Cuộc chiến Iraq đang bước sang một giai đoạn mới?


2007.01.29

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Có những dấu hiệu cho thấy cuộc chiến Iraq đang bước sang một giai đoạn mới, khi các binh sĩ nước này đảm nhận trách nhiệm bảo vệ an ninh lãnh thổ của họ một cách tích cực hơn, thay vì trông chờ vào quân đội Hoa Kỳ và đồng minh. Từ Washington, Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ chúng tôi có tường trình sau đây.

Đụng độ dữ dội ở Najab

Các viên chức quân sự Iraq cho biết đã phá vỡ âm mưu định giết hại những người Hồi Giáo Shiite, bắn hạ được 300 dân quân thuộc lực lượng nổi dậy và bắt giữ 20 người khác, trong những vụ chạm súng xảy ra ở thành phố Najab giữa quân đội chính phủ và các phần tử khủng bố.

Cho đến trưa ngày hôm nay, tiếng súng vẫn còn nổ lẻ tẻ ở thành phố vừa nói, nhưng tin tức cho biết quân đội Iraq với sự yểm trợ của các binh sĩ và không quân Hoa Kỳ đã thật sự làm chủ chiến trường.

Một viên chức của Najab cũng cho biết trong số những người bị binh sĩ Iraq bắn hạ hay bắt sống, có cả những người mang quốc tịch Afghanistan hoặc Ả Rập Xê Út, từ bên ngoài đột nhập vào Iraq để hoạt động với bọn phá hoại, được nói là thuộc thành phần ủng hộ chế độ cũ.

Các bản tin được gửi từ chiến trường viết rằng binh sĩ Iraq tịch thu được rất nhiều võ khí của phiến quân, và đang tiếp tục lục soát để tìm những kẻ trốn chạy.

Giới chức quốc phòng Hoa Kỳ cho hay đây là lần đầu tiên, một trận chiến quy mô được thực hiện bởi quân đội Iraq với sự yểm trợ của các binh sĩ Hoa Kỳ, và nằm trong kế hoạch trao dần trách nhiệm bảo vệ an ninh lãnh thổ cho những lực lượng quân sự địa phương, thay thế cho trách nhiệm từ trước tới giờ các binh sĩ Mỹ đang phải đảm nhận.

Tranh luận tại Washington

Tin tức về trận chiến Najaf được phổ biến trong lúc ở Washington, cuộc tranh luận liên hệ đến kế hoạch đưa thêm 21,500 quân vào Iraq mà Tổng Thống George W. Bush loan báo cách đây gần 2 tuần lễ vẫn là đề tài gây sôi nổi.

Hôm qua, Bà Thượng Nghị Sĩ Hillary Clinton, một ứng viên cho chức vụ Tổng Thống nói rằng ông Bush là người mở cuộc chiến Iraq, và cũng chính ông Bush là người có trách nhiệm phải kết thúc cuộc chiến trước khi rời Nhà Trắng, thay vì để lại những khó khăn cho người kế nhiệm giải quyết.

Nhưng theo Thượng Nghị Sĩ độc lập Joe Liberman, trách nhiệm giải quyết không nằm trong tay của riêng bất kỳ ai mà là trách nhiệm chung của mọi người. Ông Lieberman nói rằng các phần tử Hồi Giáo quá khích ở Iraq thù ghét tất cả mọi người Mỹ, bất kể người đó thuộc đảng phái nào.

Trong tuần này, các vị dân cử Cộng Hòa và Dân Chủ ở Thượng Viện sẽ chính thức thảo luận về bản nghị quyết phản đối quyết định của Tổng Thống Bush. Tin hành lang quốc hội cho thấy các Nghị Sĩ thuộc đảng Dân Chủ sẽ bỏ phiếu tán thành nghị quyết, trong khi các vị Nghị Sĩ của đảng Cộng Hòa sẽ bỏ phiếu không ủng hộ.

Nguyễn Khanh tường trình từ Washington.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.