Phỏng vấn cựu Tổng trưởng William Cohen về quan hệ Việt – Mỹ
2006.06.16
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
6 năm trước đây, báo chí thế giới săn đuổi tin ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ William Cohen sang thăm Hà Nội. Ðúng 25 năm sau ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc, ông Cohen là nhân vật cao cấp nhất của Chính Quyền Mỹ đến Việt Nam, và hình ảnh ông cùng Tướng Phạm Văn Trà bước trên thảm đỏ duyệt hàng quân danh dự được đánh giá là dấu hiệu xác định một mối quan hệ bắt đầu bền chặt hơn giữa hai kẻ thù cũ.
Cũng từ ngày đó, các nhà phân tích chính trị còn mặc nhiên công nhận ông Cohen là cha đẻ của mối quan hệ quân sự mới giữa hai nước từng có thời nổ súng bắn nhau trên chiến trường.
Ông William Cohen, người thực hiện chuyến đi lịch sử cách đây 6 năm chính là khách mời tuần này của Ban Việt Ngữ chúng tôi. Tại sao người lãnh đạo ngành quốc phòng của Hoa Kỳ lại có quyết định mang tính đột phá như vậy?
Từ đó đến giờ, quan hệ quân sự của hai nước có những bước tiến nào đáng kể? Liệu có thể đi xa hơn hay không và nếu có, xa đến mức nào? Ðó là những câu hỏi mà Ban Việt Ngữ xin thay mặt quý thính giả đặt ra với ông Cựu Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ trong cuộc phỏng vấn đặc biệt mà ông dành riêng cho chúng tôi.
Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và được chúng tôi gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.
Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Tổng Trưởng đã có nhã ý dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt này. Sáu năm trước đây, ông sang Hà Nội. Quyết định sang thăm quốc gia từng có thời là thù nghịch, bắt tay với những người từng có lúc là kẻ thù, có là một quyết định khó khăn lắm không?
Ông William Cohen: Thật ra, chẳng khó khăn gì lắm đâu. Lúc còn là Thượng Nghị Sĩ, tôi đã từng dẫn một đoàn Nghị Sĩ sang Hà Nội, tiếp xúc và thảo luận với giới lãnh đạo Việt Nam. Tôi còn nhớ trong đoàn có cả Thượng Nghị Sĩ John Kerry. Chuyến đi Việt Nam mà ông nói là chuyến viếng thăm thứ nhì của tôi, đúng, nhưng đó là chuyến đi đầu tiên với tư cách của vị tổng trưởng quốc phòng Mỹ.
Thật ra, chẳng khó khăn gì lắm đâu. Lúc còn là Thượng Nghị Sĩ, tôi đã từng dẫn một đoàn Nghị Sĩ sang Hà Nội, tiếp xúc và thảo luận với giới lãnh đạo Việt Nam. Tôi còn nhớ trong đoàn có cả Thượng Nghị Sĩ John Kerry. Chuyến đi Việt Nam mà ông nói là chuyến viếng thăm thứ nhì của tôi, đúng, nhưng đó là chuyến đi đầu tiên với tư cách của vị tổng trưởng quốc phòng Mỹ.
Hoàn toàn không phải là quyết định khó khăn, và điều đáng mừng là khi đến Việt Nam, tôi không thấy những người mà tôi tiếp xúc thù ghét nước Mỹ. Tôi còn nhớ điều tôi thấy được ở Việt Nam là hình ảnh của một nước đầy năng động, đang phát triển, dù vẫn còn những khu vực nghèo khó phần lớn ở miền Bắc, trong khi ở miền Nam phát triển nhanh hơn, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh tức là ở thành phố Sài Gòn cũ.
Tôi cũng tìm thấy tinh thần trách nhiệm của những người công nhân Việt Nam, và chỉ nhìn vào mắt họ thôi là đủ thấy cả một quyết tâm muốn xây dựng đời sống tốt đẹp hơn, một ngày mai tươi sáng hơn.
Nguyễn Khanh: Khi quyết định sang Việt Nam, ông Tổng Trưởng có nghĩ Việt Nam chiếm một vị trí quan trọng trên bàn cờ chiến lược của nước Mỹ không?
Ông William Cohen: Từ khi còn là Thượng Nghị Sĩ cũng như khi làm Tổng Trưởng Quốc Phòng, tôi đã bỏ rất nhiều thì giờ cho khu vực, để tìm hiểu xem làm thế nào có thể duy trì ổn định ở Ðông Nam Á và tôi thấy Việt Nam là một nước đóng vai trò rất quan trọng, nếu không thì tôi đã không ghé Việt Nam.
Ông nên biết không một vị Tổng Trưởng Quốc Phòng nào mở quan hệ hay ghé thăm một nước nếu nước đó không giữ vị trí quan trọng về chiến lược cả. Lúc đó trách nhiệm của tôi là phải duyệt xét lại tình hình chung, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, cho đến Singapore, và tôi thấy Việt Nam là một điểm quan trọng mà Hoa Kỳ cần phải lập quan hệ về quân sự, phải tìm cách thiết lập quan hệ liên minh để trong tương lai, khi cần, hai bên có thể hợp tác với nhau về những vấn đề liên quan đến khu vực, kể cả các hoạt động quân sự. Sau khi suy tính, tôi cũng thấy cách tốt nhất là chính mình phải đi bước trước, cho nên tôi quyết định thực hiện chuyến đi Hà Nội.
Nguyễn Khanh: Thưa ông Tổng Trưởng, tôi còn nhớ một vị phụ tá của ông Tổng Trưởng cho tôi biết là ngay sau khi ông rời Hà Nội, Bắc Kinh có gửi một thông điệp với ngụ ý nhắn gửi cho hay là họ không hài lòng với chuyện Hoa Kỳ có ý định mở quan hệ quân sự với Việt Nam. Ông Tổng Trưởng có thể cho chúng tôi biết rõ hơn về chuyện này được không?
Ông William Cohen: Tôi không nhớ rõ thông điệp của Trung Quốc nói những gì. Nhưng rõ ràng hồi cuối thập niên 1990, quyển Sách Trắng do Bắc Kinh phổ biến viết rằng đã đến lúc Hoa Kỳ nên rút khỏi Châu Á, để Châu Á cho người Á Châu giải quyết. Lúc đó, tôi đã sang tận Bắc Kinh, đến nói chuyện ở ngay Trường Ðại Học Quân Sự Trung Quốc.
Tôi nói rằng chuyện Hoa Kỳ rời bỏ Châu Á là điều không bao giờ xảy ra, và nếu có xảy ra chăng nữa thì quốc gia bị thiệt thòi nhiều nhất chính là Trung Quốc. Tôi cũng nhớ hồi năm 1978 khi cùng phái đoàn Thượng Nghị Sĩ đầu tiên của Mỹ sang Trung Quốc, tôi gặp ông Ðặng Tiểu Bình, nghe ông ta trình bày về “bốn hiện đại hóa Hoa Lục”.
Từ thời đó, tôi đã nói với các nhà lãnh đạo quân đội Trung Quốc là nếu Hoa Kỳ rút khỏi Châu Á thì lúc đó sẽ tạo ra một lỗ hổng, và phải có nước lãnh trách nhiệm trám chỗ. Giả sử quốc gia trám chỗ đó là Trung Quốc, thì Nhật Bản và Ấn Ðộ chắc chắn sẽ không ngồi yên, như thế là chuyện bất ổn sẽ xảy ra, và không có ổn định thì làm sao Trung Quốc có thể phát triển được. Trung Quốc không phát triển thì những nước như Việt Nam, Philippine cũng gặp khó khăn, vì ảnh hưởng sẽ lan rộng toàn khu vực.
Tôi cho rằng quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam hiện đang tiến triển theo một nhịp độ thích hợp. Ông Tổng Trưởng Donald Rumsfeld mới thăm Việt Nam về, tôi chưa có dịp nói chuyện với ông ta, nhưng theo tin tức tôi biết được thì Washington và Việt Nam đồng ý tiến bước như đã định…
Tuy nhiên, tôi hiểu tại sao Trung Quốc lại quan ngại việc tôi quyết định mở quan hệ với Việt Nam, vì sau khi thấy Washington thắt chặt quan hệ quân sự với Nhật Bản, sau khi thấy tôi đi thăm cảng quân sự của Singapore, thăm Philippines trước khi tôi đến Việt Nam, đương nhiên là Bắc Kinh có cảm tưởng là Hoa Kỳ đang tìm cách xây dựng thế lực ở ngay sân sau của họ bằng những cuộc thăm viếng dồn dập của người điều khiển ngành quốc phòng Mỹ. Nhưng cuối cùng, tôi nghĩ là Trung Quốc cũng hiểu rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hiện diện cũng như tìm cách xây dựng mối giao hảo tốt với tất cả các nước trong khu vực.
Nguyễn Khanh: Tính từ ngày ông đặt chân đến Hà Nội đến giờ đã được 6 năm, theo ông, quan hệ quân sự Mỹ-Việt tiến triển thế nào? Nhanh hay chậm?
Ông William Cohen: Tôi cho rằng quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam hiện đang tiến triển theo một nhịp độ thích hợp. Ông Tổng Trưởng Donald Rumsfeld mới thăm Việt Nam về, tôi chưa có dịp nói chuyện với ông ta, nhưng theo tin tức tôi biết được thì Washington và Việt Nam đồng ý tiến bước như đã định…
Nguyễn Khanh: Những bước đó là gì ạ?
Ông William Cohen: Là sẽ có thêm tầu chiến Hoa Kỳ ghé cảng Việt Nam, phía Việt Nam sẽ gửi người sang dự những khóa huấn luyện quân y ở Mỹ. Cả hai bên đồng ý cứ từ từ tiến từng bước một, không cần phải vội vã. Tiến như vậy cũng có lợi, vì không khiến những nước khác trong vùng phải quan ngại.
Nhưng không phải chỉ về quân sự không thôi, vì chúng ta thấy vốn đầu tư nước ngoài bỏ vào Việt Nam ngày một nhiều, các nước trong khu vực biết Việt Nam là nguồn nhân lực dồi dào, công nhân làm việc siêng năng, cần cù, thông minh.
Tôi coi Việt Nam là một nước tư bản, cho dù Chính Quyền vẫn là Chính Quyền Xã Hội Chủ Nghĩa. Ðó là điều tôi nhìn thấy ở Việt Nam, đó là tinh thần của người Việt và tôi tin đó cũng chính là điều mà hầu hết những người khác cũng nhìn thấy và đều nghĩ như thế.
Nguyễn Khanh: Có khi nào Việt Nam nói với ông là chúng tôi muốn hiện đại hóa quân đội và chúng tôi cần sự giúp đỡ từ phía Mỹ không?
Ông William Cohen: Không. Lúc tôi còn làm tổng trưởng quốc phòng và khi tôi sang thăm Hà Nội, họ không nói với chuyện đó với tôi. Tôi còn nhớ thời đó hai bên đều dò đường, muốn biết cần phải làm gì để đến gần với nhau hơn.
Cách tốt nhất để mở rộng quan hệ là tiếp tục những cuộc thăm viếng. Lãnh đạo Việt Nam nên sang thăm Hoa Kỳ và Washington duy trì những cuộc viếng thăm cấp cao ở Hà Nội. Quốc Hội hai bên cũng phải tiếp tục các cuộc trao đổi, thảo luận với nhau, đồng thời những cuộc trao đổi viếng thăm quân sự cấp cao cũng cần được thực hiện.
Tôi cũng có dịp chứng kiến tận mắt và không bao giờ quên hình ảnh những người Việt lội bùn đến ngực để giúp cho chương trình tìm kiếm những binh sĩ Mỹ mất tích POW/ MIA. Qua hai Thượng Nghị Sĩ John McCain và John Kerry, nước Mỹ đánh giá cao những nỗ lực mà Chính Phủ và người dân Việt Nam thực hiện trong chương trình nhân đạo mà tôi vừa nói.
Nguyễn Khanh: Nhưng có lẽ, trong tương lai chắc họ sẽ nhờ đến Hoa Kỳ chứ?
Ông William Cohen: Tôi tin rằng điều đó rồi cũng sẽ xảy ra, cũng giống như những nước khác yêu cầu Mỹ thôi. Tôi muốn trình bầy với ông một điểm rất lý thú đáng chú ý là năm ngoái, ông Rumsfeld đặt câu hỏi tại sao không bị ai đe dọa cả mà Trung Quốc lại tiêu quá nhiều tiền cho quốc phòng, nhưng mới đây chính ông Rumsfeld lại nói tất cả mọi quốc gia đều có quyền hiện đại hóa quân đội để bảo vệ an ninh lãnh thổ.
Dĩ nhiên là khi tối tân hóa quân sự thì phải làm cho minh bạch, đừng để các nước khác nghi ngờ hay e ngại. Ðiều này phải được áp dụng cho mọi quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. Chuyện Việt Nam muốn có một quân đội vững mạnh để bảo vệ an ninh lãnh thổ là chuyện đương nhiên.
Nguyễn Khanh: Tháng trước, Ðại Hội X của Ðảng Cộng Sản Việt Nam kết thúc với một thành phần lãnh đạo mới. Ông Tổng Trưởng có đề nghị nào với những người vừa được chọn lãnh đạo Việt Nam không?
Ông William Cohen: Cách tốt nhất để mở rộng quan hệ là tiếp tục những cuộc thăm viếng. Lãnh đạo Việt Nam nên sang thăm Hoa Kỳ và Washington duy trì những cuộc viếng thăm cấp cao ở Hà Nội. Quốc Hội hai bên cũng phải tiếp tục các cuộc trao đổi, thảo luận với nhau, đồng thời những cuộc trao đổi viếng thăm quân sự cấp cao cũng cần được thực hiện.
Các hoạt động này sẽ giúp hai nước biết nhau hơn, tin ở nhau hơn, giúp Việt Nam hiểu Mỹ rõ hơn, hiểu rõ cả những việc mà Hoa Kỳ làm ở trong khu vực, và giúp Hoa Kỳ biết là Việt Nam cần gì, có thể giúp Việt Nam được những gì.
Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Tổng Trưởng.
Những bài liên quan
- Việt Nam vẫn chưa công bố nội dung thoả thuận Việt-Mỹ về WTO
- 50 dân biểu Hoa Kỳ ký tên vào lá thư ngỏ ủng hộ các nhà dân chủ Việt Nam
- Ý nghĩa chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Donald Rumsfeld
- Ngành dệt may Việt Nam được lợi từ thoả thuận Việt-Mỹ về WTO
- VASEP kêu gọi Bỉ trả tự do cho ông Bửu Huy
- Phó trưởng đại diện thương mại Hoa Kỳ sẽ viếng thăm Việt Nam trong 3 ngày
- Ðàm phán Việt-Mỹ về WTO, bên nào nhượng nhiều hơn
- Phỏng vấn Đại sứ Michael Marine về mối quan hệ Việt-Mỹ hiện nay
- Phỏng vấn Đại sứ Karan Bhatia, về cuộc đàm phán Việt-Mỹ
- Nguyên nhân khiến cuộc đàm pháp WTO kéo dài thêm 1 ngày
- Việt Nam và Hoa Kỳ đạt thỏa thuận về WTO
- Việt Nam và Hoa Kỳ phải kéo dài vòng đàm phán cuối cùng về WTO
- Tiểu thương Việt Nam sửa soạn lên đường đi Mỹ
- Tại sao nữ Dân biểu Loretta Sanchez hủy bỏ chuyến đi Việt Nam?
- Hoa Kỳ muốn thấy nhiều nỗ lực về tự do tôn giáo ở Việt Nam
- Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam thả các tù nhân lương trước chuyến đi Hà Nội của Tổng thống Bush
- Phỏng vấn ông Ernest Bower về tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam hiện nay
- Tường trình buổi điều trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam
- Ðoàn doanh nghiệp cấp cao Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam
- Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam
- VASEP nộp đơn yêu cầu Mỹ xem lại mức thuế áp dụng cho hàng xuất khẩu Việt Nam
- Việt Nam đề nghị quy chế Mậu Dịch Bình Thường vĩnh viễn với Hoa Kỳ
- Phỏng vấn ông Steve Parker, Giám Ðốc Dự Án STAR-Vietnam
- Việt Nam và Hoa Kỳ tái tục các cuộc đối thoại về nhân quyền và tôn giáo
- Việt Nam sắp kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ về việc gia nhập WTO