Nguyễn Bình, đặc phái viên đài RFA
Cuộc bầu cử tự do ở Cambodia đã được phái đoàn Iraq từ Trung Đông đến quan sát và học hỏi kinh nghiệm. Phóng viên Nguyễn Bình từ Cambodia có bài tường trình về sự việc này như sau.

Một phái đoàn gồm 10 vị lãnh đạo cao cấp của các chính đảng Iraq đến Cambodia vào ngày 25 tháng 3 vừa qua, để tham gia giám sát cuộc bầu cử xã phường tại nước này vào ngày 01 tháng Tư tới.
Ông Fikret Abdul Majeed, một thành viên trong phái đoàn nói với báo chí rằng phái đoàn của ông bao gồm nhiều lãnh đạo của các đảng phái Iraq, xuất thân từ các sắc tộc khác nhau, như người Iraq, người Kurd, người Assyrian và người Turkmen.
Các ông đến Cambodia để quan sát cuộc bầu cử xã phường, và học hỏi kinh nghiệm từ nước này để áp dụng cho cuộc bầu cử ở Iraq.
Được biết, Cambodia có cuộc bầu cử tự do dưới sự giám sát của quốc từ năm 1993, còn Iraq có cuộc bầu cử tương tự như Cambodia bắt đầu từ năm 2005, sau khi chế độ ông Sadam Hussein bị lật đổ.
Ông Majeed cho biết cuộc bầu cử tự do lần đầu tiên ở Iraq có bạo động gây thiệt mạng cho nhiều người vì lực lượng ninh lúc ấy còn non yếu.
Cambodia là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á tiếp nhận phái đoàn Iraq đến giám sát cuộc bầu cử.
Vào ngày 26 tháng 3 vừa qua, phái đoàn Iraq có cuộc gặp gỡ với Ủy ban bầu cử quốc gia Cambodia, tổ chức giám sát bầu cử Comfrel, lãnh đạo đảng nhân dân Cambodia và đại sứ quán Hoa Kỳ.
Sau vài ngày chứng kiến chiến dịch vận động tranh cử của các chính đảng ở Cambodia, ông Majeed đánh giá sơ bộ rằng tình hình ở đây tương đối tốt. Trong quá trình vận động tranh cử không có bạo lực xảy ra. Nếu so với Iraq, thì tình hình an ninh ở đây tốt hơn.
Công việc sắp tới đối Iraq là tiếp tục giữ vững an ninh để cho mọi người dân được tham gia bầu cử một cách tự do, không bị khống chế về tinh thần.
Ông Kol Pannha, giám đốc tổ chức giám sát bầu cử Comfrel, sau khi tiếp xúc với phái đoàn Iraq nói rằng sự hiển diện của phái đoàn này và các quan sát viên quốc tế khác rất cần thiết cho tiến trình dân chủ ở Cambodia.
Họ sẽ có ý kiến nếu thấy những khiếm khuyết trong khâu tổ chức bầu cử, hoặc thấy vấn đề gì thiếu minh bạch.
Theo báo cáo của tổ chức Comfrel, trong cuộc bầu cử xã phường lần thứ 2 ở Cambodia vào đầu tháng Tư tới, số lượng quan sát viên quốc tế có phần giảm xuống so với cuộc bầu cử trước vì thiếu nguồn kinh phí tài trợ.
Tuy nhiên, ông Kol Pannha cho rằng các quan sát viên trong nước và giới truyền thông cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình dân chủ ở nước này.
Được biết, trong cuộc bầu cử xã phường ở Cambodia lần này, ngoài quan sát viên quốc tế đến từ Iraq, còn có 10 quan sát viên quốc tế đến từ Nhật Bản.