Đã đến lúc chôn ông Lê Nin hay chưa ?

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Từ ngày Liên Xô sụp đổ hồi năm 1991 cho đến nay tại Nga năm nào cũng rộ lên câu hỏi là đã chôn Lê Nin được chưa ? Năm nay, gần ngày kỷ niệm Liên Xô tan rã, câu hỏi đó trở lại và được nhiều ý kiến đồng tình hơn. Lê Dân tìm hiểu và lược thuật như sau.

LeninRedSquare200b.jpg
Những người ủng hộ mang tấm hình ông Lê Nin đến Quảng trường Ðỏ ở Moscow hôm 21-1-2005. AFP PHOTO

Ba nhà lãnh đạo Nga sau thời Liên Xô đều có chung ý nghĩ là cần cho Lê Nin, sau 80 nằm phơi bày ở Quảng trường Đỏ, được xuống mồ theo chủ nghĩa cộng sản của ông.

Tổng thống Mikhail Gorbachev do chưa muốn hành động ngay, nên dù đồng ý nhưng đã cảnh giác điện Kremli là chớ nên nóng vội. Tổng thống Vladimir Putin hiện tại thì đã đồng ý, cho là việc cần làm, nhưng lại không muốn gây chia rẽ trong nước. Chỉ còn Tổng thống Boris Yeltsin là kiên quyết nhưng gặp sự chống đối mạnh mẽ từ các thành phần cũ nên phải cho đình hoãn việc chôn cất, mà chỉ ra lệnh giải tán đội vệ binh danh dự hàng ngày cung kính canh xác ướp Lê Nin.

Gần đây nhất, mới hồi cuối tháng Chín, cố vấn cao cấp của Tổng thống Putin là ông Georgy Poltavchenko, nói trong một cuộc họp báo rằng Nga đã bị lôi cuốn vào quá nhiều xung đột mà chỉ có vài người là bị quy trách nhiệm mà thôi. Ông cho là không công bình khi một kẻ gây ra chuyện đó mà lại còn nằm ngay giữa lòng đất nước gần điện Kremli.

Hồi tuần qua, nhận xét đó được tỉnh trưởng Saint Petersburg là bà Valentina Matviyenko lập lại. Hãng tin Itar-Tass tường thuật là bà cho rằng cần chôn Lê Nin ngay đi vì Nga không phải là nước Ai Cập cổ mà còn lệ giữ xác ướp.

Trong thời đại tân tiến hiện nay ngoài Lê Nin ra chỉ còn 3 xác ướp trên thế giới là Mao Trạch Đông của Trung Quốc, Hồ Chí Minh của Việt Nam và Kim Nhật Thành của Bắc Hàn.

Cuộc đời của nhiều người đã gắn liền với tên tuổi của Lê Nin rồi. Bây giờ đem ông ta đi chôn, thì cũng có nghĩa là cuộc đời dài dẵng và sự nghiệp của những người đó không có giá trị gì

Trả lời câu hỏi là có nhiều người vào thăm lăng Lê Nin hay không, một người Việt làm nghiên cứu sinh tại Moscow nhiều năm trước và đã trở thành công dân Nga, cho chúng tôi biết: "Số người vào đấy thì rất ít, tính ra cũng chỉ khoảng từ 10 đến 15% thôi..." Trong cuộc thăm dò do Trung tâm Phân tích Yuri Levada ở thủ đô Nga thực hiện bằng cách phỏng vấn 1,600 người thành niên từ ngày 14 đến 17 tháng 10 vừa qua, có 40% người trả lời vẫn muốn xác Lê Nin được trưng bày tại Quảng trường Đỏ như suốt 80 năm qua. Tuy nhiên lại có 36% cho rằng nên chôn ông tại nghĩa trang Volkovo ở St. Petersburg, 15% khác cho là nên chôn ông ở tường thành điện Kremli cùng với các nhân vật cộng sản danh tiếng khác.

Đạo diễn Nikita Mikhalov, chủ tịch Sáng hội Văn hóa Nga, cho biết công quỹ tiêu tốn hàng năm rất nhiều để bảo quản xác ướp Lê Nin, được dùng như biểu tượng của một loại giáo phái. Đáng lý ra, con số nhiều triệu rúp mỗi năm đó có thể xây dựng và điều hành nhiều trường học và bệnh viện cho dân chúng.

Trong thực tế, trước khi qua đời ở tuổi 53, bản thân ông Lê Nin có ngỏ ý được chôn cất gần phần mộ của mẹ ông. Người bạn Nga gốc Việt ở Moscow cho biết: "Thì hãy làm theo cái ý của ông ta. Cái việc đấy nó cũng đúng thôi. Để cho nó đỡ tốn kém những cái không cần thiết. Theo tôi là như thế."

Dân biểu Ấn Độ Rajya Sabha từng du học tại Liên Xô khi hai nước còn nồng ấm trong thời chiến tranh lạnh, viết rằng ngoài việc muốn được chôn gần mẹ, ông Lê Nin còn dặn là không muốn xây đài, bệ tưởng niệm nào. Thế nhưng các người lãnh đạo Liên Xô kế vị lại thấy khác. Họ cho là trưng bày và xưng tụng ông như một loại thần thánh đầy huyền thoại thì sẽ có lợi cho họ hơn. Được làm học trò, làm kẻ kế thừa một đấng lãnh tụ vĩ đại, thì họ cũng có phần nào "vĩ đại".

Đó là chuyện 80 năm trước. Còn bây giờ, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố hồi năm 2001 rằng ông chưa muốn dời xác ướp Lê Nin ra khỏi Quảng trường Đỏ vì không muốn khuấy động dư luận đang chia rẽ vì nhiều chuyện khác ở trong nước.

Ông Putin nhấn mạnh rằng "cuộc đời của nhiều người đã gắn liền với tên tuổi của Lê Nin rồi. Bây giờ đem ông ta đi chôn, thì cũng có nghĩa là cuộc đời dài dẵng và sự nghiệp của những người đó không có giá trị gì".

Dưới thời Tổng thống Putin, nước Nga đã lôi ra sử dụng bản Quốc ca thời Xô Viết với vài lời ca thay đổi, họ lại dùng cờ đỏ thời Liên Xô làm Quân kỳ. Ông Putin đã bác bỏ những sự chỉ trích là muốn quay lại thời tòan trị cũ, ông cho rằng việc dùng lại các hình tượng cũ là nhằm giảm bớt sự chia rẽ sâu xa trong xã hội hiện nay tại Nga mà thôi.

LeninVietnam150.jpg
Công viên Lê nin ở Hà Nội. AFP PHOTO

Dấu hiệu có thể thay đổi về xác ướp ông Lê Nin là trong cuộc diễu binh mới đây tại Quảng trường Đỏ, một khán đài lớn đã được bố trí che khuất lăng mộ Lê Nin, là điều chưa hề xảy ra trong hơn 80 năm qua tại Moscow.

Người bạn Nga gốc Việt tại thủ đô Moscow cho biết ông chưa hề vào viếng lăng Lê Nin, những người vào xem phần nhiều là do tò mò, muốn xem một trong bốn xác ướp thời hiện đại trên thế giới.

Ông nói: "Do cái sự hiếu kỳ. Sự hiếu kỳ của nhiều người...kể cả của những người Nga nữa, kể cả của người nước ngoài. Họ đâu nghĩ là làm được cái việc đấy thì chi phí rất là nhiều..."

Vấn đề là dùng công quỹ để chi tiêu vào việc hàng năm rước đoàn chuyên gia nước ngoài đến bảo quản xác ướp, may mặc và trang điểm, máy lạnh chạy quanh năm và hàng đại đội vệ binh canh gác...tất cả tốn nhiều triệu đôla, trong khi ngân khoản đó tại một nước nghèo có thể xây hàng trăm trường học, hàng chục nhà thương, thì việc đó có nên duy trì mãi hay không ?