Căng thẳng giữa Iran và Tây Phương đang trở nên gay gắt hơn

0:00 / 0:00

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Căng thẳng giữa Iran và Tây Phương đang trở nên gay gắt hơn, đặc biệt với sự kiện Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vừa thông qua nghị quyết cấm vận Iran, và chuyện quân đội Iran bắt giữ 15 binh sĩ của Hải Quân Hoàng Gia Anh.

Kauffman150.jpg
Bà Jennifer Kauffman. Hình do bà cung cấp.

Biên Tập Viên Nguyễn Khanh của Ðài chúng tôi đã tiếp xúc với Bà Jennifer Kauffman để đặt câu hỏi làm sao có thể giải quyết được những chuyện đang xảy ra và đang ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình chiến sự ở Iraq cũng như đến nỗ lực xây dựng hòa bình cho toàn vùng Trung Ðông.

Bà Kauffman là Giám Ðốc Ðặc Trách Báo Chí của Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Ả Rập-Hoa Kỳ, trụ sở đặt tại Washington. Trước đó, bà được biết đến với tư cách phụ tá người phát ngôn cho liên danh tranh cử Tổng Thống Gore-Lieberman.

Một vấn đề phức tạp

Nguyễn Khanh: Trước hết chúng tôi xin bắt đầu bằng chuyện Iraq. Bốn năm rồi vẫn chưa có phương thức giải quyết cuộc chiến. Tại sao vậy?

Bà Jennifer Kauffman: Tôi nghĩ tình hình Iraq là một vấn đề rất phức tạp, giải quyết chuyện này không phải là điều dễ. Chúng ta đã có mặt ở Iraq trong nhiều năm rồi, và tình thế ngày nay hoàn toàn khác biệt với tình thế trước đây khi Hoa Kỳ đưa quân vào Iraq hồi 2003.

Phúc trình của Nhóm Nghiên Cứu Iraq với các thành viên của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa trình bày rõ những đề nghị nên làm để giải quyết vấn đề đầy phực tạp này, trong đó, có điểm nói rằng để giải quyết Iraq, Hoa Kỳ nên nhìn vào bàn cờ chính trị của toàn vùng Trung Ðông. Ðây là ý kiến được thế giới ủng hộ.

Tôi nghĩ tình hình Iraq là một vấn đề rất phức tạp, giải quyết chuyện này không phải là điều dễ. Chúng ta đã có mặt ở Iraq trong nhiều năm rồi, và tình thế ngày nay hoàn toàn khác biệt với tình thế trước đây khi Hoa Kỳ đưa quân vào Iraq hồi 2003.

Nguyễn Khanh: Bà mới nói đến đề nghị của Nhóm Nghiên Cứu Iraq và bảo là Hoa Kỳ phải nhìn vào bàn cờ chính trị của toàn vùng Trung Ðông…

Bà Jennifer Kauffman: Điều đó đúng.

Nguyễn Khanh: Nhóm Nghiên Cứu Iraq đề nghị Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush nên nói chuyện trực tiếp với một số quốc gia đang nắm những yếu tố chủ chốt ở Trung Ðông, như Iran chẳng hạn. Có phải vì Tổng Thống Bush từ chối làm điều này nên tình hình rối ren hơn không?

Bà Jennifer Kauffman: Tôi cho rằng nhiều chính phủ, nhiều viện nghiên cứu -kể cả Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Ả Rập-Hoa Kỳ- và các nhà phân tích chiến lược đều tin rằng giải pháp tốt nhất vẫn là hợp tác cùng những nước khác để giải quyết bàn cờ Iraq, bất kể đó là Iran, Syria hay một nước nào khác. Ðây là điều đã từng được chính phủ Hoa Kỳ làm trước đây, và làm điều này không có nghĩa là công nhận nước Mỹ đang ở thế yếu.

Rất nhiều các nhà quan sát và ngay cá nhân tôi đều tin rằng đã đến lúc giới lãnh đạo ở Washington phải có cái nhìn bao quát hơn, thực tế hơn, thông thoáng hơn, thảo luận với các nước khác và mời họ tham gia vào việc hoạch định kế hoạch chung, chẳng hạn như với Iran hay với các nước đang giữ vị thế quan trọng trong vùng.

Phải làm như thế mới giải quyết được căng thẳng đang xảy ra. Ngay cả Quốc Hội Mỹ cũng vậy, cũng phải thông thoáng hơn khi bàn tính về tình hình Trung Ðông.

Iraq và Trung Đông

Nguyễn Khanh: Theo tôi hiểu thì giới hoạch định chính sách ở Washington cũng hiểu là không có hòa bình ở Iraq đồng nghĩa với không có hòa bình ở Trung Ðông…

Bà Jennifer Kauffman: Tôi không nghĩ là phải bắt buộc có hòa bình ở Iraq rồi mới có hòa bình ở Trung Ðông.

Tôi không nghĩ là phải bắt buộc có hòa bình ở Iraq rồi mới có hòa bình ở Trung Ðông. Theo quan điểm của rất nhiều người, hòa bình Trung Ðông có thể đến trước nếu Washington mở rộng liên hệ với các nước trong khu vực, vì liên hệ tốt giữa Hoa Kỳ với thế giới Ả Rập sẽ đem đến kết quả hay hơn, ngay cả căng thẳng đang xảy ra giữa Do Thái và Palestine cũng sẽ mất dần đi, và từ đó, tình hình của khu vực sẽ thay đổi.

Theo quan điểm của rất nhiều người, hòa bình Trung Ðông có thể đến trước nếu Washington mở rộng liên hệ với các nước trong khu vực, vì liên hệ tốt giữa Hoa Kỳ với thế giới Ả Rập sẽ đem đến kết quả hay hơn, ngay cả căng thẳng đang xảy ra giữa Do Thái và Palestine cũng sẽ mất dần đi, và từ đó, tình hình của khu vực sẽ thay đổi.

Ðã đến lúc chúng ta phải công nhận rằng tình hình Iraq bất ổn vì cuộc chiến do Hoa Kỳ khởi xướng, và điều rõ ràng nhất là đang có nhiều phần tử trước đây không hề xuất hiện ở Iraq thì bây giờ họ lại hiện diện ở Iraq cũng chỉ vì cuộc chiến. Ðiều đó cho thấy trở ngại không phải chỉ ở Iraq mà ở một bình diện rộng lớn hơn nhiều. Vì thế nếu muốn giải quyết thì chính chúng ta cũng phải có một các nhìn bao quát hơn.

Nguyễn Khanh: Tôi nắm bắt được ý của Bà, nhưng xin hỏi là liệu thế giới Ả Rập có tin vào thiện chí của Hoa Kỳ hay không? Các nước trong khu vực và ngay cả người dân nữa, có xem Hoa Kỳ là một người bạn hay không?

Bà Jennifer Kauffman: Điều thú vị là một cuộc thăm dò vừa mới được thực hiện cho thấy người dân Iraq một nửa tin vào Mỹ, một nửa không. Tôi không xem kỹ là những người Iraq được hỏi ý kiến thuộc thành phần nào, nhưng vẫn có thể nói là dường như họ không đặt hẳn niềm tin vào nước Mỹ, cũng như không đặt trọn niềm tin vào ngay chính phủ của họ.

Tôi nghĩ rằng mức độ tin tưởng vào nước Mỹ có thể tăng, nếu chúng ta có một kế hoạch hành động toàn diện cho cả vùng Trung Ðông, kể cả chuyện chấp nhận bị chỉ trích về chính sách đã từng áp dụng, như chính sách giải quyết vấn đề Do Thái và Palestine chẳng hạn. Ðiều đó có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận thử thách, để nếu cần, làm lại từ đầu, hoặc làm mới hơn, đưa ra những phương thức hành động mới hơn.

Phương thức hành động mới

Nguyễn Khanh: Bà có thể cho một vài thí dụ về phương thức hành động mới mà Hoa Kỳ nên làm để giải quyết tình trạng Trung Ðông được không?

Bà Jennifer Kauffman: Có rất nhiều cách. Thí dụ như hiện giờ Hoa Kỳ không muốn nói chuyện với Palestine chẳng hạn, trong khi như tôi đã trình bày ở phần đầu của buổi nói chuyện là đã đến lúc Washington phải tiến hành kế hoạch hợp tác chung với những nước khác trong khu vực, kể cả những nước chúng ta không đồng ý với họ.

Làm như thế, chúng ta có thể tìm thấy những giải pháp để giải quyết không chỉ cho vấn đề Iraq, cho vấn đề Iran, mà cho cả nền hòa bình Trung Ðông.

Nguyễn Khanh: Bà Ngoại Trưởng Mỹ Condoleezza Rice hiện đang có mặt ở Trung Ðông để vận động hòa bình. Bà có ý kiến gì?

Bà Jennifer Kauffman: Không phải chỉ có một mình Bà Rice, mà rất nhiều nhà hoạch định chính trị của Mỹ vẫn chưa đồng ý thực hiện các đề nghị do Nhóm Nghiên Cứu Iraq đưa ra. Ðã đến lúc Chính Phủ Mỹ phải làm điều này, nếu muốn thấy thành quả tốt.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Bà Kauffman.