Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Ðiểm nóng của thế giới hiện nay là Iran, sau khi nhà cầm quyền Hồi giáo bảo thủ Trung Ðông quyết định tiếp tục chương trình hạt nhân, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Từ hôm qua, Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế đã nhóm phiên họp kín tại Geneva, để thảo luận về đề nghị đưa Iran ra trước Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và theo các nguồn tin ngoại giao, nội trong ngày hôm nay các nước thành viên sẽ bỏ phiếu tán thành bản nghị quyết do EU soạn thảo, trong đó có đoạn viết rằng các hoạt động hạt nhân mà chính phủ Iran cho thực hiện không hoàn toàn nhắm vào mục đích phụng sự cho hòa bình.

Cho đến bây giờ, chính quyền Tehran vẫn lên tiếng nói sẽ tiếp tục các kế hoạch đã đề ra và mới đây còn lên tiếng dọa không cho các đoàn thanh tra của Liên Hiệp Quốc đến làm việc.
Trước vấn đề đang gây sôi nổi chính trường thế giới, Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do chúng tôi đã phỏng vấn Bà Danielle Pletka và gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Câu Chuyện Thời Sự Tuần Này.
Bà Danielle Pletka hiện là Phó Chủ Tịch Viện AEI, một viện nghiên cứu quy tụ nhiều chính trị gia thuộc Ðảng Cộng Hòa, và được giới quan sát xem là có nhiều ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách của Hoa Kỳ.
Hỏi: Nếu tôi nhớ không lầm thì cách đây chẳng bao lâu, Chính Phủ Hoa Kỳ từng mở rộng vòng tay đón chính quyền Iran. Bây giờ tình thế đã hoàn toàn đổi khác. Tại sao vậy?
Bà Danielle Pletka: Trước hết, chính sách mở rộng vòng tay với chính quyền Iran mà ông vừa nói đến được thực hiện ở giai đoạn cuối của Chính Phủ Clinton. Lúc đó, Hoa Kỳ muốn bắt mối quan hệ với nhân dân và với chính phủ Iran.
Nhà cầm quyền Iran từ chối thiện chí của Washington, và chính phủ được coi là có tư tưởng cấp tiến do Tổng Thống Khatami lãnh đạo không còn nắm quyền nữa.
Sau đó biến cố 11 tháng 9, 2001 xảy ra, Iran tiếp tục liên hệ chặt chẽ với bọn khủng bố Al-queda. Tất cả những điều tôi vừa nói đều có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của nước Mỹ và của thế giới.
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an?
Hỏi: Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế đã nhóm phiên họp đặc biệt ở Geneva, chuyện đưa Iran ra trước Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là chuyện đương nhiên sẽ xảy ra. Chúng ta mong đợi gì ở Hội Ðồng Bảo An?
Bà Danielle Pletka: Tôi nghĩ rằng vào tháng Ba tới đây, Hội Ðồng Bảo An sẽ thảo luận về vấn đề Iran, theo đúng với nghị quyết mà Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế thông qua. Hội Ðồng Bảo An sẽ bày tỏ mối quan tâm trước sự kiện Iran tái tục chương trình hạt nhân, và đòi hỏi nhà cầm quyền Iran ngay tức khắc phải đình chỉ các hoạt động.
Hỏi: Chỉ bày tỏ quan tâm thôi sao? Chuyện thì lớn, bao nhiêu Chính Phủ nhảy vào, Hoa Kỳ, EU chẳng hạn. Liệu như vậy có đủ không?
Bà Danielle Pletka: Tôi dự đoán biện pháp đầu tiên mà Hội Ðồng Bảo An đưa ra sẽ rất chừng mực…
Hỏi: không chế tài, không cấm vận?
Bà Danielle Pletka: Hội Ðồng Bảo An không vội đưa ra các biện pháp chế tài, cấm vận với Iran, tức là vẫn nằm trong khuôn khổ các nghị quyết đã được Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế thông qua.
Những tuyên bố của Tổng thống Iran
Hỏi: Nếu Bà cho phép, câu hỏi kế tiếp tôi muốn đặt ra liên quan đến những lời tuyên bố của Tổng Thống Iran. Ông ta bảo là phải xóa tên Do Thái trên bản đồ thế giới, không bao giờ nhượng bộ áp lục của thế giới.
Theo Bà, ông ta có thật sự nghĩ như vậy không, hay chỉ là những lời tuyên bố thiếu suy nghĩ?
Bà Danielle Pletka: Ðương nhiên ông ta nghĩ như vậy chứ!!! Chúng ta không bao giờ làm công việc thừa thãi là ngồi suy nghĩ xem ông ta có đe dọa mình thật hay không.
Tất cả mọi quốc gia đều có chung một trách nhiệm là phải chọn người lãnh đạo xứng đáng và có trách nhiệm.
Nếu họ không muốn chọn người xứng đáng, không muốn chọn người có trách nhiệm để lãnh đạo thì kết quả cuối cùng là họ phải trả cái giá cho điều họ đã làm thôi.
Chúng ta không rảnh rỗi để hỏi họ là thế các ông có muốn chế tạo võ khí hạt nhân không? Thế các ông có đe dọa an ninh, hòa bình của thế giới không? Chúng ta không có thì giờ để làm những chuyện vô ích đó.
Quan điểm của Hoa Kỳ
Hỏi: Cách đây vài ngày, trong bản thông điệp hàng năm đọc trước Quốc Hội Liên Bang, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đã đưa ra lời nhắn gửi trực tiếp với những người dân Iran yêu chuộng tự do, dân chủ.
Trong một bản thông điệp đọc cách đây vài năm, Tổng Thống Bush cũng nói nước Mỹ đứng đằng sau những người đang bị đàn áp. Liệu người dân Iran có nghe được những lời hứa hẹn của nhà lãnh đạo nước Mỹ không?
Bà Danielle Pletka: Chắc chắn người dân Iran nghe được thông điệp mà Tổng Thống Hoa Kỳ gửi cho họ. Nếu ông vào những trang web của người Iran yêu chuộng tự do, nếu ông đọc những thư e-mail mà người dân Iran gửi từ trong nước ra, ông sẽ thấy điều đó.
Ông sẽ thấy người dân Iran biết Tổng Thống Mỹ và các nhà lãnh đạo những nước khác nhắn gửi gì với họ, ông sẽ thấy người dân Iran biết là hy vọng đang đến với họ, và những điều đó giúp họ thêm can đảm. Dĩ nhiên, thế giới tự do, dân chủ vẫn có thể làm được nhiều hơn nữa cho nhân dân Iran.
Hỏi: Cách đây chẳng bao lâu khi mở cuộc chiến đánh Iraq, Tổng Thống Hoa Kỳ tuyên bố là Baghdad có võ khí với sức giết người hàng loạt, và bây giờ ai cũng biết cáo buộc đó không đúng. Bây giờ với Iran, có dư luận cho rằng chuyện tương tự đang xảy ra, Hoa Kỳ báo động với thế giới là Iran đang âm mưu chế tạo võ khí hạt nhân và chẳng ai biết thật sự đúng sai như thế nào. Bà nghĩ gì về điều này?
Bà Danielle Pletka: Tổng Thống Hoa Kỳ là người có trách nhiệm bảo vệ nhân dân Mỹ, có trách nhiệm bảo vệ các đồng minh của mình. Mặc dù đang rất bận rộn với Iraq, nhưng không có nghĩa là Washington sẽ làm ngơ, để mặc cho Iran muốn làm gì thì làm.
Iran hay bất kỳ một quốc gia nào đe dọa nước Mỹ, đe dọa đồng minh của Mỹ, có ý tưởng chế tạo võ khí hạt nhân để gây bất ổn cho an ninh toàn cầu, có liên hệ chặt chẽ với bọn khủng bố hoặc đàn áp, không cho người dân nước họ được hưởng tự do, quốc gia đó sẽ là kẻ thù của nước Mỹ và của nhân dân Mỹ.
Giải pháp quân sự?
Hỏi: Bà nghĩ sao khi chính một số nhà quan sát cũng nói rằng Washington đang quá bận rộn ở Iraq?
Bà Danielle Pletka: Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm ở Iraq. Iraq vẫn cần chúng ta giúp đỡ , Iraq vẫn cần một lực lượng quân sự Mỹ khá lớn để giúp xây dựng ổn định, nhưng điều đó không có nghĩa là nhà cầm quyền Iran được quyền tự do, tha hồ muốn làm gì thì làm.
Nước Mỹ có khả năng để đối phó với 2 biến cố, 2 đối phương cùng một lúc, và nếu cần thiết, cũng có thể đồng thời đối phó với 3 kẻ địch.
Hỏi: Kể cả bằng giải pháp quân sự?
Bà Danielle Pletka: Ðiều tất cả chúng ta cần phải nhớ, phải biết là đoạn đường trước mặt còn dài, vẫn còn nhiều cơ hội để giải quyết vấn đề Iran. Nếu đến phút chót, tất cả mọi giải pháp đều không đem lại kết quả, lúc đó, giải pháp quân sự có thể sẽ được sử dụng.
Và tôi báo trước: nếu điều này xảy ra, nhà cầm quyền Iran sẽ biết ai là người chiến thắng.
Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Bà Pletka.