Soạn giả Nguyễn Phương và cuốn hồi ký Buồn Vui Ðời Nghệ Sĩ


2006.02.19

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Soạn giả Nguyễn Phương: “Cái đẹp của văn chương, cái quyến rũ của làn điệu cổ nhạc dân tộc, các câu chuyện tình vẹn thủy toàn chung của các vở tuồng đã nâng cao tâm hồn người nghệ sĩ để họ chấp nhận những lao khổ nhọc nhằn về phần mình mà được đi khắp các miền đất nước để gieo rắc những bông hoa tư tưởng đẹp, những điệu hát, câu hò đượm tình dân tộc”.

NguyenPhuong150.jpg
Soạn giả Nguyễn Phương.

Thưa quý thính giả, vừa rồi là lời của ông Nguyễn Phương, soạn giả và là nghiên cứu cổ nhạc hàng đầu của Việt Nam. Hôm nay chúng tôi hân hạnh thông báo cùng quý vị là soạn giả Nguyễn Phương sắp sửa phụ trách dài lâu chương trình Cổ nhạc của Ban Việt Ngữ Đài ACTD.

Thưa quý vị, mặc dù soạn giả Nguyễn Phương không xa lạ đối với giới mến mộ cải lương, vọng cổ, nhưng hôm nay chúng tôi xin được phép giới thiệu đến quý vị về ông, qua những chi tiết liên quan tới giới ca kịch cải lương mà từ xưa tới giờ chưa có ký giả kịch trường nào, chưa có sách báo nào trong nước đề cập tới.

Những chi tiết đó – hay đúng hơn là những bước thăng trầm của đời nghệ sĩ – được mô tả sống động TRONG tác phẩm mới, có tính cách hồi ký và biên khảo, tựa đề “Buồn Vui Đời Nhgệ Sĩ” của soạn giả Nguyễn Phương.

Tiểu sử tác giả

Trước khi trình bày về cuốn “Buồn Vui Đời Nghệ Sĩ”, chúng tôi xin được giới thiệu vài nét về tiểu sử tác giả.

Nguyễn Phương tên thật là Nguyễn Văn Hoà, sanh ngày mùng Một tháng Bảy năm 1922 tại Mỹ Tho, cựu công chức phòng kỹ thuật Sở Bưu Điện Sàigòn. Ông chuyển sang hoạt động cải lương từ năm 1948 tới 1989, trước khi cùng gia đình tới định cư ở Canada cho đến giờ.

Cái đẹp của văn chương, cái quyến rũ của làn điệu cổ nhạc dân tộc, các câu chuyện tình vẹn thủy toàn chung của các vở tuồng đã nâng cao tâm hồn người nghệ sĩ để họ chấp nhận những lao khổ nhọc nhằn về phần mình mà được đi khắp các miền đất nước để gieo rắc những bông hoa tư tưởng đẹp, những điệu hát, câu hò đượm tình dân tộc.

Soạn giả Nguyễn Phương từng cộng tác với rất nhiều đoàn hát nổi tiếng, như Ánh Sáng, Tiếng Chuông, Việt Kịch Năm Châu, Kim Thoa, Thanh Minh, Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương; từng là Trưởng ban cải lương Ban Phương Nam Đài Phát Thanh Saigòn, Trưởng ban Kịch Phương Nam Đài Truyền hình ở Miền Nam Việt Nam hồi trước năm 1975.

Soạn giả Nguyễn Phương đã viết hơn 100 vỡ tuồng cải lương, kể cả Đôi Mắt Người Xưa, Ngã Rẽ Tâm Tình, Bọt Biển, Tình Xuân Muôn Tuổi, Hoa Đồng Cỏ Nội, Người Tình Của Biển, Chuyện Tình 17, Tiền Rừng Bạc Biển, Chén Trà Của Quỹ, Bóng Chim Tăm Cá…, ông còn soạn kịch cho các Ban Kịch Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Kịch Sống Túy Hồng, Chương trình Lúc Không Giờ, và viết các truyện phim như Triệu Phú Bất Đắc Dĩ, Con Ma Nhà Họ Hứa, Chàng Ngốc Gặp Hênh, Lẽ Sống Đời Tôi, Lệnh Bà Xã.

Hồi ký Buồn Vui Đời Nghệ Sĩ

Thưa quý vị, sau khi cuốn “Ngũ Đại Gia Của Sân Khấu Cải Lương” được xuất bản ở Montreal, Canada vào năm 2000, soạn giả Nguyễn Phương hồi mùa Hè năm 2005 này vừa ra mắt thêm một tác phẩm mới của ông mang tên “Buồn Vui Đời Nghệ Sĩ”. Mời quý vị nghe tác giả tâm sự về lý do ông biên soạn cuốn sách đó:

Soạn giả Nguyễn Phương: “Viết hồi ký Buồn Vui Đời Nghệ Sĩ, tôi ghi lại những kỷ niệm của một thời mà tôi lang thang trên bước đường nghệ thuật sân khấu. Trong những kỷ niệm đó, “tôi”, “cái tôi” chỉ là một phần cá thể rất nhỏ của tôi, hoà nhập với cả một tập thể nghệ sĩ để cùng làm chứng nhân của một thời điểm mà xã hội Việt Nam còn có ý khinh bạc đối với người nghệ sĩ, xem họ như những kẻ xướng ca vô loại.

Vì vậy, trong tập hồi ký này, chuyện của các bạn nghệ sĩ đồng nghiệp của tôi chiếm một số trang quan trọng, tôi là người chứng kiến và cũng là người cùng chung số phận, cùng chia sẻ với các bạn đó những nỗi vinh, nhục của nghề hát cải lương.”

Rồi sống ở xứ lạnh tình nồng Canada, nỗi nhung nhớ ngày càng nhiều tới những bạn nghệ sĩ cũ, tới những chuyện xưa, và nhất là ánh đèn sân khấu cải lương lại càng thôi thúc tác giả hoàn tất cuốn “Buồn Vui Đời Nghệ Sĩ”.

Gồm 24 truyện ngắn

Thưa quý vị, tác phẩm này gồm 24 truyện ngắn, có liên quan đến những tập tục địa phương, những mẫu chuyện vui về các nghệ sĩ như Hùng Cường, Bạch Tuyết, Hề Thanh Việt, Bà Năm Sa đéc, kép độc Trường Xuân, kép mùi Thanh Cao, hề Tám Củi, quái kiệt Ba Vân, hề Lập, các nữ nghệ sĩ Diệu Hiền, Hồng Nga, Phượng Mai, và về chính tác giả trong những trường hợp như đi coi mắt mà “hỏng cưới được vợ”, “người trồng cây si Gia Long”.

Người nghệ sĩ vẫn giữ được cái tâm bình thản để vượt qua, để tồn tại và để toàn tâm toàn ý cống hiến nghệ thuật ca hát, góp phần làm đẹp cho đời và làm vui lòng khán giả ái mộ.

Qua lời văn mượt mà, súc tích, dí dởm và bằng những kinh nghiệm sống thực, tác giả Nguyễn Phương đã trải dài trong tác phẩm những tình cảnh cùng nỗi niềm của nghệ sĩ theo bước đường lưu diễn trong thời quê hương ly loạn.

Tác phẩm mở đầu bằng truyện “Nghệ Sĩ Trên Các Nẻo Đường Lang Thang”. Trong bối cảnh “đã sang thu…trời chiều se lạnh, tối xuống mau”, chỉ cần “đôi mắt long lanh” của con sóc sau vườn, qua ánh nến vàng, cũng đủ làm tác giả nhớ vô cùng ánh mắt của những nữ diễn viên dưới ánh đèn sân khấu ngày nào, và rồi lập tức “bao kỷ niệm của các nghệ sĩ thân thương dưới vòm trời nghệ thuật”, kể cả kỷ niệm của đêm hát mà ông cùng vợ ông lúc xa xưa đó mới gặp và yêu nhau, đã dồn dập hiện về.

Nỗi niềm ray rức ấy đã làm sâu đậm thêm tính đa cảm của nghệ nhân, khiến tác giả khó quên được ánh mắt của cô Quyên – cô vợ hụt của ông ở Cao Lãnh với “đôi mắt sáng long lanh, chân mày cong lá liễu, môi đỏ như son, nước da trắng hồng và mịn như tơ nhung, có tiếng nói rất trong, êm dịu”.

Rồi tính đa cảm ấy cũng khiến ông, khi hãy còn độc thân, đã “trồng cây si Gia Long” - yêu một cô nữ sinh Gia Long đẹp, dịu hiền vốn là bạn học của người em họ, để rồi, theo lời tác giả, “hình ảnh tà áo dài trắng thước tha như cánh chim én mang mùa xuân lại cho lòng tôi là hình ảnh duy nhất đã theo tôi suốt mấy chục năm dài phiêu bạt giang hồ”.

Qua những truyện như “Những Tập Tục Lạ Đời”, “Đào Hát Biết Hóa Phép Thần Thông”, “Nghệ Sĩ Tám Vân Bị Quỹ Ám Trên Sân Khấu”…, tác giả đã chứng kiến một thời nhiễu nhương ly loạn khi giới cải lương vốn bị coi là “xướng ca vô loại” đã bị những lãnh chúa dịa phương dùng tôn giáo để hành hạ giới mà ông than là “ăn quán ngũ đình” này.

Tuy nhiên, theo soạn giả Nguyễn Phương: “Người nghệ sĩ vẫn giữ được cái tâm bình thản để vượt qua, để tồn tại và để toàn tâm toàn ý cống hiến nghệ thuật ca hát, góp phần làm đẹp cho đời và làm vui lòng khán giả ái mộ”.

Rồi truyện đường rừng làm tăng thêm sức thu hút của tác phẩm “Buồn Vui Đời Nghệ Sĩ”, khi một nhóm trong đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, kể cả các soạn giả Nguyễn Phương, Hà Triều, Hoa Phượng, Kiên Giang Hà Huy Hà, đi tắm suối ở Tây Nguyên và phải trọ qua đêm trong một buôn bản vì mưa to. Giữa lúc nhậu nhẹt thâu đêm tại nhà ông chủ phum với những điệu tình ca Radhê buồn da diết, thì từng tràng tiếng hú của người rừng trổi lên giữa cơn mưa bão càng làm rùng rợn thêm cảnh rừng khuya âm u. Tuồng “Mưa Rừng” nổi tiếng của Hà Triều, Hoa Phượng được hình thành dựa trên bối cảnh tiếng hú rừng khuya này.

Cũng trong cảnh rợn người, “Chuyện Dị Đoan Trong Giới Nghệ Sĩ Cải Lưởng” cho thấy những bóng ma huyền bí đã khuấy phá đoàn Việt Kịch Năm Châu, và nhân “Ngày Xuân Nghệ Sĩ Đi Xem Bói”, bói quẻ Khổng Minh ở Lăng Ông Bà Chiểu đã linh ứng đối với cuộc đời của các soạn giả Nguyễn Phương, Kiên Giang và Hà Triều.

Ngòi bút dí dởm điêu luyện

Thưa quý vị, ngòi bút dí dởm điêu luyện của tác giả Nguyễn Phương cũng đem lại những đợt cười cho độc giả qua những truyện như “Trường Xuân Bị Phục Kích”, “Thanh Việt Đụng Độ Hùng Cường”, “Tám Vân Bị Quỹ Ám Trên Sân Khấu”…Nhưng thường thì đằng sau những nụ cười ấy là cả một nỗi niềm xót xa cho thân phận người nghệ sĩ.

Thận phận ấy trở nên rỏ nét hơn qua “Long Đong Kiếp Cầm Ca”, như tác giả mô tả và Gia Minh trình bày sau đây: “Người ngoài chỉ thấy khía cạnh cuộc sống tự do, phóng túng của họ, chớ ít ai biết được là cuộc đời giang hồ lảng tử của đào, kép hát đã phải chịu gian khổ…”

Hay trong “Cuộc Sống Sau Bức Màn Nhung”: “Khi cánh màn nhung khép lại, khi tuổi đời chồng chất, họ chỉ còn lại cho mình sự nghèo đói, cô đơn và sự quên lãng của người đời”.

Một điểm nổi bật trong tác phẩm “Buồn Vui Đời Nghệ Sĩ” là những câu hò đối đáp trên kênh rạch Miền Tây, qua những truyện như “Tao Ngộ Trên Sông”, “Trên Đường Phiêu Bạt, Chút Tình Lãng Mạn”. Chẳng hạn như , Hề Lòng của gánh Tiếng Chuông đã hò đáp lại một cô gái thương hồ, mà Thanh Quang xin phép thay giọng hò của Hề Lòng để hầu quý vị.

“Hò ơ…Đờn cò lên trục kêu vang, Qua còn thương bậu…bậu khoan có chồng. Muốn cho nhơn nghĩa đạo đồng Qua đây thương bậu…ờ…hơ…qua đây thương bậu hơn chồng bậu thương…”

Và cô gái của sông nước Miền Tây ấy đã hò đáp lại, xin mời Trà Mi diễn tả giúp:

“Hò ơ…em thấy anh, em cũng muốn chào, Sợ rằng chị cả…ờ…, sợ rằng chị cả dắt dao trong mình !”

Thưa quý vị, cô gái dạn dĩ và có giọng hò quyến rũ ngày nào đó không ai khác hơn là nữ danh ca Kim Anh, từng vang bóng trên sân khấu Thanh Minh.

Kiến thức chuyên môn

Cuốn “Buồn Vui Đời Nghệ Sĩ” còn tiết lộ cho độc giả một số kiến thức chuyên môn của sân khấu cải lương, liên quan kỹ thuật bay, hóa phép trên sân khấu, cũng như nghệ thuật diễn xuất làm sao như thật, chẳng hạn như diễn tả cử chỉ, điệu bộ của người điên, của người ghiền ma túy.

Qua tác phẩm này, chúng ta cũng thấy sự khổ luyện kiên trì của các nghệ nhân, và nhất là cả một khung trời sân khấu cải lương của thời xa xưa với các ngôi sao Năm Châu, Phùng Há, Bà Năm Sa Đéc, Ba Du, Ngọc Sương, Năm Nam, Văn Ngân, Tám Cao…

Trong truyện cuối của tác phẩm là “Hát Chầu Lễ Hội Kỳ Yên” và một truyện trước đó “Người Trồng Cây Si Gia Long”, độc giả khó tránh khỏi xúc động và cảm kích trước lòng yêu nước của ông chấp sự ở Vũng Tàu và ông Chấp sự tại Cần Giờ, liên quan đến vận nước và lịch sử dân tộc.

Thưa quý vị, 24 truyện ngắn trong cuốn “Buồn Vui Đời Nghệ Sĩ” cho thấy nhờ một nguồn an ủi, khích lệ vô biên mà các nghệ sĩ tiếp tục theo đuổi nghiệp tổ, cho dù họ phải mang kiếp sống rày đây mai đó với một tương lai vô định – như kiếp phiêu lưu vô định của dề lục bình trôi dật dờ trên sông nước Miền Tây.

Tác giả Nguyễn Phương trình bày về nguồn an ủi, khích lệ ấy: “Trước hết và trên hết mọi sự, người nghệ sĩ đã sống với nhau bằng một tâm hồn chân thật, tương thân tương ái. Họ biết tôn sư trọng đạo. Họ tìm vui và chia vui với nhau trong câu ca, điệu hát, trong câu hò Đồng Tháp hay trong bài ca vọng cổ Bạc Liêu.

Cái đẹp của văn chương, cái quyến rũ của làn điệu cổ nhạc dân tộc, các câu chuyện tình vẹn thủy toàn chung của các vở tuồng đã nâng cao tâm hồn người nghệ sĩ để họ chấp nhận những lao khổ nhọc nhằn về phần mình mà được đi khắp các miền đất nước để gieo rắc những bông hoa tư tưởng đẹp, những điệu hát câu hò đượm tình tự dân tộc”.

Và trong lời bạt để chia sẻ “buồn vui đời nghê sĩ”, nhà văn Hồ Trường An từ Cổ Nguyệt Đường ở Pháp Quốc nhận xét: “‘Buồn Vui Đời Nghệ Sĩ’ là một tác phẩm thuần thấm tình người, tình nước, tình yêu nghệ thuật, ngoài những giai thoại lý thú lấp lánh ánh sáng lạc quan luôn cả những vận sự cười ra nước mắt”.

Thưa quý thính giả, chương trình Cổ Nhạc xin tạm dừng ở đây. Thanh Quang cảm ơn quý vị vừa theo dõi chương trình hôm nay, và cảm ơn tác giả Nguyễn Phương đã đóng góp tác phẩm mới của ông – cuốn “Buồn Vui Đời Nghệ Sĩ” - cho chương trình này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.