Nguy cơ thiếu đói và thiếu gạo xuất khẩu do bệnh ‘lùn vàng lùn xoắn lá’

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Sự khống chế rầy nâu và bệnh hại lúa Lùn Vàng Lùn Xoắn Lá ở vựa lúa miền Tây vẫn chưa có kết quả cụ thể. Các nhà khoa học cảnh báo nguy cơ thiếu đói và thiếu gạo xuất khẩu cho năm 2007, nếu như vụ Đông Xuân sắp tới tiếp tục mất mùa. Nam Nguyên phỏng vấn tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Phó Viện Trưởng Viện Lúa Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long về vấn đề này, trước hết ông cho biết.

ricefield200.jpg
Dịch rầy nâu mang virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho cây lúa tại nhiều nơi thuộc vùng đồng bằng Sông Cửu Long. AFP PHOTO

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Đó là một cái nguy cơ nhưng chúng tôi đang cố gắng làm thế nào để hạn chế nguy cơ đó. Đang có bệnh 'lùn vàng lùn xoắn lá' gây ra thiệt hại trên diện tích tương đối khá rộng, đặc biệt vụ Đông Xuân này chúng tôi đang cố gắng làm sao giảm thiệt hại, tất nhiên sẽ phải thiệt hại nhưng sẽ giảm.

Nếu nói thiếu đói thiếu gạo xuất khẩu thì chuyện đó mình thấy là một nguy cơ và có thể khắc phục được, nếu chính quyền địa phương và các nhà khoa học tích cực. Hiện nay chúng tôi đang làm việc này và có khả năng giảm thiểu thiệt hại. Cụ thể vụ Đông Xuân trên 1 triệu ruỡi hecta có khỏang hơn 60 ngàn hecta bị nhiễm rầy, trong đó có khỏang từ 8 tới 10 ngàn hecta bị lùn vàng lùn xoắn lá.

Nam Nguyên: Nhà khoa học và chính quyền vào cuộc còn người dân thì như thế nào thưa ông?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Người dân thì đây là cái nồi cơm của họ thành ra họ rất là băn khoăn. Nhưng vừa qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo những ruộng lúa nhiễm bệnh thiệt hại thì phải hủy bỏ có hỗ trợ của Nhà nước, việc này được người dân đồng tình.

Vấn đề còn lại là làm sao chính quyền địa phương làm cho đồng bộ, nghĩa là khi xảy ra phải có hỗ trợ kịp thời thì người dân mới sẵn sang ủng hộ.

Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, nên giảm vụ và giảm sản lượng như thế nào theo quan điểm khoa học nông nghiệp để có thể phát triển bền vững ?

Vì khâu xử lý nông sản sau thu hoạch của Việt Nam hơi yếu, do đó nếu trồng rau màu, rau quả cây trái như dưa chẳng hạn thì khi nhiều người trồng sản lượng nhiều lên thì giá sẽ hạ xuống. Do đó người dân cho là cách nào thì có được lúa vụ ba cũng lợi hơn là trồng rau màu, vì thế người ta tiếp tục làm vụ ba mặc dù chính quyền địa phương khuyến cáo là không nên làm, các nhà khoa học cũng khuyến cáo không nên làm.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Chúng tôi đã khuyến cáo phải cắt vụ, bỏ bớt vụ ba đi. Ở đây người dân làm liên hoàn liên tục do đó gây cái mầm bệnh. Như vậy nên cắt vụ luân canh thí dụ làm hai lúa một màu, hay là lúa cá lúa tôm đại loại vậy thì nó giảm bớt đi.

Thứ hai là hiện nay có một số vùng lúa mùa, chính là nơi ẩn chứa mầm bệnh. Chúng tôi đang tìm cách giảm thiểu vấn đề này.

Nam Nguyên: Giảm vụ bớt sản lượng, bớt cả diện tích như vậy hàng năm sản lượng gạo xuất khẩu có thể giảm theo. Thưa Tiến sĩ ước tính giảm bao nhiêu thì sẽ tốt?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Cái này thì phải có tính toán lại để làm sao có sự phát triển bền vững. Cụ thể chúng tôi cắt bớt vụ ba.

Vụ ba này thông thường cũng khỏang vài trăm ngàn hécta, do đó các nhà khoa học chúng tôi đang tìm cách dùng các loại giống kháng sâu rầy cho tốt, thứ hai là tăng năng suất, thứ ba là dùng kỹ thuật để đảm bảo sản lượng. Tức là diện tích có giảm nhưng sản lượng thì giảm ít thôi.

Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, giảm vụ thôi chứ không phải là chấm dứt hẳn vụ ba ?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Cái này cũng có chỗ khó, tại vì hiện nay người dân người ta trồng hoa màu hay bất cứ cái gì, nếu trồng lúa thì bán rất dễ, bán không được thì để lại ăn không mất.

Vì khâu xử lý nông sản sau thu hoạch của Việt Nam hơi yếu, do đó nếu trồng rau màu, rau quả cây trái như dưa chẳng hạn thì khi nhiều người trồng sản lượng nhiều lên thì giá sẽ hạ xuống.

Do đó người dân cho là cách nào thì có được lúa vụ ba cũng lợi hơn là trồng rau màu, vì thế người ta tiếp tục làm vụ ba mặc dù chính quyền địa phương khuyến cáo là không nên làm, các nhà khoa học cũng khuyến cáo không nên làm.

Nhưng cái này là quyền lợi là thu nhập của người dân, muốn giải quyết chuyện này thì chính quyền địa phương phải tạo được công ăn việc làm, hoặc tạo ra những sản phẩm khác bán ra có hiệu quả thì mới có thể giảm bớt vụ ba. Làm vụ ba thì không có lãi nhiều, người dân làm thì có ăn thôi thứ không lãi nhiều.

Nam Nguyên: Cảm ơn Tiến sĩ rất nhiều về các thông tin của ông.

Thông tin trên mạng:

- Dự báo tình hình sinh vật hại lúa vụ Hè Thu 2006

- Rice pest

- Rice Pest Management Guidelines--UC IPM