Điểm bộ sách Việt Sử Đại Cương của tác giả Trần Gia Phụng (phần 1)

0:00 / 0:00

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Nhà Xuất bản Non nước ở Toronto, Canada vừa trình làng cuốn Việt sử Đại Cương tập ba của nhà nghiên cứu Sử Trần Gia Phụng. Đây là tác phẩm thứ 17 của ông trong thời gian chỉ hơn một thập kỷ, kể từ khi ông rời Việt Nam sang định cư tại Canda vào năm 1995.

TranGiaPhung150.jpg
Nhà nghiên cứu sử Trần Gia Phụng. Hình do ông cung cấp.

Trong số này, có tác phẩm “Án tích Cộng Sản Việt Nam” đã được trao giải thưởng Văn Học năm 2002 của Hội quốc tế Y sĩ Việt Nam tự do, với sự đồng lòng của cả sáu vị trong hội đồng tuyển lựa và bình điểm.

Trong kỳ xuất bản tập một của bộ Việt Sử đại cương vào năm 2004, nhà nghiên cứu Sử Trần Gia Phụng cho biết là bộ sách sẽ gồm có 5 cuốn theo thứ tự như sau:

1/ Từ khởi thủy đến năm 1428, là năm cuộc kháng chiến chống quân Minh thành công, Lê Lợi lên ngôi vua tức là vua Lê Thái Tổ, mở đầu cho nhà hậu Lê.

2/ Từ năm 1428 đến năm 1802, là năm chúa Nguyễn Phúc Ánh thống nhất đất nước, lên ngôi vua, tức vua Gia Long, mở đầu cho nhà Nguyễn, cũng là vương triều sau cùng của nước ta.

3/ Từ năm 1802 đến năm 1884, là năm nhà Nguyễn phải ký hiệp ước Giáp Thân công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Trung kỳ và Bắc kỳ, còn Nam kỳ là đất thuộc địa.

4/ Từ năm 1884 đến năm 1945, là năm ông Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà.

Nhất là những năm còn ở dưới chế độ cộng sản, ngoài chuyện lo cơm áo, sách vở thì chẳng có gì giải trí, nên mình mới quay lại những khúc phim của quá khứ và đọc lại bộ sách sử của ông Trần Trọng Kim. Rồi từ đó ngồi suy nghĩ và tìm tòi, cho tới khi ra đây thì mới có điều kiện để mà viết.

5/ Từ 1945 đến năm 1975, là năm hoà bình lập lại, và đất nước thống nhất.

Cho đến nay, đã có ba tập được xuất bản: tập một 400 trang, năm 2004, tập hai, 480 trang, năm 2006 và tập ba 462 trang, năm 2007. Cả ba tập đều in khổ 13cmX18cm, chữ cỡ nhỏ, bìa màu vàng tươi trình bày rất giản dị với một ô vuông in hình ở giữa. Bìa tập 1 với mặt trống đồng Đông Sơn, tập 2 là đồng tiền đặc biệt đời vua Nguyễn Quang Toản và tập 3 là Cổng Văn Miếu Huế.

Nhiều chi tiết và hình ảnh đồ hoạ

Trong mỗi tập, ngoài phần nói về từng triều đại, còn có những bài viết cung cấp thêm chi tiết và cái nhìn từ giác độ khác nhau về biến cố quan trọng nhất trong triều đại đó và một số hình ảnh, bản đồ và cả thơ nhạc nữa.

Chẳng hạn như nhà Trần thì có cuộc chiến tranh kháng Nguyên, nhà Lê thì có cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Minh, lời thề Lũng Nhai, bài Bình Ngô Đại Cáo, nhà Đinh thì có ý nghĩa của quốc hiệu Đại Cồ Việt, nhà Nguyễn thì có bài người Âu Châu đến Việt Nam, toàn cảnh Đông Á trước khi Pháp xâm lăng Việt Nam.

Những bài viết đó giúp người đọc hiểu rõ thêm về những sự kiện quan trọng trong khi đang theo dõi dòng lịch chính lịch sử, mà không bị lạc vào khu rừng rậm của những chi tiết. Đặc biệt là sau mỗi chương đều có những chú thích chứa đựng nhiều điều cụ thể.

Chúng chẳng những là một thể hiện của nguyên tắc “nói có sách, mách có chứng”, mà còn cho thấy tinh thần làm việc cẩn trọng và đầy trách nhiệm của người chép sử. Bản thân những chú thích này cũng là những bài đọc thêm rất thú vị.

Ở cuối mỗi tập, còn có phần danh mục để người đọc tiện bề tra cứu. Mỗi tập như thế quả nhiên là một công trình lao tâm khổ trí của người viết, và khi được thưởng thức những công trình này, người đọc chẳng những phải thâm tạ người viết, mà còn ngạc nhiên là làm thế nào sử gia Trần Gia Phụng có thể hoàn tất 17 công trình như thế chỉ trong vòng 11 năm.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do, sử gia Trần Gia Phụng nói là thật ra, không phải ông chỉ nghiên cứu tìm tòi và viết từ khi sang định cư ở nước ngoài, mà ông đã đầu tư công sức từ gần 20 năm trước, khi ông còn ở trong nước.

“Nhất là những năm còn ở dưới chế độ cộng sản, ngoài chuyện lo cơm áo, sách vở thì chẳng có gì giải trí, nên mình mới quay lại những khúc phim của quá khứ và đọc lại bộ sách sử của ông Trần Trọng Kim. Rồi từ đó ngồi suy nghĩ và tìm tòi, cho tới khi ra đây thì mới có điều kiện để mà viết.”

Thứ nhất là để đáp ứng một nhu cầu quan trọng của khoảng ba triệu người Việt trong đó già nửa là thanh thiếu niên muốn tìm về nguồn cội, tức tìm hiểu lịch sử dân tộc. Thứ hai là tính cho đến nay, ba bộ sử nổi tiếng của Trần Trọng Kim, Phan Xuân Hoà và Phạm Văn Sơn đều đã xuất bản từ 40 năm trở lên, và do đó, tất là thiếu những tài liệu mới được tìm ra và cần phải được bổ túc.

Không chỉ là lời giải thích

Tốt nghiệp đại học sư phạm và đại học Văn Khoa Huế, được coi là môn đệ chân truyền của linh mục sử gia Nguyễn Phương, ông Trần Gia Phụng đã được học hỏi thêm với các nhà nghiên cứu Sử lỗi lạc khác của miền Nam Việt Nam trước kia như giáo sư Nguyễn Thế Anh, hay giáo sư Trương Bửu Lâm, và như thế, cái ước vọng muốn bổ túc những bộ sử cũ chắc hẳn đã bắt đầu manh nha từ cuối những năm 1960, khi ông vừa tốt nghiệp.

Cũng trong cuộc nói chuyện với ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do, sử gia Trần Gia Phụng cho biết lý do viết bộ Việt sử đại cương như sau:

“Thứ nhất là để đáp ứng một nhu cầu quan trọng của khoảng ba triệu người Việt trong đó già nửa là thanh thiếu niên muốn tìm về nguồn cội, tức tìm hiểu lịch sử dân tộc. Thứ hai là tính cho đến nay, ba bộ sử nổi tiếng của Trần Trọng Kim, Phan Xuân Hoà và Phạm Văn Sơn đều đã xuất bản từ 40 năm trở lên, và do đó, tất là thiếu những tài liệu mới được tìm ra và cần phải được bổ túc.

Thứ ba, là hiện nay, ở trong nước chỉ được lưu hành duy nhất một bộ Lịch sử Việt Nam gồm ba cuốn do Ủy ban Khoa học xã hội ở Hà nội soạn thảo theo chủ trương của đảng Cộng sản Việt Nam, còn tất cả các bộ sử khác thì không được lưu hành. Như thế thì không thể trung thực được.”

Những điều sử gia Trần Gia Phụng trình bày không chỉ là lời giải thích của một tác giả, mà còn là những tâm sự và những hoài bão của một người có lòng, quan tâm đến thế hệ mai sau và tương lai của cả dân tộc.

Về điều thứ hai mà sử gia Trần Gia Phụng bày tỏ, thì ông đã nghiêm túc thực hiện và nhờ thế mà người đọc có được những hiểu biết mới rất thú vị ngay từ trong tập một của bộ sử. Ông đã đặt vấn đề về huyền thoại Hùng Vương và nhắc lại quan niệm của sử gia Nguyễn Phương đưa ra từ năm 1965, là Ngô Sĩ Liên đã lịch sử hoá chuyện Hùng Vương vốn bắt nguồn từ sử Tàu, ở thiên nói về nước Sở.

Ông cũng triển khai thêm ý kiến của sử gia Nguyễn Phương về nguyên nhân cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng cũng như kết thúc của cuộc khởi nghĩa anh hùng này, theo đó thì chuyện hai bà tự vẫn tại sông Hát như đã truyền tụng từ xưa đến nay là thiếu cơ sở.

“Lấy sách in sách”

Trong cuộc trao đổi sẽ được phát thanh trong tạp chí Văn Học Nghệ Thuật tùân tới, sử gia Trần Gia Phụng sẽ kể lại những điều tâm đắc của ông trong ba tập đã xuất bản của bộ Việt sử đại cương. Ông cũng cho hay là tập bốn đã viết xong, hy vọng sẽ ra mắt bạn đọc nội trong năm nay và sang năm sẽ là tập năm, cũng là tập cuối của bộ sách.

Như vậy tính trung bình thì cứ mỗi năm ông xuất bản một tập. Tiến trình ấy thực ra không phản ánh tốc độ làm việc của ông, mà vì một lý do khác. Đó là hễ một cuốn sách in ra, bán hết thì ông mới có khả năng tài chính in cuốn kế tiếp: "Chủ trương của tôi là lấy sách in sách."

Còn về chuyện làm việc thì sử gia Trần Gia Phụng kể lại như sau: "Cách làm việc của tôi thế này, mọi thứ tôi thu thập hết, rồi những khi đang đi đường, đợi xe bus, ngồi trên máy bay..., những lúc tôi ngồi một mình là tôi làm việc, chứ không phải đợi có cuốn sách hay cái gì mới làm việc. Mình suy nghĩ vấn đề rồi tự nhiên tìm thức bùng ra cho mình giải đáp."

Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật kỳ này xin dừng lại ở đây. Nguyễn An kính chào và hẹn tái ngộ cùng quý thính giả vào giờ này tuần tới, với cuộc trao đổi với sử gia Trần Gia Phụng, tác giả của 17 đầu sách lịch sử chỉ trong vòng 11 năm.

Theo dòng câu chuyện:

- Điểm bộ sách Việt Sử Đại Cương của tác giả Trần Gia Phụng (phần 2)