Cải tổ Bưu chính Nhật Bản
2005.08.10
Nguyễn Xuân Nghĩa
Hôm Thứ Hai mùng tám, Thủ tướng Nhật Bản đã giải tán Hạ viện sau khi Thượng viện bác bỏ đề nghị cải tổ hệ thống Bưu chính của ông. Vì sao một vụ cải cách lại dẫn tới khủng hoảng chính trị? Diễn đàn Kinh tế xin trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về vấn đề này trong tiết mục chuyên đề hàng tuần do Nguyễn An thực hiện sau đây.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Nhật Bản vừa bước vào một vụ khủng hoảng chính trị phải nói là bất ngờ khi Hạ viện bị giải tán sau khi Thượng viện bỏ phiếu chống đề nghị cải tổ hệ thống Bưu chính của Thủ tướng Junichiro Koizumi.
Xin ông trình bày cho thính giả biết về bối cảnh của hồ sơ này, trước khi chúng ta tìm hiểu về nguyên nhân và hậu quả của vấn đề.
Bối cảnh của vụ khủng hoảng
Đáp: Trong vụ khủng hoảng này, ta có hai tầng vấn đề gắn liền với nhau là tài chính và chính trị. Nhật Bản là quốc gia theo tư bản chủ nghĩa, mà lại có một hệ thống bao cấp nặng nề nhất trong một doanh nghiệp nhà nước có đông nhân viên nhất, là 40 vạn người, kiểm soát một khối lượng tài chính lớn lao nhất, hơn tất cả các ngân hàng lớn nhất thế giới, lên tới hơn ba ngàn tỷ Mỹ kim, khoảng từ 350 đến 386 tỷ Yen, bằng tổng số sản xuất của hơn 80 triệu người Việt trong gần 100 năm.
Đó là hệ thống Bưu chính, có tới 25.000 chi nhánh thu góp đến 30% tổng số tiết kiệm toàn quốc, làm chủ 20% tổng số công khố phiếu và hoạt động trong lĩnh vực tín dụng và bảo hiểm với sự yểm trợ mặc nhiên về thuế khóa và chính sách của nhà nước.
Một giai thoại lịch sử lý thú, rằng Nhật Bản có tiếng là tiết kiệm nhiều qua hệ thống Bưu chính ấy, và Mỹ mang tiếng tiết kiệm ít mà tiêu xài nhiều, nhưng thực ra, chính Nhật Bản đã học được cách thu góp tiết kiệm ấy từ Hoa Kỳ, gần trăm năm trước… Đông và Tây có khi gặp nhau, rồi lại chia tay!
Nhân đây, xin nói thêm như một giai thoại lịch sử lý thú, rằng Nhật Bản có tiếng là tiết kiệm nhiều qua hệ thống Bưu chính ấy, và Mỹ mang tiếng tiết kiệm ít mà tiêu xài nhiều, nhưng thực ra, chính Nhật Bản đã học được cách thu góp tiết kiệm ấy từ Hoa Kỳ, gần trăm năm trước… Đông và Tây có khi gặp nhau, rồi lại chia tay!
Từ khi còn là Dân biểu và sau khi lên làm Thủ tướng năm 2001, ông Junichiro Koizumi nêu rõ quyết tâm ông cho là lớn lao nhất kể từ trăm năm nay và hơn cả mạng sống của mình, đó là phá vỡ hệ thống bao cấp ấy qua việc cải tổ và tư nhân hóa Bưu chính Nhật, bằng cách chia thành bốn ngành khác nhau là ngân hàng, bảo hiểm, chuyển thư và bưu điện.
Đề nghị cải tổ của ông đã được Hạ viện Nhật chấp thuận hôm mùng năm tháng Bảy vừa qua với đa số vỏn vẹn có năm phiếu. Hôm Thứ Hai, Thượng viện lại bác bỏ với một đa số còn lớn hơn, là 17 phiếu; 90 phút sau khi biết kết quả, Thủ tướng Kozumi dùng quyền hiến định giải tán Hạ viện và cho bầu lại trong 40 ngày. Ngày bầu cử được chọn lựa là Chủ nhật 11 tháng Chín tới đây.
Hệ thống bao cấp
Hỏi: Bây giờ ta mới tìm hiểu về hệ thống ông gọi là bao cấp ấy. Như ông vừa tóm lược, Bưu chính Nhật không chỉ hoạt động về bưu điện mà còn là một trung tâm tài chính có quy mô lớn lao đến như vậy, thế thì đâu là vấn đề, vì sao mà phải cải cách?
Đáp: Thưa vấn đề này rất đáng cho Việt Nam theo dõi và tìm hiểu để thấy trước hậu quả tai hại của thiện chí ban đầu là huy động tiết kiệm để công nghiệp hóa và hiện đại hóa xứ sở. Bưu chính Nhật thu tiền tiết kiệm của công chúng về và được quyền kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm nhân thọ mà lại được miễn đa số các loại thuế và được nhà nước yểm trợ qua chính sách bảo hiểm ký thác, tức là bảo đảm hoàn trả lại tiền ký thác tiết kiệm cho các trương chủ.
Các quy định ấy khiến Bưu chính Nhật trở thành một ngân hàng được trợ cấp và hệ thống bảo hiểm nhân thọ, tên là Kampo, thực tế kiểm soát đến 40% tài sản bảo hiểm toàn quốc và cũng được chính phủ bảo đảm phía sau.
Hệ thống tài chính ấy lại nằm dưới sự giám hộ của bộ chủ quản là Bộ Viễn thông, chứ không phải Cơ quan Giám sát Tài chính. Hậu quả là doanh nghiệp nhà nước ấy có ưu thế cạnh tranh hơn hẳn các ngân hàng hay công ty bảo hiểm tư doanh nhờ mạng lưới chi nhánh tỏa rộng và hệ thống luật lệ ưu đãi. Khi được ưu đãi như thế, hệ thống tài chính ấy sung dụng tài nguyên, cụ thể là cho vay, một cách lệch lạc chỉ vì mọi rủi ro đều đã có nhà nước cáng đáng ở phía sau.
Một vấn đề còn nghiêm trọng hơn thế là Bưu chính Nhật Bản cũng trở thành một hệ thống yểm trợ đảng cầm quyền, là đảng Tự do Dân chủ, qua số lượng nhân viên rất lớn và mạng lưới chi nhánh rất rộng, nhất là ở nông thôn.
Thành thử, thiện chí thu góp tiết kiệm ban đầu đã dẫn tới sự cấu kết giữa đảng cầm quyền và doanh nghiệp, chẳng những sử dụng tài sản có khi sai lạc mục tiêu kinh tế nhưng có lợi về chính trị mà còn tạo ra sự cạnh tranh bất chính và bất công về chính trị. Vì những lý do ấy, Thủ tướng Kozumi mới nhất quyết tiến hành cải tổ.
Mặt trái của vấn đề
Bưu chính Nhật thu tiền tiết kiệm của công chúng về và được quyền kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm nhân thọ mà lại được miễn đa số các loại thuế và được nhà nước yểm trợ qua chính sách bảo hiểm ký thác, tức là bảo đảm hoàn trả lại tiền ký thác tiết kiệm cho các trương chủ.
Hỏi: Như vậy, ta phải tìm hiểu mặt trái của vấn đề, vì sao việc cải cách ấy lại bị chống?
Đáp: Và bị chống ngay trong đảng cầm quyền mới là điều đáng chú ý! Một người chống đối mạnh nhất là cựu Thủ tướng và cũng là người đỡ đầu cho ông Koizumi, là Yoshiro Mori. Lãnh tụ đảng đối lập mạnh nhất là ông Katsuya Okada của đảng Dân chủ tất nhiên cũng chống.
Mọi đổi thay đều khiến cho người được kẻ thua nên có chống đối là tất nhiên, miễn là được trình bày minh bạch cho công chúng hiểu rõ và chọn lựa. Lý do chống đối ở đây có rất nhiều, tùy cách mình nhìn. Trước hết, việc cải cách và tư nhân hóa có thể làm một số công nhân viên chức Bưu chính bị mất việc trong một hệ thống lao động xưa nay vẫn được bảo vệ, cụ thể là nhiều chi nhánh vô dụng sẽ phải đóng cửa.
Giới dân cử trong đảng Tự do Dân chủ của ông Koizumi thì chống vì Bưu chính Nhật sẽ hết tài trợ loại dự án xây dựng có lợi cho họ ở địa phương. Doanh giới cũng có người chống vì e là kế hoạch cải tổ này sẽ lập ra các ngân hàng hay doanh nghiệp bảo hiểm có sẵn ưu thế là mạng lưới chi nhánh tỏa rộng khắp nơi và một lượng tài sản kinh doanh khổng lồ. Vì vậy, dù kế hoạch cải cách chỉ hoàn tất trong 12 năm tới, vào năm 2017, ông Koizumi vẫn gặp sự chống đối rất mạnh.
Một lý do khác nữa cần nêu ra là nhiều dân biểu hay viên chức trong nội các Koizumi cũng chống vì cho là ông ta quá cứng rắn, ngang ngược, không chịu chấp nhận ý kiến dị biệt.
Những tính toán của Thủ tướng Koizumi
Hỏi: Bây giờ, ta bước qua địa hạt chính trị, về những tính toán của Thủ tướng Koizumi trong hoàn cảnh chính trị hiện nay của Nhật Bản.
Nhật Bản có hệ thống chính trị ổn định nhất, dựa trên sự thỏa hiệp và đồng thuận giữa nhiều phe trong đảng cầm quyền; nhưng cái giá phải trả là nạn tham nhũng và cấu kết giữa đặc quyền với đặc lợi, đi cùng nạn ách tắc, trì trệ khi phải đổi thay theo hoàn cảnh mới.
Đáp: Chúng ta đang bước vào một lãnh vực lý thú khác, đó là cái giá của sự ổn định và những trở ngại của hiện đại hóa. Từ năm 1948 đến nay, đảng Tự do Dân chủ Nhật đã cầm quyền liên tục, ngoại trừ có 30 tháng sau khi bị lật đổ từ vụ khủng hoảng tài chính chuyển qua chính trị năm 1993.
Nhật Bản có hệ thống chính trị ổn định nhất, dựa trên sự thỏa hiệp và đồng thuận giữa nhiều phe trong đảng cầm quyền; nhưng cái giá phải trả là nạn tham nhũng và cấu kết giữa đặc quyền với đặc lợi, đi cùng nạn ách tắc, trì trệ khi phải đổi thay theo hoàn cảnh mới.
Sau gần 10 năm xoay trở với loại giải pháp cải cách nửa vời trong khi kinh tế bị suy sụp từ vụ bể bóng đầu tư đầu năm 1990 và bị năm bảy lần suy trầm liên tục, đảng Tự do Dân chủ đã đưa một nhân vật ngoại khổ và có tinh thần cải cách mạnh nhất là ông Koizumi lên lãnh đạo đảng và cầm quyền, vào năm 2001. Ông ta mất gần bốn năm vận động nay mới hoàn thành đề nghị cải cách ông cho là quan trọng nhất. Và lần này gặp thất bại ngay từ trong đảng.
Tình hình chính trường Nhật Bản
Hỏi: Đó là chuyện ông Koizumi, thưa ông, thế còn tình hình chính trường Nhật thì sao?
Đáp: Đảng Tự do Dân chủ hiện nắm đa số là 250 trong số 480 dân biểu tại Hạ viện, vốn là cơ chế có ảnh hưởng quyết định lớn hơn là Thượng viện. Tại viện trên này, đảng không chiếm đa số mà phải liên kết với đảng Công Minh có xu hướng Phật giáo hậu thuẫn phía sau, gọi là đảng Komeito. Ông Koizumi bị trách cứ là thua phiếu tại Thượng viện mà lại giải tán Hạ viện nhưng thực ra, ông đang tính làm một cuộc cách mạng hoặc thanh trừng ngay trong đảng.
Lý do là dù vừa thắng phiếu tại Thượng viện năm ngoái và thắng cử hội đồng tỉnh tại Tokyo vào tháng trước, đảng đối lập mạnh nhất là đảng Dân chủ thực ra cũng gặp vấn đề vì không phát triển được ở nông thôn và trong thành thị thì gặp chướng ngại lớn nhất là đảng Công Minh.
Trong khi đó, dù đảng Tự do Dân chủ và bản thân mình có bị mất dần hậu thuẫn của quần chúng, ông Koizumi có thể cũng tin là mình vẫn chiếm đủ đa số trong cuộc bầu cử tới. Với đa số hiện nay là 250 ghế, lại liên kết với đảng Công minh đang có 34 ghế, nếu đảng Tự do Dân chủ chỉ còn 207 ghế thì vẫn có thể cầm quyền, tức là nếu không mất hơn 43 ghế tại Hạ viện mà còn loại bỏ được các nhân vật thủ cựu và chống cải cách trong đảng.
Hậu quả của kế hoạch cải cách
Hỏi: Đấy là những cân nhắc của ông Koizumi trong kế hoạch trọng đại này, nhưng thực tế có xảy ra như vậy hay không? Xin hỏi ông về hậu quả của từng giả thuyết trong tương lai…
Từ nay đến 11 tháng Chín, các thị trường tài chính đều ở vào tư thế chờ đợi. Nếu ông Koizumi thắng, việc cải cách sẽ tiếp tục; nếu ông ta thua, chính trường Nhật sẽ gặp ách tắc, kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng và riêng cổ phiếu, trái phiếu và cả trị giá đồng Yen sẽ sụt.
Đáp: Vì kế hoạch cải cách ấy liên hệ đến mấy ngàn tỷ Mỹ kim nên các thị trường tài chính thế giới đều nín thở theo dõi vụ này, và người ta đã nêu ra nhiều giả thuyết hay kịch bản khác nhau.
Từ nay đến 11 tháng Chín, các thị trường tài chính đều ở vào tư thế chờ đợi. Nếu ông Koizumi thắng, việc cải cách sẽ tiếp tục; nếu ông ta thua, chính trường Nhật sẽ gặp ách tắc, kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng và riêng cổ phiếu, trái phiếu và cả trị giá đồng Yen sẽ sụt.
Nói chung, việc Thượng viện Nhật bác bỏ đề nghị cải cách chưa hẳn là một thất bại cho ông Koizumi mà còn là cơ hội cho ông dàn lại trận thế. Nếu đảng của ông thua ít hơn 43 ghế, ông ta coi như đã thắng vì sẽ loại được các phần tử thủ cựu trong đảng và tiếp tục cải cách còn mạnh mẽ hơn để Nhật Bản chấm dứt chế độ bao cấp lưu cữu từ hơn nửa thế kỷ nay. Đây là một cuộc đấu tranh có tính cách mạng về tương lai của cả xã hội Nhật.
Giả thuyết thứ hai, có xác suất thấp hơn, vì dù có chiếm đa số tại Hạ viện, đảng Dân chủ đối lập hiện chưa đủ mạnh tại Thượng viện để có thể liên minh với đảng Công Minh, hoặc với hai đảng rất yếu của cánh tả là đảng Cộng sản và đảng Dân chủ Xã hội.
Trong giả thuyết ấy, đảng cầm quyền sau này sẽ không đủ đa số ở cả hai viện và phải thỏa hiệp với đối lập trong từng dự luật, từng hồ sơ. Ách tắc ấy có thể kéo dài đến cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng Bảy năm 2007, may ra thì hai đảng Dân chủ và Công minh có thể tìm ra nền tảng liên minh.
Giả thuyết thứ ba, cũng có xác suất thấp tại Thượng viện, là phe thủ cựu trong đảng Tự do Dân chủ sẽ bước qua liên kết với đảng Dân chủ. Vốn là thành phần chủ hòa và theo xu hướng xã hội bao cấp, phe thủ cựu này sẽ cùng đảng Dân chủ kéo nước Nhật qua cánh tả. Sau một giai đoạn hồ hởi ngắn, ta sẽ thấy lãi suất tăng, đà tăng trưởng giảm và việc cải tổ bị đảo ngược, các thị trường tài chính sẽ bị chấn động nặng khi Trung Quốc cũng đang có vấn đề.
Bài học cho Việt Nam
Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, Việt Nam có thể rút tỉa được bài học gì từ cuộc khủng hoảng hiện nay tại Nhật Bản?
Đáp: Mọi quyết định kinh tế hay chính trị đều có hậu quả trong dài hạn và vượt khỏi những tính toán hay thiện chí ban đầu cho nên lãnh đạo phải nhìn xa và rộng hơn các mục tiêu trước mắt. Thứ nữa, khi đã để đặc quyền và đặc lợi cấu kết với nhau thành tham nhũng thì việc gỡ bỏ ảnh hưởng sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và tổn thất.
Nhật Bản là nền kinh tế đứng hàng thứ nhì của thế giới mà còn bị như vậy thì Việt Nam không thể lạc quan coi thường được. So sánh thì hệ thống bao cấp của Nhật còn chưa tệ hại bằng những gì đang xảy ra tại Trung Quốc hay Việt Nam, và dù sao họ cũng có dân chủ để dân chúng có quyền phán xét chung cuộc. Hai xứ kia thì chưa, nên cuối cùngnhiều thế hệ sẽ phải trả nợ mà không biết nguyên do từ đâu.
Những bài liên quan
- Đổi mới Công đoàn
- Luật đầu tư mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam
- Giáo sư Phan Đình Diệu trả lời phỏng vấn RFA về Hội Thảo Hè ở Đà Nẵng
- Giá đi tour trọn gói Thái Lan rẻ hơn du lịch từ Sài Gòn đến Hà Nội
- Ảo thuật hối đoái của Trung Quốc
- Ảnh hưởng của việc Trung Quốc thả nổi đồng nhân dân tệ đối với Việt Nam
- Thị trường bảo hiểm y tế Việt Nam sắp mở rộng
- Doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều trở ngại khi đầu tư ra nước ngoài
- Thị trường chứng khoán Việt Nam sau 5 năm thành lập vẫn còn yếu kém
- Triển vọng quan hệ Việt-Trung sau chuyến viếng thăm của ông Trần Đức Lương?
- Dầu thô sẽ sụt giá?
- Công Ty Văn Hóa Phương Nam tham gia sàn giao dịch chứng khoán Sài Gòn
- Ngành giày da Việt Nam trước nguy cơ bị EU kiện bán phá giá
- Nhà nước và Thị trường
- 30 năm nhìn lại ngành du lịch Việt Nam