Phỏng vấn bà Virginia Foote về Quy Chế PNTR cho Việt Nam
2006.06.30
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Trong thời gian gần đây, nhiều cuộc vận động liên tiếp được thực hiện tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ, kêu gọi Quốc Hội Liên Bang Mỹ chấp thuận cho Việt Nam được hưởng Quy Chế Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn, còn gọi tắt là PNTR.
Dự luật đã được Thượng Nghị Sĩ Max Baucus của Ðảng Dân Chủ cùng với 41 vị dân biểu đệ nạp cách đây 3 tuần lễ và theo từ mà các một số nhà quan sát chính trị Mỹ thường sử dụng, dự luật “sắp sửa được đưa lên bàn mổ” trước khi các vị dân cử lưỡng viện bỏ phiếu quyết định có thông qua hay không.
Những gì sẽ xảy ra? Liệu Việt Nam có được chấp thuận Quy Chế Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn hay không? Thời điểm nào các vị Nghị Sĩ, Dân Biểu ủng hộ Việt Nam đang nhắm đến? Ðó là những câu hỏi đang được đặt ra tại Washington, và dĩ nhiên, cũng đang được đặt ra ở Hà Nội.
Khách mời tuần nay của Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do chúng tôi là Bà Virginia Foote, Chủ Tịch Hội Ðồng Thương Mại Mỹ-Việt, thành viên của Hội Ðồng Thương Mại Mỹ-ASEAN. Với những người quan tâm đến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, Bà Foote là một nhân vật rất quen thuộc, cổ võ xây dựng một mối quan hệ mới và toàn diện giữa hai nước.
Bà cũng là người đã góp rất nhiều công sức để vận động hoàn tất Bản Thỏa Thuận Kết Thúc Ðàm Phán Việt-Mỹ để Việt Nam gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO vừa mới ký kết hồi gân đây, và đang tiếp tục cuộc vận động để Việt Nam được PNTR trong thời hạn sớm nhất.
Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và chúng tôi xin gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.
Dự luật cho Việt Nam hưởng Quy Chế Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn PNTR đã được nạp ở Thượng và Hạ Viện Mỹ. Chúng tôi mong đợi dự luật sẽ được đưa ra thảo luận ở Thượng Viện ngay trong tuần tới, khi các Nghị Sĩ trở lại làm việc sau những ngày nghỉ Lễ Ðộc Lập mùng 4 tháng Bảy. Chúng tôi cũng hy vọng thủ tục tương tự sẽ diễn ra ở Hạ Viện, và thời điểm chúng tôi đang nhắm đến là dự luật này được Quốc Hội thông qua trước khi các vị dân cử nghỉ hè vào tháng Tám.
Nguyễn Khanh: Trước hết, xin chúc mừng Bà thành công trong nỗ lực giúp Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được Bản Thỏa Thuận Kết Thúc Ðàm Phán để Việt Nam gia nhập WTO. Thưa Bà, còn chuyện cho Việt Nam hưởng Quy Chế Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn PNTR đã đi đến đâu rồi?
Bà Virginia Foote: Dự luật cho Việt Nam hưởng Quy Chế Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn PNTR đã được nạp ở Thượng và Hạ Viện Mỹ. Chúng tôi mong đợi dự luật sẽ được đưa ra thảo luận ở Thượng Viện ngay trong tuần tới, khi các Nghị Sĩ trở lại làm việc sau những ngày nghỉ Lễ Ðộc Lập mùng 4 tháng Bảy. Chúng tôi cũng hy vọng thủ tục tương tự sẽ diễn ra ở Hạ Viện, và thời điểm chúng tôi đang nhắm đến là dự luật này được Quốc Hội thông qua trước khi các vị dân cử nghỉ hè vào tháng Tám.
Nguyễn Khanh: Có dư luận cho rằng dường như chỉ có các vị dân cử thuộc đảng Dân Chủ ủng hộ dự luật cho Việt Nam hưởng PNTR, còn phía Cộng Hòa chưa nói năng gì. Ðiều đó có đúng không, và nếu có, Bà đã liên hệ với phía Cộng Hòa chưa? Câu trả lời Bà nhận được như thế nào?
Bà Virginia Foote: Không đúng như vậy đâu. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, tích cực từ cả hai phía, Dân Chủ cũng như Cộng Hòa. Nếu nhìn lại thì ông thấy, thông thường, các vị dân cử Cộng Hòa Mỹ chính là những người ủng hộ mạnh những dự luật và trao đổi thương mại với Việt Nam, và trong trường hợp hiện giờ, tôi cho rằng cuối cùng chúng ta sẽ thấy sự ủng hộ của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ngang nhau.
Nguyễn Khanh: Tại sao vậy?
Bà Virginia Foote: Một phần vì dự luật cho Việt Nam hưởng quy chế PNTR mang ý nghĩa của một dự luật quan trọng về cả hai mặt ngoại giao và thương mại. Tôi cũng phải nói thêm là những tổ chức cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, nhưng người Mỹ gốc Việt cũng ủng hộ việc này. Ðó cũng là điều không thể không nói đến.
Nguyễn Khanh: Thế còn Nhà Trắng thì sao? Quan điểm của Nhà Trắng mà Bà nhận được như thế nào?
Bà Virginia Foote: Nhà Trắng mong thấy Việt Nam trở thành hội viên của WTO trước ngày Thượng Ðỉnh APEC diễn ra ở Hà Nội, tức trước tháng 11 năm nay. Các viên chức Nhà Trắng ủng hộ dự luật, ủng hộ ý kiến Quốc Hội nên thông qua dự luật trước khi Tổng Thống George W. Bush sang thăm Việt Nam.
Nguyễn Khanh: Vì sao thời điểm Bà và những nhà vận động hành lang khác đều nhắm đến là vào tháng 8, hay trễ nhất là vào mùa Thu năm nay, Việt Nam phải được hưởng PNTR?
Bà Virginia Foote: Lý do là vì tháng 10 tới đây, Việt Nam sẽ chính thức gia nhập WTO. Nếu lúc đó Quốc Hội Mỹ vẫn chưa thông qua Quy Chế PNTR cho Việt Nam thì Hoa Kỳ không áp dụng những quy luật của WTO cho Việt Nam được.
Ðồng ý đây không phải là chuyện dễ, nhưng ông cũng đừng quên điểm tích cực của WTO là quy định rõ những quy luật, được áp dụng đồng đều cho mọi quốc gia, nước lớn cũng như nước nhỏ. Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO cũng quy định nếu một quốc gia nào thấy mình không được đối xử công bằng, thì có quyền đưa vấn đề ra trước Hội Ðồng Trọng Tài nhờ phân xử.
Nguyễn Khanh: Dư luận chính trị ở Washington nói rằng có thể dự luật sẽ được thông qua với những điều kiện đi kèm theo. Bà có nghe nói gì về chuyện đó không?
Bà Virginia Foote: Quả có ý kiến nói nên có những điều khoản đính kèm liên quan đến quan hệ giữa hai nước. Có thể dự luật sẽ được thông qua với một số điều khoản đính kèm như ông nói, nhưng quan trọng nhất là cần phải bắt đầu các thủ tục cần thiết để thông qua dự luật, và lúc đó chúng ta mới biết rõ chuyện gì xảy ra.
Nguyễn Khanh: Một số người chống toàn cầu hoá kinh tế thường cho rằng WTO là một cuộc chơi, những nước lớn, kẻ mạnh như Mỹ thì bao giờ cũng thắng, nước nhỏ, kẻ yếu như Việt Nam thì chỉ có thua thôi. Ý của Bà thế nào?
Bà Virginia Foote: Theo tôi, thị trường thương mại toàn cầu hóa là một thị trường vừa sôi động lại vừa khó khăn, có những luật lệ nhất định, nhưng tất cả mọi quốc gia đều có thể thành công. Với trường hợp của Việt Nam, tôi thấy Việt Nam có đủ khả năng để góp mặt với nền kinh tế toàn cầu, và Việt Nam đã chứng tỏ cho mọi người thấy khả năng và sự thành công của mình.
Ðồng ý đây không phải là chuyện dễ, nhưng ông cũng đừng quên điểm tích cực của WTO là quy định rõ những quy luật, được áp dụng đồng đều cho mọi quốc gia, nước lớn cũng như nước nhỏ. Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO cũng quy định nếu một quốc gia nào thấy mình không được đối xử công bằng, thì có quyền đưa vấn đề ra trước Hội Ðồng Trọng Tài nhờ phân xử.
Tôi hiểu rằng quy định của WTO chưa thật sự hoàn hảo, trong những năm qua đã có biết bao lời phê bình được đưa ra, nhưng nếu so sánh giữa quyền lợi lớn lao mà một nước hội viên được hưởng với những khó khăn, thì quyền lợi vượt trội hơn nhiều.
Nguyễn Khanh: Thủ Tướng Phan Văn Khải đã từ nhiệm. Là một người thân với ông Khải, Bà nghĩ gì về vị cựu Thủ Tướng của Việt Nam?
Bà Virginia Foote: Không phải chỉ mình tôi, mà tất cả mọi người đều nghĩ phải coi luật cho Việt Nam được hưởng quy chế PNTR là thành quả cuối cùng trong chuỗi thành quả mà Thủ Tướng Khải đạt được khi ông sang thăm Washington hồi năm ngoái, khi ông chính thức mời Tổng Thống George W. Bush sang dự Thượng Ðỉnh APEC và thăm Hà Nội, trong lúc hai nhà lãnh đạo nói đến chuyện Việt Nam gia nhập WTO và Hoa Kỳ ủng hộ điều này. Chính sự hiện diện và những nỗ lực của Thủ Tướng Khải đã cho Nhà Trắng và ngay cá nhân của Tổng Thống Bush thấy được tầm quan trọng của vấn đề.
Nguyễn Khanh: Ông Nguyễn Tấn Dũng vừa được bầu chọn làm Tân Thủ Tướng. Bà nhận xét thế nào về người sẽ lãnh đạo Chính Phủ Việt Nam, và Bà mong đợi gì ở người mới được chọn làm Thủ Tướng?
Bà Virginia Foote: Ông Nguyễn Tấn Dũng từng giữ một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành bản Hiệp Ðịnh Thương Mại Song Phương Mỹ-Việt, do đó, ông Thủ Tướng mới của Việt Nam hiểu rõ vấn đề, và tôi tin tưởng ông Dũng sẽ là một nhà lãnh đạo tài ba.
Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Bà Foote về cuộc phỏng vấn hôm nay. Thưa quý thính giả, chúng tôi cũng đã gặp Thượng Nghị Sĩ Max Baucus, nhà bảo trợ chính của dự luật cho Việt Nam được hưởng Quy Chế Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn, để hỏi ông về những ý kiến nói rằng nên gắn liền nhân quyền, tự do tôn giáo với dự luật ông đệ nạp. Sau đây là câu trả lời của Thượng Nghị Sĩ Baucus.
Thượng Nghị Sĩ Baucus: Tôi không đồng ý với ý kiến đó. Tôi cho rằng chuyện thúc đẩy Việt Nam cải tiến nhân quyền, tự do tôn giáo phải được thực hiện song song với việc cho Việt Nam hưởng quy chế PNTR, không nên gắn liền hai vấn đề làm một. Chúng ta đang ở trong giai đoạn cần hợp tác với Việt Nam để giúp Việt Nam cải tiến mọi mặt.
Những bài liên quan
- Nhiều doanh nghiệp Mỹ thăm dò thị trường Việt Nam
- Những quy định của hiệp định công nghệ thông tin ITA khi gia nhập WTO
- Thông tin của báo chí đã công khai nhưng chưa minh bạch
- Hai tàu chiến Mỹ sẽ cập cảng Sài Gòn trong tháng 7
- Việt Nam hy vọng sẽ sớm được Quốc hội Hoa Kỳ cấp qui chế PNTR
- Phỏng vấn cựu Tổng trưởng William Cohen về quan hệ Việt – Mỹ
- Dự luật về quy chế PNTR cho Việt Nam được đệ nạp lên Quốc hội Hoa Kỳ
- Nhiều nhà lập pháp Mỹ ủng hộ việc cấp quy chế PNTR cho Việt Nam
- Khi hội nhập nhà đầu tư dịch vụ vận tải sẽ không chấp nhận nạn mãi lộ chung chi
- Đại diện Thương mại Mỹ đệ nạp Quốc hội dự luật về quy chế PNTR cho Việt Nam
- Việt Nam vẫn chưa công bố nội dung thoả thuận Việt-Mỹ về WTO
- Ngành nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long trước thềm hội nhập WTO
- Thảm hoạ bão Trân Châu và thỏa thuận Việt-Mỹ về WTO
- 50 dân biểu Hoa Kỳ ký tên vào lá thư ngỏ ủng hộ các nhà dân chủ Việt Nam
- Ý nghĩa chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Donald Rumsfeld
- Doanh nghiệp nhà nước trước ngưỡng cửa hội nhập WTO
- Nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin về những thách thức khi Việt Nam hội nhập WTO
- Ngành dệt may Việt Nam được lợi từ thoả thuận Việt-Mỹ về WTO
- Ước vọng của một nữ doanh nhân trước việc Việt Nam gia nhập tổ chức WTO
- Ngành xuât bản và phát hành sách Việt Nam trước thềm gia nhập WTO
- Những chuẩn bị của công ty văn hoá Phương Nam tương lai hội nhập WTO
- VASEP kêu gọi Bỉ trả tự do cho ông Bửu Huy
- Phó trưởng đại diện thương mại Hoa Kỳ sẽ viếng thăm Việt Nam trong 3 ngày
- Ðàm phán Việt-Mỹ về WTO, bên nào nhượng nhiều hơn
- Ngành nông nghiệp Việt Nam trước thềm hội nhập WTO