Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Đã mười ngày trôi qua, cuộc biểu tình của giới tăng lữ Miến Điện dẫn đầu vẫn đang được thế giới theo dõi từng giờ một với từng biến chuyển dù nhỏ bé nhất. Nhiều phản ứng của các nguyên thủ quốc gia đã được gửi tới tập đoàn quân phiệt Miến bày tỏ mối quan ngại và bất bình của họ đối với thái độ đàn áp nhân dân Miến mà nhà cầm quyền này áp dụng từ nhiều chục năm nay.

Mặc Lâm phỏng vấn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia về châu Á hiện giảng dạy tại đại học George Madison thuộc tiểu bang Virginia để tìm hiểu thêm vấn đề, mời quý thính giả theo dõi.
Mặc Lâm: Thưa Giáo sư, từ hơn tuần lễ qua cuộc biểu tình do giới tăng lữ tại Miến Điện lãnh đạo để chống lại sự độc tài của tập đòan quân phiệt Miến ngày càng lan rộng và có nguy cơ bị đàn áp. Giáo sư có nhận định tổng quát về biến cố này như thế nào thưa ông?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết, vấn đề Miến Điện thì cuộc khủng hoảng bắt đầu từ nguồn gốc có tính cách kinh tế vì giá dầu xăng tăng lên đến 500% và sau này nó lôi cuốn thành vấn đề chính trị.
Cái chuyện này dễ xảy ra lắm, ở Trung Quốc hồi Thiên An Môn cũng như vậy, đó là điều thứ nhất, điều thứ hai thì đây là sự diễn lại của người dân chống đối lại chính quyền một cách toàn diện kể từ năm 1988.
Lần trước thì bị dẹp yên rồi nhưng này có khác, sự việc xảy ra cùng lúc với các nguyên thủ có cuộc họp tại Liên Hiệp Quốc và lần này nó xảy ra thứ nhất được rất nhiều tin tức trên mạng, cell phone đưa ra thế giới bên ngoài. Công luận thế giới đã để ý rất nhiều vấn đề đó. Nguồn gốc thì như thế nhưng khung cảnh lại khác đi.
Mặc Lâm: Giáo sư vừa cho rằng vụ việc lần này khác với trước đây vì sự thông tin ra thế giới bên ngoài có khả năng làm cho các vị nguyên thủ chú ý nhiều hơn trong đó đặc biệt là sự phản ứng mạnh mẽ một cách bất ngờ của nước Pháp. Giáo sư có thấy đây là một tín hiệu chung của liên hiệp EU hay chỉ là lập trường riêng của nước Pháp?
Lần trước thì bị dẹp yên rồi nhưng này có khác, sự việc xảy ra cùng lúc với các nguyên thủ có cuộc họp tại Liên Hiệp Quốc và lần này nó xảy ra thứ nhất được rất nhiều tin tức trên mạng, cell phone đưa ra thế giới bên ngoài. Công luận thế giới đã để ý rất nhiều vấn đề đó. Nguồn gốc thì như thế nhưng khung cảnh lại khác đi.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Liên hiệp Âu Châu từ khoảng thập niên 90 thì đã nhấn mạnh về vấn đề nhân quyền dân chủ và nhiều lần phát biểu chống lại xâm phạm nhân quyền vì vậy chuyện người Pháp mang ra chống cũng không khác gì với lập trường của liên hiệp EU, nhưng điểm đặc biệt vì công luận thế giới trước kia không lên tiếng thì giò đây đã lên tiếng rồi như Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc là nước có quan hệ chiến lược nhiều nhất với Miến Điện cũng đã lên tiếng khuyến cáo là phải tìm cách giải quyết ôn hòa.
Mặc Lâm: Mặc dù sự lên tiếng của Trung Quốc rất chung chung nhưng dù sao thì cũng chứng tỏ được sự lo ngại của nước này về một biến cố đẩm máu tại Miến có thể ảnh hưởng đến vị thế chính trị của Bắc Kinh, tuy nhiên một nước có khác đang có quyền lợi kinh tế với tập đòan quân phiệt Rangoon là Nga thì thế giới chưa nhận được một thái độ phản hồi nào. Giáo sư có nhận định gì về việc này?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Nga không lên tiếng thì cũng dể hiểu thôi vì nước này đang có quyền lợi tại Miến và tuyên bố không can thiệp vào nội bộ của nước khác.
Mặc Lâm: Vào ngày hôm qua năm nước thường trực trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã có cuộc họp về vấn đề Miến Điện nhưng không đi đến một nghị quyết mạnh mẽ nào cho hồ sơ Miến Điện vì bị sự cản trở của Trung Quốc và Nga, thưa giáo sư ông có nghĩ rằng không đạt được thỏa thuận tại Liên Hiệp Quốc thì các nước tây phương như Mỹ và EU sẽ có biện pháp chế tài nào khác hay không, thưa giáo sư?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc chỉ mang tính cách chính trị mà thôi còn trên thực tế thì mỗi quốc gia đều có quyền áp dụng biện pháp chế tài riêng của mình.
Mặc Lâm: Một yếu tố đáng chú ý khác là các nước trong khối ASEAN. Xưa nay các nước này vẫn chủ trương là không can thiệp vào nội bộ của nhau nhưng qua biến cố này hầu như tất cà các nước đều lên tiếng kêu gọi Miến Điện phải ngưng ngay việc đàn áp các vị tăng lữ và thậm chí kêu gọi trả tự do ngay cho bà Aung San Suu Kyi như tổng thống Philippines vừa đưa ra sáng hôm nay.
Giáo sư có cho rằng đây là một dấu hiệu tích cực rất có lợi cho quá trình tranh đấu tại Miến hay không?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ đây là một dấu hiệu tốt cho các quốc gia ASEAN vì căn cứ vào điều khoản không can thiệp vào nội bộ của nhau thì các quố`c gia này xưa nay cứ ngậm miệng ăn tiền cho đến khi một trong các đồng nghiệp của họ là ông Anwa là phó thủ tướng Mã Lai bị bắt và đánh đập tàn nhẫn thì họ mới lên tiếng, mà họ lên tiếng với tính cách cá nhân thôi, lần này thì khi ASEAN họp thượng đỉnh thì bị ông Bush và các nước châu Âu tẩy chay vì vấn đề Miến Điện đã khiến họ đặt lại vấn đề vì vây họ đã thành lập một ủy ban nhân quyền để theo dõi vấn đề này. Đây là một tiến bộ đáng mừng cho các quốc gia ASEAN
Mặc Lâm: Thưa giáo sư, từ trước đến nay tập đoàn quân phiệt Miến Điện không hề đếm xỉa gì đến những phản ứng của quốc tế vì giải pháp mạnh cho hồ sơ Miến Điện chưa được thế giới áp dụng.
Mới đây, thủ tướng lưu vong của Miến là Tiến Sĩ Sein Win trong cuộc hội kiến với Tổng Thống Pháp đã được vị lãnh đạo cao cấp nhất của Pháp hứa sẽ hỗ trợ mọi cách và bằng mọi phương tiện. Đây có phải là một lời hứa bao gồm xử dụng cả giải pháp quân sự mà nước Pháp sẽ đóng vai trò chủ yếu sau lưng một chính quyền lưu vong kể cả giải pháp hợp tác với lực lượng Shin hay Karen?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Hiện nay đã có một người đối lập tại Miến là bà Aung San Suu Kyi là nhà đối lập rồi. Bà này đã thắng cử thì người đối thoại phải là bà này chứ không là ai khác.
Mặc Lâm: Nhưng từ bao năm nay tập đoàn quân phiệt đã bắt giam bà này và không có dấu hiệu nào sẽ đối thoại với lực lượng của bà cả?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết những cuộc nội loạn như Shin, Karen đã xảy ra từ rất nhiều năm nay và họ chỉ ở trong tầm địa phương mà thôi. Nếu xử dụng nội loạn để lật đổ chính quyền trung ương thì chuyện đó không thể xảy ra được, thứ hai là nó không có tính chính thống nữa nên rất khó mà thành công.
Mặc Lâm: Xin cảm ơn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.