Phỏng vấn nhà văn Nguyên Ngọc về nền văn học của miền Nam Việt Nam
2007.05.06
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Chương trình Văn Học Nghệ Thuật tuần này Mặc Lâm mời quý thính giả theo dõi cuộc nói chuyện với nhà văn Nguyên Ngọc xoay quanh đề tài vừa rồi nhà nước cho in lại 4 tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu là Tiếng Sáo Người Em Út, Cũng Đành, Nhan Sắt, Đôi Mắt Trên Trời và một tác phẩm của Lê Xuyên mang tên Nguyệt Đồng Xoài.

Bên cạnh đó nhà văn Nguyên Ngọc cũng cho rằng cần phải xem xét lại nền văn học của miền Nam Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1975, tức hơn hai mươi nămn đồng hành cùng với lịch sử Văn Học Việt Nam.
Tưởng cũng nên nhắc lại, nhà văn Nguyên Ngọc từng là Tổng Biên Tập của tạp chí Văn Nghệ trong thập niên 80. Ông là người mạnh dạn cổ xúy cho việc đổi mới cho Văn Học, và một trong những việc làm nổi tiếng của ông cho nền văn học đương đại nước nhà là phát hiện ra tài năng và tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, một ánh sáng văn học soi rọi những ngõ ngách tăm tối nhất của những mảnh đời khác nhau trong cùng một cộng đồng mang tên Xã Hội Chủ Nghĩa.
Và rồi một phát hiện khác cũng của nhà văn Nguyên Ngọc có tính chất dứt hoát hơn, đào sâu hơn vào hệ thống cai trị mới ở miền quê Việt Nam khi nhà văn quyết định cho đăng tải bài viết Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì? của Phùng Gia Lộc, bài viết này có sức công phá dữ dội đến nỗi toàn xã hội Việt Nam chợt thức tỉnh, và đặc biệt là ở miền Bắc, dân chúng bỗng thấy được sự bất công, áp bức vẫn lảng vảng chung quanh miền quê Việt Nam từ hàng chục năm nay.
Bài viết này cũng là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt nhà văn trong nước thay đổi cách viết cách nghĩ của mình. Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi với nhà văn Nguyên Ngọc sau đây:
Mặc Lâm: Thưa ông, câu đầu tiên xin được hỏi xoay quanh việc gần đây nhà nước đã cho in lại nhiều tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu và Lê Xuyên, là một người thường xuyên theo dõi những sinh hoạt văn học trong và ngoài nước, xin ông cho biết cạm tưởng của mình về việc này.
Nhà văn Nguyên Ngọc: Ở Việt Nam trong nhiều năm qua người ta coi như không có cái bộ phận văn học miền nam, trong suốt thời gian có thể nói từ năm 1954 cho đến năm 75. Trong những cái nghiên cứu chính thống thì người ta không hề nhắc đến cái bộ phận đó.
Ở Việt Nam trong nhiều năm qua người ta coi như không có cái bộ phận văn học miền nam, trong suốt thời gian có thể nói từ năm 1954 cho đến năm 75. Trong những cái nghiên cứu chính thống thì người ta không hề nhắc đến cái bộ phận đó.
Theo tôi trước nhất cần phải khẳng định trong khoảng thời gian đó, có một cái nền văn học ở miền Nam, trước hết phải công nhận cái điều đó. Cái thứ hai nền văn học đó cũng đã tạo nên những tác giả và những giá trị đáng kể mà theo tôi là tài sản chung của đất nước.
Mặc Lâm: Thưa ông xin được xoay qua nền văn học ở hải ngoại, Ông nhận xét thế nào về nền văn học này và những cây viết cũng như tác phẩm bên ngoài Việt Nam?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Trước tôi muốn nói là giống như nền văn học miền nam, có một bộ phận văn học ở hải ngoại do những điều kiện lịch sử cho nên nhiều nhà văn ở miền nam thậm chí cả những nhà văn ở miền bắc nữa hiện nay đang sống ở hải ngoại, họ đã tạo nên một bộ phận văn học và theo tôi đó là một bộ phận của văn học đất nước ta. Tất nhiên bộ phận văn học đó rất đa dạng.
Mặc Lâm: Thưa ông đã nhiều lần ông có nhận xét là nền văn học hải ngaọi hiện nay cần phải được nhìn nhận như nền văn học trong nước. Liệu có công bằng không khi các tác gỉ đang cầm bút ở bên ngoài đất nước của mình thì lại không được phép mang sách về trong nước dù dưới bất cứ hình thức nào?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Tôi nghĩ rằng có lẽ một trong những điều kiện để nó phát triển là phải đến với độc giả ở trong nước phải tìm cách này cách khác để nó đến được trong nước. Tôi nhớ có một nhà văn bảo là con chim nó hót mà không ai nghe thì cuối cùng nó sẽ hót phô, cũng như nhà văn bao giờ cũng cần độc giả, tôi có lo lắng về cái chuyện này.
Mặc Lâm: Thưa ông ông có dự báo gì về những đề nghị ông vừa đưa ra, đặc biệt đối với những người còn mang nặng thành kiến và rất bảo thủ về văn hóa văn nghệ, Ông có nghĩ rằng những đề nghị của ông cũng sẽ được tranh cãi như đã từng tranh cãi trước đây về Nguyễn Huy Thiệp và Phùng Gia Lộc?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Tôi nghĩ thế này, những cái định kiến về ý thức hệ về chính trị quả thực là nó có thực chính vì vậy cho nên có một giai đọan khá dài đến mấy mươi năm người ta lờ đi coi như không ai biết không công nhận nền văn học của miền nam, thậm chí còn bị cấm nữa là đàng khác.
Thế nhưng tôi cũng đã nói rằng bản thân cuộc sống nó cứ thế nó đi tới mà thôi. Ví dụ như trong ngày thơ ở Hà Nội vừa rồi, ngày thơ mà người ta làm trong dịp Nguyên Tiêu đã bắt đầu xuất hiện thơ của các nhà thơ miền Nam. Như vậy tôi tin vào những giá trị thực rồi nó sẽ sống thôi.
Mặc Lâm: Xin cám ơn thời gian ông dành cho chúng tôi ngày hôm nay.
Các tin, bài liên quan
- Tạp chí văn chương mạng Da màu
- Văn chương mạng
- Nhà phê bình Vương Trí Nhàn nói về giải thưởng văn học HCM
- Nhạc sĩ Cung Tiến và những sáng tác và hoạt động âm nhạc trong những thập niên qua
- Andrew Lâm, nhà văn trẻ thành đạt trong văn giới người Mỹ gốc Việt
- Điểm bộ sách Việt Sử Đại Cương của tác giả Trần Gia Phụng (phần 2)
- Điểm bộ sách Việt Sử Đại Cương của tác giả Trần Gia Phụng (phần 1)
- Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn về những tác phẩm văn học của ông
- Đinh Linh, cuộc đời và thơ hiện đại (phần 2)