Gia Minh, phóng viên đài RFA
Trong thời gian qua, nhiều giáo viên đã có những phản ứng cụ thể để tố cáo những tiêu cực trong ngành giáo dục. Một giảng viên đại học tại Hà Nội hồi tháng tư vừa qua đã tuyệt thực gần 20 ngày để phản đối những sai trái của ban lãnh đạo nhà trường tại nơi bà công tác.

Nhân dịp năm học mới, Gia Minh hỏi chuyện giảng viên Nguyễn Thị Thái về một số tình hình giáo dục nước nhà. Trước hết bà phát biểu về khởi phát của phong trào chống tiêu cực trong ngành hiện nay:
Cô Nguyễn Thị Thái: Những tiêu cực trong ngành giáo dục lâu nay người ta rất trăn trở nhưng người ta chưa dám nói ra; nhưng vừa qua khi có người dám nói lên như thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã làm thì nhiều người sẽ can đảm. Họ muốn trở về với những đạo đức của người Việt Nam lâu nay mà bị đánh mất thì nay muốn khơi dậy.
Có một thời gian người ta mãi theo tiền bạc mà đánh mất lương tâm; nhưng không phải là tất cả nên khi có làn sóng dấy lên rồi thì ai cũng muốn hoà mình vào.
Ngành nay có một tân bộ trưởng với tên gọi 'Thiện Nhân' thì cũng hy vọng sẽ làm được những điều như thế; nhưng một mình ông thì cũng khó, vì sẽ gặp lực cản là những người vì quyền lợi của họ sẽ không để có thay đổi.
Tôi thấy toàn xã hội phải vào cuộc thì mới đạt kết quả chống mọi tiêu cực trong ngành hiện nay.
Những tiêu cực trong ngành giáo dục lâu nay người ta rất trăn trở nhưng người ta chưa dám nói ra; nhưng vừa qua khi có người dám nói lên như thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã làm thì nhiều người sẽ can đảm. Họ muốn trở về với những đạo đức của người Việt Nam lâu nay mà bị đánh mất thì nay muốn khơi dậy.
Gia Minh: Cái gốc sinh ra mọi tệ nạn lâu nay là gì?
Cô Nguyễn Thị Thái: Tùy mỗi người. Tôi thấy suy nghĩ mỗi người mỗi khác, có người cho là vì đạo đức suy thoái, có người cho là vì chính sách áp đặt chỉ tiêu.
Có thể tôi không đủ khả năng chỉ đích danh ra; nhưng tôi cũng thấy một phần vì chính sách và một phần vì suy thoái đạo đức. Nếu chính sách sai, thì con người thực hiện thấy sai phải lên tiếng.
Ví dụ trường hợp thầy gạ tình lấy điểm, thì suy thoái về đạo đức ở phía thầy nhưng cũng có học sinh suy thoái về đạo đức tạo điều kiện cho thầy. Có tình trạng phụ huynh đút tiền cho thầy để nâng điểm cho con. Trước đây thì nó không trầm trọng nhưng nay đã đến mức đó thì mọi người đã lên tiếng.
Trong quá trình dạy học tôi thường khuyên phụ huynh là nêu học sinh không đủ sức thì nên để ở lại lớp; thế nhưng nhiều phụ huynh không đồng ý họ nói con yếu nhưng trường cho lên thì sao lại phải học lại. Nhưng cứ làm thế thì nhiều em không đủ khả năng học qua lớp chín.
Gia Minh: Cám ơn cô.