giả cũng đóan ra được là chúng ta đang ở Trường Quốc Tế Kiettisak ở thủ đô Vientiane rồi. Sở dĩ hôm nay Thanh Trúc đưa quí vị đến Trường Quốc Tế Kiettisak vì cơ ngơi này được một phụ nữ người Việt tên là Nga gầy dựng nên. Đúng ra chị là một phụ nữ Lào gốc Việt, quê quán từ miền Bắc của Việt Nam mình, nhưng sinh ra và lớn lên ở Lào để rồi trở thành người phụ nữ Lào gốc Việt duy nhất đứng ra thành lập và điều khiển một ngôi trường mang tiêu chuẩn quốc tế đã hai thập niên nay.

Ở người phụ nữ Lào mang giòng máu Việt với tên Changsanga Valakone này tóat ra một vẻ trí thức, giản dị và đôn hậu. Say mê với thiên chức giáo dục theo đuổi bấy lâu, chị nhiều lần đại diện nước Lào đi tham dự những hội nghị quốc tế về giáo dục ở Anh, Pháp Hoa Kỳ hay các quốc gia trong khu vực.

Quá trình thành lập

Thanh Trúc xin nhường lời cho chị Nga trình bày về bản thân cũng như quá trình thành lập Trường Quốc Tế Kiettisak:

Chansanga: Nga sinh ra, lớn lên và được ăn học tại Lào. Bố mẹ của Nga cũng sinh ở Lào, chỉ có ông ba thì sinh ở Việt Nam. Hiện nay Nga là hiệu trưởng của trường Kiettisak International School.

LaoVietnameseTeacher200.jpg
Cô Nga(Chansanga Valakone, hiệu trưởng trường Kiettisak International School. Photo RFA/ Thanh Trúc.

Thanh Trúc: Nguồn gốc và lý do thành lập Trường Quốc Tế Kiettisak?

Chansanga: Trước năm 1992 chỉ có duy nhất tại Lào một trường quốc tế dạy hoàn toàn tiếng Anh, dành riêng cho các con em những nhà ngọai giao và các đại sứ quán tại Lào, và con em những người làm việc cho các tổ chức quốc tế ở Lào. Trong những năm đó đã có rất nhiều phụ huynh học sinh người Lào muốn cho con mình được học tiếng Anh nhưng vì chưa đủ khả năng trả học phí tại trường học quốc tế.

Đó là lý do chính mà Nga đã xây dựng trường Kiettisak International School tiêu chuẩn quốc tế nhưng với giá trong nước. Nếu mà nói về tất cả mọi trường quốc tế ở trên thế giới này thì giá học phí không trường nào dưới mười ngàn đô la.

Nhưng Nga là vì Nga có ý định xây dựng trường học Kiettisak này lên cho trẻ em người Lào có thể học được tiếng Anh với trình độ quốc tế cho nên cái giá rất phải chăng gọi là giá trong nước.

Chẳng hạn nursery một ngàn bốn tăm đô la, pre-school một ngàn ngàn năm trăm đô la. Nursery hay pre-school tức là vỡ lòng cho đến lớp Mười tức là hết cấp Hai. Cấp hai thì khoảng một ngàn bốn trăm đô la Mỹ.

Thanh Trúc: Để mà đúng với tiêu chuẩn của một trường quốc tế thì chương trình học như thế nào?

Chansanga: Chương trình học dựa căn bản trên giao trình của Australia nhưng vì học sinh ở đây có khoảng hơn hai mươi lăm quốc tịch, cho nên phải làm thế nào cho phù hợp với các em học sinh và chương trình dạy.

Thanh Trúc: Quí vị đã thấy nét đặc biệt của Trường Quốc Tế Kiettisak là ngoài một số ít học sinh Việt Nam thì trường có nhiều học sinh đến từ các nước như Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga vân vân.... Con cái của người Lào bản xứ thì sao, chị Nga cho biết:

Chansanga: Phần đông còn lại là con cái của nhà người Lào với gia đình cũng khá giả.

Thanh Trúc: Đến trường Kiettisak, Thanh Trúc gặp khá nhiều giáo viên nước ngoài, áng chừng hơn hai chục thấy cô. Mỗi ngày giáo viên và học sinh dùng buổi trưa tại căng tin của trường. Theo lời cô hiệu trưởng Nga, đặc điểm thứ hai của Trường Quốc Tế Kieeisak là học phí và tiền ăn trưa không thay đổi từ hai mươi năm nay:

Cho đến lúc này Trường Quốc Tế Kiettisak có hơn ba trăm học sinh, trên hai mươi giao viên ngọai quốc, hai mươi giao viên người Lào. Tính cả nhân viên văn phòng và những người phụ việc trong trường thì tất cả gần sáu mươi người.

Chansanga: Học sinh Việt Nam thì hiện có hơn 10 em, phần đông bố mẹ làm việc tại đại sứ quán Việt nam ở Vientiane. Cũng có vài em bố mẹ đến đây kinh doanh.

Thanh Trúc: Lợi ích của chương trình học tiếng Anh ở Trường Quốc Tế Kiettisak là học sinh được rèn Anh ngữ từ nhỏ, lại có thể nói thạo tiếng Lào, tiếng Thái và thêm tiếng Việt nếu là học sinh người Việt. Theo lời cô hiệu trưởng Nga, nếu học hết lớp Mười và phải vào một trường chuyển tiếp ở một quốc gia sử dụng Anh ngữ thì học sinh của Kiettisak cũng không gặp trở ngại về ngôn ngữ

Chansanga: Trong tương lai các bậc phụ huynh mong muốn trường sẽ mở lớp Mười Một và lớp Mười Hai vì lý do chưa muốn cho các em ra nước ngoài du học quá sớm, sợ nền giáo dục theo phong tục tập quán nước nhà chưa kịp đi vào nề nếp trong tiếm thức của các em, học sinh sẽ dễ bị Âu hóa. Ngay cả phụ huynh Việt Nam cũng muốn gởi con nội trú tại trường, vì vậy Nga nghĩ rằng phía trước mình còn cả một trách nhiệm nặng nề cần phải thực hiện.

Bên cạnh những vất vả lo toan thì niềm an ủi lớn lao nhất của Nga là được thấy sự thành đạt của chính học sinh mình.

Thanh Trúc: Chính phủ Lào đánh giá về Trường Quốc Tế Kiettisak như thế nào thưa chị?

Chansanga: Được sự ủng hộ của nhà nước Lào cho mở trường Quốc Tế Kiettisak là một trường duy nhất tại Vientiane hiện nay đã có giấy phép.

Thanh Trúc: Năm 1992 trường được thành lập và chuyên dạy Anh ngữ dưới tên Daystar International School, tức Trường Quốc Tế Sao Mai. Năm 1997, qua một cơ sở mới rộng lớn hơn, trường được đổi tên thành Honor International School.

Sau bốn làn đời đổi và nâng cấp, đến năm 2005 trường được Bộ Giáo Dục Lào chấp thuận và cấp giấy phép là một trường có tiêu chuẩn quốc tế thay vì một tư thục chuyên dạy ngọai ngữ như trước đó.

Tên gọi Kiettisak như hiện nay theo tiếng Lào cũng có nghĩa là danh dự như tên Honor trước đó vậy. Được hỏi tại sao ra đời từ 1992 mà mãi tới 2005 mới được chính thức công nhận, cô hiệu trưởng Nga giải thích:

Cô hiệu trưởng Nga: Thực sự mà nói không phải dễ để được Bộ Giao Dục cấp cho cái giấy phep trở thành trướng quốc tế. Phải qua thức tế và phải qua thủ thách, Bộ Giáo Dục đến kiểm tra rất nhiều lần, sau mấy năm kiểm tra liên tục thì mới cấp giấy phép để mở trường quốc tế.

Thanh Trúc: Lời cầu chúc của Thanh Trúc là trong tương lai trường Quốc Tế Kiettisak có thể mở thêm lớp Mười Một và lớp Mười Hai để các em có thể hoàn tất trung học ở đây.

Cô hiệu trưởng Nga: Đấy là ước mong của Nga, trong tương lai mở thêm lớp Mưới Một và Mưới Hai để đáp ứng kịp thời cho các em, đồng thời đào tạo một tầng lớp trẻ vững chắc cho tương lai của đất nước Lào.

Thanh Trúc: Câu chuyện về Trường Quốc Tế Kiettisak ở Vientiane và cô hiệu trưởng người Lào gốc Việt Chansanga Valakone đến đây tạm kết thúc. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.