Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Thứ Hai tới đây, đoàn đại diện cho Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ gặp nhau ở Hà Nội, tiếp tục cuộc đàm phán liên quan đến tiến trình gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO của Việt Nam.

Tạp chí Câu chuyện Thời sự Tuần này xin được gửi đến quý thính giả cuộc phỏng vấn giữa Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do chúng tôi với ông Ernest Bower, Chủ Tịch Ðồng Sáng Lập Công Ty Tư Vấn BrooksBower Asia. Ông Bower trước đây từng làm Chủ Tịch Ðiều Hành Hội Ðồng Thương Mại Hoa Kỳ-ASEAN, và là một người rất am tường về mối quan hệ giữa Washington và Hà Nội.
Nguyễn Khanh: Cuộc đàm phán WTO giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang ở trong giai đoạn mà nhiều người gọi là giai đoạn rất nghiêm trọng. Theo ông, mức độ nghiêm trọng đó như thế nào?
Ô. Ernest Bower: Tôi cho rằng cuộc đàm phán đang ở trong giai đoạn rất quan trọng. Quan trọng ở chỗ hai bên phải đi đến thỏa thuận để Việt Nam có thể gia nhập WTO ngay những tháng đầu năm nay.
Muốn làm được điều đó, các nhà đàm phán của cả hai bên phải làm việc tích cực hơn, vòng đàm phán phải đạt được tiến bộ.
Sẽ đạt được thỏa thuận?
Nguyễn Khanh: Phải chăng ông muốn nói sau khi vòng đàm phán sắp diễn ra ở Hà Nội kết thúc, chúng ta sẽ biết liệu Việt Nam có triển vọng gia nhập WTO trong năm 2006 hay không?
Ô. Ernest Bower: Không. Sau vòng đàm phán ở Hà Nội tuần tới, chúng ta vẫn chưa biết được điều đó. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải để ý đến những ngôn từ mà hai bên sẽ sử dụng sau khi cuộc đàm phán kết thúc.
Nếu những ngôn từ này hàm chứa ý nghĩa là có những tiến bộ tốt thì sau đó, Washington sẽ đẩy mạnh công tác hoàn tất những chuyện còn lại để Việt Nam có thể gia nhập WTO ngay trong 6 tháng đầu năm nay.
Nguyễn Khanh: Ông không nghĩ rằng sau cuộc đàm phán lần này, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ đạt được thỏa thuận?

Ô. Ernest Bower: Tôi nghĩ rằng sau khi cuộc gặp gỡ ở Hà Nội kết thúc, cả hai đoàn đàm phán phải chờ hướng dẫn, quyết định chính trị của Chính Phủ, của lãnh đạo và điều hiển nhiên là yếu tố quyết định nằm ở phía Mỹ.
Washington sẽ phải đánh giá xem Việt Nam đã đạt tiến bộ tới đâu ở các lãnh vực như tài chánh, ngân hàng, Việt Nam đã làm những gì trước đòi hỏi phải bảo vệ tác quyền.
Nếu những thành quả mà Việt Nam đạt được được đánh giá cao, lúc đó đoàn đàm phán Mỹ sẽ được hậu thuẫn về chính trị để hoàn tất cuộc thương thuyết, và Việt Nam sẽ gia nhập WTO.
Nguyễn Khanh: Ðiều ông mới nói làm tôi nhớ lại là các giới chức của Việt Nam tuyên bố rằng quyết định để Việt Nam gia nhập WTO không nằm ở Hà Nội, mà ở Washington. Ông có đồng ý với tuyên bố như thế không?
Ô. Ernest Bower: Việt Nam đã bày tỏ rõ cho mọi người thấy là họ muốn hoàn tất cuộc thương thuyết với Hoa Kỳ, họ muốn trở thành hội viên của WTO. Liệu Việt Nam có thể đáp ứng được những điều kiện quan trọng mà Hoa Kỳ đặt ra hay không, chính là câu hỏi mà Việt Nam phải trả lời.
Hoa Kỳ muốn có những cam kết rõ ràng trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Có nhiều điều Việt Nam phải làm, và sau đó, đến lượt Hoa Kỳ phải thực hiện chuyện chúng ta thường hay nói là lời nói phải đi đôi với việc làm, tức là chính thức hỗ trợ cho Việt Nam gia nhập WTO.
Có nhiều điều Việt Nam phải làm, và sau đó, đến lượt Hoa Kỳ phải thực hiện chuyện chúng ta thường hay nói là lời nói phải đi đôi với việc làm, tức là chính thức hỗ trợ cho Việt Nam gia nhập WTO.
Ảnh hưởng của năm bầu cử
Nguyễn Khanh Một số nhà quan sát ngay ở Washington nói với tôi rằng đừng quên năm nay là năm bầu cử ở nước Mỹ, và nếu Việt Nam không hoàn tất đàm phán với Hoa Kỳ trong 6 tháng đầu năm nay thì có nói là Việt Nam đừng mong gia nhập WTO trong năm 2006. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ô. Ernest Bower: Ông vừa nêu ra một điểm rất quan trọng. Chúng ta không thể coi nhẹ ảnh hưởng bầu cử ở nước Mỹ được, nhất là vào những năm có bầu cử như năm nay.
Tôi còn e ngại rằng Việt Nam không hoàn tất đàm phán với Hoa Kỳ nội trong tháng Giêng này, thì sẽ không có đủ thì giờ để thông qua những thủ tục cần thiết khác ở chính trường Hoa Kỳ, chẳng hạn như Quốc Hội Liên Bang còn phải đưa vào nghị trình để thảo luận trước khi bỏ phiếu chấp thuận cho Việt Nam hưởng quy chế quan hệ mậu dịch bình thường.
Nguyễn Khanh: Giả sử cuộc đàm phán không gặt hái được kết quả như mong muốn, lúc đó, theo ông chuyện gì sẽ xảy ra?
Ô. Ernest Bower: Nếu điều không may này xảy ra, tôi e rằng Việt Nam lại phải đợi ít nhất một năm hay một năm rưỡi nữa mới trở thành thành viên của WTO.
Nguyễn Khanh: Nhưng đến bây giờ, ông vẫn tin tưởng mạnh mẽ là nội trong năm nay Việt Nam sẽ gia nhập WTO?
Ô. Ernest Bower: Tôi tin rằng đây là thời điểm thuận lợi nhất. Ðã đến lúc Việt Nam phải quyết định có đồng ý với những điều kiện mà các nhà đàm phán Mỹ sẽ đặt ra ở Hà Nội vào đầu tuần tới hay không.
Nếu Việt Nam sẵn sàng giải quyết những đòi hỏi đó, và tôi luôn nghĩ rằng Việt Nam sẽ đồng ý, thì trong năm nay Việt Nam sẽ là thành viên của WTO. Tôi tin điều này sẽ xảy ra.
Hoa Kỳ hài lòng về các quan hệ với VN
Nguyễn Khanh: Tôi để ý thấy Washington loan báo mở vòng đàm phán mới với Việt Nam, ông Phụ Tá Ngoại Trưởng Christopher Hill cũng mới đến thăm Hà Nội vào đúng thời điểm Hội Nghị Trung Ương của Ðảng Cộng Sản Việt Nam diễn ra. Tại sao lại có sự trùng hợp lạ lùng như vậy?
Ô. Ernest Bower: Nói thật với ông, theo tôi hiểu thì đây chỉ là sự trùng hợp không định trước. Ðã đến lúc hai đoàn đàm phán Việt-Mỹ ngồi lại với nhau để giải quyết những tồn đọng.
Nhưng rõ ràng đây là sự trùng hợp đầy thú vị, xảy ra cùng một lúc ở Hà Nội, từ các cuộc thảo luận chính trị giữa hai nước, cuộc đàm phán WTO giữa hai nước, cho đến hội nghị trung ương. Nhưng biết đâu chừng, những chuyện này ảnh hưởng lẫn nhau.
Nguyễn Khanh: Ông không nghĩ là Washington muốn gửi một thông điệp đến giới lãnh đạo Hà Nội là chúng tôi có mặt tại đây để ủng hộ các bạn sao?
Ô. Ernest Bower: Không. Tôi cho rằng Hoa Kỳ hài lòng về mối quan hệ đang có với Việt Nam. Năm ngoái Thủ Tướng Phan Văn Khải của Việt Nam cũng đã thành công khi ông ghé thăm nước Mỹ.
Tôi cũng nghĩ phía Hoa Kỳ thấy không vội vã phải hoàn tất đàm phán WTO với Việt Nam, trong khi vì nhu cầu thương mại, kinh tế, vì nhu cầu phát triển, Việt Nam cần phải gia nhập WTO trong năm nay.
Hoa Kỳ biết điều đó, đoàn đàm phán của Mỹ cũng biết điều đó và vào đầu tuần tới, sẽ thật tâm thảo luận với đoàn đàm phán của Việt Nam.
Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Bower.