Ngày 8/3, Ngày Quốc tế Phụ nữ
2005.03.07
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Hàng năm, phái đẹp có một ngày dành riêng cho mình. Đó là ngày 8/3, ngày quốc tế Phụ nữ. Có người còn gọi ngày 8/3 là "ngày phụ nữ vùng lên ", vì trong ngày này, nữ giới không chỉ được tôn vinh, ca ngợi, mà còn được "giải phóng" khỏi các công việc nội trợ thường nhật, nhường chỗ cho các ông chồng đảm trách mọi việc.
Vào ngày 8/3, phụ nữ trở thành tâm điểm của mọi sự quan tâm từ người khác giới cho dù là chồng, bạn trai, đồng nghiệp hay bạn học. Để chúc mừng chị em phụ nữ nhân ngày 8/3, Trang Phụ Nữ hôm nay xin dành để nói về sự kiện đặc biệt này.
Ý nghĩa của ngày 8/3
Kể từ năm 1910, đại hội Phụ nữ quốc tế xã hội chủ nghĩa họp tại thủ đô Đan Mạch đã quyết định lấy ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ Nữ. Đến năm 1977, Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận 8/3 là ngày dành cho phụ nữ thế giới, với mục đích ghi nhận những đóng góp của nữ giới trong việc củng cố hòa bình và an ninh quốc tế, và đồng thời nhấn mạnh rằng công cuộc bảo vệ hoà bình - phát triển xã hội cũng như tự do cơ bản và nhân quyền toàn vẹn đòi hỏi sự bình quyền, phát triển, và tham gia tích cực của nữ giới.
Còn đối với phụ nữ toàn cầu, ngày 8/3 mang rất nhiều ý nghĩa. Nó là dịp để chị em nữ giới nhìn lại những gì họ đạt được trong cuộc đấu tranh cho bình đẳng, hoà bình, và phát triển. Đây cũng là cơ hội để nữ giới các nước đoàn kết, nối vòng tay lớn để cùng nhau vươn tới những biến chuyển quan trọng.
Ủy ban về địa vị Phụ Nữ của Liên Hiệp Quốc
Ngày 8/3 năm nay được đánh dấu bằng kỳ họp cấp cao thường niên lần thứ 49 của Ủy ban về địa vị Phụ Nữ, thuộc Liên Hiệp Quốc, nhóm tại trụ sở chính ở New York. Ủy ban về địa vị Phụ Nữ là cơ quan đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện chương trình hành động của Hội nghị thế giới lần thứ tư về Phụ Nữ. Ủy ban có nhiệm kỳ 4 năm, hiện bao gồm 45 nước thành viên. Việt Nam là một trong số 11 quốc gia hội viên từ khu vực Châu Á.
Kỳ họp lần này nhìn lại và đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh 1995, với trọng tâm chấm dứt kỳ thị giới tính, đem lại sự bình đẳng cho phụ nữ trong 12 lĩnh vực trong đó có y tế, giáo dục, việc làm, tham gia chính trị và nhân quyền.
Đây cũng là dịp đại diện phụ nữ các nước cùng nhau chia sẽ kinh nghiệm, trình bày những tiến bộ và khó khăn trong việc phát huy vai trò bình đẳng cho phụ nữ trong xã hội.
Mặc dù ghi nhận các thành tựu khả quan, nhưng Liên Hiệp Quốc mạnh mẽ phê bình các nước đến nay vẫn chưa thực hiện lời cam kết bãi bỏ những luật lệ phân biệt đối xử với phụ nữ mà kỳ họp 5 năm trước đã vạch ra. Qua xem xét và đánh giá của tổ chức Equality Now, thì chỉ có 13 quốc gia có thực hiện sửa đổi những luật lệ này. Tại nhiều quốc gia, nữ giới vẫn chính thức bị coi là những "công dân hạng hai".
Vẫn còn phân biệt đối xử
Đơn cử như phụ nữ ở Kuwait không chưa được đi bầu, ở Ả Rập Saudi thì không được lái xe, ở Anh thì không được làm việc trong các tàu ngầm quân sự.
Tại Pakistan, nếu phụ nữ bị cữơng hiếp, cô phải có 4 nhân chứng đạo Hồi mà phải là phái nam, bằng không, cô có thể bị xem là có tội thông dâm.
Ở Haiti và Syria, đàn ông vẫn có thể giết vợ mà không bị luật pháp trừng phạt với lý do gọi là "trả thù danh dự gia đình". Tại xứ phù tang, phụ nữ Nhật sau khi ly dị nửa năm mới được phép tái hôn, trong khi các ông chồng thì không bị ràng buộc như vậy.
Vùng phía Bắc Nigeria, luật pháp còn cho phép đàn ông đánh vợ với mục đích răn dạy, miễn là sự bạo hành này không gây tác hại trầm trọng. Còn ở Ấn độ, Malaysia, và Tonga, không có khung hình phạt cho việc người chồng ép buộc vợ quan hệ tình dục.
Nhiều nước như Guatemala, Li-Băng, Uruguay, Bolivia, Nicaragua, Panama, và Venezuela không quy tội cữơng hiếp nếu như người đàn ông đồng ý kết hôn với nạn nhân. Ethiopia và Brazil trước đây cũng tương tự, nhưng vừa ra luật cấm việc này. Trong khi đó thì tại các nơi khác, ví dụ như Lesotho, phụ nữ lập gia đình không được phép đứng tên bất động sản.
Đó chỉ là một vài ví dụ trong nhiều thiệt thòi mà phụ nữ các nơi trên thế giới hiện nay vẫn còn phải cam chịu. Tổ chức Equality Now nói rằng việc xoá bỏ các luật phân biệt đối xử với phụ nữ chẳng gây tốn kém kinh phí gì, mà vấn đề nằm ở thiện chí của các quốc gia mà thôi.
Vai trò của phụ nữ tại Việt Nam
Về phía Việt Nam, báo cáo tại cuộc họp Liên Hiệp Quốc, bà Đặng Huỳnh Mai, thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, phát biểu rằng trong thập niên qua, vai trò và vị trí xã hội của phụ nữ Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, cụ thể là Việt Nam vẫn dẫn đầu các quốc gia Châu Á có nhiều phụ nữ góp mặt trong bộ máy chính quyền nhất.
Về các biện pháp xoá bỏ phân biệt đối xử với nữ giới và phát huy bình đẳng-bình quyền, đại diện phái đoàn Việt Nam tại kỳ họp 49 của Liên Hiệp Quốc cho biết: "Chúng tôi đang phát triển Luật bình đẳng giới tính, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2007."
Phụ nữ chiếm phân nửa dân số Việt Nam. Nhà nước từng công nhận rằng để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi nữ giới. Điều 24 Hiến pháp nêu rõ phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong các lĩnh vực từ sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội đến gia đình. Điều 3 cấm các ông chồng đánh đập, ngược đãi vợ. Còn điều 12 nhấn mạnh trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng về mọi mặt.
Tuy nhiên, giữa thực tế và lý thuyết vẫn còn khoảng cách khá xa. Trong xã hội Việt Nam ngày nay vẫn còn những bà vợ bị chồng hành hạ, đánh đập, đối xử tệ bạc, nhiều nhất là tại các vùng nông thôn. Những trường hợp chồng thường xuyên đánh mắng vợ, gây trọng thương phải đi bệnh viện cấp cứu, hay vợ ốm không được chồng săn sóc, hoặc người chồng thiếu trách nhiệm, phó thác mọi chuyện trong nhà cho người vợ... vẫn còn thấy nhan nhãn. Một phụ nữ trẻ công tác trong ngành giáo dục tại TPHCM, nhận xét:
Để hướng tới những mục tiêu bảo vệ phụ nữ của quốc tế trong Cương lĩnh Bắc Kinh, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phát huy và thực thi chiến lựơc quốc gia đề ra cho tới năm 2010 và hoàn thành luật pháp, chính sách về bình đẳng giới tính:
Đó cũng chính là mơ ước và kỳ vọng của rất nhiều chị em phụ nữ Việt Nam nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay.
Trang Phụ Nữ xin chia tay với quý vị tại đây và hẹn tái ngộ vào tuần sau. Trà Mi kính chào.
Những bài về Ngày Quốc tế Phụ nữ khác
Những bài liên quan
- Vì sao những lời hát ru truyền thống ngày càng ít dần? (Phần 2)
- Vì sao những lời hát ru truyền thống ngày càng ít dần? (Phần 1)
- Ngày Lễ Tình Nhân ở Việt Nam
- Phụ nữ Việt Nam chuẩn bị gì cho gia đình đón xuân Ất Dậu
- Trung tâm Linh Tâm, dịch vụ tư vấn tình yêu-hôn nhân-gia đình
- Mùa cưới (phần 2)
- Mùa cưới (phần 1)
- Nỗi đau của nạn nhân nữ giới sau thảm hoạ thiên tai
- “Dự án Việt Nam”, chương trình y tế quốc tế do Hoa Kỳ tài trợ
- Chương trình giảm thiểu tử vong và bệnh tật ở sản phụ
- Mẫu phụ nữ lý tưởng theo cái nhìn của nam giới
- Cổ động viên nữ đối với bóng đá nước nhà
- Chế độ dinh dưỡng dành cho thai phụ
- Bà Jackie Bông-Wright, người phụ nữ của xã hội
- Xu hướng sống độc thân của phụ nữ ngày nay