Ngành xuât bản và phát hành sách Việt Nam trước thềm gia nhập WTO


2006.05.26

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Hội nhập thế giới cùng với điều kiện cải tổ theo kinh tế thị trường, vấn đề này được doanh nhân trong nước quan niệm như thế nào. Nam Nguyên trao đổi với ông Trần Thức, Giám Đốc Trung Tâm Sách và Dịch Vụ Bản Quyền Công Ty Văn Hoá Phương Nam, trụ sở ở Saigon.

MusicCoppyrights200.jpg
Tôn trọng bản quyền là một vấn đề quan trọng trước thềm hội nhập WTO. AFP PHOTO

Nam Nguyên: Thưa ông, để được công nhận là nền kinh tế thị trường khi hội nhập thế giới, Việt Nam sẽ thực hiện cải tổ ở nhiều lãnh vực và chấp nhận bước quá độ 12 năm từ khi vào WTO để hoàn thiện cải tổ. Ông nhận định gì về sự kiện này?

Ông Trần Thức: Cải cách về lãnh vực kinh tế đụng tới rất nhiều lãnh vực khác và tất yếu sẽ phải dẫn tới những cải cách toàn diện hơn. Tôi nghĩ rằng, ngay cả vấn đề pháp luật thì cũng đang được dần dần bổ xung hoàn thiện hoàn chỉnh, để phục vụ cho sự phát triển kinh tế.

Ngoài lợi ích về kinh tế, theo tôi người dân có thể được tiếp cận với rất nhiều cái mới những tiến bộ của các nước phát triển. Ví dụ như về giáo dục chẳng hạn, chắc chắn nó sẽ biến đổi theo một chiều hướng tích cực hơn hiện nay, để đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế và như vậy người dân có cơ hội tiếp cận với những nền giáo dục tốt nhất trên thế giới…

Các lãnh vực khác cũng như vậy…Hiện nay Việt Nam đang chấn chỉnh lại chiến lược về giáo dục đại học, mới đây có hội nghị bàn về vấn đề đó ở Hà Nội. Theo tôi đó là những bước cải cách tốt hơn, để có thể đáp ứng những cải cách nền kinh tế. Tôi nghĩ rằng người dân cũng được hưởng lợi nhiều từ những cải cách khác, không riêng gì trong lãnh vực kinh tế.

Nam Nguyên: Thưa ông, hội nhập đem đến cơ hội và kèm theo cả thách thức. Nói chung các doanh nghiệp cả công và tư chuẩn bị thế nào để thích nghi với môi trường mới?

Ông Trần Thức: Theo tôi thách thức là rất lớn, bởi vì kết quả của việc gia nhập WTO này đạt được như thế nào, thì phần lớn tuỳ thuộc vào nội lực của mỗi doanh nghiệp. Chuẩn bị nội lực như thế nào đó để bước vào sân chơi chung này, là điều hết sức quan trọng. Và đó là điều đáng lo nhất hiện nay chứ không phải là những vấn đề khác.

Thành bại trong cuộc chơi này chính là do thành bại của doanh nghiệp, chứ không phải do những tác động từ bên ngoài. Có cơ hội nhưng để chớp được những cơ hội đó, biến cơ hội thành kết quả thì thuộc về nội lực của doanh nghiệp.

Nam Nguyên: Thưa ông sẽ có chết hàng loạt hay không, những doanh nghiệp không chuẩn bị đủ để có thể cạnh tranh trong môi trường làm ăn mới?

Ông Trần Thức: Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, bởi vì trong một cuộc chơi chung như vậy, anh nào không ra sân được thì đương nhiên anh đó sẽ bị loại trừ . Tôi chắc chắn điều đó sẽ xảy ra đối với một số doanh nghiệp không chuẩn bị đầy đủ kỹ càng để bước vào cuộc chơi này.

Nam Nguyên: Thưa ông, tôn trọng bản quyền là hết sức quan trọng khi Việt Nam hội nhập thế giới. Liệu Việt Nam có khả năng cải thiện vấn đề này hay không?

Ông Trần Thức: Việt Nam mới trở thành thành viên công ước Berne vào cuối năm 2004, hiện nay việc bảo vệ bản quyền ở Việt Nam tuy rằng chưa được thực hiện triệt để. Nhưng tôi cho rằng trong thời gian sắp tới khi hội nhập với nền kinh tế thế giới, hội nhập càng sâu thì việc bảo vệ bản quyền ở Việt Nam sẽ được thực hiện triệt để và đầy đủ hơn.

Nam Nguyên: Thưa ông, riêng công ty của ông thì thực hiện vấn đề bản quyền như thế nào?

Ông Trần Thức: Vấn đề tôn trọng bản quyền thì trước khi Việt Nam tham gia công ước Berne khoảng chừng bốn hay năm năm, công ty Văn Hoá Phương Nam đã nghĩ tới vấn đề đó và đã thực hiện điều đó với các tác giả nước ngoài, thí dụ như là Kim Dung chẳng hạn.

Từ năm 1999 Phương Nam đã ký mua bản quyền các tác phẩm của Kim Dung. Ngay từ thời điểm đó chúng tôi cho rằng chắc chắn sẽ tiến tới quá trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy phải nghĩ tới vấn đề bảo vệ tôn trọng bản quyền càng sớm càng tốt. Điều đó tạo thêm uy tín cho công ty trong hoạt động chung, trong quá trình hội nhập hiện nay với thế giới.

Nam Nguyên: Cảm ơn ông Trần Thức đã dành thì giờ cho đài RFA.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.