Nhận xét của Phó chủ tịch nhóm doanh gia Anh quốc ở VN về quyết định cổ phần hóa Vietcombank


2005.09.28

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Đầu tuần này, chính phủ Việt Nam chính thức loan báo quyết định cổ phần hóa Ngân Hàng Ngoại Thương Việt Nam, tức Vietcombank, là một trong những ngân hàng nhà nước lớn nhất và hoạt động hữu hiệu nhất hiện nay.

AtmBanking150.jpg
Máy rút tiền tự động ATM ở Hà Nội. AFP PHOTO/HOANG DINH NAM >> See larger image

Các giới chức Việt Nam cho biết quyết định dùng chính Vietcombank làm thí điểm cổ phần hóa là một trong những bước tiến quan trọng trong nỗ lực cải cách hoạt động ngân hàng mà Việt Nam đã theo đuổi trong những năm gần đây, đặc biệt trước thời điểm năm 2010 mà Việt Nam đã đồng ý cho các ngân hàng Hoa Kỳ hoạt động, theo thỏa thuận được ghi trong bản hiệp ước thương mại Việt-Mỹ.

Trước quyết định của chính phủ Việt Nam, Ban Việt Ngữ chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Tony Foster, người đang điều hành văn phòng đại diện Tổ Hợp Luật Sư Freshfields Bruckhaus Deringer tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Foster là một nhân vật quen thuộc với giới đầu tư, từng nắm chức Chủ Tịch Phòng Thương Mại Mỹ-Việt, và hiện là Phó Chủ Tịch Nhóm Doanh Gia Anh Quốc ở Việt Nam. Cuộc nói chuyện được biên tập viên Nguyễn Khanh của Đài chúng tôi thực hiện từ Bangkok.

Nguyễn Khanh: Phó Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng mới ký quyết định để năm tới Vietcombank được phép bán 30% cổ phần. Xin ông giải thích cho thính giả của chúng tôi biết quyết định ý nghĩa của quyết định này như thế nào?

Tony Foster: Điều đó có nghĩa là Vietcombank sẽ dần dần tiến đến cổ phần hóa. Chương trình này đòi hỏi thời gian, tùy thuộc vào tiến độ thực hiện, trước khi Vietcombank thật sự trở thành một ngân hàng liên doanh, và còn tùy thuộc vào tỷ lệ và kết quả cổ phần bán ra cho nhân viên, cho cổ đông chiến lược.

Nguyễn Khanh: Với quyết định mới được ban hành, liệu tôi có thể kết luận rằng chẳng bao lâu nữa, các ngân hàng nước ngoài sẽ được hưởng điều mà chúng ta thường hay gọi là sân chơi công bằng và mở rộng không?

Tony Foster: Không.

Nguyễn Khanh: Ông không nghĩ như vậy?

Tony Foster: Tôi không nghĩ là chúng ta có thể thấy ngay chuyện sân chơi công bằng và mở rộng ở Việt Nam, cho dù đó là điều mà ngay chính cá nhân tôi mong muốn.

Theo tôi, quyết định cổ phần hóa Vietcombank của Việt Nam chỉ có nghĩa là Việt Nam đang dọn đường để có thể cạnh tranh với ngân hàng nước ngoài trước khi các ngân hàng nước ngoài chính thức được hoạt động.

Nguyễn Khanh: Nếu như vậy thì theo ông, các doanh gia nước ngoài mong muốn thấy điều gì ở Việt Nam, chẳng hạn như trong vòng 12 tháng tới?

Tony Foster: Có phải ý ông muốn hỏi là doanh gia ngoại quốc muốn chính phủ Việt Nam làm gì phải không?

Nguyễn Khanh: Thưa ông vâng.

Tony Foster: Có nhiều điều mà các doanh gia ngoại quốc mong muốn chính phủ Việt Nam thực hiện và cũng có rất nhiều điều chính phủ Việt Nam đã làm cũng như đang làm, chẳng hạn như tạo môi trường đầu tư thoáng hơn, tốt hơn, nhưng cũng vẫn có những điều mà người ta quan tâm, chẳng hạn như chính sách cần rõ rệt hơn nữa, quyền hạn của địa phương cũng phải được sáng tỏ hơn.

Quan tâm thì lúc nào cũng có, nhưng đồng thời cũng phải ngợi khen là chính phủ Việt Nam đã cố gắng, đã tỏ thiện chí rất nhiều.

Nguyễn Khanh: Một trong những điểm mà chính phủ Việt Nam đang làm là sửa đổi luật lệ để dựng một trường đầu tư mới hơn, tốt hơn. Ông đánh giá mức độ sửa đổi đó như thế nào? Nhanh, chậm hay vừa phải?

Tony Foster: Nhanh hay chậm? Tôi cho rằng tiến độ mà Việt Nam đang thực hiện là tiến độ ở mức nhanh. Tôi làm việc tại Việt Nam được 12 năm, và tôi nhận thấy rằng tiến trình sửa đổi luật pháp của Việt Nam được thực hiện rất nhanh.

Trở ngại là đôi khi họ đi nhanh quá, nên không có thì giờ điều nghiên kỹ lưỡng các đạo luật trước khi biểu quyết thông qua và thi hành.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Foster.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.